Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,
Chủ trương blog: “chimvenuinhan” chỉ vui chơi tâm tình trong
tình nghĩa Thầy trò, lời hay ý đẹp, truyện ngắn, hồi ký, thơ văn…
Không muốn liên hệ đến chính trị hay tôn giáo.
Bài viết này của anh Lộc Vũ (Đốc Sự Hành Chánh) viết
theo những tài liệu tham khảo. Bài nói
đến hai người đàn bà nổi tiếng, một bên về tôn giáo, một bên chuyên
chính trị, nhưng sau khi đọc Thukỳ xúc động về tấm lòng cao đẹp nhân
từ hiếm có của mẹ Teresa nên muốn chia sẻ cùng Thầy cô và các anh
chị.
Đạo nào cũng dạy chúng ta những việc thiện, tâm hồn đẹp
và sự hy sinh cao quý sẽ được ca ngợi dù người đó theo tôn giáo nào.
Mong bài đọc mang lại những suy nghĩ và sự rung động mảnh
liệt cho tâm hồn.
Trân trọng,
Thukỳ.
Giai thọai giữa Mẹ Thánh
Teresa Calcutta và Bà Hillary Clinton
* Lộc Vũ
Nhân dịp ĐTC
Phanxicô phong thánh cho Mẹ Têrêsa vào Chúa Nhật 4 tháng 9 năm 2016, giới
truyền thông báo chí có nhắc lại các giai thọai giữa Mẹ Thánh và Bà Hillary
Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng Mười Một sắp tới.
Trước khi ôn lại
câu chuyện giữa hai bậc nữ lưu nổi tiếng này, tưởng cũng cần nhắc lại rằng
Hillary Clinton là người chủ trương “phò chọn lựa” (pro-choice) nghĩa là chủ
trương người phụ nữ có toàn quyền quyết định giữ lại hay phá bỏ thai nhi còn
trong bụng mình.
Trong khi đó, Mẹ
Têrêsa--với tấm lòng khoan dung nhân hậu, giầu tình xót thương—đã nỗ lực tối đa
để cứu các bào thai đó và đưa về mái ấm ở Calcutta bên Ấn Độ để nuôi dưỡng khôn
lớn. Đó là bối cảnh xẩy ra câu chuyện giữa hai người phụ nữ lừng danh.
Mother
Teresa.
Giai thọai 1: Mẹ Teresa đọc bài diễn văn
lên án nạn phá thai trước mặt ông bà Clinton phò phá thai
Mẹ Teresa: nạn phá thai là thủ phạm tồi tệ
nhất đang phá hoại tình yêu và nền hòa bình, và từ chối đón nhận chính Chúa
Giêsu.
Ngày 3 tháng 2 năm
1994, trong một buổi lễ Ăn Sáng Cầu Nguyện Tòan Quốc (“National Prayer
Breakfast”) do Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ tổ chức tại Washington DC, Mẹ Têrêsa được
mời làm diễn giả chính. Ngay trước mặt Tổng Thống Bill Clinton và Đệ Nhất Phu
Nhân Hillary Clinton cùng quan khách, Mẹ Têrêsa dõng dạc vạch trần sự xấu xa
của cái mà Đức Cố Giáo Hòang Thánh Gioan-Phaolô II gọi là nền Văn Hóa Sự Chết
(Culture of Death) nẩy sinh từ những tội ác chống lại các thai nhi. Mẹ Têrêsa
nói như sau: “Tôi tin rằng thủ phạm tồi
tệ nhất đang phá hoại nền hòa bình của ngày hôm nay chính là nạn phá thai, bởi
vì đó chính là cuộc chiến tranh chống lại trẻ em, việc trực tiếp giết hại trẻ
thơ vô tội, mà kẻ giết người lại chính là người mẹ của chúng. Nếu chúng ta đành
tâm chấp nhận để cho người mẹ có thể ra tay sát hại con mình, thì làm thế nào
chúng ta có thể nói cho người khác là đừng giết hại lẫn nhau? Làm cách nào
chúng ta có thể thuyết phục một người phụ nữ đừng có phá thai? Lúc nào cũng
thế, ta phải dùng tình yêu để thuyết phục họ, bởi vì tình yêu có nghĩa là sẵn
sàng cho đi đến khi nào cảm thấy đau (love means to be willing to give until it
hurt.) ... Quốc gia nào chấp nhận cho phá thai thì quốc gia ấy không hề dậy cho
dân mình biết yêu thương, mà trái lại dậy cho họ cứ sử dụng bạo lực để đạt tới
điều mình mong muốn. Đó là lý do tại sao thủ phạm tồi tệ nhất đang phá hoại
tình yêu và nền hòa bình chính là nạn phá thai.”
Mẹ còn nói thêm: “Phá thai là chối bỏ giáo huấn của chính
Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã dậy rằng ‘ai đón tiếp một em nhỏ, tức là đón tiếp
chính Ta vậy’”. Rồi Mẹ kết luận: “Phá thai đúng là từ chối không tiếp nhận trẻ
nhỏ, và do đó, cũng từ chối đón nhận chính Chúa Giêsu.”
Mẹ dừng lại giây
lát để đón nhận những tràng pháo tay từ phía cử toạ đang nhất loạt đứng lên
biểu tỏ lòng ngưỡng phục. Chỉ có điều là cả Ông lẫn Bà Clinton đều không hề
đứng lên và cũng chẳng hề vỗ tay.
Mẹ Teresa: mái ấm tại Calcutta (Home of the
Pure Heart) đã cứu được hơn ba ngàn trẻ em khỏi bị phá bỏ.
Mẹ Têrêsa vẫn dõng
dạc: “Tôi xin nói cho quý vị một điều tốt
đẹp. Chúng tôi chiến đấu chống nạn phá thai bằng việc tiếp nhận--tức là chăm
sóc cho người mẹ và đón nhận thơ nhi…Xin đừng giết hại thơ nhi. Tôi muốn nhận
thơ nhi. Hãy trao nó cho tôi. Tôi sẵn sàng đón nhận bất kỳ thơ nhi nào đang chờ
bị phá bỏ để trao em cho một đôi vợ chồng đang sẵn lòng thương yêu trẻ thơ và
được trẻ thơ yêu thương lại. Chỉ tính riêng mái ấm tại Calcutta, chúng tôi đã
cứu được hơn ba ngàn trẻ em khỏi bị phá bỏ. Các thơ nhi này đã đem lại tình yêu
thương và niềm hân hoan vui sướng đến cho các cha mẹ nuôi của chúng. Chúng đã
lớn lên đầy ắp yêu thương và vui mừng.”
Phản ứng trước các
lời cáo buộc của Mẹ Teresa, Bà Clinton thốt lên: “Lời nói của Mẹ Têrêsa thật thẳng thắn, cho thấy rõ ràng Mẹ không cùng
quan điểm với tôi về quyền chọn lựa của phụ nữ.” (“Mother Teresa was unerringly
direct. She disagreed with my views on a woman’s right to choose and told me
so.”)
Bà Clinton giúp Mẹ Teresa xây dựng “Trung
Tâm Têrêsa Tiếp Nhận Trẻ Thơ” vào năm 1995 tại vùng ngoại ô Hoa Thịnh Đốn.
Sau đó Mẹ Têrêsa
đến nhờ bà Clinton giúp thiết lập tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn một trung tâm
tiếp nhận các trẻ thơ bị bỏ rơi và các trẻ em côi cút. Mẹ đã mời Bà Clinton
sang Ấn Độ để chứng kiến các công cuộc Mẹ làm tại xứ sở nghèo khổ này. Sau khi
về lại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Bà Clinton đã khởi sự giúp Mẹ xây dựng “Trung Tâm
Têrêsa Tiếp Nhận Trẻ Thơ” (The Mother
Teresa Home for Infant Children) vào năm 1995 tại vùng ngoại ô Hoa Thịnh
Đốn. Bà Clinton đã mời Mẹ Têrêsa đến khánh thành cơ sở này hai năm trước khi Mẹ
qua đời. Như vậy, dù lập trường khác biệt về vấn đề phá thai, Mẹ Teresa cũng đã
gây cảm hứng cho Bà Clinton thực hiện một công trình tốt đẹp - trung tâm tiếp
nhận trẻ thơ bị bỏ rơi, một giải pháp thay thế cho việc phá thai - dù bà
Clinton vẫn cương quyết chủ trương “phá thai an toàn và hợp pháp”, điều mà nhóm
“Kế Hoạch Hóa Gia Đình” (Planned Parenthood) vẫn đang thực hiện cho tới ngày
nay.
Rất tiếc, “Trung
Tâm Têrêsa Tiếp Nhận Trẻ Thơ” đã âm thầm đóng cửa vào năm 2002.
Giai thọai 2: “Tại sao cho mãi đến hôm nay
nước Mỹ vẫn chưa có được một người phụ nữ lên làm tổng thống?”
Trong một bữa ăn
trưa được khoản đãi long trọng tại Toà Bạch Ốc, Đệ Nhất Phu Nhân Hillary
Clinton hỏi nhỏ một thực khách cùng bàn: “Bà
nghĩ sao khi mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có được một người phụ nữ lên làm
tổng thống?”
Người phụ nữ nhỏ
thó ngồi đồng bàn với Bà Clinton không chần chừ trả lời: ‘Có lẽ bởi vì người phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay từ lúc còn là bào
thai.”
Người phụ nữ đồng
bàn nhỏ thó ấy chính là Mẹ Têrêsa Calcutta.
“Why do you think we haven’t had a woman as
president yet?” First Lady Hillary Rodham Clinton asked her guest over
their lunch at the White House.
The little woman
sitting at table with Mrs. Clinton did not hesitate in her reply: “Because she has probably been aborted,”
said Mother Teresa. [1]
Phần nhận định của người viết:
Sau khi đọc một
cách thích thú về hai giai thọai nêu trên giữa Mẹ Thánh Teresa Calcutta và Bà
Hillary Clinton, người viết rút ra được ba bài học sau đây.
1 - Mẹ Teresa: Tình
yêu có nghĩa là sẵn sàng cho đi đến khi nào cảm thấy đau (love means to be willing to give until it hurt). Đây là câu nói
nổi tiếng của Mẹ Teresa mà người viết thường thấy người ta trích dẫn khi nói về
tình yêu. Vậy câu nói đó có ý nghĩa gì?
Mẹ Teresa giải
thích rằng vì Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống vì yêu chúng ta, nên người mẹ nào
đang muốn phá thai cần được giúp đỡ để biết yêu, nghĩa là biết cho đi dù cảm
thấy đau vì phải hy sinh các dự án họat động của mình, hoặc thời giờ rảnh rỗi,
để sinh thành và nuôi nấng đứa con. Người cha cũng phải cho đi như thế.
“Jesus gave even His life to love us. So, the mother who is thinking of abortion,
should be helped to love, that is, to give until it hurts her plans, or her
free time, to respect the life of her child.
The father of that child, whoever he is, must also give until it hurts.”
2 - Mẹ Teresa: Tệ
nạn phá thai đang phá hủy tình yêu và nền hòa bình. Tại sao vậy?
- Phá thai đang phá hủy tình yêu: Vì con cái là kết tinh của tình yêu giữa
cha và mẹ, và là món qùa quý gía nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho người được làm
cha làm mẹ, nên một khi phá thai là phá hủy tình yêu vợ chồng chỉ vì sự ích kỷ,
thiếu trách nhiệm và chỉ nghĩ đến bản thân mình, không dám gánh vác trách nhiệm
làm cha làm mẹ. Hơn nữa, phá thai còn phá hủy mối liên hệ yêu thương giữa cha
mẹ và đứa con đang hình thành trong bụng mẹ.
- Phá thai đang phá hủy nền hòa bình: Vì quốc gia nào chấp nhận cho phá thai
thì quốc gia ấy không hề dậy cho dân mình biết yêu thương, mà trái lại dậy cho
họ cứ sử dụng bạo lực để đạt tới điều mình mong muốn. Chính vì vậy, trong các
quốc gia cho phép phá thai như Hoa Kỳ này, người ta thường chứng kiến các tệ
nạn xã hội như các vụ bắn giết nhau ở trường học, sở làm và ngay trong gia đình
giữa vợ chồng và con cái; giới trẻ sống trụy lạc vì hút xì ke ma túy, nghiện
ngập, cờ bạc, rượu chè, hiếp dâm. Như vậy làm sao có hòa bình trong gia đình và
ngòai xã hội. Trên bình diện thế giới, Mẹ Teresa cho rằng nạn phá thai cũng là
mối đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình ngày nay. Trong bài diễn văn chấp nhận
giải Nobel về Hòa Bình năm 1979, Mẹ Teresa đã lập luận rằng “Thủ phạm tồi tệ nhất đang phá hoại nền hòa
bình của ngày hôm nay chính là tệ nạn phá thai. Phá thai là cuộc chiến tranh
trực tiếp, một cuộc giết người trực tiếp … vì nếu bà mẹ có thể đang tâm giết
chính con mình thì tôi cũng có thể giết người khác và người khác cũng có thể
giết tôi. Như vậy, thử hỏi làm sao có hòa bình đây”. [2]
Cuối cùng, Mẹ
Teresa kết luận, hòa bình phải bắt đầu từ gia đình, tế bào nền tảng của xã hội,
nơi cha mẹ yêu thương nhau và đón nhận con cái như một món qùa quý giá của
Thiên Chúa, và nuôi nấng chúng bằng tình yêu như Chúa yêu chúng ta, và đối xử
với tha nhân bằng tình bác ái. Chỉ có như vậy mới có hòa bình từ trong gia đình
cho đến ngòai xã hội, và thế giới mới có hòa bình thực sự và lâu dài.
3 - Thời đại ngày
nay người ta thường ưa chuộng vẻ đẹp thể lý hào nhóang bề ngòai nên Chúa gửi
đến một vị thánh nữ thấp bé (cao chỉ hơn 4 feets), lưng gù, mặt mũi nhăn nheo, dù
trông có vẻ xấu xí bề ngòai nếu đánh giá theo tiêu chuẩn thế tục, nhưng đã được
cả thế giới ca tụng về vẻ đẹp tinh thần của tình thương và lòng bác ái. Trong
một bài nghiên cứu về tần số rung động của từ trường phát ra từ những người có
từ tâm và lòng bác ái, tiến sĩ David R.Hawkins đã kể ra một ví dụ: khi Mẹ
Teresa lên nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979, không khí cả hội trường sôi
động hẳn lên là do nhân điện của Mẹ phát ra làm cho cử tọa đều cảm nhận được
năng lượng tràn ngập sự tốt đẹp và từ tâm của Mẹ. [3]
Sau cuộc gặp gỡ
giữa Mẹ Teresa và bà Hillary Clinton cách đây hơn hai thập niên, nay Mẹ Teresa
đã trở thành thánh; còn bà Clinton có trở thành người phụ nữ đầu tiên làm tổng
thống Mỹ không? Chúng ta phải chờ đến ngày bầu cử tháng 11 sắp tới.
Cước chú:
[1]: Phỏng theo 2
tài liệu sau đây:
-
Pro-Life Heroine Mother
Teresa Will Be Declared a Saint.
Author: Stefano
Gennarini, Sept. 1, 2016
-
Marching for Life, Mother Teresa, and Mrs. Clinton
By
SEAN FITZPATRICK, JANUARY 20, 2016
[2]:
Mother Teresa’s 1979 Nobel
Peace Prize Acceptance Speech.
[3]:
PHÁT HIỆN ĐÁNG KINH NGẠC:
Tế bào ung thư sợ nhất là tình yêu.
http://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=4272
No comments:
Post a Comment