Sunday, September 6, 2020

APPLE DỜI SẢN XUẤT KHỎI TRUNG QUỐC: CHUYỆN KHÔNG DỄ? (GS.TS. KHƯƠNG HỮU LỘC)


Apple dời sản xuất khỏi Trung Quốc: Chuyện không dễ?

05/09/2020

Một cửa hàng Apple ở thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với Apple

Hãng Apple đã duy trì mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc trong nhiều năm và rất cần thị trường khổng lồ của nước này, nên chỉ có thể di dời một phần ra khỏi Trung Quốc trước áp lực của cuộc chiến thương mại, một chuyên gia am hiểu tình hình nhận định với VOA.

Trang mạng Apple Insider loan tin hãng Apple đang tạm dừng kế hoạch mở nhà máy sản xuất Iphone ở Việt Nam vì các đối tác gia công của hãng chưa đảm bảo được điều kiện ăn ở cho nhân công. Tuy nhiên, thông tin này cho đến nay không hề được phía Apple xác nhận.

‘Mọc rễ ở Trung Quốc’

Apple ‘đã mọc rễ ở Trung Quốc’ với hệ thống sản xuất tại đây chiếm gần một nửa trong tổng số 800 cơ sở sản xuất cho Apple trên toàn cầu, gần 250.000 nhân công và 200 nhà cung ứng, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giảng dạy chương trình Quản trị Kinh doanh thuộc Keller Graduate School of Management và có kinh nghiệm làm quản lý tài chính cho các tập đoàn lớn ở Mỹ, nói với VOA.

“Di dời tốn kém nhiều và sẽ mất nhiều thời gian mới sinh lợi, cho nên họ mới chần chừ như vậy,” ông nói.

Ngoài ra, một lợi thế nữa của Trung Quốc đối với Apple là nguyên vật liệu như nhựa, sắt, thép có sẵn tại chỗ, nhân công dồi dào, theo lời vị giáo sư này.

Ông cho biết hiện giờ hệ thống sản xuất của Apple bên Trung Quốc ‘được tổ chức như một thành phố thu nhỏ’ với đầy đủ hệ thống nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ như trường học, chợ búa, công viên, nhà băng… để nhân công của họ có thể yên tâm ở lại làm việc lâu dài.

Ngay cả trong trường hợp Apple bắt buộc phải dời khỏi Trung Quốc thì họ ‘vẫn phải duy trì một phần sản xuất ở Trung Quốc để bán cho thị trường nội địa của nước này’ và ‘phải sản xuất ở Trung Quốc thì mới cạnh tranh được với các đối thủ như Huawei hay Samsung về giá cả hay thuế quan,” Tiến sĩ Lộc phân tích.

Điều kiện của Việt Nam

Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu nếu Apple muốn dời một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhờ lực lượng lao động trẻ, rẻ và không có nguy cơ bất ổn chính trị. Hơn nữa, vị trí địa lý gần Trung Quốc khiến hàng hóa sản xuất ở Việt Nam dễ tiếp cận thị trường Trung Quốc và khu vực; và ngược lại, Apple cũng có thể nhập nguyên vật liệu, linh kiện từ các nhà cung ứng Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng.

“Các chính sách môi trường của Việt Nam cũng dễ dãi, chưa kể các khuyến dụ về thuế, cho thuê đất…,” Giáo sư Lộc nói thêm và cho rằng chuyển sang Việt Nam cũng giúp Apple ‘né được thuế quan của Mỹ.’

Trong giai đoạn đánh thuế của Mỹ vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc thì Apple được chính phủ Mỹ miễn cho các sản phẩm Iphone và Macbook vì ‘đây là những mặt hàng dân Mỹ tiêu thụ nhiều, nếu đánh thuế thì sẽ làm giảm tiêu thụ của người dân Mỹ gây thiệt hại đến kinh tế Mỹ và sẽ làm Apple mất thị trường vào tay đối thủ như Samsung’, ông phân tích.

Thế nhưng, điều này chỉ tạm thời và Apple không loại trừ khả năng sẽ bị Mỹ đánh thuế nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát trở lại, ông nói thêm.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng là một vấn đề mà Việt Nam đang yếu hơn Trung Quốc, ông Lộc cho biết, nhưng nếu tập trung sản xuất ở các tỉnh miền bắc gần biên giới Trung Quốc thì sẽ khắc phục được phần nào vì việc vận chuyển sang Trung Quốc sẽ đỡ vất vả hơn.

‘Chuyển dần dần’

Tiến sĩ Lộc cho rằng trong tổng số 250.000 nhân công lắp ráp cho Apple ở Trung Quốc, hãng có thể đưa khoảng 60.000 việc làm sang Việt Nam.

“Chuyển hết 250.000 việc làm sang Việt Nam là chuyện Việt Nam không thể tiếp nhận nổi,” ông phân tích và cho rằng Việt Nam khó lòng cung cấp một lực lượng lao động đã qua đào tạo lớn như vậy cùng một lúc.

Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang – nơi đã đặt nhà máy của Samsung – là nơi Apple có thể nghĩ đến vì vị trí địa lý gần Trung Quốc, ông nói, nhưng hai tỉnh này khó lòng cung cấp đủ 60.000 lao động. Khi đó, sẽ cần lực lượng lao động từ các tỉnh thành khác đến và sẽ phải xây dựng khu ký túc xá và các dịch vụ đi kèm để cho họ yên tâm làm việc lâu dài.

“Có thể chuyển dần dần, bắt đầu là Ipod, Apple Watch, nếu có khả năng thì sẽ để Việt Nam làm thêm Macbook,” ông nói. “Như vậy thì họ sẽ sẵn sàng phòng khi chiến tranh thương mại bùng phát trở lại thì sẽ chuyển một phần rất nhiều vào Việt Nam.”

“Họ chỉ chuyển tối đa 30% mà đường dài có thể lên tới 40-50% chứ không thể nào chuyển hết được,” chuyên gia này dự đoán.

No comments: