Friday, September 9, 2016

VỌNG PHU THẠCH (NGUYỄN CÔNG LƯỢNG)

Nguyễn Công Lượng
(Góp nhặt)

Ðọc “Vọng Phu Thạch” của Vương Kiến đời nhà
Ðường bên Trung Hoa:
Vọng Phu Xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân quy lai thạch ứng ngữ
Nghĩa là :
Ở nơi trông chồng
Lòng sông mênh mông
Hóa thân làm đá
Ðầu không ngoảnh trông
Người đi có lại đá mong ngỏ lời.

Hình dáng Vọng Phu Thạch ra sao và sự tích như thế
nào thật chưa rõ được. Nhưng cái mênh mông của dòng
Trường Giang, cái hùng vĩ chớn chở ở Bắc Sơn của Vũ Xương,
Trung quốc và cái lòng chung thủy của người thiếu phụ qua áng
thơ trên đã làm cho bao văn nhân mặc khách tốn nhiều giấy
mực để tán tụng qua những bài thơ họa lại hoặc dịch sang Việt
ngữ, mỗi mỗi tùy theo cảm khái của từng người:

Chàng đi thiếp đứng trông chờ
Bên sông nước vẫn hững hờ chảy xuôi
Thân hóa đá, dạ khôn nguôi
Gió mưa năm tháng trên đồi quạnh hiu
Người về đá tỏ đôi điều.
               (Nguyễn Thị Dung)

Ở nơi nàng đứng trông chồng
Dưới chân hờ hững một giòng sông trôi
Chờ hoài thành đá mồ côi
Ðầu không quay lại để đời tiếc thương
Mưa trên đỉnh núi đoạn trường
Người đi về, đá mừng thương thốt lời
                               (Ngọc Sương)

Trường giang tăng lưu thủy
Thiếu phụ sầu vọng phu
Tuế nguyệt hóa vi thạch
Thủy chung truyền thiên thu

Ở Trung Hoa lại có một hòn Vọng Phu Thạch nữa ở Doãn Tùng Cương bên bờ biển Ðông, gần Sơn Phòng và Sơn Cốc, nên ở một tác phẩm có tên Hòn Vọng Phu do Ái Cầm phóng tác từ cuốn tiểu thuyết Vọng Phu Thạch của Quỳnh Dao thì sự tích được ghi như sau:
“Ở phía Bắc Trung Hoa, giữa những rặng đồi núi chập chùng, ẩn hiện rõ nét hình thù người mẹ bồng con và dân giả bao nhiêu năm qua đều ngậm ngùi thương nhớ đến câu chuyện thật cảm động : Có một thiếu nữ xinh đẹp vừa lấy chồng chưa tròn một năm thì người chồng phải xa lìa vợ để lên đường chinh chiến. Bao nhiêu năm đợi chờ mùa lá rụng ôm con mong ngóng tin chồng về. Nàng không quản ngại gió mưa sương tuyết phủ phàng. Cho đến một ngày kia mẹ con người chinh phụ không còn chịu đựng được nữa đã thoát hồn vào cõi hư vô. Trời đã
chứng giám tấm lòng trung trinh của nàng. Thân xác mẹ con
nàng đã hóa thành tượng đá và đã đi vào lịch sử đi vào lòng
kính trọng ngưỡng phục của thế gian. Và từ đó hình ảnh của mẹ
con nàng trở thành đá vọng phu....”
Ðó là chuyện bên Tàu, tất cả đều na ná như nhau. Còn
ở Việt Nam ta cũng có Ðá Vọng Phu, một ở tỉnh Lạng Sơn (Bắc
Việt), một ở tỉnh Bình Ðịnh (Trung Việt).

Ở Lạng Sơn đá đứng trên núi, hình dáng xa trông giống
như một người đàn bà ôm con đứng chờ chồng, gần Ðồng Ðăng
và động Tam Thanh, nên ca dao có câu :
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em...
Chuyện cũ lưu truyền rằng xưa có nàng Tô Thị có
chồng là một học trò nghèo, họ Ðậu. Vợ chồng đang sống trong
cảnh thanh bần và vừa sanh một đứa con trai nhỏ. Bỗng đâu họ
Ðậu bị bắt đi lính thú. Thời đó hạn kỳ thi hành hành nghĩa vụ
lính thú (giống như thi hành quân dịch hay thi hành nghĩa vụ
quân sự bây giờ) có lẽ là ba năm, nên mới có bài trấn thủ lưu
đồn:
Ba năm trấn thủ lưu đồn.
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan.
Chém tre đẳng gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước suối trong con cá nó vẫy vùng...
Nhưng ngày qua tháng lại, ba năm rồi lại ba năm, chàng
đã không trở về mà tin tức cũng biền biệt. Phần nhớ thương,
phần lo lắng cho chồng, Tô Thị bồng con lên núi đứng trông
chồng... Tình được un đúc với nắng sớm mưa chiều phong ba
bão táp lâu ngày nàng hóa thành đá... Núi chở hình người đá
nên cũng mang luôn tên đá là núi Vọng Phu hay là núi Tô Thị.
Dân địa phương gọi là Ðá Vọng Phu.
Thi hào Nguyễn Du cũng có bài vịnh Vọng Phu Thạch :
Thạch da ? nhân da ? Bỉ hà nhân ?
Ðộc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân
Lệ ngân bất tuyệt tam thu võ
Ðài triện trường minh nhất đoạn văn
Tứ vọng liên sơn diếu vô tế
Ðộc giao nhi nữ thiện di luân
Quách Tấn dịch :
Ðá hay người? ấy ai người ấy ?
Ðầu non cao trải mấy nghìn xuân!
Giấc không bén mộng vu thần
Tấm thân kim cổ trong ngần gương trinh
Mưa ba thu lệ tình lai láng
Ngàn rêu in một áng sầu văn
Non xanh líp mắt xa gần
Gánh luân thường để riêng phần thuyền quyên
Duy Phi dịch
Ai đó, người chăng, hay đá chăng
Ðầu non một bóng mấy ngàn năm
Mây mưa, muôn thuở tàn cơn mộng
Trinh tiết một đời vẹn tấm thân
Mưa xối ba thu không dứt lệ
Rêu xăm năm tháng đá thành văn
Lặng nhìn bốn phía mênh mông núi
Sao để riêng nàng giữ đạo luân
Ðặng Lý Khê cũng có một bài vịnh Núi Vọng Phu ở
Lạng Sơn như sau :
Ngọn núi như in chiếc bóng lồng,
Ấy nàng Tô Thị đứng trông chồng.
Xa xôi dặm liễu chàng đâu tá ?
Sừng sững đầu non thiếp nhớ mong.
Chỉ núi thề non lòng chẳng chuyển,
Tắm mưa gội gió tiết càng trong.
Núi sao lại dứng như người nhỉ
Bia miệng nghìn thu chuyện có không ?

Còn ở Bình Ðịnh cũng có Ðá Vọng Phu nằm trên dãy
Núi Bà, thuộc địa phận thôn Chánh Oai, quận Phù Cát. Khách
muốn đến viếng Ðá Vọng Phu thì có hai con đường : Ðường bộ
thì đi theo đường Chùa Ông Núi, đến Cách Thử rồi quẹo về
hướng Bắc, hoặc đến Ðề Gi rồi đi vào Nam. Ðường thủy thì
vượt qua đầm Thị Nại đến Cách Thử, mướn ghe ra Chánh Oai.
Nếu muốn thấy hình người đá được rõ ràng và để lòng chúng ta
có thể dể giao cảm cùng “lòng người tháng đợi năm chờ” trước
cảnh trời cao biển rộng và mở tầm mắt với non sông thì nên đi
đường biển.

Ngoài khơi trông vào, chúng ta sẽ thấy hai hòn đá xanh,
một cao một thấp, đứng trên một ngọn núi cao, giống hình một
người đàn bà dắt đứa con, mặt đăm đăm nhìn về một nơi xa
xăm ngoài biển cả, như trông như đợi.

Tương truyền ngày xưa ở đạo Quãng Nam - (nhưng
chắc chắn là sau năm 1470, vì năm nầy vua Lê Thánh Tôn
đánh chiếm Ðồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn và biên
giới Ðại Việt mới mở rộng tới núi Thạch Bi (Ðá Bia) nằm giữa
Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay. Ðạo Quãng Nam chạy dài từ
đèo Hải Vân cũng từ đó được mở rộng cho đến tận Phú Yên.
Và chính là lúc người Việt vào định cư ở miền đất mới nầy)-
có hai vợ chồng người chài lưới sanh hạ được một trai một gái.
Người con trai là anh và người con gái là em. Một hôm hai anh
em rủ nhau ra sau vườn đốn mía, chẳng may khi người anh chặt
mía con dao sút cán văng trúng đầu cô em, máu ra lai láng. Cô
em ngã lăng xuống đất bất tỉnh. Người anh sợ quá tìm đường
chạy trốn. Vợ chồng người chài lưới hay tin chạy ra đưa con gái
vào nhà cứu chữa. Vết thương người em đã lành mà người anh
vẫn không thấy trở về. Hai vợ chồng lão chài thuê người tìm
kiếm nhưng không tìm ra manh mối. Ngày qua ngày hai ông bà
quá đổi ưu sầu vì nhớ thương con, lại tuổi cao sức yếu nên nối
nhau qua đời. Người con gái bây giờ mới có sáu tuổi đã bị họ
hàng đem bán cho một người lái buôn ở khác vùng. Cuộc đời
cô gái từ đó không được ở yên một nơi nào, mãi đến lúc quá
tuổi xuân lại trôi dạt đến vùng Chánh Oai, Phù Cát (ngày nay)
và kết duyên cùng một chàng ngư phủ. Vợ chồng đến trú ngụ
tại vùng Núi Bà, và sanh được một đứa con xinh xắn . Hằng
ngày vợ ở nhà lo phần nội trợ và nuôi con, còn chồng thì dong
thuyền ra đầm Nước Ngọt, cửa Ðề Gi, xuống Vũng Tô, Vũng
Nồm , hoặc vô đầm Thị Nại... để đánh bắt cá tôm đem đổi lấy
bát cơm thơm, tấm áo sạch. Cảnh thanh bần nhưng tình vẫn nở
hoa.

Một sáng mùa Xuân, nắng vàng lên rực rỡ, sóng biển nỗi lên
theo những cơn gió nồm. Ðứa con ngồi chơi trước sân. Chồng
ngồi vạch tóc bắt chấy cho vợ, cảnh trông hoa gấm, tình đượm
lửa hương. Những ngón tay của chồng trên mái tóc xanh của vợ
như con tàu lướt sóng trên biển khơi... Chợt thấy trên đầu vợ có
vệt sẹo dài, chồng liền dừng tay hỏi nguồn cơn. Vợ ngậm ngùi
kể lại chuyện đốn mía hồi ấu thơ và cuộc đời nổi trôi của mình.
Người chồng ngồi im lặng, mặt biến sắc với bao nỗi xót đau
trong lòng. Vì người chồng chính là người anh ruột năm xưa đã
tạo nên vết thương trên đầu em gái tuy nay đã lành, nhưng vết
thương trong lòng mình thì vẫn còn rĩ máu dù đã ăn năn hối lỗi
suốt mấy chục năm qua. Nay chàng lại gây ra một lầm lỗi khác
không thể tha thứ nên lòng chàng như thiêu chư đốt, đắng cay
ngậm ngùi.

Sau khi sắp xếp lại việc nhà đâu vào đó, người chồng
bão vợ là sẽ vào Thị Nại đánh cá nên phải vài ba hôm mới về.
Nhưng vài ba hôm trôi qua, rồi vài ba tháng trôi qua thuyền
chồng vẫn không về bến cũ. Vợ ở nhà nóng lòng chờ chồng,
đứng ngồi không yên, bèn bồng con lên núi đứng trông. Nhưng
càng trông càng chẳng thấy, chỉ thấy biển trời mây nước một
màu xanh. Nàng cùng con ở lì trên núi bỏ ăn bỏ uống. Ðến một
ngày cảm động thấu trời xanh, trời liền cho nàng cùng con hóa
đá.
Từ đó dân làng gọi là Ðá Vọng Phu.
(Theo Quách Tấn : Non Nước Bình Định)
Chuyện tuy hoang đường nhưng chứa nhiều ý nghĩa :
Tình người, đạo lý, lòng thủy chung...gương sáng đó sừng sững
giữa trời để thế nhân cùng soi chung. Nhiều văn nhân qua đây
thường có thơ cảm đề. Trường Xuyên có hai luật:
            1. Chồng đi biệt tích tự bao giờ,
Một góc trời Nam một dạ chờ.
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ !
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi,
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.
Dâu biển đã bao đời kiếp trải,
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.
            2. Người đã không về tin cũng không,
Ðầu non dắt trẻ đứng trông chồng.
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ,
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng.
Lời thệ vững ghi lòng sắt đá,
Khối tình riêng nặng gánh non sông.
Nỗi niềm ai biết, không ai biết,
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển đông.

Cũng có nhiều nơi với đá núi đầu non, xa trông cũng
phảng phất hình dáng người đứng đợi, mỗi nơi có một sự tích
riêng nửa hư nửa thật đầy mộng đầy thơ (xin một dịp khác sẽ
trình bày). Nhiều người lầm tưởng là đá Vọng Phu nhưng thật
sự không phải.
Như ở Phú Yên gần đèo Cả có hòn Ðá Bia (Thạch Bi)
ghi dấu vua Lê Thánh Tông mở nước năm 1470. Ðịa phương có
ca dao:
Chiều chiều mây phủ Ðá Bia
Ðá Bia mây phủ chị kia mất chồng.
Mất chồng đây chẳng có lo,
Sợ ai mất vợ nằm co một mình.
Còn ở Khánh Dương (tục gọi là Ma Rạc, do tiếng M.
Drack của người Thượng mà ra), thuộc tỉnh Khánh Hòa, có hòn
Mẩu Tử tức Mẹ Bồng Con. Thi Nại Thị có thơ vịnh rằng:
Nước non vẫn nước non nhà
Tiếng rằng Ma Rạc vẫn là nước non
Nơi đây nghĩa Mẹ tình Con
Dù cho sông cạn đá mòn chẳng nao.
Non cao nghĩa mẹ càng cao,
Tình con mạch suối không đào mà sâu.
Cuộc đời bể bể dâu dâu,
Tình Con nghĩa Mẹ nghìn thu vẹn toàn.
Nhạc sĩ Lê Thương viết ba ca khúc có tựa đề Hòn Vọng
Phu 1, 2 , và 3 với những lời ca thật ai oán, thật ngậm ngùi, mà
cũng thật hào hùng:
Nơi phía Nam ... giữa núi ... mờ
Ai bế con ... mãi ... đứng chờ
Như nước non ... xưa đến ... giờ
Núi ... đá kinh hoàng nhắc câu sấm thề
Hỡi người chinh phu ... Anh hùng non sông
Trao người con quý ... trao người trông nôm
Thiếp xin ... lỗi ... thề
Chàng dạo bước ... ngoài sườn non
Tìm người đứng cô đơn đang ngóng đợi chồng về
Vượt Hoành Sơn ... vòng thành núi
Mong tới nơi cô thôn ước thề
Tạ từ đất ... miền Ðồng Nai
Lời hẹn hứa tương lai đang chúc mừng chàng về
Chờ nhìn con ... chờ người đón
Bao nét xưa ước mong sẽ còn
Núi đá thu rêu đã lấp mờ bao nghìn xưa
Thấy đứa con xanh ngắt tới hồn còn trong đó
Cầm chiếc gươm thân phụ di truyền
Chàng bế con trao lại gươm liền
Rồi chỉ vào sơn hà biến cố
Trao nó đi gây lại cơ đồ
Trao nó đi ... gây lại ... cơ ... đồ
Chiếc báu gươm
Chinh khách đã trao cho thằng con
Chí khí cao đã nối mãi còn tại non nước
Chàng đã ghi trang sử xanh đời
Một mối duyên chung vạn kiếp người
Từ nghìn sau bên đồi phơi đá
Dân chúng đem ... ca tụng duyên ... bà
Một nghìn năm vừa mới thoáng qua
Nước non nao lòng nức nở khóc bà

Nhà văn Quách Tấn có nhận xét : “Như thế là tình người
nghĩa phụ, Nam cũng như Bắc, Việt cũng như Hoa, muôn trước
nghìn sau, đều được non cao tạc vững. Mây trôi nước chảy
quạch quẻ đìu hiu”
Những hòn Vọng Phu, hòn Mẩu tử, Phụ tử, Ðá Bia...
ngày nay là những di tích lịch sử mà chúng ta cần trân quý,
chính quyền phải có bổn phận bảo tồn gìn giữ. Những danh lam
thắng cảnh đó phải được mọi người quan lâm chiêm ngưỡng.
Thế nhưng những bản tin mới đây vừa nhận được : Hòn Phụ Tử
ở Hà Tiên đã bị ngã một, đang nằm chình ình trong sóng nước.
Còn Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn đã bị chính quyền đập bỏ để
dựng lại một hòn mới. Nghe mà đau lòng!
Trở lại những ca khúc Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê
Thương, có lẽ nó ra đời đã trên nửa thế kỷ rồi, lúc đó chúng ta
nghe nhiều câu như rất mơ hồ, nhưng nay thì người ta đã hiểu
những câu hát đó như những lời sấm truyền:

Một bầy chim xa xứ bỗng nhiên vô tình
Bảo rằng tới lượt sơn hà chiến chinh ...
Non sông xao xuyến tấc lòng
Dân gian ... thoáng qua mấy kền
Ách tham ô quan quyền
Vì hồn thanh kiếm còn chưa linh
Nên khiến sắc son bẽ bàng
Mắc nợ còn chưa đền
Có con chim nhỏ bé dám ca câu sấm thề
Cuối năm ... năm Mậu Tý
Tướng quân đem kiếm về ...
Ðời mong đợi thằng con
Ngày nào nó xuống núi non
Xuất chinh với cả mối thù
Nối lại giống nòi chinh phu

Bầy chim xa xứ là ai? năm Mậu Tý là năm nào?
Ðất nước ta ngày nay đang bị quan quyền tham ô thống
trị.
Tướng quân là những ai? Sao không đem kiếm về ? Chỉ thấy
một loại tướng quân vào ra Việt Nam,phát ngôn bừa bãi, làm
buồn lòng những nhà đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ và Nhân
Quyền !
Thế tại sao bầy chim xa xứ lại vô tình? Vì hồn thanh
kiếm còn chưa linh?! Hay vì, như một câu ngạn ngữ của người
Champa: “Khi người ta đã ăn no, người ta thường quên hết”?!
Vọng Phu Thạch, chuyện nào nghe cũng bi hùng, đọc
thơ Vọng Phu Thạch, nghe như vang vang lời nguyền của đá:

Ðã đem máu nóng rèn gan,
Quyết đưa năm sắc mây ngàn về đây
                                             (Quách Tấn)

Làm cho người ta phải nghĩ đến chuyện nước non.
Làm cho lòng người phải dậy lên mối u hoài:

Bóng nhạn trời thu tê tái ruột,
Tiếng quyên đêm hạ vẩn vơ hồn....
            (Quách Tấn)

               • Nguyễn Công Lượng

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Non Nước Bình Ðịnh, Quách Tấn, Nam Cường xuất
bản, 1967.
- 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Duy Phi, 2006
- Ðường Thi, Trần Trọng Kim,
- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim
- Docsu14.blogspot.com
Xuân Ðinh Hợi 2007

No comments: