Monday, January 8, 2018

VUI BUỒN ĐI THUÊ NHÀ TRỌ Ở LITTLE SÀI GÒN (Trúc Linh)

Đầu năm kể chuyện vui buồn đi thuê nhà trọ ở Little Saigon
Trúc Linh/
Khu apartment nơi chị Liên Nguyễn từng thuê ở San Gabriel (Hình: Trúc Linh/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Có lẽ không ít người trong chúng ta đều từng trải qua thời gian thuê nhà, share phòng ở trọ khi mới đặt chân đến Mỹ, chờ ổn định cuộc sống. Có người may mắn sau dăm ba năm đến Mỹ, tích cóp được tiền, đặt cọc mua nhà, “thoát kiếp” nhà thuê. Có người lâu hơn, mười năm, hai mươi năm để có thể làm chủ một căn nhà của riêng mình. Nhưng cũng lắm người dính chặt đời mình với chuyện share phòng, thuê nhà bởi nhiều lý do.  Trong bài viết này, phóng viên nhật báo Người Việt chỉ muốn kể lại những vui, buồn quanh chuyện đi thuê nhà ở Little Sài Gòn và một số thành phố lân cận.

Từ chuyện đi thuê phòng, ‘back house’
Mở trang rao vặt cho thuê nhà trên một số báo giấy và online, mỗi ngày đều thấy rất nhiều mẫu đăng cho thuê nhà, thuê phòng. Phòng cho thuê là phòng dư dùng của một gia đình ít người nào đó, họ muốn có thêm chút thu nhập nên cho thuê. Có nhà còn tận dụng tối đa bằng cách lấy garage làm thành phòng cho thuê, mặc dù biết rằng điều này là không hợp pháp.
Nhắc về chuyện thuê phòng, chị Thảo Trần ở Santa Ana vẫn còn ấm ức. Lúc đầu chủ nhà nói cho chị ‘nấu ăn nhẹ’ nghĩa là nấu mấy món đơn giản ăn cơm, thế nhưng khi chị dọn vào, chủ nhà chỉ cho chị nấu mì và làm nóng đồ ăn trong microwave thôi. Nhưng quá đáng nhất là chị bị chửi te tát khi có bạn đến thăm khi chị bị bệnh. “Bà ấy yêu cầu bạn em ra khỏi nhà ngay lập tức, bởi bà ấy qui định là không được cho bạn vào nhà. Mà đó là bạn gái chứ có phải đàn ông đâu chứ. Bà ấy dữ lắm, chửi chồng, chửi con suốt ngày hà. Ở được vài tuần em phải dọn đi. Dĩ nhiên em bị mất toàn bộ tiền đặt cọc”, chị Thảo kể.

Có chủ nhà cho sinh viên thuê phòng vừa có tiền, vừa có người giúp con của họ… học tiếng Việt. Chị Minh Phượng ở thành phố Alhambra, hiện là sinh viên đại học. Chị Phượng thuê phòng trong nhà của một người phụ nữ đơn thân, có hai con nhỏ. Người chủ nhà này ban đầu rất tốt với chị, hay cho chị đồ ăn. Thế nhưng được vài bữa chủ nhà nhờ chị dạy tiếng Việt cho con gái của chủ nhà, một bé bảy tuổi và một bé bốn tuổi. Mỗi ngày đi học về, chưa kịp nghỉ ngơi là con gái của chủ nhà gõ cửa đòi vào chơi hoặc muốn học tiếng Việt.

Chị Minh Phượng than thở: “Tôi gần như không có thời gian riêng tư khi về nhà. Những ngày tôi về sớm, có khi chủ nhà còn nhờ tôi đi đón cháu lớn ở trường. Sau hai tháng, tôi lại phải dọn đi. Sau đó, tôi thuê phòng một nơi khác, nhà không có con nít nhưng chủ nhà rất hay tụ tập bạn bè, hát karaoke có khi đến 1 giờ sáng. Nói chung là chuyện đi thuê nhà rất mệt mỏi, không chuyện này cũng là chuyện khác.”
Ngoài ra, cũng có chủ nhà cho thuê phòng để có người “dòm ngó” và nói chuyện với người già, là ba mẹ của chủ nhà, trong nhà. Những câu chuyện đi thuê phòng thì muôn màu muôn vẻ, không chuyện nào giống chuyện nào. Đi thuê “back house” hay “guest house” cũng vậy. Không phải ai cũng may mắn gặp chỗ vừa ý để có thể ở lâu dài.

“Back house” hay “guest house,” hai tên gọi nhưng thực ra chỉ là một. Kiểu “nhà” này giông giống như apartment, trong đó có phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ và nhà vệ sinh riêng nhưng đa phần là được xây dựng tạm bợ với những chất liệu rẻ tiền, nên giá thuê rẻ hơn apartment và chủ nhà “bao” luôn điện, nước, internet.

Chị Lily Nguyễn kể với phóng viên báo Người Việt về chuyện thuê “back house” của chị. Căn “back house” đó nằm trên đường Stanford, thành phố Garden Grove, gồm hai phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh được làm sơ sài. Chủ nhà nói toàn bộ khu vực đó là của chị, không có ai dùng chung cả. Khi vào xem nhà, chị nhìn thấy có một phòng nữa và cửa phòng này ngay bếp của “back house” chị thuê. Chủ nhà nói cửa đó đã khóa, em chủ nhà ở phòng đó nhưng ra vào bằng hướng khác, không liên quan gì “back house” chị sẽ thuê.
Thế nhưng ngày đầu tiên dọn tới, khi chị đang loay hoay lau dọn trong bếp thì một người đàn ông xuất hiện sau lưng. Chị chào hỏi, ông ta không nói không rằng và đi thẳng vào nhà vệ sinh. “Tôi chưa kịp nói chuyện với chủ nhà thì tối hôm đó, đang ngủ, tôi giật mình bởi tiếng chửi mắng om sòm. Ban đầu tôi cứ tưởng ai đó chửi nhau, một lúc sau nghe kỹ mới biết người này chửi một mình và có vấn đề thần kinh. Hôm sau tôi hỏi mới biết đó là em của chủ nhà, người làm tôi giật mình lúc chiều hôm qua. Từ đó, cứ khuya là người đó chửi, chửi đến vài tiếng đồng hồ. Hết chịu nỗi, tôi nhanh chóng tìm nhà khác và chuyển đi,” chị Lily Nguyễn kể lại.

Ông Minh Hoàng đang nhờ Fair Housing đòi lại tiền đặt cọc từ chủ của khu apartment trên đường Alwood, thành phố Garden Grove. 
(Hình: Trúc Linh/Người Việt)
Đến apartment
Thuê phòng và “back house” là vậy, còn apartment thì sao, có khá hơn không?
Ông Minh Hoàng chia sẻ câu chuyện khi ông thuê apartment ở đường Alwood, thành phố Garden Grove.
Ông Minh cho biết, ngày đến xem và sau khi ký hợp đồng thuê apartment, ông không hề biết có đến hai “hàng xóm” bị vấn đề về thần kinh, một người ở cạnh căn apartment ông thuê và một người trên lầu. Khi ông dọn vào mới biết hai “hàng xóm” này thi nhau la lét không ngừng nghỉ, bắt đầu từ trưa cho đến tận khuya. Buổi sáng họ yên tĩnh nên khi đến xem nhà, ông không hề biết, cũng không nghe người quản lý nói gì.
“Nếu họ la hét kiểu bình thường và không thường xuyên, có thể tôi sẽ cố gắng chịu đựng nhưng họ thường rống lên, nghe rất sợ”, ông Minh nói.
Sau một tuần, tìm được căn apartment khác, ông Minh chuyển đi. Ông nói chấp nhận chịu mất tiền một tháng thuê nhà, nhưng yêu cầu họ trả ông tiền đặt cọc $1,000 nhưng chủ của apartment này chẳng những không trả ông tiền cọc mà còn yêu cầu ông trả thêm một tháng tiền thuê nhà cộng với mấy trăm đô la tiền “clean up.” Tất nhiên ông Minh không đồng ý. Sau nhiều lần tìm cách nói chuyện với chủ apartment nhưng họ từ chối gặp, hiện ông Minh đang nhờ Fair Housing giúp ông đòi lại công bằng.

Câu chuyện của chị Liên Nguyễn lại khác. Chị thuê căn apartment một phòng ngủ ở thành phố San Gabriel. Khi đến xem chị thấy mọi thứ rất hoàn hảo, cho đến khi chị dọn vào ở. Ngay sau vách phòng ngủ của chị cũng là nơi cánh cửa sắt mở cho xe ra vào. Cánh cửa này rất to, nặng, âm thanh khi cánh cửa mở và đóng rất lớn. Ban ngày thì không sao nhưng đêm khuya yên tĩnh, âm thanh này khiến chị không ngủ được. Xe ở apartment thì ra vào cả đêm. Chưa kể những người ở tầng trên rất ồn ào vào ban đêm. Chị nói chuyện với quản lý xin đổi căn khác nhưng họ không còn căn nào trống. Người quản lý thông cảm, nói nếu chị muốn chuyển đi, họ sẽ giải quyết, trả lại chị tiền cọc. Chị đi tìm apartment lân cận nhưng không được, cuối cùng phải chấp nhận ở đó chờ đến hè vì con của chị học ở trường gần đó, không muốn chuyển đi xa vì sợ xáo trộn việc học của con.

Tuy nhiên, không phải ai đi thuê nhà cũng gặp chuyện không vui. Có những chủ nhà thực sự tốt với người thuê. Sau khi ly hôn, chị Thu Vân và con gái 6 tuổi thuê phòng trong một ngôi nhà khang trang ở thành phố Anaheim. Hai bác chủ nhà rất quý hai mẹ con chị Vân, thường xuyên mời ăn uống, tặng quà cho con gái chị Vân. “Hai bác ấy tốt lắm. Bác gái luôn bảo tôi trong nhà bếp có gì thì cứ lấy xài, không cần phải mua gì cả, kể cả gạo, bác cũng không cho tôi mua. Tôi đi làm nail gần nhà, chủ tiệm nail cũng thương hoàn cảnh, giờ tan học của con gái là cho tôi chạy về đón con, nhưng hai bác chủ nhà giành phần đón dùm. Nhiều hôm làm về trễ, tôi thấy bác gái để dành sẵn phần ăn cho tôi. Hai bác xem tôi như con gái. Tôi thực sự rất biết ơn hai bác,” chị Vân xúc động nói.

Vậy đó, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Thế nên trước khi quyết định thuê phòng, thuê nhà nên đến xem ở những giờ khác nhau, hỏi kỹ mọi thông tin. Chuyển nơi thuê không chỉ mất tiền, mất thời gian mà còn ảnh hưởng đến việc học hành của con cái, nếu có con và phải mất thời gian trong việc thay đổi địa chỉ trên một số giấy tờ cá nhân. (Trúc Linh)

No comments: