Sunday, September 13, 2020

QUYỀN GIÁM ĐỐC ICE GỐC VIỆT BỊ MỘT SỐ NGƯỜI ĐẾN "QUẬY" TRƯỚC NHÀ (Đ.D)

 

Quyền giám đốc ICE gốc Việt bị một số người đến ‘quậy’ trước nhà

Sep 12, 2020 

RICHMOND, Virginia (NV) – Ông Tony Phạm, người vừa được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm làm quyền giám đốc Sở Cảnh Sát Di Trú (ICE), bị một số người thuộc nhóm “SEAC Village” đến quậy trước sân nhà hôm 8 Tháng Chín, theo một video trên Facebook cho thấy.

“SEAC Village” hoặc “SEAC” là viết tắt của tổ chức quần chúng “Southeast Asian Coalition” chuyên đấu tranh cho công bằng và nhu cầu của cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á ở Mecklenburg County và các khu vực xung quanh tại tiểu bang North Carolina, theo Facebook của tổ chức này cho biết.

 

Thánh Giá, khẩu hiệu, và đồ đạc những người thuộc SEAC để trước nhà được cho là của ông Tony Phạm ở Richmond. (Hình: Twitter)

SEAC có văn phòng tại Charlotte, North Carolina, và do Luật Sư Nguyễn Thành Tín đồng sáng lập.

Video trên Facebook cho thấy hơn một chục đàn ông và phụ nữ gốc Châu Phi và Châu Á mặc áo đen, đeo khẩu trang, đi bộ trên một con đường trong một khu phố, trên tay cầm một số bao nhựa bên trong có một số đồ vật.

Một số người mặc áo lạnh với dấu hiệu phía sau, có chữ “SEAC” phía trên hình một nắm đấm, huy hiệu của SEAC.

Sau đó, giọng một người đàn ông vừa quay phim vừa nói: “Chúng ta đang trên đường đi đến nơi.”

Khi các phụ nữ này dừng trước sân một căn nhà, giọng người đàn ông này nói: “Đây là nhà của Tony Phạm, tân giám đốc ICE.”

Người đàn ông nói tiếp: “Đây nè, dựng đi, dựng nhanh lên đi.”

Ngôi nhà được cho là của ông Tony có cầu thang bước lên cửa, có một cây lớn, tàn cây rộng, ở sân cỏ phía trước nhà.

Các phụ nữ này nhanh chóng lấy đồ đạc trong túi nhựa ra và dựng một số tấm bảng được chuẩn bị sẵn trước đó, và cắm lên sân cỏ.

Những tấm bảng này có hàng chữ như “Tony Pham, new ICE director” (Tony Phạm, tân giám đốc ICE), “Pham lives here” (Phạm sống ở đây), và “Pham cages children” (Phạm nhốt trẻ em vào chuồng).

Những người này còn để một số bao màu cam và màu đen, bên trong có tấm giấy màu bạc, và hình mặt người.

Màu cam tượng trưng cho áo tù nhân. Màu bạc tượng trưng cho chiếc mền ICE phát cho trẻ em bị tạm giam trong các trại giam ở biên giới Mỹ-Mexico.

Những người này sau đó còn cắm nhiều Thánh Giá nhỏ khắp sân cỏ, tới sát cầu thang dẫn vào cửa chính căn nhà, nhìn giống như một nghĩa trang.

Giọng người đàn ông tiếp tục: “Đây là cách họ đối xử với trẻ em ở biên giới. Chúng ta phải làm cho mọi người biết điều này. Người ta đang chết.”

Một số người phụ họa theo: “Đang chết!”

Một số người sau đó nhổ Thánh Giá và ném vào căn nhà.

“Xấu hổ quá,” một giọng nữ la lên.

Bất thình lình, một giọng nữ khác, nói bằng tiếng Việt: “Mày ra đây mày nói chuyện với tao nè.”

Một người đàn ông khác la lớn bằng tiếng Việt: “Đ.M. mày!”

Một giọng nam la lớn bằng tiếng Anh: “F..k Tony Pham!”

“Gọi cảnh sát đi, gọi cảnh sát đi, họ đang đến kìa,” người đàn ông này nói tiếp.

Trên thảm cỏ còn có một miếng vải trắng, có hàng chữ tiếng Việt “Gia đình còn người Việt còn, gia đình mất người Việt mất,” và hàng chữ tiếng Anh “Stop separating families” (Ngừng chia cắt gia đình), và “Pham the puppet” (Phạm là bù nhìn).

Một miếng vải khác có hàng chữ “…Shame on Pham, Abolish ICE, F..k Pham” (Xấu hổ quá Phạm ơi, Bỏ ICE đi, Đ.M. mày Phạm).

Giọng nữ lại tiếp bằng tiếng Việt: “Đả đảo Tony Phạm chia rẽ gia đình, đả đảo Tony Phạm chia rẽ gia đình.”

Câu nói này được một số người Việt Nam khác tiếp tục phụ họa nhiều lần sau đó.

Bên cạnh căn nhà là một lối đi, lúc đó có một chiếc xe hơi đang đậu, có thể có người đang ở trong nhà, nhưng không thấy ai bước ra.

Giọng người đàn ông trong video nói tiếp: “Đây là nhà của Tony Phạm ở Richmond, Virginia. Ông ấy sẽ không được nghỉ ngơi chút nào, không bình yên. Đó là tại sao ông đối xử với chúng tôi. Đây là di dân, ông nên nhớ. Nếu không, gia đình ông và ông sẽ không có mặt ở đây.”

Kế đến, những người này tiếp tục la liên tục, theo một điệu nhạc, và gõ trống theo: “No border, no nation, no deportation” (Không biên giới, không quốc gia, không trục xuất).

Giọng người đàn ông tiếp bằng tiếng Anh: “Họ chọn quyền giám đốc ICE là một người tị nạn Việt Nam, như là bù nhìn, để chia rẽ chúng ta, để nói rằng ‘đây là một người tị nạn tốt.’ Cái này là tào lao, chúng ta biết đây là bù nhìn.”

“Tất cả các gia đình, bao gồm gia đình tôi, có thể đã không bao giờ được vào đất nước này,” giọng người đàn ông tiếp bằng tiếng Anh. “Với tổng thống hiện nay mà ông đang phục vụ, sẽ không có người Việt Nam, sẽ không có cảnh sát người Việt Nam… Chúng tôi đến đây, ông bắt chúng tôi bỏ vô chuồng, chúng tôi đến nhà ông nè. Không có công lý thì không có yên bình. Chúng tôi làm cho mọi người biết ông là ai, làm cho con cái ông biết, làm cho hàng xóm ông biết, làm cho mọi người biết…”

 

Ông Tony Phạm. (Hình: multicultural.richmond.edu)

Trong khi đó, giọng một số phụ nữ vẫn đều đều cất lên bằng tiếng Việt, theo nhịp điệu: “Đả đảo Tony Phạm chia rẽ gia đình, đả đảo Tony Phạm chia rẽ cộng đồng, đả đảo…”

Đoạn video kéo dài 10 phút 18 giây.

Hôm 25 Tháng Tám, ông Tony Phạm, luật sư trưởng của ICE, cũng là một người tị nạn Cộng Sản gốc Việt, được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm thay thế ông Matthew Albence làm quyền giám đốc cơ quan này.

Bản tiểu sử của ông Tony Phạm nói rằng ông sinh ra ở Sài Gòn và đến Mỹ cùng gia đình năm 1975, trở thành công dân Mỹ năm 1985.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông làm công tố viên tại tiểu bang Virginia trong tám năm trước khi làm luật sư cố vấn pháp lý cho các cơ quan chính quyền tiểu bang ở Richmond. Trước khi vào ICE, dưới thời Tổng Thống Trump, ông là giám đốc trung tâm cải huấn Virginia Peninsula Regional. (Đ.D.)

No comments: