Thấy gì từ nỗ lực của Việt Nam thúc giục Mỹ công nhận nền
kinh tế thị trường?
18/11/2023
Tổng thống Joe Biden bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương khi ông đến dự đối thoại thân mật và ăn trưa làm việc tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương thường niên, ngày 16 tháng 11 năm 2023, tại San Francisco.
Việt Nam đang ra sức kêu gọi Mỹ công nhận nền kinh tế của
mình là kinh tế thị trường bằng “quyết sách chính trị” hơn là dựa trên những
quy định của Mỹ mà Việt Nam cho là cứng nhắc trong bối cảnh hai nước tăng cường
hợp tác sau khi chính thức nâng cấp quan hệ.
Nỗ lực của Việt Nam được thúc đẩy mới đây nhất với những
phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở
San Francisco, nơi ông đưa ra những bình luận về triển vọng của mối quan hệ
Việt-Mỹ và trao đổi về những chính sách giúp thăng tiến quan hệ của hai nước.
Tai một cuộc hội luận hôm 15 tháng 11 tại Hội đồng Quan hệ
Đối ngoại, khi được hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong
phát triển sản xuất chất bán dẫn, ông Thưởng nói việc này sẽ hữu hiệu hơn nếu
Mỹ công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
“Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị; không
nên theo quy định một cách cứng nhắc,” ông nói thêm, theo tường trình của
Thông tấn Xã Việt Nam.
Lời đề nghị này trước đó đã được các nhà lãnh đạo cao cấp
khác của Việt Nam đưa ra với các quan chức Mỹ đến thăm, cả với Tổng thống Joe
Biden khi ông đến Hà Nội vào tháng 9 để nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác
chiến lược toàn diện.
Việc ông Thưởng gợi ý rằng Mỹ nên thay đổi cách định danh
dựa trên những cân nhắc chính trị thay vì căn cứ theo những quy định của chính
mình là chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của một vấn đề mà các quan chức Việt
Nam xem là “hết sức khẩn trương và cần thiết.”
“Cái lợi cho Việt Nam là thuế sẽ thấp hơn, thuế nhập cảng,
quan thuế,” ông Đinh Xuân Quân, tiến sĩ kinh tế ở California từng có kinh
nghiệm làm cố vấn ở Việt Nam, nhận định. “Những nước không được định danh là
kinh tế thị trường thì bị xem xét kỹ hơn.”
Việt Nam, nước nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của Đảng
Cộng sản, mô tả nền kinh tế của mình là “kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa.” Điều này có nghĩa là về căn bản nền kinh tế vận hành theo những quy
luật của chủ nghĩa tư bản nhưng có sự quản lý và điều chỉnh của nhà nước, với
các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Các quan chức thương mại Việt Nam đã than phiền về việc
Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ định danh là “nền kinh tế phi thị trường,” đưa tới
hệ quả là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ
thương mại.
Giới chuyên gia nhận định rằng thực
trạng kinh tế Việt Nam khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ để được công nhận
là một nền kinh tế thị trường. Đối với tiến sĩ Đinh Xuân Quân, việc Việt Nam
thúc giục Mỹ đưa ra “quyết sách chính trị” để thay đổi cách định danh là một sự
“hiểu lầm”.
“Dù là kinh tế thị trường thì nhà đầu tư mới là người có
quyền đầu tư chứ chính phủ không thể bắt buộc họ đầu tư được,” ông nhận xét.
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giáo sư giảng dạy chương trình thạc
sĩ quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nói định nghĩa
“kinh tế thị trường” không phải là một thước đo cố định mà có những mức độ khác
nhau tùy theo từng quốc gia. Mỹ có lẽ là một trong
những nước có nền kinh tế thị trường ở mức độ cao nhất trên thế giới, ông nói.
“Theo định nghĩa thuần túy về kinh tế thị trường của Mỹ thì
Việt Nam không được coi là một nền kinh tế thị trường. Nhưng điều đó không có
nghĩa rằng sự định danh này ảnh hưởng đến mức đầu tư nước ngoài FDI vào Việt
Nam, miễn sao Việt Nam chứng tỏ được là không có vi phạm luật của Tổ chức
Thương mại Thế giới WTO,” ông nhận định.
“Mà chúng ta nên nhớ rằng Bộ Thương mại định nghĩa như thế
nào, ông Võ Văn Thưởng nói thế nào không thành vấn đề. Cái vấn đề lớn hơn là
[quyết định] của những CEO của các công ty. Họ nghĩ rằng họ đầu tư vào Việt Nam
thì hàng hóa họ được bán ra như thế nào theo thị trường, có bị nhúng tay bởi
chính quyền hay không. Đó mới là điểm chính yếu.”
Reuters hôm 7 tháng 11 cho biết hãng công nghệ Intel đã
quyết định gác lại khoản đầu tư ở Việt Nam với lý do rằng Việt Nam
bị thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà. Việc này được xem là một đòn giáng
mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.
Dù vậy Việt Nam nhìn thấy những ích lợi rõ ràng trước mắt
nếu được Mỹ định danh là nền kinh tế thị trường, được nói là có ý nghĩa “rất
lớn” cho các ngành sản xuất và xuất khẩu.
“[Nó] tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của
ta đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ
thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam,” Trịnh Anh Tuấn, Cục
trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại Bộ Công Thương Việt Nam, nói trong một
cuộc phỏng vấn với trang
tin Vietnamnet hôm 13 tháng 11.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 24 tháng 10 thông báo sẽ bắt
đầu xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, sau khi chính
phủ Việt Nam vào tháng 9 đã đệ trình chính thức yêu cầu bộ coi nước này là nền
kinh tế thị trường dựa trên những cải cách kinh tế của Việt Nam trong những năm
gần đây.
Bộ
Thương mại nói sẽ “xem xét cẩn thận” các thông tin do chính phủ Việt Nam đệ
trình liên quan đến cải cách thị trường và sẽ hoàn thành việc xem xét nhanh
nhất có thể, theo luật pháp Mỹ. Bộ có 270 ngày để hoàn thành việc duyệt xét
này, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến công chúng trước khi đưa ra quyết định.
No comments:
Post a Comment