Wednesday, November 1, 2017

VĨNH BIỆT QUÊ HƯƠNG (Enrico Macias)


*Về ca khúc “Adieu Mon Pays” của Enrico Macias


(Bài viết thân tặng các người bạn hải ngoại)


Trong các bài viết trước về ca nhạc sĩ người Pháp có hai dòng máu Arab Algeria và Do Thái là Enrico Macias, tôi có nhắc đến một ca khúc nổi tiếng của ông là “Adieu Mon Pays” (Vĩnh biệt quê hương) mà có lẽ ai mang tâm trạng ly hương sống một đời viễn xứ nơi đất khách quê người không khỏi chạnh lòng và rưng rưng khi nghe ca khúc “hoài hương” này
Enrico Macias tên thật là Gaston Ghrenassia, sinh năm 1938 tại thành phố Constantine-Algeria, có nguồn gốc Arab Algeria và Do Thái, thời đó vẫn còn là một thuộc địa của Pháp. Mang trong người dòng máu nghệ sĩ, ông bố Sylvain Ghrenassia (1914–2004) là một nhạc sĩ vĩ cầm trong dàn nhạc, Gaston Ghrenassia bắt đầu chơi guitar từ nhỏ..
Năm 15 tuổi, Gaston Ghrenassia bắt đầu chơi guitar trong dàn nhạc của Cheikh Raymond Leyris, ông bố vợ tương lai của mình, trong khi vẫn tiếp tục học hành để trở thành một giáo viên.
Từ năm 1830 nước Pháp đô hộ Algeria, bắt đầu lịch sử một nước có hai ngôn ngữ chính thống là Pháp và Arab. Suốt hơn một trăm năm cho dù dưới sự bảo hộ của chính phủ thực dân Pháp, dân Algeria, gồm nhiều chủng tộc, sống yên bình với nhau cho đến năm 1961 cuộc chiến giành độc lập của Algeria nổ ra, và tới năm 1961, ông bố vợ bị Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Algeria ám sát.  
Năm đó, nội chiến bùng nổ do người Hồi giáo Algerian quá khích đòi độc lập và tiêu diệt các dân tộc không nói tiếng Arab, phần đông là dân nói tiếng Pháp và Do Thái. Như bao nhiêu người Do Thái khác, gia đình ông ủng hộ nhà nước bảo hộ Pháp vì nhờ có nhà nước bảo hộ mà dân gốc Do Thái mới được xem bình đẳng, không bị bắt làm nô lệ và bị ngược đãi theo luật Sharia, cho nên họ cùng với cộng đồng Do Thái ở Algeria bị phiến quân Hồi giáo tận diệt thẳng tay...  
Lo sợ cho sinh mạng của mình, ngày 29/7/1961, Gaston Ghrenassia đã đưa cô vợ Suzy Leyris xuống tàu rời Constantine vượt Địa Trung Hải sang Pháp tỵ nạn để lánh nạn phân biệt chủng tộc; để rồi cho tới nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông vẫn không được phép trở về cố hương (Algeria) chỉ vì gốc gác và lập trường thiên Do Thái của mình…
Chính trên chuyến tàu biệt xứ ấy, Gaston Ghrenassia đã sáng tác ca khúc “Adieu mon pays” (Vĩnh biệt quê hương) sau này rất nổi tiếng.
Qua tới Pháp định cư, Enrico Macias bỏ nghề dạy học và chuyển qua kiếm sống bằng âm nhạc.
Với vốn âm nhạc và kỹ thuật đàn flamenco sẵn có, thời gian đầu Enrico Macias trình tấu nhạc Andalusian-Arabic (Spanish-Arabic) ở các quán cà phê và ca vũ trường chung quanh thủ đô Paris. Mãi đến một hôm ông được mời thâu nhạc vào dĩa nhựa, ông đã trân trọng sáng tác và chọn hát bài hát đầu tiên trên dĩa nhựa, bài “Adieu Mon Pays”, viết về ngày ông lên tàu rời Algeria đi tìm tự do. Bài hát được thâu vào dĩa nhựa và trực tiếp truyền thanh đúng vào ngày Lễ Độc Lập 5 tháng Bảy của nước Hồi giáo Algeria, nhưng cũng lại là ngày mất nước của những người dân Algeria không theo đạo Hồi.  
“Adieu Mon Pays” được viết theo điệu Bolero chậm buồn, với phần dạo đầu bằng guitar thật dài cố hữu của nhạc flamenco, pha lẫn ngân nga uyển chuyển của nhạc Arab, rơi rắc theo nhạc nền cũng chậm buồn như hoà nhịp với lòng người viễn xứ. Cũng như ca khúc bất hủ “La Maritza” của Pierre Delanoë và Jean Renard do Sylvie Vartan hát và nổi tiếng vào thập niên 1960 -1970, “Adieu Mon Pays” là bài hát của những người đi tìm tự do, hay của những ai đã lạc mất quê hương.


*Và lời Việt do Khánh Ly đặt lời và trình bày:
Lời của Khánh Ly đặt mang tính phóng tác nhiều hơn là dịch nên không mấy sát với nghĩa của bản gốc…
Bỏ lại em trong cô đơn
Lòng thương nhớ mắt em buồn
Dáng em âm u trong mưa
Lặng nghe nói câu giã từ
Nghe đâu đây tiếng em cười
Ngày ta có nhau trong đời
Tình soi sáng những con đường
Mải đứng im trong đêm dài
Thuyền buồn neo sóng lao xao
Nhìn xa bóng quê hương xa mờ
Sóng reo như điên mê
cúng tôi đau phút chia lia
Tôi trông theo ,tôi trông theo hoài
Tìm đâu đôi mắt em ưu buồn khói sương
Biền xanh vẫn luôn luôn vô tình
Tràn dâng lên xóa tan muôn ngàn tiếc thương .
Trong clip kèm theo có tiếng đàn và giọng hát bài “Adieu Mon Pays” của anh Phạm Ngọc Lân xuất thân từ Việt Nam là một dược sĩ và một nhà giáo, năm 1980 qua Pháp chuyển nghề kỹ sư tin học. Qua Mỹ năm 1996, sinh sống tại San José, miền Bắc California, và trở về Pháp năm 2004.


*Giã từ quê hương tôi (Phạm Ngọc Lân dịch nghĩa)
Tôi đã xa lìa đất nước tôi
Tôi đã xa lìa căn nhà tôi
Cuộc sống tôi, cuộc sống buồn tẻ của tôi
Kéo dài lê thê, vô ý nghĩa
Tôi đã rời bỏ mặt trời của tôi
Tôi đã rời bỏ biển xanh của tôi
Những kỷ niệm cũ sống lại
Rất lâu sau khi tôi từ biệt
Mặt trời, mặt trời của xứ sở tôi đã mất
Của những thành phố trắng tôi yêu
Của những người con gái tôi đã biết thuở ấy
Tôi đã xa lìa một người bạn gái
Tôi vẫn còn thấy đôi mắt nàng
Đôi mắt ướt đẫm nước mưa
Nước mưa của giây phút chia lìa
Tôi nhớ lại nụ cười của nàng
Thật gần khuôn mặt tôi
Nụ cười đó làm huy hoàng hẳn lên
Những buổi chiều của ngôi làng tôi
Và từ trên chiếc tàu biển
Đưa tôi ra xa bến
Một sợi dây xích trên mặt nước
Đã quất lên như một ngọn roi
Tôi đã đứng nhìn mãi
Đôi mắt xanh đang chạy trốn
Biển đã nhận chìm đôi mắt đó
Theo làn sóng của tiếc thương
Hoài Nguyễn - Tổng hợp (02/9/2017)


Khanh Ly trình bay


Pham Ngoc Lan trinh bay


Enrico Macias
https://youtu.be/CsnnXESLB60

No comments: