Friday, September 25, 2020

THỎA THUẬN ORACLE MUA TIK TOK "ĐÁP ỨNG" CHO CẢ MỸ VÀ TRUNG QUỐC ( VOA VỚI GS.TS KHƯƠNG HỮU LỘC)

 

Thỏa thuận Oracle mua Tik Tok ‘đáp ứng’ cho cả Mỹ và Trung Quốc

25/09/2020

VOA Tiếng Việt

Nhân viên ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bên ngoài trụ sở hãng này ở Bắc Kinh

 

Thỏa thuận bán TikTok cho Oracle và Walmart, nếu đúng như những gì các đối tác loan báo, ‘sẽ đáp ứng những đòi hỏi về an ninh của Mỹ và yêu cầu không chuyển giao công nghệ của Trung Quốc’, một nhà quan sát nhận định với VOA.

Trong lúc này, những chi tiết về thỏa thuận mua bán TikTok, một ứng dụng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc giúp tạo và chia sẻ video vẫn còn rất mơ hồ, với những tuyên bố trái ngược nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thay đổi lập trường trước đó và nói rằng ông sẽ không phê chuẩn thỏa thuận mua bán này nếu như phía công ty Trung Quốc không bán hết cổ phần của họ.

 

Thỏa thuận mơ hồ

Theo thỏa thuận được loan báo hồi cuối tuần qua thì một công ty mới có tên là TikTok Global sẽ được thành lập để sở hữu và vận hành TikTok, trong đó hai công ty Mỹ là Oracle và Walmart sẽ chiếm tổng cộng 20% cổ phần. Trong khi đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok thuộc sở hữu Trung Quốc, cho biết họ vẫn sẽ giữ 80% cổ phần của TikTok Global cho đến khi công ty này phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Hiện các nhà đầu tư Mỹ đang nắm 40% cổ phần của ByteDance, trong đó có ba quỹ đầu tư lớn là Sequoia Capital, General Atlantic và Coatue Management LLC. Do đó, nếu tính sở hữu của các nhà đầu tư Mỹ này trong ByteDance cùng 20% cổ phần của Oracle và Walmart thì phía Mỹ sẽ nắm sở hữu đa số của TikTok Global.

Tuy nhiên, hôm 21/9, ông Ken Glueck, phó chủ tịch điều hành của Oracle đã lên tiếng bác bỏ thông tin này của ByteDance và cho biết ByteDance sẽ không có cổ phần trong TikTok Global, theo trang mạng cnet.com.

Hiện tại vẫn chưa rõ về chi tiết hoạt động của TikTok Global mà trong đó các đối tác Mỹ và Trung Quốc sẽ kiểm soát những gì.

 

Mới đây, chính phủ Trung Quốc ra quy định là việc bán ra nước ngoài các công nghệ trọng yếu như trí tuệ nhân tạo, vốn TikTok dựa rất nhiều để làm thuật toán, cần phải được chính phủ phê duyệt.

Theo tường thuật của Forbes thì để có thể tiến hành được thỏa thuận với Oracle và Walmart, ByteDance cần phải xin giấy phép của chính phủ Trung Quốc để ‘xuất khẩu những công nghệ cấm và bị giới hạn’. Phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23/9 được Wall Street Journal dẫn lời cho biết đang xem xét đơn của ByteDance ‘theo đúng quy định’.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng các bài xã luận kêu gọi chính phủ bác bỏ thỏa thuận của ByteDance với các công ty Mỹ. Tờ China Daily gọi thỏa thuận này là ‘thủ đoạn lừa đảo bẩn thỉu và giấu tay’ và rằng ‘những gì mà Mỹ đang làm với TikTok gần như là một kẻ cướp đang ép buộc một công ty hợp pháp phải làm theo một thỏa thuận giao dịch phi lý và không công bằng’.

 

Tổng thống Trump cáo buộc TikTok đề ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ vì họ ‘kiểm soát dữ liệu của 100 triệu người dùng ở Mỹ’ và có thể được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

‘Bán vỏ không bán ruột’

Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, cho VOA biết sở dĩ phía bên mua chuyển từ Microsoft như lúc đầu sang Oracle và Walmart vì Microsoft muốn mua đứt toàn bộ cổ phần của ByteDance cũng như của các nhà đầu tư Mỹ, nên ByteDance không chịu.

Ông nói chính quyền Trump lúc đầu chấp nhận thỏa thuận của ByteDance-Oracle-Walmart vì họ thấy ‘giải quyết được các quan ngại về an ninh’ như là ‘phải trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ, đặt trụ sở ở Mỹ và tuân theo luật kiểm soát an ninh mạng của Mỹ’.

“Mục đích của phía Mỹ là kiểm soát dữ liệu của TikTok thì thỏa thuận như vậy cũng thỏa đáng đối với Mỹ về mặt an ninh,” ông nói. Oracle nói rằng họ sẽ trữ dữ liệu TikTok trên nền tảng đám mây của họ.

Tuy nhiên, ông cho rằng với quy định mới của phía Trung Quốc cấm bán công nghệ trí tuệ nhân tạo ra nước ngoài thì Trung Quốc vẫn muốn ByteDance nắm giữ những thuật toán giúp cho TikTok thành công mà các đối tác Mỹ không có quyền tiếp cận. Những thuật toán trí tuệ nhân tạo này giúp TikTok hiểu hành vi người dùng và thích ứng theo sở thích và xu hướng cá nhân mỗi người dùng.

“Nếu như vậy thì giống như họ mua được cái vỏ chứ không mua được cái ruột,” Giáo sư Lộc bình luận.

“Lúc đầu Microsoft muốn mua đứt thì Trung Quốc không chịu bán vì họ không muốn từ bỏ thuật toán cho Mỹ,” ông cho biết. “Họ chẳng thà bị đóng cửa ở Mỹ chứ không bán.”

 

Theo Tiến sĩ Lộc, phía Trung Quốc biết đa số trong hơn 100 triệu người dùng TikTok ở Mỹ có lập trường bảo thủ vốn là thành phần cử tri chủ chốt của ông Trump và Đảng Cộng hòa nên ‘nếu ông Trump cấm TikTok sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự ủng hộ của các cử tri của ông’.

Ngoài ra, thỏa thuận này cũng hứa hẹn sẽ tạo ra thêm từ 20.000 cho đến 30.000 việc làm mới ở Mỹ nên đáp ứng sự mong đợi của ông Trump, ông Lộc nói thêm.

Theo cấu trúc sở hữu trong thỏa thuận công bố, nhà quan sát này cho rằng không có công ty Mỹ nào nắm đa số cổ phần.

“Bây giờ mặc dù phía Mỹ cộng lại mới được trên 50% nhưng mỗi lần như vậy phải có sự phối hợp của tất cả 5 công ty của Mỹ cùng đồng ý thì mới ảnh hưởng được ByteDance của Trung Quốc,” ông phân tích.

Tuy nhiên, nếu các công ty Mỹ có sự chia rẽ thì cán cân tại TikTok Global sẽ nghiêng về phía Trung Quốc, ông lưu ý.

Hiện giờ vẫn còn sự mơ hồ về vấn đề công nghệ trí tuệ nhân tạo và thuật toán của TikTok.

 

CNN dẫn một nguồn tin thông thạo quá trình thương thảo cho biết Oracle đòi quyền xem xét các mã nguồn và thuật toán trong khi ByteDance cho biết Oracle chỉ có quyền ‘tiếp cận giới hạn mã nguồn’ nhưng sẽ không được chuyển giao thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo Forbes.

 

Hôm 21/9, Tổng thống Trump nhấn mạnh ‘nếu Walmart và Oracle không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với TikTok thì chúng tôi sẽ không phê chuẩn thỏa thuận này’.

No comments: