Friday, September 2, 2016

CHẾT MÒN (Ngô Viết Trọng)





CHẾT   MÒN   

    Sau khi cuộc sống tạm ổn, điều đầu tiên tôi mong ước là được gặp lại Tấn. Vợ chồng Tấn đã cưu mang che chở tôi suốt một thời gian dài trong bước khốn cùng vào cuối cuộc chiến. Nghe phong phanh là Tấn không hề ở tù một ngày nào, tuy mừng cho Tấn nhưng tôi cũng hơi thắc mắc. Trong chuyến về thăm quê vừa rồi, may sao, tôi gặp được bà mẹ Tấn. Vốn biết tình thân giữa tôi và Tấn, bà đã kín đáo cho tôi cái địa chỉ. Trở về nhà xong tôi liền thu xếp để đi thăm Tấn.

   Theo lộ trình người ta chỉ, tôi đến đúng thôn Bình Tân vào khoảng một giờ trưa. Quãng đường này quá nhiều ổ gà đã làm chiếc xe cứ tung lên dằn xuống không biết bao nhiêu lần. Lại phải ngồi gò bó như ép giữa đám hành khách đầy nhóc lẫn với hàng hóa khiến chân tôi tê cứng, phải đợi máu lưu thông lại mới bước xuống đất được. Người tôi mệt nhừ. Áo quần, mặt mũi, hành lý đều phủ một lớp bụi dày. Tôi phủi sơ qua rồi vội vã kiếm người hỏi thăm. Thấy ba em bé cỡ mười tuổi, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, mỗi em đang nách một rổ rau hoang đang đi ngược chiều, tôi hỏi :
    -Mấy em có biết nhà ông Thìn ở đâu đây không?
    -Ông Thìn râu hả? Ông cứ đi thẳng tới một đoạn nữa thì gặp một ngả tư, nhà có cây nhãn trước ngõ là nhà ông Thìn râu đó.
    Tôi có nghe mẹ Tấn nói bây giờ Tấn đã tự đổi ra tên Thìn, nhưng Thìn râu thì tôi chưa nghe tới. Tôi bước tới mấy bước nữa thì cây nhãn hiện ra trước mắt. Nhà có hàng rào nhưng cửa không đóng. 
    -Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm.
    Một ông già ốm o còm cõi râu để dài tới rốn bước ra:
    -Ông muốn hỏi gì?
     Tôi nghe hình như có chút âm hưởng quen thuộc trong giọng nói ông già. Nhưng người thì lạ hoắc. Trông ông già ước chừng bảy mươi tuổi. 
    -Dạ, tôi muốn gặp ông Thìn!
    -Thìn là tôi đây. Ông tìm tôi có chuyện gì?
    -Xin lỗi, có lẽ tôi lầm. Bạn tôi chưa quá năm mươi tuổi. 
    -Ông Thìn bạn ông ở Bình Tân này à? Đáng tiếc, thôn này chỉ có một mình tôi tên Thìn, Thìn râu. 
    Tôi thất vọng quá chừng. Chẳng lẽ mẹ Tấn lại cho lầm địa chỉ? Ông già thì cứ chằm chằm nhìn tôi. 
    -Chuyện đâu còn đó. Mời ông vô nhà uống nước cái đã!
    Người tôi đã mệt nhừ, lại khát nước. Tôi không khách sáo, vội bước theo ông già. Tôi xin một thau nước để rửa mặt mũi. Ông già pha nước bưng ra bàn. 
    Uống được mấy hớp, ông già bỗng nhướng người lên như nhớ ra điều gì:
    -Ông là Sơn phải không?
    -Vâng, tôi đúng là Sơn. Còn bác là ai mà biết tôi?
   -Tao đây! Thìn râu đây! Tấn đây! Tệ thật! Khi mày mới tới, bụi nó phủ mặt mày tèm lem tao nhìn mãi không ra. 
    Tôi mừng rỡ chồm qua nắm lấy tay Tấn:
    -Mày trông già hơn tuổi thật đến cả hai chục năm. Tao không thể nào ngờ được. Thế chị và các cháu đi đâu hết rồi?
    -Bà xã mình đi hái mớ rau. Con thì đứa đi rẫy, đứa đi lang thang đâu đó.
    Năm 1975 Tấn mới ngoài ba mươi, với nước da trắng trẻo trông non choẹt như trai mới lớn. Không ngờ chỉ mười lăm năm sau người Tấn lại ra thế này! Đúng là ảnh hưởng của tinh thần ghê gớm thật! Giữa lúc chúng tôi đang vui mừng thì chị Tấn về. Chị cũng bưng một rổ rau hoang như những đứa bé tôi đã gặp. Tôi nghĩ đây là rau dùng để nuôi heo. Tôi nhận ra chị ngay dù chị cũng già đi hơi nhiều. Chị Tấn chỉ bỡ ngỡ chút xíu rồi cũng nhận ra tôi. Tôi tắm rửa, nghỉ ngơi, nói chuyện với vợ chồng Tấn suốt mấy tiếng. Khoảng bốn giờ chiều, Tấn nói với vợ:
    -Bây giờ mình ở nhà lo cơm nước. Tôi dẫn thằng Sơn đi xem sinh hoạt thị xã mình một tí.
    Tấn dẫn tôi đi bộ một chốc thì đến một ngả tư, nơi đây có chừng mươi cái nhà ngói vách ván đều quay mặt ra đường giao thông chính. Tấn chỉ tay vào một cái nhà ngói ba căn, có một căn che chái dôi ra phía trước làm quán, nói:
    -Bình Tân chỉ có mấy cái nhà ngói này, đều là nhà chức sắc. Còn lại toàn thôn đều là nhà tranh vách lá. Riêng cái nhà này là cơ sở kinh doanh lớn nhất ở đây, cũng là quán bà Liên.

    Lúc mới nhìn qua người ta tưởng như đây là một cái chợ. Dọc theo đường là những gánh than, gánh củi, gánh rau, gánh sắn... nối tiếp nhau. Bên hàng rào thì thấy dựng những tấm ván, những cây gỗ, những cưa, rựa, cuốc cào... Người ta lao nhao kẻ đứng người ngồi hoặc đi lại lăng xăng tỏ vẻ nôn nóng bồn chồn. Đa số là dân đi rừng rẫy về, nhiều người còn để cả mặt mày lem luốc chưa rửa kịp. Xen vào đó cũng có mấy bà đi chợ ghé qua, hoặc mấy em nhỏ xong buổi học chưa chịu về nhà. Họ đua nhau nói chuyện về mộng mị, về những con số, về những chuyện tiên độ phật độ, về những chuyện nợ nần ...
    -Họ tập trung làm gì đông thế? Thấy có ai mua bán gì đâu? - Tôi hỏi Tấn.
    -Họ đợi nghe kết quả xổ số. 
    -Dân ở đây cũng sang vậy à?  Mình đến đây làm nghề bán vé số chắc sống được!
    -Đánh số đề chứ mấy ai mua vé số đâu! Cứ ghi thiếu ở nhà bà Liên bán mầu non mà trừ chứ có tiền đâu mà mua vé số. 
    -Bán mầu non là bán gì?
    -Một hình thức cho vay tiền mặt khi chưa có hoa mầu và sẽ lấy lại bằng lương thực khi thu hoạch với lượng tiền lời cắt cổ. Ví dụ giá một cân đậu đầu mùa ước lượng bốn ngàn, lúc chưa gieo trồng được lấy gì bảo đảm, người bán đành chịu giá một ngàn một cân. Khi hoa mầu đã trổ hoa thì có thể bán được giá cao hơn như hai ngàn một cân chẳng hạn. Tới khi gánh đậu đi trả, bấy giờ mỗi cân đậu thực tế có thể đã lên năm bảy ngàn, người bán mới hối tiếc thấm thía. Đau nhất là họ còn phải tỏ vẻ cám ơn nồng nhiệt người đã bóc lột mình. Nếu bán mầu non để ăn qua ngày thì cám ơn cũng phải. Khổ là số tiền bán mầu non chỉ đi vào cơm gạo một phần mà vào số đề đến chín phần. 
    -Tại sao người ta phải cám ơn mà không dám xóa óa! Bà Liên làm gì được khi bà ta hành nghề bất hợp pháp?
    -Không được đâu mày ơi. Đã ở chốn này ai còn dám tráo trở! Ai dám tin mình sẽ khỏi trở lại nhờ cậy bà Liên lần khác? Hơn nữa ai cũng biết sau lưng bà Liên còn có chính quyền. Chốc nữa mày sẽ thấy người ta công khai chung tiền cho người trúng số ngay trong quán bà Liên hoặc những địa điểm gần kề. Người ta tập trung đông vậy mà có thấy anh du kích hay anh công an nào đâu? Bà Liên chỉ được bảo vệ chứ đâu có bị quấy rày!
    -Người ta lơ là như thế lỡ bất thần xảy ra chuyện gì thì sao?
    -Không đâu. Thấy vậy mà không phải vậy. Trúng nhỏ thì được chung sòng phẳng đàng hoàng, nhưng nếu có ai trúng năm bảy chỉ vàng trở lên là ngày đó y như có nhân viên công lực bố ráp. Cuộc chơi dù đã kết quả cũng phải hủy bỏ vì thầy đề đã bị bắt, phải làm kiểm điểm và chịu nộp phạt. Người trúng đã chẳng được gì, có khi còn bị bắt giữ nữa. Sau đó vài ngày thì tình trạng sinh hoạt lại y như cũ. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm, trong thôn này không còn mấy ai chơi lớn. Nhưng dù lớn hay nhỏ, đã ghiền đề, người ta phải lẩn quẩn bên chân bà Liên.

    Chúng tôi đang nói chuyện bỗng thấy đám đông ồn ào vang dậy. Một số người nhảy cởn lên ôm nhau la hét. Một số khác đập chân đập tay hoặc gãi đầu tỏ ra tức tối. Họ chen ra lấn vào, hỏi thăm nhau lung tung... Cảnh ồn ào sôi nổi kéo dài cho đến khi có người to tiếng kêu gọi im lặng để đợi nghe giây phút quan trọng thứ hai: số đuôi. Không lâu sau đó tiếng reo hò lại vang rân. Nhiều người lại ôm nhau nhảy cởn. Những nhóm thắng cuộc khui bánh khui bia ngay tại quán. Nhiều người khác tiu nghỉu quảy gánh ra về. Đám đông dần dần phân tán. Một số bợm ghiền ngồi lại quán ăn qua quít ít bánh trái rồi xây sòng "tiến lên". Một số khác về nhà cũng nhai gấp ba miếng rồi lục tục kéo trở lại quán tiếp chiến. Sinh hoạt quán càng về tối càng rộn ràng thêm. Nhiều bộ bài khác được đưa ra cho khách. Vì số bàn trong quán giới hạn, hoặc không tiền mà ham vui, số người đứng chầu rìa cũng đông. Tôi tò mò hỏi Tấn:
    -Đi làm về họ không mệt sao không chịu nghỉ ngơi? Họ thường chơi đến giờ nào?
    Tấn cười :
    -Máu ghiền hành. Mà thật sự họ cũng chẳng ai ham làm nhiều đâu! Buổi sáng trên đường vào rừng rẫy, họ mất cả giờ để thảo luận, để chọn số mà ghi. Tới chỗ họ vừa làm vừa dệt mộng. Đậu bị sâu rày phủ, bắp bị cỏ chụp họ cũng chẳng quan tâm bằng con số. Đầu óc họ cứ xoay về các điềm báo trong thực tế cũng như trong giấc ngủ. Khoảng nửa chiều họ lại ngong ngóng trở về để nghe kết quả. Lòng nôn nóng khiến họ nhận định dễ lầm lẫn. Bởi vậy, cứ khoảng ba giờ đã có nhiều người tập trung quanh quán. Họ lại đánh bài, nói dốc để đợi chờ xổ số dần dần thành thói quen. Còn sòng này bao giờ tan hả? Thường kéo dài tới nửa đêm, có khi kéo dài tới sáng không chừng. Mình nán lại đây chốc nữa sẽ thấy những kẻ đau khổ tới kêu réo chồng con về. Họ chỉ làm mình làm mảy được nếu chồng con còn biết nghe lời, ngược lại, họ đành cam chịu chứ chẳng biết đâu mà kêu réo nữa. Vài bà vợ tới kêu chồng bị chồng giở thói vũ phu ngay trước mặt ba quân thiên hạ là thường.
    -Bài bạc lộ liễu như vậy mà chính quyền không ngăn chận à? Ít nhất họ cũng phải sợ cấp trên chứ!   
    -Cậu đi đây đi đó nhiều nơi mà không biết à? Bài "tiến lên" là môn giải trí thời thượng đâu có gặp rắc rối gì với chính quyền! Trong các tiệm ăn, tiệm giải khát, các sạp chợ, giữa vỉa hè, giữa công viên... từ tỉnh thành đến xã huyện nơi nào cũng thấy. Tài xế, lơ xe, dân bốc vác, dân xích lô... cứ rảnh là tụ họp để "tiến lên". Công nhân, bộ đội, và cả công an nữa, hễ có dịp là tận tình tham gia môn chơi này. Có thể nói là “cả một dân tộc đang đồng loạt tiến lên”. Ngoài nhìn vào chỉ thấy họ chung cho nhau cái kẹo, điếu thuốc chẳng đáng kể gì chứ ai có biết đến việc bao nhiêu người tan nhà nát cửa!
    -Tại sao bạn lại chọn chỗ này mà ở? Tương lai con cái bạn sẽ ra sao?
    Tấn thở dài :
    -Kể cũng dài chuyện. Cái thôn kinh tế mới này ban đầu là nơi nhà nước chọn để đưa một số dân từ các tỉnh dồn về Sài gòn cuối cuộc chiến 1975 đến lập nghiệp. Nhà nước cấp cho mỗi hộ di dân 600 thước vuông đất để làm lô gia cư cùng với số lương thực dự trù ăn sáu tháng. Nhà nước cũng cấp một số cưa rựa cuốc xẻng để dân phá rừng làm rẫy. Nhưng sau khi lãnh lương thực xong, những hộ bất kham việc rừng rẫy dần dần biến mất. Để chiêu dụ khuyến khích dân, nhà nước bèn giao nơi này cho mấy anh Nam bộ cởi mở quản trị. Mấy anh này ít xét việc, ưa nhậu nhẹt vui vẻ, giấy tờ thì cứ kê lên đầu gối mà ký. Trong bước đầu khai phá, những người khỏe mạnh thường chọn nghề rừng. Cưa gỗ, làm than, làm củi dễ vô tiền mà khỏi mất công chăm sóc, chờ đợi như nghề rẫy. Thành thật mà nói, nghề rẫy ban đầu cũng khá huy hoàng. Đất rừng mới phá ít cỏ mọc, lại rất tốt. Đang thời kỳ khuyến khích, nhà nước rất ít nói đến việc thuế má. Đất đai ai muốn khai khẩn bao nhiêu tùy sức. Những hộ có nhiều người sức vóc lại cần cù chăm chỉ, làm ăn phấn phát thấy rõ. Thành thử Bình Tân thành nơi mời gọi những người thật sự tị nạn về hội tụ. Những người đã tưởng mình không còn cơ hội để làm một người dân tầm thường nhất thì nơi đây đã giúp đỡ dung dưỡng họ. Thật thế, sau một thời gian sống hòa hợp với nhau, qua những sự tình cờ, người ta biết đây gom toàn hạng người phức tạp nhất của xã hội. Sĩ quan chế độ cũ trốn cải tạo, bộ đội đào ngũ, cán bộ tham ô lọt lưới, kẻ mang án giết người, bọn làm chuyện thương luân bại lý... đều có nơi đây. Trong môi trường hỗn mang, được ưu tiên khai lại lý lịch, nhiều người đã từ bỏ được quá khứ để thành công dân mới. Một số hộ đông lao động may mắn chộp kịp thời cơ, trong mấy năm trúng mùa liên tiếp đã giàu nổi. Nhưng hễ có tiền là họ lại tìm cách chia tay ngay cái nơi đèo heo hút gió thiếu trường học, thiếu bệnh viện, bệnh hoạn chết chóc luôn luôn đe dọa này ngay. Rốt cục, nơi đây chỉ là chỗ tạm dung cho bọn Lương Sơn Bạc chưa có lối thoát như tao. Đi chỗ khác chắc gì yên ổn làm ăn hơn? Ở nơi đây có ưu điểm là thoát khỏi cảnh những người láng diềng lâu đời cứ dòm vào nồi cơm và lý lịch ba bốn đời của mình.

    Bây giờ thì những cán bộ người Nam xuề xòa đã về vườn hết rồi. Chính quyền đã ra tay qui hoạch thuế má đất đai. Tình trạng cứ nay đo mai đạt làm người dân luôn luôn hồi hộp không yên. Đất thì ngày càng xói mòn, mầu mỡ giảm sút, rày bọ thì ngày càng phát triển. Gỗ trên rừng cũng đã cạn, nghề xẻ gỗ đốt than cũng dần dần hết thời. Nhiều thợ rừng đã quay về nghề rẫy. Cũng nhiều người thử trồng tiêu, điều, cà phê nhưng rồi nước đào không ra nên rất khó ăn. Những hộ đủ lương thực giáp hạt ngày càng giảm.  
    Việc học hành của con em cũng chưa mấy khả quan. Thôn có một trường dạy từ lớp mẫu giáo tới lớp 5. Lên các lớp 6, 7, 8 phải ra trường xã. Từ lớp 9 trở lên đã thành vấn đề vì phải cơm đùm gạo bới về trường huyện quá xa. Thầy giáo ở thôn xã hầu hết thuộc loại bất đắc dĩ nên việc dạy dỗ cũng chẳng mấy nhiệt tình. Họ vừa dạy vừa lo nghĩ tìm việc phụ để cải thiện đời sống gia đình. Học trò thì đa số là con dân chế độ cũ hoặc con dân mang mặc cảm có tội nên không mấy tin tưởng vào tương lai mình. Cuộc sống thực tại lại bức bách không cho phép phụ huynh thúc đẩy con em chuyên tâm vào việc học. Các em khi vào lớp cũng trông mau hết giờ như các cô thầy giáo để về đi bẫy con chim con chuột hay mót củ sắn củ khoai. Một số em nhỏ còn phụ thêm việc ghi số đề nữa. Có học cũng chỉ gắng cho biết qua loa mấy chữ có lệ vậy thôi...

    Nghe những lời Tấn nói, tôi thấy lòng thắt lại. Một lớp người lớn tuổi chịu bất lực hi sinh đã đành, lại phí theo thêm nhiều lớp trẻ nữa, thật là đau đớn. Tôi đã từng nghe người ta nói "muốn sức khỏe nạo thai, muốn tương lai đi kinh tế mới", thì ra tương lai lại như thế này! Tôi ngẫm nghĩ chốc lát rồi hỏi Tấn :
    -Sao mày không tìm cách dọt đi chỗ khác? Tao thấy xa nơi này càng sớm càng hay.
    -Nào phải tao muốn sống mãi chốn này? Những cảnh xảy ra hàng ngày cũng khiến tao muốn điên đầu. Cha ngủ với con có chửa rồi phá thai cũng có. Rể ngủ với bà nhạc rồi ẩu đả với ông nhạc cũng có. Con trai nhè cha mình mà đánh chửi hàng ngày cũng có. Cậu ruột với cháu sống thành vợ chồng cũng có... Những chuyện này chính quyền thường lờ đi hoặc giải quyết rất ư ôn hòa. Họ chỉ cương quyết trong việc đo đất thu thuế. Người dân kinh tế mới hầu hết mang tâm trạng bị bạc đãi, lưu đày. Họ sống chỉ mong được bữa nào hay bữa đó. Khi thu hoạch được ít nhiều họ thường lo trả nợ mầu non sớm để lấy uy tín hòng dễ bán mầu non đợt kế tiếp. Sau đó họ cứ sống thoải mái một thời gian để trả thù những ngày vất vả đắng cay. Có bắp đậu họ không ngần ngại nếu gặp thịt ngon cá béo. Cho nên dù sống vùng kinh tế mới họ vẫn cố gắng để có những ngày tết huy hoàng. Nhưng qua tết thì họ cũng bắt đầu quệ. Giữa tháng giêng đã có nhà bắt đầu ăn rau hoang già trừ bữa. Họ cũng muốn đi làm thuê nhưng phải lội bộ hàng chục cây số tìm tới xã khác. Những chủ mướn mỗi ngày thường đợi lựa họ như lựa món hàng giữa chợ. Những người trông ốm yếu thường bị loại trừ. Nếu rủi gặp ngày không ai mướn, họ phải mang cái bụng lép để lội bộ về nhà. Cứ sống khắc khoải như thế cho tới mùa mưa. Sinh khí dân thôn bắt đầu trở lại khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống. Những rẫy bái khi xanh mầm bắp đậu chính là cơ sở tốt nhất để bán mầu non... Rồi lại mùa vô. Rồi họ lại sống những ngày tết huy hoàng. Rồi lại những ngày dài đói thê thảm nuốt rau hoang già trừ bữa. Cái tức cười là con người mà cũng có mùa gầy mùa béo như loài cá loài cua. Mình còn sức đâu mà xoay xở nữa! Đành cứ ngày lại ngày lết vào rẫy làm việc chiếu lệ. Con cái học hành nên hư cũng chẳng thiết nữa. Thu hoạch có thì cứ tiêu xài, cứ “tiến lên”, cứ số đề! Khi kẹt thì cứ bán mầu non. Nợ quán xá trường kỳ cũng dần quen thói, không có gì để phải áy náy. Túng quẫn nữa thì cứ rau hoang nước lã. Ngã xuống thì cứ ra nghĩa địa là xong. Có lẽ chẳng còn ai mong chờ gì khác ngoài một cuộc bể dâu mới. 

    Tôi lặng lẽ nghe từng lời của Tấn như nghe một bản cáo trạng xã hội. Tôi càng đau đớn thương xót cho Tấn. Thế này thì quả thật anh chẳng ở tù một ngày nào rồi. Nhưng không ở tù trong thì anh lại ở tù ngoài đến chung thân! Anh đã vô tình kéo luôn cả gia đình anh vào một vũng lầy vô vọng. Tôi thấy rằng mình phải suy nghĩ thật chín chắn mới có thể nói với Tấn những lời hữu ích. Tôi kéo Tấn vào quán bà Liên - không còn một chỗ nào để ngồi. Tôi mua mấy chai bia, mấy con khô, mấy chai nước ngọt cùng Tấn xách về. Vừa bước vào nhà, tôi thấy thằng con Tấn bưng tô rau chạy xuống nhà dưới. Tấn giở cái lồng bàn đậy cái mâm giữa bàn lên: một tô cơm trắng, một dĩa cá lòng tong kho ném, một dĩa muối đậu phộng với hai chén hai đôi đũa. Tấn nói :
    -Thôi, mình ăn!
    -Chị Thìn ơi, mời chị và mấy cháu ăn luôn thể!
    -Hai anh cứ ăn đi! Tôi và mấy cháu ăn rồi. 
    Tấn giục tôi ăn. Tôi cầm đũa gắp con cá lòng tong kho ném, món ăn tôi rất thích xưa nay. Nhưng mới nhai miếng cơm đầu tôi đã thấy nghẹn...
                                                                                     
    Ngô Viết Trọng
                               

No comments: