Monday, November 20, 2023

NHIỀU LẠ LÙNG VÀ ĐỘNG TRỜI TRONG ĐẠI ÁN VẠN THỊNH PHÁT, TRƯƠNG MỸ LAN (TN)

 Nhiều lạ lùng và động trời trong đại án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan

November 19, 2023

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bà Trương Mỹ Lan và một số người thân tín bị bắt từ Tháng Mười, 2022 đến nay, có nhiều con số và sự việc lạ lùng diễn ra, thật đáng nể.

Người ta đều hiểu, những gì được tung ra trên mạng lưới truyền thông đều chỉ nhằm giúp tuyên truyền cho chế độ nói chung và công an nói riêng, kể công trừ diệt tham nhũng, những thành phần bất hảo trong và ngoài guồng máy cầm quyền làm ung nhọt xã hội.

Bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ. (Hình: Dân Việt)

Riêng vụ án “lường gạt chiếm đoạt tài sản” ban đầu gán cho bà Trương Mỹ Lan, bây giờ, sau hơn một năm điều tra, bà bị cột cho ba tội danh là “đưa hối lộ, vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản.”

Theo Luật Hình Sự CSVN, các tội danh “đưa hối lộ” hoặc “vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng” bị kết án tối đa 20 năm tù. Nhưng tội “tham ô tài sản” thì có thể bị tù chung thân đến tử hình. Người ta không biết cuộc điều tra đại án này còn kéo dài bao lâu, tuy nhiên, dựa trên những thông tin được công an tung ra dồn dập cho các báo khai thác mấy ngày qua, có vẻ vụ án sắp được đưa ra xử trong một tương lai không xa.

Những gì được hé lộ từ ngày 8 Tháng Mười, 2022 đến nay cho người ta thấy, tổng cộng có 86 ông, bà dính líu đến hoạt động kinh doanh bất hợp pháp tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan đều là những cấp chỉ huy hàng đầu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, Cục Thanh Tra của Ngân Hàng Nhà Nước, công ty đầu tư bất động sản.

Về phía chức sắc nhà nước trong vụ án này, cầm tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan là 17 ông, bà tại Cục Thanh Tra của Ngân Hàng Nhà Nước. Họ đều được bà Lan mua chuộc “tập thể” để làm ngơ trước các hồ sơ tín dụng trái quy định mà bà dùng để rút ruột ngân hàng SCB. Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra Ngân Hàng Nhà Nước ăn hối lộ tới hơn $5 triệu được xếp trong ba “thùng xốp.”

Hầu hết các báo chỉ có đề cập tên ông Chu Lập Cơ, sinh năm 1956 tại Quảng Đông, thường trú Hồng Kông, chồng bà Trương Mỹ Lan về vụ ông ta toa rập với vợ “dùng tòa nhà Times Square để thế chấp khống, giúp vợ rút hơn 19,500 tỷ đồng (hơn $838 triệu) của SCB. Tính cả lãi, khoản nợ này gây thiệt hại hơn 39,200 tỷ cho ngân hàng (gần $1.7 tỉ).”

Trước đây, không hề thấy báo chí trong nước đề cập gì nhiều về ông này. Một vài bản tin nói loáng thoáng về tài sản của tay tay phiệt Chu Lập Cơ ở Hồng Kông, Singapore, Việt Nam. Một bản tin nói ông ta bán một số tài sản ở Hồng Kông với giá rẻ như bèo nhằm giúp vợ chống đỡ trong vụ án, khiến người ta lầm tưởng ông ta vẫn ở Hongkong chứ không phải ở Sài Gòn.

Không có báo nào cho biết ông Chu Lập Cơ bị bắt từ bao giờ, ở đâu dù các bản tin ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật đều kể tội ông ta giúp vợ lập hồ sơ ma mãnh rút ruột ngân hàng SCB. Tuy nhiên, ngày 19 Tháng Mười Một, thấy tờ Dân Việt bật mí rằng: “Hiện tại, ông Cơ bị giam tại trại tạm giam Công An Tỉnh Hà Nam, còn bà Lan bị tạm giam tại Hải Dương.”

Đây là chi tiết khá lạ. Họ sống ở Sài Gòn, “phạm tội” cũng phần lớn ở Sài Gòn, nhưng ông Chu Lập Cơ bị giam ở Hà Nam trong khi bà Trương Mỹ Lan lại bi đưa tới giam ở Hải Dương.

Chuyện gì đã xảy ra? Sợ vợ chồng bà nay có mối quan hệ thân hữu chặt chẽ với nhà cầm quyền Sài Gòn, đặc biệt với công an, nên rất có thể cuộc điều tra bị “lái” theo một hướng khác?

Một trong hơn ngàn tài sản địa ốc của tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn. (Hình: Dân Trí)

 

Hà Nam cách Sài Gòn 1,662km còn Hải Dương cách Sài Gòn 1,631, trong khi Hà Nam cách Hải Dương gần 92km. Những vụ án đặc biệt ở Sài Gòn thường thấy đưa về giam ở Hà Nội để điều tra, trong trong vụ này cũng không mang về giam ở Hà Nội vì nhiều chức sắc ở trung ương chưa chắc tránh bị mua chuộc? Hoặc cũng có thể từng là chỗ thân tình của họ? Giam ở hai nơi xa nhau để họ không thể liên lạc “thông cung”?

Nhiều năm trước, từng có tin bà Trương Mỹ Lan từng hối lộ cho cả Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang (trước khi làm chủ tịch nước) và Thứ Trưởng Công An Phạm Quý Ngọ liên quan đến vụ dời cảng Sài Gòn lấy đất làm “dự án.” Cả hai ông này đã chết và vụ việc cũng đã bị cho chìm xuồng từ lâu. Nếu moi móc lại thì cũng chẳng đẹp mặt gì cho chế độ.

Nếu có cách nào gọi hồn được bà Nguyễn Phương Hồng, các ông Nguyễn Tiến Thành, Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, người ta biết đâu được nghe kể những chuyện lý thú liên quan đến đế chế Vạn Thịnh Phát. (TN) 

No comments: