Thursday, November 30, 2017

HỮU THÙ BẤT BÁO...PHI QUÂN TỬ (Đoàn Xuân Thu)



Hữu thù bất báo… phi quân tử

Nhớ năm 72, sau khi học làm lính một khóa dài 9 tháng, ở Trường Bộ Binh Thủ Ðức, mấy thằng bạn lính của tui lên đường ra mặt trận thì tui lại được biệt phái về trường cũ để dạy học.
Chánh phủ mình hồi xưa quan niệm rất đúng đắn rằng: Dẫu đất nước vẫn đang còn chìm trong chiến tranh ác liệt thì cái học, cái tương lai của dân tộc nầy, bằng cách nầy cách nọ, phải được đặt lên ưu tiên ở hàng đầu!
Nên thay vì cầm súng, cái đám giáo chức, dứt cháo, trong đó có tui được chánh phủ gởi về trường cầm phấn…
Cầm cái sự vụ lịnh của Thiếu tá Nguyễn Văn Xin, Chủ sự Phòng Ðộng viên của Bộ Giáo dục, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, thủ đô Sài Gòn về nhận nhiệm sở ở Cần Thơ.
Có lẽ 9 tháng quân trường chưa đủ lâu để làm tui bay đi mùi sữa ‘Babilac’, nên ông gác dan chận lại khi tui mới dợm bước qua cổng trường:
“Ê! Thằng kia! Chuông reo vào học đã lâu, giờ mới vác cái bản mặt tới. Chuyên đi học trễ không hà… mà còn hổng chịu mang hiệu đoàn nữa hè.”
Cha chả! Ông làm gác dan trường mà muốn nhảy lên làm thầy Giám thị một cách ngang xương hè?
Tui bèn từ tốn cắt nghĩa: “Tui đi học là hồi xưa kìa. Còn giờ tui đi dạy chú ơi!”
“Ủa! Thầy là giáo sư mới đổi về hả? Tui đâu có biết… Cứ tưởng học trò họ vè không hè! Thôi cho tui xin lỗi nghe!”
o O o
Hồi xưa làm Hiệu trưởng trường công lập cấp tỉnh là oai lắm. Phụ huynh gọi là ông Ðốc không hè. Cỡ mới ra trường như tui được ông Giám học tiếp đã là hân hạnh lắm rồi, đâu dám đòi hỏi gì hơn.
Nhưng chuyện đó với tui không quan trọng bằng cái chuyện điền tên vào bảng lương để cuối tháng lãnh lương. Vì có tiền mới có thực… Mà có thực mới vực được đạo của Thánh hiền phải không nào?
Ông Giám học xếp thời dụng biểu cho tui dạy lớp Ðệ tứ, nhưng tui cứ nằn nì là: “Thưa thầy cho tui dạy lớp Ðệ thất đi!”
Ông Giám học có vẻ không bằng lòng khi thấy tay thầy giáo lơ mơ và lơ ngơ mới ra trường nầy không kính nể cấp chỉ huy đúng mực, không tuân theo lịnh phân công, còn càm ràm xin xỏ lôi thôi nầy nọ nên dấm dẳn tra vấn tui là:
“Tôi xếp thầy dạy lớp Ðệ tứ là ưu ái cho thầy có nhiều cơ hội dạy thêm để kiếm tiền mà cưới vợ… Nhưng tại sao thầy cứ nhứt quyết đòi dạy lớp Ðệ thất vậy hả?”
Tui bèn kiên nhẫn và từ tốn trả lời cho ông Giám học rõ là: “Chẳng qua hồi xưa tui học lớp Ðệ thất tới hai năm nên có rất nhiều kinh nghiệm.”
o O o
Ngày đầu tiên nhận lớp, chưa kịp đặt đít ngồi xuống bàn Giáo sư, thì lấp ló ngoài cửa lớp có một phụ huynh dắt một thằng nhóc con xin phép được vào lớp. Tui bước ra chào đón thì: “Úy! Trời đất ơi! Người xưa của tui đây mà!”
Em cũng vừa ngạc nhiên đến sững sờ, vừa bỡ ngỡ che ngang vành nón lá, nói: “Nếu Thầy có nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ dẫu không cùng nhau nên duyên mới lỗi cũng tại em, xin Thầy dạy cho cháu nên người! Ðừng có thù dai, thù vặt mà khẻ tay hay bắt nó quỳ gối tội nghiệp.”
Gọi em là người xưa! Chẳng qua hồi còn đi học, thằng anh ruột của em cũng là bạn tui, học hành siêng năng giỏi dắn ngồi chính giữa. Tui và một thằng nữa ngồi hai bên.
Cả hai đứa tui đều làm biếng học bài nên lúc nào thầy cô cho bài làm trong lớp là phải nhờ bạn hiền giúp đỡ bằng cách cho cọp dê.
Bù lại tụi tui sẽ hùn tiền đãi nó uống cà phê sữa đá ở quán Năm Dưỡng gần trường.
Có lần mang điểm bài thi về cho Tía tui ký tên rồi nộp lại theo yêu cầu của Giáo sư, Tía tui có vẻ hổng có hài lòng, nên cật vấn tui rằng:
“Sao điểm bài thi lục cá nguyệt của con thấp vậy?”
“Thưa Tía! Tại khiếm diện ạ!”
“Sao ngay ngày thi mà con lại khiếm diện, trốn học?”
“Dạ đâu có! Tại thằng bạn ngồi kế bên con nó nghỉ!”
o O o
Một hôm đến nhà tìm nó để rủ đi uống cà phê Năm Dưỡng thì người mở cổng cho tui vào là em gái của nó. Dịp may hiếm có nên tui cười he he mở miệng làm quen là: ”Xin lỗi, Chủ Nhật vừa rồi hình như anh thấy em đi Sở Thú chơi phải không?” “Phải. Anh ở chuồng nào vậy?”
Câu trả lời thiệt làm tan nát lòng tui.
Mười năm sau, gặp lại, chắc em thấy tui được làm tới chức giáo sư ‘quèn’, em tiếc hùi hụi con chim ngày xưa, em ngu không bắt để bây giờ hồn em phải chìm trong phương trời viễn mộng! Cho đáng đời em! He he!
Rồi vài tháng sau, con em mang vào lớp cái thư phụ huynh mời tui đi ăn đám giỗ ông nội của nó!
Cái gì cái, được mời ăn là tui không bao giờ từ chối. Ðôi khi còn đến sớm sủa để khỏi phải ăn xà bần nữa kìa.
Ðón tui trịnh trọng trước cửa nhà là thằng chồng của em... “Úy trời đất ơi! Thằng chồng của em lại là thằng bạn học chí cốt của tui ngồi chung bàn năm cũ đây mà!”
Thì ra trong lúc tui tấn công em trực diện thì nó lại tiêu lòn, nước chảy đá mòn nhờ nhà nó giàu tiền giàu bạc, giàu vô thiên lủng, nên nó đem tiền ra mua chuộc tình em để biến tui thành một kẻ tình thua!
o O o
Vô bàn nhậu, làm sương sương vài ly là tui quên mất tiêu mối hận lòng năm cũ! Tui bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa ở Sài Gòn, lang thang chợ đời, sau nhiều năm gặp lại ngoài đường, có lần tui hỏi nó:
“Ðậu Tú tài hai rồi mày tính đi thi vô trường nào vậy?”
“Tao hả? Thi vô Ðại học Y  khoa, làm bác sĩ!”
“Ủa! Tao nhớ lúc trước mày tính thi vô Ðại học Kiến trúc mà?”
“Tại lúc trước ba tao còn làm bên xây dựng!”
“Còn sau đó?” “Ổng làm chủ trại hòm!”
“Nhưng ba tao cũng mất rồi! Tao là con một nên hưởng toàn bộ gia tài. Ăn cả đời còn chưa hết nhưng con vợ tao cứ khăng khăng đòi mở “phéc-mơ-tuya” để bán.
Ờ, tao nghĩ vợ tao, như mầy biết, vừa đẹp và có duyên ăn nói như nó mà mở “phéc-mơ- tuya” thì chắc chắn 100% đắt khách rồi, nên tui cũng tính chiều theo ý nó! Mầy thấy sao?”
“Ý mầy nói là vợ mầy muốn cái ‘pharmacy’ phải không? Chớ mở ‘phec mơ tua’ ra thì bán cái gì hè?”
o O o
Vài năm sau, mất miền Nam, VC đánh tư sản mại bản, nghe nói vợ chồng nó cũng lâm vào cảnh đói khổ như tui.
Vì gốc sĩ quan biệt phái, nên tui bị VC đuổi không cho dạy nữa, từ Cần Thơ tui trở về Sài Gòn cũng như vợ chồng nó từ vùng kinh tế mới trốn về vậy.
Một hôm, khoảng năm  78, 79 gì đó tình cờ gặp lại nó ngồi quán cóc uống cà phê trên lề đường Lý Thái Tổ, nó nói: “Sao tao thấy mầy suốt ngày mặc áo bỏ vô quần, giắt viết trong túi cầm sổ đi tà tà hoài vậy?” “À tao kiếm sống bằng ngòi bút!”
Thằng bạn tui gục gặc đầu, thán phục: “Sao làm nhà văn hay nhà báo?” “Ðâu có! Tao đi ghi số đề!”
Sau đó nghe đồn gia đình nó đã thuyền ra cửa biển!  
o O o
Trong Luận Ngữ của Khổng Tử có câu: “Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ” (Khách từ phương xa tới mà không vui sao được!)
15 năm sau nữa, đó là tâm trạng của tui sau một cuộc vượt biển đầy hiểm nguy lại may mắn gặp người năm cũ.
Một chiều, rinh theo chai rượu đỏ, vợ chồng tui đến ghé thăm vợ chồng nó ở Footscray, Melbourne.
Ðứa cháu nội của tụi nó ra mở cửa xong, nó gọi vọng vô: “Bà nội ơi! Có ai gọi ông nội bằng thằng đến kiếm kìa!”
Và người xưa của tui, vợ của thằng bạn tui, ra mở cửa, thấy em yêu của tui trước, bèn cất giọng khàn khàn: “Nè! Cháu muốn hỏi thăm nhà ai?”
Tui bèn nói: “Bà xã của anh đó! Ở Việt Nam mới qua định cư được hai năm!”
“Sắc đẹp dẫu chẳng bằng ai. Chỉ thua người mẫu với chân dài” về nâng khăn, móc túi…
Phải em xưa đừng hỏi tui ở chuồng nào? Thì đôi ta đã chung một chuồng, cùng tóc bạc như nhau, sau bao năm vầy duyên can lệ!
Quá đã! Không có cuộc trả thù nào ngọt ngào cho cái đắng cay ngày cũ bị em hỏi anh ở chuồng nào cho bằng cái lúc nầy đây!
Ðúng là ‘hữu thù bất báo…phi quân tử’ diễn Nôm là có thù mà không trả thì “sẽ không lớn nổi thành người”!

DXT – Melbourne

No comments: