Wednesday, September 9, 2020

KẺ GIẢ TẠO DÙNG MIỆNG, NGƯỜI CHÂN THÀNH DÙNG TÂM (DƯƠNG MỘC)


Kẻ giả tạo dùng miệng, người chân thành dùng tâm: 4 biểu hiện của kẻ giả tạo
  
Người sống thẳng thắn luôn đề cao sự chân thành trong các mối quan hệ. Còn kẻ giả tạo chỉ tìm mọi cách để người khác thích mình mà quên mất rằng, đôi khi, người ta thà không hoàn hảo, còn hơn là sống giả tạo với bất cứ ai.

Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm”, tức là “Vẽ hổ vẽ da nhưng không vẽ được xương, nhìn người nhìn mặt nhưng không nhìn thấy tấm lòng”. Nội tâm, suy nghĩ hay con người thật của người khác là điều vô cùng khó đoán.

Hiện nay, rất nhiều người chỉ dựa vào khuôn mặt để sống mà không biết rằng họ sớm đã sống tạm bợ vật vờ như cái xác chết khô. Vậy nên, chúng ta cũng cần phải từ bỏ định kiến chỉ đánh giá con người vội vàng qua bề ngoài, như người Việt ta xưa nay vẫn thường nói: “Dò sông dò biển dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người” hay “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”.

Chỉ có suy xét, cẩn trọng mà quan sát từng hành động, cử chỉ của mỗi người, chúng ta mới có thể phán đoán phần nào tư duy và suy nghĩ của họ. Người có lòng dạ khó lường, tâm tư nham hiểm thì rất khó có thể hành xử đường đường chính chính như một người có tính tình chính trực, cương nghị và chân thành.
Chẳng phải tự nhiên mà người ta có câu: “Kẻ giả tạo dùng miệng, người chân thành dùng tâm”. Lấy dối trá đổi về dối trá, lấy chân thành mới nhận được lòng người.

Cho dù phần lớn chúng ta luôn vẽ nên một lớp mặt nạ để tự bảo vệ bản thân trong thế giới hiện đại đầy khó khăn này, nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người lợi dụng vỏ bọc tốt đẹp bề ngoài để toan tính cho những điều ích kỷ, vụ lợi của bản thân. Với kiểu thứ nhất, có thể coi là phòng vệ chính đáng. Nhưng với kiểu người thứ hai, đó chỉ còn là giả tạo.

Vì thế, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng và tránh xa những kẻ tiểu nhân giả tạo, chỉ biết sống vì mình để tránh rước họa vào thân trong thời điểm bất ngờ. Hãy nhận thức họ bằng những biểu hiện giả tạo thường thấy sau đây:

1. Không thích tỏ thái độ rõ ràng, gió chiều nào che chiều ấy 
Một người thẳng thắn, đơn giản thường thích thể hiện tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người xung quanh thấy. Khi được hỏi ý kiến, họ luôn nhiệt tình chỉ rõ lập trường, thái độ của bản thân, mong muốn đạt được sự tán đồng và hiểu biết của người khác.
Ngược lại, với kẻ xảo trá giả tạo, họ lại có thói quen che giấu ý tưởng thật sự trong lòng. Trong giao tiếp trò chuyện, đặc điểm này lại càng được thể hiện rõ. Thay vì trực tiếp trả lời, họ lại thích đi dò hỏi người khác, chẳng hạn như là: “Còn bạn thì sao?”, “Bản thân anh/chị đang nghĩ thế nào?”…
Sau đó, thông qua những câu trả lời nhận được, họ có thể “gió chiều nào che chiều ấy”, tạo ra cảm giác thâm sâu khó dò, cái gì cũng biết cho những người xung quanh.

2. Hay nịnh nọt quá nhiều
Một lời khen chỉ trở nên giá trị khi được nói ra với tấm lòng chân thành, nhiệt tình thực sự. Còn với kẻ giả tạo, những câu nói “Bạn giỏi quá đi mất” hay “Anh đúng là lợi hại thật, phải học tập mới được”… đều chỉ là lời trót lưỡi đầu môi, dùng để lung lạc, lấy lòng người khác.
Họ chỉ sử dụng những lời khen chung chung dối trá để thỏa mãn ham muốn hư vinh của người nghe. Chẳng ai sẽ thấy khó chịu khi nhận được những lời khích lệ và tán thành. Thông qua phương thức này, họ có thể dễ dàng xâm nhập được một vòng quan hệ, lợi dụng nó theo cách mình muốn.
Bản chất càng xảo trá thì kiểu người này lại càng muốn xây dựng một thế giới chỉ toàn bạn bè thân thiết, không bao giờ thể hiện sự chán ghét với bất cứ ai. Đây chính là điều khác biệt nhất để phân biệt vì người thường ai cũng có hỉ, nộ, ái, ố, sở thích và sở ghét rõ ràng, có người mình thích thì cũng sẽ có kẻ đáng ghét không ưa.

3. “Biết ngay mà!” – Thích chứng tỏ khi mọi chuyện đã như ván đóng thuyền
Thay vì đóng góp ý kiến, trình bày quan điểm vào những lúc quan trọng thì kiểu người giả tạo thường có thói quen đợi tới lúc có kết quả rồi mới bình phẩm. Họ thường xuyên sử dụng những câu cửa miệng như là: “Tôi biết ngay mà” hay “Từ đầu tôi đã lường trước như vậy rồi”…

Thông qua những câu nói này, họ muốn tạo ra một hình ảnh hiểu biết, thông minh trong mắt người ngoài. Do bản thân thiếu sót tài năng trong lĩnh vực nào đó, họ không có đủ tự tin để đưa ra ý kiến lúc ban đầu nhưng cũng rất sợ phải chấp nhận sự thật ấy nên dù không biết, họ sẽ cố chứng tỏ khi mọi chuyện như ván đã đóng thuyền.

Kỳ thực, những câu nói sáo rỗng này lại càng khiến mọi người xung quanh nhận ra bản chất thực lực của một người. Người càng hay nói “Biết ngay mà” lại càng thể hiện sự tự ti bên trong, không dám đối mặt khi giải quyết vấn đề.

4. Kiểu khẩu thị tâm phi, lời nói và suy nghĩ chưa chắc đã nhất quán
Có một chân lý thế này, con người ta càng sợ cái gì thì lại càng muốn thể hiện cái đó. Đây cũng là cách nói chuyện kinh điển của những kẻ giả tạo: dùng lời nói che giấu mục đích thật sự, và cố gắng đạt đến hiệu quả mình mong muốn.
“Nói thật nhé…” thực ra là một câu nói khẩu thị tâm phi điển hình, họ dùng một cụm từ để gia tăng cảm giác thành tín của bản thân chứ không phải bản thân sự thật mà họ đang muốn nhắc đến. Do đó, bản chất câu chuyện là thật hay giả thì khó mà phán đoán, nhưng bản chất con người này thích rào trước đón sau, tạo cảm giác giả tạo cho người đối diện.

Cuộc đời này có muôn nghìn kiểu người, cũng có muôn nghìn kiểu mặt khác nhau. Mỗi người còn tự trang bị cho mình nhiều mặt nạ khác nhau. Do đó, nhìn rõ lòng người đã trở thành một thách thức khó khăn với tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, dù đó là bản thân bạn hay những người xung quanh, hãy nhớ rằng, chỉ có người chân thật mới đổi được lòng tin và tín nhiệm chân thành nhất. Sự giả tạo chỉ có thể đem tới những mối quan hệ xã giao nhạt nhẽo, không có chút giá trị nào. Dù bản thân tốt hay xấu, chúng ta cứ tự tin thể hiện chính mình và đối diện với mọi người xung quanh.

Dương Mộc

No comments: