Thursday, January 25, 2018

TIM VỤN VỠ (Diệp Thế Hùng)



TIM VỤN VỠ
Ta có thể nói mỗi tình yêu đều có những lúc hạnh phúc, những
lúc đầy niềm tin, nhưng cũng có những lúc đau buồn, những lúc
tuyệt vọng.  Nguyên nhân của những tâm trạng ấy thường thì
rất là nhỏ bé nhưng người trong cuộc cảm thấy to lớn. Nỗi đau
khổ có thể đến chỉ vì một người muốn người mình yêu đối xử
với những người khác theo ý của mình,  không muốn chia sẻ cái
quan tâm của người mình yêu cho những người khác.  Đây là
tâm trạng rất thường gặp trong tình yêu. Từ cái ham muốn
chiếm hữu hoàn toàn ấy nảy sinh những bất đồng với người yêu
về cái nhìn cuộc đời, cái liên hệ với người ngoài cuộc.
Tác giả đã viết bài MỘT CƠN GHEN
(http://www.chimvenuinhan.com/2017/11/
mot-con-ghen-diep-hung.html) để miêu tả vấn đề ấy. Các bạn
một lúc nào đó trong tình yêu cũng trải qua cái tâm trạng ấy.


Bài thơ dưới đáy nói lên nỗi tuyệt vọng của một người trong
cuộc trong một lúc ghen hờn. Xin chia sẻ với bạn đọc.

TIM VỤN VỠ


Anh buồn quá, buồn thấm từng mạch máu
Dẫn vào tim, vào chiếm cả hồn anh
Biết nói sao, khi đã hết ngọt lành
Thôi chấm dứt? Thôi đành xa nhau nhé?


Em không nói, chỉ khóc thầm lặng lẽ
Tim anh đang vun xé với ưu sầu
Nhớ không em những say đắm ban đầu?
Sao em để cho dấu yêu phai nhạt?


Thôi đừng khóc, khối tình đang tan nát
Cuộc tình duyên chốc lát hết dạt dào
Còn gì đâu, những yêu dấu ngọt ngào
Những buổi tối rạt rào lời âu yếm
Bao nhiêu năm anh đợi chờ tìm kiếm
Một ngày tình đến chiếm trái tim anh
Nhưng đêm nay yêu dấu đã tan tành
Chỉ còn lại những mảnh tim vụn vỡ.
Diệp Thế Hùng
CÁCH LÀM THƠ TÁM CHỮ
Đây là thể thơ rất phổ thông vì khá dễ làm. Thể thơ này xuất
hiện trong những năm 1930 với những thi sĩ của "Phong Trào
Thơ Mới". Bài thơ tám chữ nổi tiếng nhất mà tôi rất thích là
bài "Hổ Nhớ Rừng" của Thế Lữ. Nhưng trong bài này, Thế Lữ
thay đổi thể thơ nhiều chỗ, nhiều khi lấy cả thể tự do.
Thơ tám chữ dễ làm vì mỗi câu đủ dài để có thể diễn tả được
một ý mà không bị hạn chế vì số chữ.  Luật bằng trắc cũng dễ
dàng vì số chữ nhiều hơn những thể thơ khác.  Tôi không muốn
viết ra đây luật bằng trắc vì không ai có thể nhớ được. Tôi chỉ
khuyên các bạn là khi làm thơ, bất cứ thể thơ gì, cũng phải kiểm
soát âm điệu trên bốn câu, vì âm điệu là từ bốn câu, không phải
một câu.
Về luật vần, có hai cách thông dụng (thi sĩ có thể biến hóa qua
nhiều cách khác, ít thông dụng hơn):

1. Cách thứ nhất: cái truyền vần từ câu này qua câu khác chỉ
giới hạn ở hai câu: câu thứ nhất tự do, câu thứ hai và thứ ba
cùng vần AA, câu thứ tư và thứ năm cùng vần BB, câu thứ sáu
và thứ bảy cùng vần CC, ... Những vần A, B, C, ... không liên hệ
với nhau:
1 2 3 4 5 6 7 8
1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 C
1 2 3 4 5 6 7 C
....

Thí dụ:

Anh sợ lắm
Em hỏi anh có yêu trường Nguyễn Huệ
Sao không về thăm lại mái trường xưa ?
Trường vẫn đây dù trời nắng hay mưa,
Trường vẫn đó chờ anh từ dạo ấy.
Em hỏi thật có bao giờ anh thấy
Lòng bâng khuâng dù chỉ một lần thôi
Buồn mênh mang nhìn ngày tháng êm trôi
Và nhung nhớ và tiếc thương trường ?
Anh sợ lắm, sợ trong từng giấc ngủ
Sợ khi về không thấy mái trường yêu
Rồi lang thang, thất vọng biết bao nhiêu
Như Từ Thức không tìm ra làng cũ.
(DTH, 10/2016)

2. Cách thứ hai: Chữ cuối của câu thứ nhất cùng vần với chữ
thứ năm của câu thứ hai, chữ thứ tám của câu thứ hai cùng vần
với chữ thứ tám của câu thứ ba, chữ thứ tám của câu thứ ba
cùng vần với chữ thứ năm của câu thứ tư,  ...
1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 A 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 B 6 7 C
1 2 3 4 5 6 7 C
1 2 3 4 C 6 7 D
....
So với luật vần thứ nhất, luật vần này khó hơn vì phải truyền
vần trên ba câu  (nhìn vần B và vần C trên đây), thay vì hai câu
nhưng trong luật thứ nhất.  Thí dụ: bài thơ TIM VUN VO trên
đây, hay đoạn thơ dưới đây:

Thôi anh hứa sẽ làm thơ kiêu hãnh
Ngập tình yêu xa lánh mọi buồn phiền
Vần thơ hồng tựa ánh sáng thần tiên
Đưa em đến cõi thiên đường ân ái
(DTH, trích TRÁCH MÓC)

Rất nhiều bạn làm thơ tám chữ với âm điệu hay vì luật bằng
trắc đúng, nhưng không đúng vần. Tôi biết là luật vần sẽ giới
hạn ý thơ, nhưng có nhiều khi tìm ra một chữ hợp vần đưa tôi
đến một ý thơ mới mà tôi không nghĩ đến.  

No comments: