Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên
(Tặng Những Nười Tỵ Nạn Cộng Sản
Việt Nam)
Dạo còn ở Việt Nam, trước năm 1975 qua sách báo tôi có
đọc và biết được tại Hoa Kỳ có một ngày lễ gọi là lễ Tạ Ơn. Chỉ
biết thế thôi chứ không có gì đặc biệt để ghi nhớ vào đầu ngoài
những sự kiện liên quan đến lịch sử Hoa Kỳ mà tôi biết vì lý do
nghề nghiệp. Chẳng hạn như chuyện ông Christopher Columbus khám phá ra
lục địa Mỹ Châu 1492, ngày lễ Độc Lập 4 tháng 7 – 1776, cuộc nội
chiến Nam – Bắc 1861 – 1865, Mỹ tham gia thế chiến thứ hai và thả hai
trái bom nguyên tử xuống Nhật và giải phóng Âu Châu ra khỏi tay phát
xít Đức…Gần hơn thì có Mỹ tham chiến trận chiến Nam – Bắc Triều Tiên
1950 – 1953 và sau đó là những hệ lụy liên quan đến cuộc chiến tại
Việt Nam…
Cho đến khi tôi và gia đình được qua Mỹ theo diện tỵ nạn
cộng sản thì mới hiểu rõ hơn về ngày lễ Tạ Ơn, chuyện vòng vòng
như sau:
Chuyến máy bay cuối trong cuộc hành trình đưa gia đình
chúng tôi về thành phố Houston đúng ba tuần trước ngày lễ Tạ Ơn.
Chúng tôi ngơ ngơ ngáo ngáo như mấy chú thím Mán về thành. Từ trên
máy bay nhìn xuống thành phố lúc mười giờ đêm thấy ánh sáng muôn
màu lấp lánh chẳng khác nào nhìn xuống một rổ kim cương khổng lồ.
Trên đường về nơi tạm trú thấy đèn hoa kết đầy trên cây cối hai bên
đường, các cửa tiệm đều giăng đèn cùng với hình ảnh trang trí như
ngày lễ hội. Trong số hình ảnh bắt gặp thấy có hình mấy chú gà
tây và những quả bí đỏ được vẽ trên các mặt kiếng trước các cửa
tiệm. Thấy vui và lạ chứ chẳng biết gì hơn cho đến khi…
Cả nhà sáu người được ở trong một căn của apartment
vùng tây bắc thành phố. Người lạ cảnh cũng lạ! Rồi chúng tôi cũng
được biết là sắp đến ngày lễ Tạ Ơn nhưng cũng chưa hiểu đầu đuôi câu
chuyện Tạ Ơn như thế nào. Trong khu apartment chúng tôi ở có người Mỹ
lẫn Mễ và thoáng thấy có cả người Việt Nam nhưng chưa có cơ hội làm
quen hay chuyện trò. Cho đến một hôm tôi còn nhớ rõ, vào ban chiều,
có ai đó đến gõ cửa và khi tôi mở cửa thì thấy một người đàn ông
Việt Nam, chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, tay ôm một con gà tây và bảo
tôi “biết anh chị mới qua Mỹ…sắp đến ngày lễ Tạ Ơn…tôi biếu anh
chị con gà tây để nấu cho các cháu ăn lễ…”. Tôi đưa tay bê con gà
tây và không quên nói lời cám ơn anh. Được biết anh tên Sơn cũng ở
cùng apartment và từ đó thỉnh thoảng gặp anh trong khuôn viên apartment
để trò chuyện và anh cũng chỉ dẫn cho tôi “hiểu ra” nhiếu thứ tại
nơi chúng tôi đang ở.
Chú gà tây nặng chừng bốn năm ký mà chúng tôi chẳng
biết làm thành món gì để ăn, về sau mới biết thường gà tây được
nướng để ăn trong dịp lễ Tạ Ơn cùng với món bánh bí theo như truyền
thống của người Mỹ. Cuối cùng thì chú gà tây được nấu thành món ra
- gu để ăn với bánh mì. Cả nhà gồm sáu người quây quần quanh chiếc
bàn ăn nhỏ và lần đầu tiên cùng nhau thưởng thức món gà tây nơi miền
đất tự do. Không biết bây giờ anh Sơn ở đâu? Cám ơn anh đã cho chúng
tôi món gà tây trong mùa lễ Tạ Ơn đầu tiên.
Chuyện lòng vòng tiếp
theo là chuyện lạnh. Thành phố nơi chúng tôi ở cũng có bốn mùa xuân
hạ thu đông. Tôi cảm nhận được rằng: mùa xuân và mùa thu nơi đây ngắn
ngủi nhưng mùa hè và mùa đông thì kéo dài. Mùa hè nóng gắt, mùa
đông lạnh tái tê. Tôi còn nhớ khi nhận được chú gà tây từ anh Sơn,
tối hôm đó chúng tôi kéo nhau đi chợ để mua các thứ linh tinh về làm
món ga gu. Chưa có xe nên chúng tôi cả nhà kéo nhau đi bộ đến chợ
Kroger cách nhà chừng gần cây số. Lúc đó cũng chưa biết thời tiết
lạnh bao nhiêu độ F nhưng cảm thấy “lạnh lắm” chừng như là gần 0 độ
C. Hai tai tôi lạnh ngắt và cứng đơ tưởng chừng như búng vào thì nó
rớt ngay. Hai tay thọc kín vào túi áo ấm và người nào cũng khom
người bước đi cho nhanh vào chợ…rồi bước cho nhanh về nhà…
Lần đầu tiên được hưởng lễ Tạ Ơn, ngoài món gà tây nấu
không đúng cách (nướng thay vì nấu ga ru), chúng tôi còn được đi xem
diễu hành vào buổi sáng thứ năm tại downtown. Nhờ người quen chở
xuống thảy dưới phố với trong người chỉ có chiếc áo lạnh “tị nạn”
không đủ ấm nhưng chúng tôi rất vui. Chín giờ cuộc diễu hành mới bắt
đầu mà bảy giờ chúng tôi đã có mặt. Không biết làm gì hơn trong khi
chờ đợi nên chúng tôi chỉ biết đứng túm tụ một chỗ và “mạnh ai nấy
run”, muốn trở về nhà cũng không được. Trong khi đó thấy mấy ông mấy
bà và con trẻ Mỹ trắng Mỹ đen Mỹ nâu tà tà đến, nhiều người trùm
cả tấm chăn quanh người cho ấm, lại mang theo ghế xếp bằng vải để
ngồi…Cuộc diễu hành bắt đầu lúc 9 giờ và hơn một tiếng đồng hồ sau
thì chấm dứt. Chúng tôi được đón về nhà thì trời đã trưa nhưng vẫn
còn lạnh…lạnh kinh khủng…
Rồi tôi biết câu chuyện những người tị nạn tôn giáo
Pilgrims vượt Đại Tây Dương trên con thuyền mang tên Mayflower đến vùng
đất mới Mỹ Châu và được những người bản xứ Da Đỏ giúp đỡ lương
thực và chỉ dẫn cho họ việc canh tác săn bắn để tái tạo lại cuộc
sống. Sau vụ mùa đầu tiên những người tị nạn tổ chức tiệc ăn mừng
để tạ ơn những người bản xứ.
Hậu bán thế kỷ thứ 20, từ một quốc gia nhỏ bé ở Đông
Nam Á Châu đã có hàng nghìn hàng vạn con thuyền “Mayflower” vượt Thái
Bình Dương để tìm về những vùng đất Tự Do. Lịch sử tái diễn!
Ngày mai thứ năm - ngày lễ Tạ Ơn - gia đình tôi có cuộc
họp mặt đông đủ để ăn mừng. Nhân danh tôi và gia đình, xin cám ơn đất
nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, những người Mỹ đã giúp tôi tái tạo lại
cuộc sống và đã ban cho tôi hai chữ Tự Do đã bị chính người cùng tổ
tiên của tôi tước đoạt gần nửa thế kỷ trước.
Phong Châu Ngày
22 Tháng 11 – 2023
No comments:
Post a Comment