Monday, January 1, 2018

NGỌC ĐAN THANH: CÔ GÁI NGỌC CÓ TRÁI TIM HỒNG (Trịnh Bình An)



Nhân chuyến đi hát ở WA-DC của nghệ sĩ Ngọc Đan
Thanh cùng với Hương Thủy & Mélanie Nga My tại nhà
hàng Fortune và đồng thời cũng là dịp gặp gỡ anh chị em
giới truyền thông và nhóm phim ảnh (Vietnam Film Club)
tại vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

Người phụ trách "Tin Sách" - (của Câu Lạc Bộ VLAC & Tủ

Sách Tiếng Quê Hương) Trịnh Bình An (WA-DC) - đã dành
cho trang Văn HọcNghệ Thuật bài viết về nghệ sĩ Ngọc Đan
Thanh với nét nổi bật và đáng yêu...
Qua bài viết này có thể góp một phần nào giúp khán thính
giả có thể tìm thấy thêm một số đặc điểm thật khiêm tốn,
cung cách hài hòa, khiêm cung của nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh.
NVTB
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh)
Lấy chữ “đan” và chữ “thanh” trong  câu thơ của Văn Thiên
Tường ghép lại sẽ được chữ “đan thanh”. Như một ngẫu
nhiên định mệnh, cuộc đời của nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh
đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của câu thơ.
Cùng nổi trôi theo vận mệnh đất nước, Ngọc Đan Thanh là
một trong rất hiếm hoi những nghệ sĩ sân khấu đã dâng hiến
trọn cuộc đời cho Dân Tộc, cho Nghệ Thuật và cho Tự Do.
Không ai có thể phủ nhận Ngọc Đan Thanh là một nữ nghệ
sĩ thanh sắc vẹn toàn, một viên ngọc quý lóng lánh trên sân
khấu cải lương và thoại kịch. Thế nhưng, cũng không ai quên
rằng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, cải lương nói riêng,
nghệ thuật sân khấu nói chung, đã có nhiều nữ nghệ sĩ tài
danh hơn như Bạch Tuyết, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thẩm Thúy
Hằng, Kiều Chinh… cái tên Ngọc Đan Thanh vào lúc đó
không đủ khiến khách hâm mộ kìn kìn kéo vô rạp.
Vậy mà 40 năm sau, trong khi những tên tuổi kia dần đi vào
quên lãng, hay chỉ còn là một vang bóng trong lòng người
thưởng ngoạn, Ngọc Đan Thanh lại được nhiều người nhắc
đến một cách hết sức trìu mến, thân thương; không những
thế, dường như trong đó còn pha chút tự hào, hãnh diện.
Không hãnh diện sao được khi đất Việt đã có một người con
tuyệt diệu như Ngọc Đan Thanh: có tài nhưng không kiêu
căng, có sắc nhưng không sa đà, nhưng trên hết, là tấm lòng
yêu nghề, yêu người hiếm có. Tình yêu ấy đã phát khởi rất
sớm ở người con gái có tên Ngọc Huệ, khi cô quyết định gia
nhập binh chủng Biệt Động Quân năm 1968. Dù không là
lính xông pha lửa đạn, cô cũng phải dầm mưa dãi nắng, chấp
nhận đánh đu mạng sống để đi phục vụ suốt ba năm ròng cho
các chiến sĩ VNCH trên khắp các vùng chiến thuật.
Thật khó tưởng tượng từ khuôn mặt mềm mại và dáng vẻ với
những nét “đan thanh”, người con gái ấy lại sở hữu một sự
gan dạ ít thấy ở phụ nữ. Soạn giả cải lương Nguyễn Phương
kể chuyện Ngọc Đan Thanh từng đóng phim kiếm hiệp có
tựa đề “Báo Kiếm Rửa Hận Thù” do hãng phim Mỹ Ảnh
thực hiện năm 1972. Để quay cảnh phi thân lên cây, cô phải
làm động tác từ trên cao nhảy xuống để sau đó máy sẽ chiếu
cảnh quay ngược lại. Ngọc Đan Thanh đã nhảy xuống từ một
cành cây cách mặt đất trên bảy, tám thước. Dù bên dưới là
nhiều thùng giấy carton rỗng, bên trên để hai tấm nệm
mousse, nhưng làm được điều ấy ở một thiếu nữ chân yếu
tay mềm là điều không hề dễ dàng. Soạn giả Nguyễn Phương
khi hồi tưởng lại chuyện cũ đã phải thốt lên rằng: Mấy ai có
thể diễn xuất “hiên ngang” như Ngọc Đan Thanh!
Sau năm 1975, Ngọc Đan Thanh, lại một lần nữa đánh đu số
mạng, nhưng lần này là để vượt thoát, đi tìm tự do.
Trịnh Bình An


**

Tiểu Sử



– NGỌC ĐAN THANH tên thật là Lê thị Huệ
– Nghệ sĩ tân cổ nhạc, diễn viên kịch nghệ, tài tử điện ảnh,
chuyển âm phim, emcee, xướng ngôn viên truyền hình.
– Sinh năm 1952 tại Sài Gòn
– 1964-65: Theo học cổ nhạc với thầy Năm Đờn.
– 1965-68: Hát cho ban cải lương Thành Công trên đài phát
thanh Quân Đội và đài phát thanh Sài Gòn. Cộng tác với
Tiếng Chim Gọi Đàn (chương trình Chiêu Hồi) sau trở thành
đài Mẹ Việt Nam.
– 1968-71: Sau Tết Mậu Thân, gia nhập ban văn nghệ Hoa
Rừng của binh chủng Biệt Động Quân, thường xuyên trình
diễn tân nhạc tại các tiền đồn và các trung tâm huấn luyện.
– 1971-75: Rời Biệt Động Quân, gia nhập Tiểu Đoàn 50
Chiến Tranh Chính Trị, tiếp tục công tác trình diễn văn nghệ
tại tiền đồn.
– Thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với các ban kịch
Thép Súng, Bảo Ân, Phương Nam (soạn giả Nguyễn Phương),
ban kịch Vũ Đức Duy, Trắng Đen (của nghệ sĩ Phúc Lai),
ban kịch Vũ Huân, ban kịch Bích Thuận, ban kịch Thẩm Thúy
Hằng, cải lương Phụng Hảo, Thanh Lịch, ban kịch La Thoại
Tân v.v…
– Về hoạt động phim ảnh, xuất hiện trong các phim Báu
Kiếm Rửa Hận Thù (của Trương Dĩ Nhiên), Long Hổ Sát
Đấu (của Trần Quốc Bình), Vực Nước Mắt (của Như Mai-
Kim Hoàng), Xóm Tôi (của Phạm Hoàng Kim) v.v…
– Tháng 8/1975 -79: cộng tác với đoàn kịch nói Kim Cương.
– 1980-87: Sau một thời gian ngưng trình diễn, trở lại sân
khấu cải lương với các đoàn Sông Bé (của cậu Ba Bầu Xuân),
đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn cải lương Trần Hữu
Trang.
– Ngày 22 tháng 5/1988: vượt biên đến đảo tỵ nạn Pulau
Bidong, Malaysia.
– Ngày 9 tháng 2/1990: Đặt chân đến Hoa Kỳ, định cư tại
California. Hai tháng sau, cộng tác với trung tâm băng nhạc
Người Đẹp Bình Dương trong một số băng video ca nhạc.
– Tháng 10/1990: Bắt đầu chuyển âm các phim bộ Hồng
Kông của Ánh Hằng (con gái nữ kịch sĩ Túy Hồng), sau cộng
tác với Việt Thảo trong những phim bộ Đài Loan.
– Từ 2009 đến nay, cộng tác với Vina Film trong các phim
bộ Đại Hàn.
– 2001: Trở lại sân khấu cải lương với những buổi trình
diễn tại Orange County và các tiểu bang Hoa Kỳ do nghệ sĩ
Chí Tâm tổ chức.
– 2007: Xuất hiện trên video của trung tâm Thúy Nga với
những vở kịch, cải lương và tân nhạc.
– 2010: Cộng tác với đài truyền hình SET tại Orange County
với vai trò xướng ngôn viên tin tức, sau chuyển sang đài
SBTN, diễn đọc thêm một số chương trình đặc biệt trong đó
có chương trình “Theo Cùng Mệnh Nước Nổi Trôi”. Thời
gian này cũng làm emcee với trung tâm Asia cho đến nay.
Trên đài SBTN, còn thực hiện chương trình Tiếng Tơ Đồng
với nghệ sĩ Chí Tâm, phát hình mỗi thứ Bẩy hàng tuần với
nội dung diễn giải, trình bầy, để bảo tồn cổ nhạc Việt Nam
tại hải ngoại.

Hành Trình Vào Đời



Lên truyền hình lầu đầu tiên lúc chỉ mới 14 tuổi, bé gái Lê
Thị Huệ – trong vai cháu của bà nội (nghệ sĩ) Bạch Huệ
đang đau nặng, đã khóc sướt mướt như chưa từng được
khóc. Và vẫn tiếp tục khóc cho dù cảnh đã hết, cho dù được
nhắc nhở vai diễn đã xong.
“Thật không hiểu điều gì đã khiến Thanh hốt vai và diễn
xuất tài tình như vậy, Lê Thị Huệ tức nghệ sĩ Ngọc Đan
Thanh kể lại một kỷ niện vui từ hàng chục năm trước ở Sài
Gòn.

Và suốt từ lần diễn nhớ đời đó cho đến nay ở tuổi mà phần
lớn các nghệ sĩ – nếu không lui vào hậu trường hay nghỉ
ngơi, thì người con gái xuất thân xóm Nguyễn Cư Trinh thủa
nào lại ngày càng rộn ràng sinh hoạt chạy show, từ sân khấu
cải lương kịch nghệ, ca nhạc truyền hình, chuyển âm lồng
tiếng kể cả làm xướng ngôn viên truyền hình và emcee …
khiến cho chị được bạn bè ưu ái tặng cho danh hiệu
“Loài Hoa Nở Muộn.”

No comments: