Friday, September 23, 2016

XÓM RẪY (Ngô Viết Trọng)





               XÓM   RẪY

    Nói là xóm cho vui chứ thật sự chỉ có mấy nhà. Nói là nhà đấy là hiểu theo nghĩa chữ gia đình chứ chỗ ở cũng chỉ là mấy cái chòi gỗ tạp lợp lá ọp ẹp. 
    Gia đình tôi đến chốn này khá muộn nên những rẫy bái gần khu dân cư không còn nữa. Thỉnh thoảng cũng có người sang nhượng rẫy nhưng chúng tôi làm gì có đủ tiền để mua. Chúng tôi đành tạm ở nhờ nhà người chị để đi làm mướn. Cuối cùng, chúng tôi cũng khai phá được một khu rẫy hơi xa xóm làng và khá cằn cỗi. 

    Rẫy càng xa càng nhiều muỗi mòng, đi lại mất nhiều công nên thời gian làm việc bị rút ngắn. Gặp những ngày mưa nắng bất thường, khi đi trời đang tạnh, đến rẫy trời lại mưa, thấy không ổn bỏ về tới nhà thì trời lại tạnh, chẳng làm được gì hết. Thấy có vợ chồng ông Qui, mới có đứa con trai lên ba, dựng chòi ở luôn trong rẫy, đỡ mệt mỏi vì đi lại, làm việc thoải mái, tôi cũng bắt chước xin phép chính quyền làm chòi ở rẫy và cũng được chấp thuận.

    Vợ chồng Qui người Thanh Hóa, đều cỡ tuổi 40. Qui là thiếu úy bộ đội phục viên, bà vợ hình như cũng là cựu cán bộ gì đó. Cả đôi đều quen ăn to nói lớn, lời lẽ bất chấp. Với cán bộ thôn xã họ coi như pha. Tôi để ý thấy những cán bộ này cũng hay tránh mặt Qui. Khi nói chuyện với ai không vừa ý, Qui thường có thói quen kèm câu "đít mẹ, láo tuốt, láo cả lũ!". Ngày kia, đoàn cán bộ công tác đo đất ghé qua nhà Qui, thấy mấy con gà béo nung núc ăn giữa sân, ông thôn trưởng cười bảo:
    -Ông Qui này, trưa nay thết đoàn công tác một bữa cơm gà nhé!
    Qui đang nhúm lửa đun ấm nước chưa kịp trả lời thì bà Qui từ ngoài rẫy bước vào lên giọng xẵng:
    -Cán bộ làm việc cho dân mà chưa làm đã đòi ăn thế hả? Tác phong gương mẫu ở chỗ nào?
    Mọi người, có cả viên bí thư xã, đều chưng hửng, tái mặt. Anh tập đoàn trưởng địa phương cười giả lả:
    -Làm gì nóng vậy! Ông ấy nói đùa thôi mà!
    Bà Qui nói mà không cười:
    -Thì tôi cũng nói đùa!
    Ấm nước Qui đun chưa kịp sôi thì đoàn công tác đã chào để đi nơi khác. 
    Khi kể lại chuyện đó xong, Qui cười :
    -Chửi thì sướng miệng thật đấy. Nhưng hậu quả đến liền ngay ông ơi. Lần này chúng đo đất chúng tôi rất chính xác, không nới một tấc. Chỉ tội nghiệp những người có đất chung quanh đó cũng bị đo chính xác theo.
    Tôi cũng cười :
    -Cũng tại anh muốn nghiêm chỉnh thì người ta làm nghiêm chỉnh đấy mà!
    -Đít mẹ, láo tuốt, láo cả lũ! Nghĩ lại mà tức cười cái thiệt thà của mình! Năm 1975 trên đường tiến quân vô Sài gòn vàng bạc thiếu chi! Thế mà gặp một phân cũng nộp cấp trên, gặp năm phân cũng nộp cấp trên! Ai ngờ đun vô họng chúng hết. Nếu lúc đó mình biết thủ một tí bây giờ đâu đến nỗi lội vô rừng sâu cuốc đất thế này! Chó đẻ thật!
    Hình như lúc nào vợ chồng Qui cũng sẵn sàng đốp chát với những kẻ có quyền hành. Ngược lại, với những người bình thường chung quanh thì họ lại cư xử khá khiêm tốn nhã nhặn. Có thể nói là họ còn chịu nhường nhịn nữa.
    Những khi cần đi đâu xa, vợ chồng Qui thường hay đem gởi thằng Tèo ở nhà tôi để nó chơi với bé Hạnh. Hai đứa hễ gặp nhau là cùng chơi mê miết quên uống quên ăn. Nhiều lần khi vợ chồng Qui sang dắt thằng Tèo về, thấy chúng lưu luyến nhau quá, đành phải nán lại rất lâu. Có khi dù chẳng đi đâu mà thấy thằng Tèo có vẻ ngẩn ngơ mong nhớ bạn Qui cũng dắt nó sang gởi chơi với bé Hạnh rồi trở về làm việc.

    Gia đình kế tiếp theo chúng tôi vô ở rẫy là vợ chồng ông bà Sáu. Ông Sáu đã 82, bà kém ông 6 tuổi. Hình như ông là con nhà võ, đã tới tuổi này mà trông ông còn khá mạnh. Ông còn dám một mình cầm búa rựa vào rừng đốn những cây khá lớn vác về dùng. Rẫy ông, luôn luôn sạch cỏ hơn bất cứ rẫy người nào. Những khi mưa gió hay nóng bức ông vẫn chịu khó đứng làm cỏ dẻo dai hơn cả lớp thanh niên. Chỉ có việc trỉa giống là ông chịu thua vì mắt kém và cúi lâu lưng đau chịu không nổi. Bà Sáu thì yếu chân, không lanh lẹ, nhưng khi cần bà cũng làm cỏ, bẻ bắp, hái đậu được. Bình thường bà chỉ làm quanh quất bên chòi và lo cơm nước. Ông bà là người Vĩnh Linh, Quảng Trị, có được ba người con trai đều đi bộ đội và sau cuộc chiến chẳng người nào trở về. Giờ ông bà chỉ còn một thằng cháu nội đã có gia đình đang ở cùng xã. Thỉnh thoảng anh ta lại dắt vợ con vô thăm, mang cho ông bà Sáu một ít vật dụng hay thức ăn. Ông bà Sáu tánh tình vui vẻ, hiếu khách, đối xử với mọi người cứ như bát nước đầy. Một lần thằng cháu bắt được một con ba ba lớn đem cho, gặp ngày mưa gió, thế mà ông cũng lội khắp xóm mời đủ mọi người tới ăn một miếng lấy thảo.
    Bà Sáu có chứng đau lưng, ông Sáu thường hay đấm bóp thoa xát cho bà.
    Một lần vợ tôi hỏi đùa bác Sáu gái:
    -Tới tuổi này mà bác trai cưng bác như vậy chắc lúc trẻ ông bà săn sóc nhau dữ lắm nhỉ! Có bao giờ gây gổ hay đánh nhau không bác?
    Bà Sáu cười tủm tỉm:
    -Ông hiền như bụt có mấy khi gây sự với ai! Nhưng cũng có một lần, một lần duy nhất, ông nện tôi một trận nên thân.   
    -Vì sao ông lại nện bác?
    -Chuyện rất tức cười. Lâu lắm rồi, hồi đó tôi chừng hăm lăm hăm sáu tuổi. Ông vừa thăm ruộng về thì nghe báo động "trâu ra" (tiếng lóng nói Pháp đi lùng thời bấy giờ). Vứt cái roi cày đang cầm trước cửa, ông bắc thang leo vội lên cái tra để núp. Nhà kiểu xưa thường đóng cái thùng gỗ lớn chứa lúa trên trần nhà, giữa bốn cột chính, gọi là cái tra. Tôi vừa cất cái thang xong thì một thằng Tây trắng bước vô nhà. Nó nói xi xô chi đó tôi không hiểu. Tôi đang run lập cập thì nó sấn lại đè ngửa tôi ra. Thời đó Tây đi lùng hãm hiếp đàn bà mình là chuyện quá thường. Không cách gì chống cự nổi, tôi đành nhẫn nhục chịu trận. Khi Tây rút rồi, tôi bắc cái thang cho ông xuống. Thấy tướng ông hằm hằm, tôi hỏi chuyện gì nhưng ông không mở miệng. Ông tìm cây roi cày rồi nắm tay tôi lôi ra sân đánh túi bụi thiệt tình như đánh trâu. Tôi đau điếng người kêu khóc vang lên. Người trong xóm nghe tiếng kéo đến đầy sân. Ai cũng kinh ngạc vì xưa nay ông quá hiền. Một người trong xóm xông tới giật cây roi trong tay ông quăng đi. Một ông lão giận dữ hỏi:
    -Tại sao mày đánh nó?
    Ông trả lời cộc lốc:
    -Tại nó! Tây hãm!
    Những người chung quanh nhao nhao lên:
    -Tây hãm thì ai cản được? Anh ngon sao không lo giữ! Chờ Tây đi rồi nhè vợ mà đánh?
    Ông trả lời ngắt quãng:
    -Tây nó hãm vợ tôi trước mặt tôi cũng đành chịu thôi. Tôi đâu có đánh vì chuyện đó. Tôi đánh đây là đánh cái tội nó cứ nẩy lên nẩy lên. Nằm trên tra ngó qua kẽ hở tôi thấy rõ ràng đâu có chối được? Nghĩ mà sôi gan!
    Mọi người cười òa như vỡ chợ. Chính tôi đang đau đớn khóc lóc cũng phải bật cười. Một gã thanh niên cười lăn cười lóc cả tiếng đồng hồ. Báo hại cả xóm từ đó cứ trêu tôi mãi. Có người đã đặt cho tôi biệt danh "mụ Sáu nẩy lên". Hơn ba chục năm sau cũng còn người nhắc chuyện đó...                        
    - Hỏi thật bác gái nhé, bác bị oan hay bác có nẩy lên thật? _ tôi đùa.
    Bác Sáu gái lại cười :
    - Run như khúc đuôi đứt của thằn lằn, sợ muốn chết, hứng thú gì mà nẩy với niếc!

        Gia đình thứ tư đến ở rẫy là gia đình Sâm cụt, cựu sĩ quan miền Nam. Tuy phải đi bằng một chân giả, anh cũng đi làm rẫy được như mọi người. Bà vợ trẻ hơn anh cả chục tuổi. Theo anh nói, mới cưới nhau được mấy tháng thì anh bị cụt giò. Anh bị thương ngay lúc giành dân lấn đất gượng vào giờ phút hiệp định ngưng bắn đã có hiệu lực năm 1973. Anh có mấy đứa con lớn với người vợ trước đã lập gia đình. Người vợ sau đến với anh bằng chút duyên văn nghệ. Thời gian đơn vị anh đóng tại Dạ Lê, anh hay qua lại cái quán may ở gần chợ Hôm mà quen nhau. Anh Sâm góa vợ, cô An lỡ thời, cùng chung thói mê đọc sách, mượn qua mượn lại rốt cuộc nên duyên vợ chồng. Khi nhà tan cửa nát, họ đến vùng rẫy này chỉ mang theo được một niềm an ủi còn sót là đứa con trai ba tuổi. Năm trước gặp lúc mùa màng bận rộn, hai vợ chồng ham làm ngoài rẫy, thằng nhỏ ở nhà chơi sao đó bị đống bắp sập xuống đè chết mất. Từ đó Sâm rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Ngoài những lúc cắm cúi vào công việc, anh cứ ngồi thừ ra hoặc ôm đầu ủ rũ. Khi gặp được toa thuốc, tờ lịch hay mảnh giấy báo anh Sâm đều trân trọng giữ gìn, hễ rảnh rỗi anh đem đọc đi đọc lại cho đến khi nó nát bấy. Một lần anh đến nhà tôi, gặp lúc vợ tôi mới đi chợ về đang soạn đồ, thấy một mảnh giấy báo gói thấm đầy cả nước cá lẫn mỡ heo, anh mừng rỡ xin ngay. Anh phủi sơ qua rồi đọc kỹ cả hai mặt bất kể mục gì. Tôi thấy một đoạn truyện Tàu, một bài thơ tình ngắn không được hay, còn bao nhiêu là rao vặt. Anh đọc xong cẩn thận cất vào túi. Chị Sâm bấm tôi nói nhỏ:
    -Tội nghiệp, anh ấy thèm đọc chữ lắm. Có một lần tôi thấy quê muốn chết vì chuyện đó. Khi qua quãng đường kia, gặp bãi phân của một thằng nhỏ mới thải ra, có tờ giấy lau lộ mấy hàng chữ Hán. Mùi thối bốc lên nồng nặc vậy mà anh cũng đứng lại nhìn. Tôi cố bước mau cho qua quãng đó rồi phải đợi anh mất mấy phút. Buổi chiều anh biết sao không? Tôi bắt gặp anh ấy đang lén rửa tờ giấy dơ dáy đó. Anh ấy đã dùng ni lông để bọc lại và giữ đến bây giờ vẫn còn. Đó là bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với bản dịch của ông Tản Đà.
    Nghe vậy, từ đó về sau đi đâu tôi cũng ráng kiếm sách báo bất cứ loại gì, đem làm quà cho Sâm. Lần nào anh cũng hân hoan tiếp nhận. Rõ ràng khi có sách báo để đọc, vẻ thẫn thờ của Sâm giảm đi rất nhiều.

    Gia đình cuối cùng, cũng là gia đình rủi ro hơn hết. Đó là cha con ông Hai. Ông Hai người Quảng Nam, khoảng năm mươi tuổi. Người con ông tên Dân chừng hăm lăm tuổi, độc thân. Từ ngày đến đây ông Hai chỉ chú tâm vào việc rẫy và không đi đâu hết. Còn anh Dân chuyên vào việc làm than gỗ trên rừng. Năm ba ngày anh lại về mua thức ăn và những gì cần thiết cho hai cha con. Đậu bắp ông Hai thu vô đều do anh Dân tải đi tiêu thụ. Cuộc sống của ông Hai rất giản dị, theo phương châm có gì xài nấy. Nhiều lần Dân bận không mua được thức ăn, ông dùng vài trái ớt giã chung với một dúm muối là đưa trôi khỏe từng bữa cơm. Đối với dân quê, muối ớt là món ăn khá thông dụng. Muối ớt dùng ăn với cơm, chắm rau, chắm quả chua quả chát đều tốt. Nhiều người có thể ăn cơm chỉ với món muối ớt hằng tuần, hằng tháng.   
      
    Rồi bất ngờ một tai biến khủng khiếp xảy ra. Khi Dân từ rừng về chòi thì thấy thân thể người cha tím bầm, nằm co quắp dưới đất đã cứng đơ. Gần xác ông Hai có mấy chữ "coi chừng con rắn" vạch nguệch ngoạc trên đất. Dân hoảng hốt tìm kỹ thì thấy vết cắn còn dấu răng trên mu bàn chân phải cha mình. Sau khi chôn cất cha, Dân sang cái rẫy cho người khác rồi theo hẳn nghề rừng.

    Bước đầu cuộc sống ở rẫy, tôi thấy tinh thần, thể xác đều dễ chịu hơn trước nhiều. Gần như buổi sáng nào tôi cũng thâu vào được chút lộc nhỏ, cũng là một niềm vui. Cứ thức dậy là tôi chụp ngay cái đèn pin bên cạnh để đi xuống suối. Con chó mực khôn ngoan lúc nào cũng chực sẵn để cùng đi với tôi. Thấy tôi nhắm về hướng nào là nó theo hướng đó cắm đầu chạy trước. Nhờ ông tướng tiên phong ấy, tôi chẳng mấy khi gặp trở ngại trên đường. Đến suối, con chó cứ chạy bên bờ để đuổi chim đuổi chuột. Tôi thì bì bõm lội để thăm mấy cần câu cắm từ chiều hôm trước. Nỗi vui sướng cùng hồi hộp là khi mình lội đầu này mà nghe tiếng vùng vẫy trong nước đầu kia. Hồi hộp thật vì nhiều lần thấy cá vùng vẫy sướng mắt thế kia nhưng khi mình tới gần thì nó sẩy mất. Lâu lâu tôi lại được một con lóc hay một con trê lớn. Bình thường thì được cá nhỏ đủ loại lóc, trê, chạch, lăn, mè, lòng tong... Nhín nhín cũng tạm đủ cho cả gia đình đưa cơm hằng ngày. Ở chốn núi non xa cách này, chỉ trừ vài gia đình lợi dụng được mấy con suối, đại đa số dân cư chỉ dùng được cá khô mua ở chợ. Tôi đến đây hơi muộn nhưng lại có duyên với cái rẫy nhiều sỏi đá này. Những người đã đi qua nó ai cũng chê, nó đành phải đợi gia đình tôi. Tôi nhìn thấy được ưu điểm của nó nhờ kinh nghiệm từ thuở nhỏ hay đi câu cá. Con suối bao bọc  quanh hơn một nửa chu vi rẫy, toàn đá là đá giữa lòng. Có nhiều tảng lớn hơn cả con voi già nằm kế nhau tạo thành những chỗ ở thiên nhiên  rất tốt cho loài thủy tộc. Tôi vẫn giữ lại một số cây tự nhiên hai bên bờ. Chỗ nào thuận tiện tôi chen vào một gốc chuối. Tôi cũng biết loại suối này, khi đo đạc để định thuế nhà nước không tính vào diện tích sản xuất. Con suối này không thể biến cải thành ruộng lúa hay ruộng rau như một vài nơi khác. Nhưng chúng tôi đã nặn ra mối lợi trường kỳ là trong nhà luôn luôn có cá ăn. Đã đỡ tiền chợ, nguồn bồi dưỡng sức khỏe mọi người trong nhà lại được tăng cường đều đặn. Tiếp đó, chúng tôi còn tận dụng nước suối để trồng rau vào mùa khô. Vợ chồng cứ thong thả múc nước tưới, rau cứ được đem ra chợ đều đều. Những ngày nực nội, tôi tha hồ ngâm nước. Sau đó, leo lên một tảng đá nằm phơi thoải mái. Mắt ngắm mây bay chim liệng, tai nghe dòng nước róc rách thầm thỉ... tận hưởng cái thú lâm tuyền.
    Vào mùa, ngủ dậy lúc nào làm việc lúc đó. Tạnh ráo thì ra rẫy làm cỏ, mưa xuống thì ngồi trong chòi gở bắp, khi nào cũng lo công việc được, ít phí thì giờ. Sướng nhất là xa rời được những buổi họp hai ba giờ vừa buồn ngủ, vừa đau lưng để nghe những kế hoạch, chương trình bánh vẽ. Bình thường thong thả thì dạo quanh thăm cây thăm cỏ. Hứng thú thì tìm việc làm, mệt mỏi thì nằm nghỉ, chẳng có ai quấy rầy. Những điều kiện sống như thế hẳn rất nhiều người mơ ước. Sự thoải mái về tinh thần, tạm đủ về vật chất tưởng như đã làm nhạt mờ dần những ý thức đua tranh trong tôi. Nhưng chỉ qua một thời gian thì những điều không ổn trong cuộc sống ấy dần hiện ra.

    Thỉnh thoảng giữa đêm khuya có những bóng đen rảo từ rẫy này sang rẫy nọ, không ai biết đó là cán bộ, thợ săn hay trộm cướp. Thời buổi đói kém, pháp luật lại quá linh động, người dân làm sao yên lòng được?
    Một hôm bà Sáu bị một con rít cắn, ông Sáu chỉ biết nhai lá rừng buộc vào vết thương, bà phải rên khóc suốt đêm đến sáng mới giảm. 
    Cái hứng thú hưởng thụ cảnh lâm tuyền của tôi nhòa dần. Bấy giờ tôi mới để ý thấy da dẻ những người ở rẫy ai cũng càng ngày càng bủng beo xanh xao.
    Gia đình tôi ngoài mấy đứa con lớn đã tự lập, còn có hai bé gái. Liên lên năm và Hạnh mới lên hai. Khi mới dọn vào ở rẫy, vợ chồng tôi ngày nào cũng cắm cúi làm việc. Hai đứa nhỏ chỉ biết chơi với nhau trong nhà. Năm sau thấy cần phải cho bé Liên đến trường, tôi dắt nó đi sắm một ít áo quần, sách vở. Lần đầu thấy được con đường nhựa, nó ngạc nhiên kêu lên:
    -Người ta xây đường bằng xi măng đen đẹp quá ba hả!
    Khi bé Liên được gởi ở nhà chị tôi để đi học, bé Hạnh phải ở nhà một mình. Tội nghiệp con bé chỉ biết chơi với con chó, con mèo. Ít được nói chuyện, tiếng nó thành ú ớ chậm chạp. Lắm khi gặp người lạ nó trố mắt nhìn rồi thụt lùi. Lúc rảnh rỗi chúng tôi thường ân cần nâng niu nó nhưng hình như chẳng làm nó vui thêm bao nhiêu. Hạnh chỉ thật sự vui mỗi khi có ai dắt con nít đến nhà. Dù là gặp đứa trẻ lạ, qua vài phút nhìn nhau ngơ ngác, Hạnh liền xáp lại làm quen. Chỉ giây lát, chúng đã chơi với nhau như thân thiết tự bao giờ. 
    Rồi lại một chuyện rất khủng khiếp xảy ra cho chính tôi. Ngày đó vợ tôi có việc phải ra làng sớm. Con chó cũng theo chân vợ tôi. Thấy trời tối quá, để nó cùng đi cũng dạn người hơn, vợ tôi không đuổi nó lui như mọi lần. Gần sáng, sau khi đắp mền cẩn thận cho bé Hạnh, tôi rón rén xuống suối thăm câu. Cái đèn pin vợ tôi đem đi rồi nên tôi chỉ cầm một cái cán cuốc hư. Lần này kết quả tốt, cá nhiều, được một con lóc khá lớn. Tôi sung sướng hăm hở bước về nhà. Lúc đó trời bắt đầu sáng. Thình lình tôi hoảng hồn dội người lại: một con rắn đen thùi lùi lớn như bắp tay nằm trên lối đi. Thấy tôi nó vươn thẳng thân lên dường như chỉ đứng bằng cái mút đuôi. Nó thụt đầu lui để lấy trớn phóng tới. May sẵn cái cán cuốc trên tay, tôi phạt ngang một cái vào cổ nó. Con rắn không gục, nó chỉ liểng xiểng thối lui. Nhưng cái cán cuốc trên tay tôi lại gẫy mất. Thấy con rắn chưa chết  mà cái cán cuốc đã vô dụng, tôi hoảng sợ định tháo lui đi lối khác. Nhưng thấy tôi bước lui thì con rắn lại chồm tới. Bất đắc dĩ tôi phải đưa phần cán cuốc còn lại ra dọa. Có lẽ con rắn vừa bị một đòn đau quá còn hoảng, nó ngừng lại. Tôi lại định tháo lui nhưng cứ lùi một bước con rắn lại theo một đoạn. Con rắn đen thui nhưng cái cổ nó bạnh lên trương vảy ra trắng như cườm. Người tôi run lên, mắt nhìn láo liên mong tìm một cái gì có thể đập được con rắn. Đang cơn khốn đốn tôi bỗng nghe tiếng bé Hạnh ré lên:
    -Ba ơi! Mạ ơi! Đi đâu cả rồi?
    Tôi càng sợ thêm, vội lên tiếng:
    -Mạ đi chợ mua bánh cho con rồi. Chốc nữa ba lên. Con đừng ra ngoài con rắn nó cắn chết. 
    Nhưng bé Hạnh nào thèm kể ất giáp gì. Nghe tiếng ba nó cứ nhắm hướng đó mà chạy lại. Vừa chạy nó lại vừa ré lên:
    -Ba dắt con xuống đó với kẻo con rắn nó cắn con!
    Trời ơi! Biết làm sao đây? Tôi gào như muốn khóc:
    -Con vô nhà mau đi kẻo con rắn nó thấy! Đừng có xuống đây! Con rắn dữ lắm! Chốc nữa ba đập nó chết xong ba lên với con!
    -Bao giờ ba mới đập chết xong con rắn? Không, con phải đến với ba liền. 
    Tôi càng sợ cuống lên, không biết làm sao nữa...
    -Ba ơi! Mau lên gỡ gai cho con! Gai chích đau quá này! Ba ơi...
    Tôi chợt nhớ đến đám gai mắc cở mà tôi chưa kịp dọn. May quá! Như thế là bé Hạnh không thể nào đến chỗ tôi lúc này được. Tôi mừng quá! Bé Hạnh càng khóc dữ nhưng thà cứ thế, tôi đã đỡ lo về nó.
    Thình lình tôi nghe tiếng đàn ông hỏi lớn:
    -Ba má đi đâu hết sao bé Hạnh lại ra đó mà khóc?
    Rõ ràng là tiếng của Qui. Tôi mừng quá kêu lên:
    -Anh Qui ơi, mau kiếm cái gậy thật chắc xuống đây đánh con rắn để cứu tôi!
    -Thế nào?  Con rắn thế nào?
    -Anh phải kiếm cây gậy dài thật chắc men theo lối mòn nhè nhẹ để đến phía sau nó. Nó đang vờn tôi đây!
    Qui cầm cây gậy, dè dặt men đến chỗ tôi đang đứng. Con rắn hình như không hay biết gì. Tôi cố cử động múa máy để thu hút sự chú mục của nó. Một gậy bất ngờ giáng xuống lưng, con rắn chỉ còn vùng vẫy quằn quại. Qui dùng gậy đập liên tiếp vào đầu con rắn cho đến khi cái đầu nó dẹp lép. Tôi chạy vội lên nhà thì thấy thằng Tèo đang gỡ gai cho bé Hạnh. Mắt bé Hạnh còn ướt nhưng nó lại cười ngây thơ:
    -Con rắn cắn ba đau không?
    Tôi phì cười :
    -Nếu nó cắn ba thì bây giờ ba nằm dưới đó chứ làm sao lên đây được với con! Từ nay nếu ba mạ đi khỏi con phải ngồi trong nhà đừng ra ngoài mà con rắn cắn nghe!
    -Dạ, mà ba mạ đi đâu cho con đi với!
    Qui vừa kéo con rắn lên vừa cười hề hề :
    -Dắt bé Hạnh theo thì làm sao ba đấu võ với con rắn? Nếu chú không tình cờ đem thằng Tèo sang gởi thì không biết ba cháu sẽ ra sao đấy!
    *
    Cái chết của đứa con trai anh Sâm, rồi cái chết của ông Hai đã gây nhiều xót xa, chấn động trong lòng mọi người. Giờ lại xảy ra cái vụ suýt vong mạng của tôi nữa, vợ tôi xuống tinh thần thấy rõ. Nàng cứ nằng nặc đòi trở ra làng. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình không thể thưởng thức cái thú lâm tuyền hời hợt, giả tạo này lâu thêm nữa. Mình chưa đủ sức, chưa có quyền hưởng thụ nó. Bụi trần còn bám phủ trên thân, còn vương víu nhiều nào áo cơm, nào thuế má. Lũ con cái vô tư vô tội không lẽ để chúng mang mãi phận cái đuôi đời! Nhưng hoàn cảnh xã hội không giúp tôi tìm ra được một lối thoát thích hợp. Tôi đâm ra mất ăn mất ngủ, mọi năng lực đấu tranh tự tồn trong tôi suy giảm nặng.

    May thay, một phép lạ đã xuất hiện kịp thời: chương trình xuất ngoại theo diện HO mở màn! Cả gia đình tôi đều hân hoan giã từ xóm rẫy để đến Hoa Kỳ!

    Bây giờ thì bé Hạnh đã khá lớn, học giỏi, nói tiếng Anh khá trôi chảy. Nhưng hình như nó chẳng còn nhớ gì về chuyện con rắn. Những người khác trong xóm rẫy, những người đã mất mát quá nhiều về máu thịt, người thân lẫn vật chất, năng lực tự vệ đã cạn kiệt nhưng vẫn phải liều lĩnh tìm sự sống ở chốn rừng sâu nước độc, giờ chẳng biết ai còn ai mất, ai đi đâu về đâu? Mỗi lần nhớ tới họ, tôi không sao tránh khỏi tưởng tượng về những tai biến hãi hùng lúc nào cũng sẵn sàng giáng lên đầu họ.

                                                            Ngô Viết Trọng
                                                               

No comments: