Thursday, February 8, 2018

HƯƠNG NGỌC (Thầy Cao Hoàng)



“ Sáng thứ hai nào cũng phải chào cờ.” Đó là lời than thở của những đứa học trò buổi sáng. Có đứa nói: “Sao không bắt tụi buổi chiều làm lễ hạ kỳ chiều thứ bảy cho công bằng.” Chiều thứ bảy học trò hay được các thầy cô cho về sớm, chúng nó chạy túa ra như đàn vịt, có khi làm nghẹt cả cổng trường. Bây giờ sắp nghỉ tết, nên việc chào cờ hát quốc ca càng thêm ngán ngẩm cho bọn nó.


Hôm nay cả ngàn đứa học trò đang bị phạt đứng tại sân
trường, không được vào lớp học về tội “chào cờ và hát quốc
ca rất lếu láo.” Ông hiệu trưởng đã nói như thế, ông giận run
lên và quày quả bỏ vào phòng giáo sư. Khi hiệu trưởng giận
thì cái mặt vuông của ông bỗng ngang phè ra và đỏ như cục
gạch. Chưa bao giờ ông lại giận nhiều như vậy. Chưa bao giờ
ông nặng lời sỉ vả những đứa trẻ mà có lẽ ông rất yêu thương,
khiến chúng khá hốt hoảng, nãy giờ đứng yên phăng phắc,
chưa dám hó hé nửa lời.


Bây giờ sắp vào xuân, nắng mai êm đềm xuyên qua hàng
dương xanh bạc mộng mơ, tạt lên đầu tóc, lên những áo trắng
của lũ con trai rắn rỏi; sơn lên màu áo thiên thanh của đám
con gái cái chất xuân thì thiếu nữ.


Hương đứng ở hàng cuối, dĩ nhiên là vì có cặp chân dài, một
rừng tóc mây sợi nhỏ bay phất phơ, con mắt sắc sảo hôm nay
đứng yên không liếc qua liếc lại. Hương không để ý chút gì
về việc hát quốc ca, cũng không cần biết tại sao bây giờ còn
bị phạt đứng ở sân cờ. Có lẽ cô đang nghĩ tới cái phòng dạy
vẽ vừa được bọn cô trưng dụng để làm quán nhạc trong tuần
lễ trước khi nghỉ tết.


Thầy Bính lùn đã giao trách nhiệm này cho cô, nhắc đi nhắc
lại là tiền lời bán quán giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc phải đưa
ngay cho thầy. Hương tươi cười với thầy lắm, nhưng khi
quay đi, cô trề môi lẩm bẩm: “đưa cho thầy để cô đi chợ hết
sao! Xin thầy có một ít tiền quỹ để sơn phết, tô điểm cái
phòng cho mát con mắt, thầy cũng có nhiều lý do để không
đưa.” Hương nghĩ ngay tới những đứa bạn. Những đứa cùng
lớp cả trai lẫn gái, đứa nào cũng dễ thương, cũng hết lòng với
cô: “Giờ này thằng Thanh Đẹt đã đi mượn bộ trống với dàn
âm thanh cho tui chưa đây? thằng Quasimodo có lo đinh búa
sơn cọ đóng cho tui tấm bảng chưa? Cửa quán quay ra ngoài
đường, không có tấm bảng thì ai biết chỗ nào mà vô! Vậy
chứ Hương thương nhất là thằng gù này. Hương sai bảo cái
gì lần nào nó cũng lo lắng tận tình. Sáng nay thằng
Quasimodo đưa cho Hương xem một quyển thơ khổ nhỏ,
in rất đẹp với cái tên “Xanh Lá Sân Trường”. Nó bảo của tụi
ban C làm ra. Hương mở ra xem thấy lũ chúng nó làm thơ
cứng tay lắm, cứ như là các thi sĩ thứ thiệt. Hương càng thêm
xốn xang. Nhất A1 của Hương phải làm cái gì bảnh hơn tụi
nó kia. Ừ, phải rồi con Kim sẽ đổ bánh flan, Ngọc Lan sẽ lo
chả giò gỏi cuốn; còn nước ngọt coca thì dễ thôi, cứ ra hàng
mẹ ngoài chợ mà bưng về là xong ngay. Quán nhạc của
Hương mở ra vào tuần lễ giáp tết, cái thời khắc đẹp đẽ nhất
của một năm, cái lúc mà lòng người êm ả nhất nghĩ đến kẻ
khác. Ngày mai cả tỉnh sẽ biết tin này, Không chừng hốt bạc.


Bỗng ở bốn góc sân trường, trong các tàng cây xanh có tiếng
loa vang động. Hương ngước nhìn lên, một thanh niên người
cao cao đang đứng trước micro. Tụi nhỏ thì thầm: “ông thầy
mới.. Ổng đờn ca hay lắm, ổng vẽ cũng đẹp.. ..Sao mày biết..
.. Ổng ở trọ nhà con Minh mà.. ..
-Tôi vừa về từ chiến trường và đã trở lại nghề dạy học của tôi
đứt đoạn hai năm trước. Sáng nay tôi tham dự lễ chào cờ và
nghe hát quốc ca. Ở những nơi tôi vừa đi qua như một đồn
địa phương quân, một trụ sở hội đồng xã hay một trường tiểu
học, chưa bao giờ tôi thấy người ta cử hành lễ chào quốc kỳ
mà lại thiếu nghiêm chỉnh như các em hôm nay. Ở những nơi
ấy, người lính áo quần xộc xệch dơ bẩn, tối hôm qua mắt ngủ
vì quần thảo với địch quân. Những ông già hội đồng xã, ngày
ra trụ sở nhưng đêm lánh mặt tận đâu đâu. Những đứa học
trò bé tí xíu lội sông đi học, cởi truồng tồng ngồng, sách vở
quần áo đội trên đầu, vậy mà khi hát quốc ca cũng không
quá tệ như các em đây. Người thì hát “Này công dân ơi”,
người thì: “Này thanh niên ơi”; có người hát: “đứng lên đáp
lời sông núi..”, người khác lại hát: “quốc gia đến ngày giải
phóng..” với một cái giọng của những hành khất ngoài chợ.
Hát như vậy, có ngày bị bọn họ giải phóng thật đấy.
( Nhiều tiếng xì xào: Thầy ngon he! Chịu chơi đó thầy!).
Còn hai em đứng ở cột cờ phụ trách kéo cờ lên mới hay chứ!
Người muốn kéo lên, kẻ kia trì lại. Đùa giỡn với nhau, để
đến khi bài quốc ca đã dứt mà lá cờ mới ở lưng chừng; lúc
đó mới chụp giựt, kéo xấp kéo ngửa cho nhanh, lá cờ vụt
chạc chạy lên coi thật thảm hại.

- Có lần xem phim Thế Vận Hội nước Úc. Ngày khai mạc
người ta trổi quốc thiều của các nước tham dự khi đoàn lực
sĩ nước ấy diễn qua khán đài chính. Tôi đã xem bao nhiêu
lá cờ, tôi đã nghe bao nhiêu bài quốc ca, đến lúc đoàn lực
sĩ nước mình đi qua : nhỏ bé và ít ỏi lắm, nhưng ngọn cờ
vàng tươi đẹp làm sao khi bay trong gió sớm hôm ấy. Rồi
quốc thiều VN trổi lên, phấn khích và hùng tráng quá sức.
Tuy các nhạc sĩ trình tấu đều là người nước khác, chưa bao
giờ hát quốc ca VN, nhưng bị kích động vì dòng nhạc đặc
biệt, họ chơi tuyệt diệu, vượt trội hầu hết các quốc thiều
khác. Đó là họ không phải con dân của tổ quốc VN, Đó là
họ không hiểu những lời ca đấu tranh rực lửa của anh sinh
viên Lưu Hữu Phước, của các sinh viên VN trong cao trào
đấu tranh chống thực dân Pháp hồi đó.


Ngày nay anh sinh viên Lưu Hữu Phước trở thành một cán
bộ cộng sản cao cấp nhưng không thể nói quốc ca này của
cộng sản được; cũng như không thể nói nhạc của Phạm Duy,
Văn Cao hay Trịnh Công Sơn là của riêng các ông này.
Không có quê hương này, không có dân tộc này, không có
các em đây, thì làm gì có Phạm Duy, có Văn Cao, có Trịnh
Công Sơn. Có phải không nào?
Các em chưa có cái vinh quang của người chiến sĩ cắm
ngọn cờ vàng lên một tiền đồn vừa chiếm lại, cháy đen xác
ta xác địch. Các em chưa có cái đau buồn đứng gác hai bên
quan tài phủ cờ của người bạn cùng khóa, nhìn người góa
phụ thảm sầu, nhìn những trẻ thơ ngơ ngác. Tôi cũng không
mong các em sẽ ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng ngày đó có
thể sẽ đến, các em sẽ nhớ mãi buổi chào cờ hôm nay.


Có vài tiếng vỗ tay, rồi bỗng một rừng pháo tay được bùng
lên. Hình như ở cái sân trường vừa trang nghiêm vừa thân
ái này chưa bao giờ có những âm thanh vang động mà chân
thành đến thế.
- Cám ơn các em , tôi chỉ có bấy nhiêu lời. Thầy hiệu trưởng
phạt các em đứng đây cho hết giờ đầu, nhưng hãy cùng tôi
tập hát. Tất nhiên không phải là bài quốc ca, vì chẳng có ai
lại tập hát quốc ca bao giờ. Khi ta vào lớp học đầu tiên, chưa
biết hát, thì chính các lớp lớn hơn dạy cho chúng ta biết hát.
Bài ca ấy tự nhiên phải biết, tự nhiên phải nhớ như một bổn
phận công dân. Bây giờ tập hát bài Nhạc Tuổi Xanh. Cố
gắng dùng trí nhớ thì tốt hơn, nếu không được, có thể chép
lời. Hát xong sớm thì được vào lớp sớm.
Hàng ngũ các lớp bỗng lộn xộn ngay vì có nhiều đứa học
trò lục cặp lấy giấy bút.
Xong chưa? Tôi bắt đầu đây:
“Đời còn tươi như hoa mới nở sớm mai, như là đời giòng
suối non cao trôi ra sông dài. Đời còn xanh như bao cánh
đồng lúa mới, bát ngát, bát ngát bao la như biển khơi...”
Đời còn tươi.. .. Đời còn tươi.. ..hai.. ..ba..
Đi bộ về nhà, phải nói là nhà trọ thì đúng hơn, nhưng ở đó
đã quen, mọi thứ đều thoải mái, nên cứ tưởng như ở nhà.
Những con đường thật sạch - có gì sạch bằng cát - thành phố
biển toàn là đất cát này sạch là phải. Bàn chân mình như
đang cảm nhận sự dịu dàng và sạch sẽ của cát biển, như hôm
nào bước đi trên nhữnh đường làng quê có những cánh hoa
trắng rải kín đường đi.


Khu chợ kiến trúc sơ sài họp dưới những cây phi lao, bán
nhiều thứ lặt vặt của quân đội Mỹ và sản phẩm địa phương.
Tôi tạt vào chợ mua một bao Salem có vỏ màu xanh ngọc
bích. Có lẽ tôi chọn mua bao thuốc này vì cái màu xanh của
đất trời ngày hôm ấy, chứ không phải thích cái vị cay cay
bạc hà rất đàn bà của loại này.
Lúc trở ra, có một cậu ngồi trên xe Honda chận tôi lại. Cậu
ta có kính trắng, nước da trắng và một cái lưng hơi gù.
- Chào thầy, chị Hương mời thầy trở lại trường.
- Chị Hương là ai vậy?
- Cũng học cùng lớp với em thôi. Chúng em đã làm quán
nhạc, không biết chỉ muốn nhờ thầy giúp cái gì, chắc là về
phần mỹ thuật thôi.. .. Đi thầy, ngồi sau em chở về.
Người học trò lớp cuối cùng của trường nhìn tôi với ánh mắt
ân cần, không chần chừ, tôi ngồi ngay lên phía sau. Một ngày
đầy ắp vui vẻ có thể đang chờ tôi phía trước.
Phòng vẽ được mở toang cửa ra. Hai cái bục giảng kê liền
với nhau thành sân khấu. Bàn nhỏ, ghế thấp vay mượn từ
khắp nơi đã sẵn sàng. Một bộ trống đàn, âm thanh thật đầy
đủ. Người con gái có tên Hương đứng trên một ghế dựa, tay
đinh tay búa đang treo một miếng bìa, trên đó có viết hai
chữ “Máy Chém” bằng sơn đỏ có máu chảy ròng ròng. Tôi
liếc nhìn nội dung phía dưới, nào là coca, trà đá chanh, trà
Lipton, bánh flan, chả giò, gỏi cuốn với một cái giá bằng
bốn lần cao hơn ở ngoài.
Trông thấy tôi vào, cô cười rất tươi, làm như đã quen tự bao
giờ:
- Thầy coi, cái menu máy chém này có bén không? Tiếng
nói cô trong veo lanh lảnh, bất giác tôi đưa tay lên gáy mình
làm tất cả mọi người trong quán cười lên vui vẻ, Tôi bảo:
- Các em tin là nhiều người sẽ vào đây đưa cổ cho chém hả?
- Đúng vậy, họ đâu có biết trong này để máy chém, lại nữa,
em có ba bốn mỹ nhân tình nguyện hầu bàn thì.. ..chạy làm
sao thoát.
- Vậy là dùng tới mỹ nhân kế để kiếm tiền giúp đồng bào?
Hay lắm, bây giờ cần tôi làm cái gì đây?
Cô bước xuống ghế, rất tự nhiên đẩy nhẹ tôi ra cửa. Trên
khung cửa ra vào mà lúc nãy khi bước qua tôi không để ý;
quán đã có một cái tên rất học trò, rất dễ thương: Quán Cỏ
May.
- Thằng Quasimodo là đứa vẽ cái tên này, có được không?
Sao em thấy run rẩy quá, nên em bảo nó đi tìm thầy cho
chắc ăn.
Tên quán được vẽ bởi Tuấn, chính là người đã chận tôi ngoài
chợ và chở về đây.
- Tôi thấy nét chữ viết tay không ngay ngắn, hơi run nhưng
có cái đẹp khác; tôi sẽ thêm thắt chút ít để thành một tấm
bảng đặc biệt, khác hơn những cái ở ngoài đường phố. Đồng
ý không?
- Đồng ý, đồng ý. Thầy vẽ sao tụi em cũng chịu.
Tôi nhờ Tuấn và bạn nó tháo cái bảng xuống. Lục tìm chìa
khóa trong túi, tôi mở cái tủ nhỏ đựng đồ nghề của lớp vẽ
rồi bắt đầu sửa chữa thêm thắt; đàng sau lưng là những con
mắt nai theo dõi với thật nhiều tin tưởng. Chừng hơn tiếng
đồng hồ sau, do cái khoái hoạt quá đáng của tôi, nó không
còn giống tấm bảng nữa mà là một bức tranh. Tôi vẽ thêm
vào đó một cảnh chiều lúc hoàng hôn, rực lên ở chân trời
các màu hồng, cam, vàng xanh, tím nhạt. Trên cánh đồng
cỏ nâu, có hai bé thơ đang vợt bướm. Chữ "Quán Cỏ May"
nằm trên cánh đồng, ngây thơ và run rẩy như tuổi học trò
sắp bước vào đời của những trái tim hăng say yêu đời kia.
Bọn họ hết lời bàn tán, ca tụng cái bảng mới. Ngày hôm
nay tôi được vỗ tay tới hai lần, nên cảm thấy mình thật là
một nhân vật quan trọng quá!
- Ra biển lũ bay ơi!
Một cậu nhỏ la lên như vậy; thế là tất cả đùng đùng bỏ việc
làm dang dở, kéo nhau ra bờ biển. Họ đi bằng xe đạp, Honda
hay ôm eo ết một bác xe thồ. Dĩ nhiên tôi được mời đi theo.
Lại ngồi sau lưng Tuấn, lại đi qua những con đường êm ả
của thành phố, đếm những gốc phượng già vĩ đại, nhưng
giờ này chẳng có hoa; lòng háo hức như đứa trẻ lần đầu
được đi xem hát bóng.
- Ở đây khí hậu tốt quá, nắng nhẹ gió hiền thật dễ chịu,
Tuấn nhỉ?
- Không phải hoàn toàn như vậy đâu thầy. Tới tháng Năm,
gió Nam Cồ thổi từ nam lên bắc, dai dẳng khó chịu lắm.
Hồi nhỏ em ở với ông bà nội, buổi trưa gió Nam Cồ thổi
qua vườn chuối vườn dừa nghe buồn bã hoang mang không
chịu nổi. Có khi gió thổi bay những mái tranh, cuốn mất
mấy đụn rơm. Gió gì mà như muốn lột quần lột áo mấy cô
nữ sinh; mấy cổ, tay giữ nón tay níu vạt áo dài lính quýnh
khổ sở. Còn mấy thằng con trai không giúp đỡ gì được hết,
chỉ dòm.
- Tôi nghĩ đó là cơn gió Nồm Nam mà quân Chúa Nguyễn
đã lợi dụng để dong buồm ra Bắc diệt Trịnh.
- Có thể lắm thầy. Gió Nam Cồ chỉ thổi đúng có một tháng.
Tới tháng sáu, nó thổi xéo ra biển.
- Sao Tuấn lại để ý đến gió nhiều như vậy?
- Người nhà em có ghe làm cá, họ phải biết rõ, nên em cũng
biết chút ít. Hôm nào đó, em sẽ mời thầy xuống ghe chơi,
có ông tài công biết làm lẩu cá ngon hết biết.
Lúc ấy Hương lái xe vượt qua, cái xe bé xíu chỉ có 35 phân
khối, nhưng cô nàng phóng hết ga, mắt long lanh sau cặp
kính thời trang rất to, như mời gọi Tuấn đua theo. Bỗng
Tuấn nói:
- Nếu Hương được làm vua thì nước mình có nhiều trò vui
lắm đó.
- Nếu Hương làm vua thì Tuấn làm gì?
- Làm quan đại thần.
- Ừ! Tôi mong hai người sẽ mãi mãi làm việc bên nhau để
có những ngày vui.
Biển ở đây không đẹp, nếu hiểu là một bờ cát trắng thênh
thang, xuống dốc thoai thoải; nhưng biển ở đây có cái nét
hoang sơ quyến rũ khác. Trên bờ chỉ có độc nhất một quán
nước. Không vào quán, chúng tôi đi dọc bờ cát phía Nam.
Một ngày an bình giả tạo với trời thật xanh, mây thật trắng,
từng cụm bay về phương Bắc xa xôi.
- Thầy có thích biển không?
- Thích lắm đó Hương, hình như biển tượng trưng cho trí tuệ
còn rừng núi là tình cảm. Thứ nào tôi cũng thích.
- Hôm nay biển xanh quá thầy. Tuấn nói.
Tôi cười thầm, ông thầy này có vẻ đang được ngưỡng mộ,
học trò hỏi tới tấp. Tôi trả lời:
- Biển là tấm gương phản chiếu màu trời, nếu trời xanh thì
biển cũng xanh.
Một cô bé chen vào đầy nét thông minh mà nghịch ngợm:
- Thế còn cái gì phản chiếu lòng mình?
- Bóng đêm đó cô à. Có hôm nào cô bị thức trắng một đêm,
cô sẽ thấy đêm là gương soi thấy lòng mình rõ nhất.
Một cô bé khác liền nhại giọng Bắc kỳ tôi:
- Ối giời ôi! thầy tôi lãng mạn chết đi được.
Thế là cả bọn cười rộ lên. Nãy giờ không chịu nói chuyện
bình thường, tôi dại dột đem mấy câu triết lý vụn, bị chọc
ghẹo là đáng đời. Tôi liền trả đũa:
- Cô chờ đấy. Tôi sẽ học tiếng Phú Yên để đối đáp với cô.
Cứ bình tĩnh chờ đi.
- Không dễ gì mà học tiếng “Nẩu”của tụi em đâu. Nhưng
mà thầy cứ ráng học đi. “Phú Yên đi dễ khó về, trai đi có vợ,
gái về có con”.Những tiếng cười vui nhộn lại vang lên và lần
này tôi nín bặt.
Trên hải ngạn hoang sơ của Tuy Hòa một ngày bình yên,
tiếng cười vỡ vụn ngọc xanh hòa với tiếng bọt sóng từng
đợt dội vào êm dịu quá. Đã bao lâu tôi mong chờ cái không
khí thân thương đó.
          Tuy Hòa ngày.. ..tháng…
   Thầy H. yêu quí của em!
Em nhớ thầy quá chời. Em từ ngoảy vượt Cù Mông khăn
gói ra đây tìm thầy, mà thầy bỏ đi mất tiêu! Em định rủ thầy
về Sàigòn chơi, mà cửa khóa chặt rồi.” Phòng không lạnh
ngắt như tờ. Dấu honda đã rêu lờ mờ xanh”. Đứa con chủ
nhà bảo thầy về Đà Lạt ăn tết, tháng sau mới ra, thiệt có cà
chớn không chứ!
Giờ này chiều rồi, còn xe nào bán vé nữa đâu mà đi. Không
biết tính sao, tao ngồi ngay ngạch cửa phòng mày, trên đầu
cầu thang kéo thuốc mù mịt. Lát sau , cái sân gạch phía
dưới ồn ào hẳn lên, tao ngó xuống thấy một bọn lau nhau,
chắc là học trò trường mày. Một em thơm như mít, áo dài
mini, bước lên cầu thang tìm thầy H. Tao nói: “thầy về Đà
lạt rồi, tháng sau mới ra”. Mặt em xụp xuống buồn so. Tao
mới bảo em rằng: “Cô đừng có lo, tuy nhiên tôi có thể đại
diện cho thầy, cô có thể nói chuyện trực tiếp với tui hoặc
gấm cái gì cũng được. Em cười, biết tao là một thằng ba
xạo, em nói cám ơn rồi đi xuống. Nhưng ngay sau đó có
một thằng nhỏ mời tao ra trường coi văn nghệ. Thiệt là
buồn ngủ gặp chiếu manh, tao theo tụi nó liền.
Đêm đó thật là vui, người ta đi coi đông lắm, rất nhiều người
phải đứng. Một chương trình tự biên tự diễn mà hay vô cùng.
Mấy nơi xa xôi vạn dặm như đây mà có lắm nhân tài, thật lạ!
Bọn đàn trống vững vàng, bọn ca hát không thua gì ca sĩ, lạ
có mấy màn cải lương vọng cổ ngộ lắm.
Em bé lúc chiều đi tìm mày, bây giờ ngồi két vơ tiền. Nhỏ
này vừa lanh vừa dễ thương. Con gái nhiều đứa làm bộ
ngoan , e ấp, nói năng ít lời, nhưng thật ra kín đáo đưa tình.
Đi qua mặt mình thì lấy nón che kín mít, qua được một khúc
thì nghiêng nón liếc mình một cái muốn đứt cổ. Em này thì
không, nòi năng mạnh bạo mà thật thà, tay chân lúc nào cũng
cử động mà vẫn thấy dịu dàng thơ ngây; gần em thật là phấn
khích yêu đời .Em không giống con bướm khép đôi cánh
đậu, cũng chẳng phải là con bướm đang vờn hoa; em chỉ là
con bướm đang thong dong bay qua cánh đồng cỏ may.
Có lúc tao lân la lại quầy, em cho tao xem một hộp tiền đầy
ắp. Em cười tít lên rồi bảo em sẽ thụt két cho mà coi. Tối
khuya hôm đó, lấy cớ đi hộ tống két bạc, tao đưa em về nhà.
Trời khuya sao rơi lành lạnh, tao cởi cái áo len của mày cho
mượn khoác lên người em, em ra chiều cảm động lắm, nhưng
chẳng mời vào nhà, cũng chằng cho ngủ đỡ một đêm, dù là
ở nhà kho hay chuồng gà! thế mới hèn chứ. Thế là ra bến
xe kiếm cái ghế bố nằm khoèo cho quên đời đen bạc.
Thầy ơi ra giêng nhớ xuống em chơi.
                                        Bách.
Cái thư này bạn tôi nhét qua khe cửa phòng trọ hôm trước tết,
nay đã qua tháng. Ngồi đây bên cái bàn kê trên bục giảng,
lòng nhẹ thênh thang lấy thư ra đọc đi đọc lại trong lúc học
trò làm bài, vừa buồn cưởi, vừa tiếc sao không ráng ở lại vài
hôm với bạn có phải vui không.
Rồi tôi kẹp lá thư vào một quyển sách vẫn mang theo đọc,
kéo hộc bàn để sách vô trong. Nhưng trong hộc bàn có một
gói giấy bóng xinh xắn; trời ạ! một miếng kẹo đậu phụng
thơm lừng ở trong gói giấy!
Lớp học vẫn yên lặng, những mái đầu xanh vẫn nghiêng
xuống tập vở, lâu lắm mới có đứa ngước lên nhìn bâng quơ,
nghĩ ngợi rồi lại cúi xuống. Đây rất có thể là trò chơi của một
đứa hay vài đứa con gái trong lớp, nhất định không thể là
của con trai.  Biết chắc tôi không phải một ông thầy nghiêm
khắc gì mà rất gần gũi kể cả tuỏi tác lẫn tính nết. Biết thế nào
tôi cũng cắn vào miếng kẹo đó, và tôi cắn thật! Một tiếng
“cốc”thật lớn phát ra, có vài đứa ngước lên nhìn.Tôi ngậm
miệng làm bộ ngó đâu đâu. Không ngờ miếng kẹo quá dòn ,
kêu quá lớn, kẹt rồi không dám nhai, cứ lúng búng nằm bên
trong. Bỏ mẹ rồi, chắc họ đang cười thầm. Tôi vội lấy quyển
sách lên, làm bộ đọc để thanh toán miếng kẹo.
Những ngày sau đó, trò chơi này tiếp tục kéo dài với cả ô
mai, khô bò. Tình hình vẫn yên tĩnh, chưa thể phát hiện cô
bé nào đùa dai vậy. Một hôm tôi đọc được trong gói giấy
một giòng chữ: “Hôm qua em mơ gặp thầy, nhưng thầy đi
với cô, cô lườm nguýt em”.Tôi có quen thân với một bạn
gái ở Sài gòn, nhưng chưa thể gọi là cô được; dòng chữ
trong gói giấy chỉ là một dò hỏi lý lịch cá nhân.
Đáng lẽ ngưng ở đây là được rồi, mọi chuyện có thể êm
xuôi, nhưng lời thư và bánh kẹo trong một cái ngăn kéo thật
là hấp dẫn, gợi tò mò thôi thúc vô cùng. Tôi cũng chỉ là một
trai tơ nghịch ngợm thôi mà. Tôi lấy một quyển tạp chí cũ,
viết lên trang đầu một bài thơ thật phóng đãng:
Còn lại chút mây buồn trong mắt biếc
Hồn lang thang tự chín cõi lưu đầy
Sao đêm về ta còn mãi so dây
Nàng Oanh, Yến có châm dùm điếu thuốc
Để một chiều thương nhớ áng mây bay
Bỏ quyển tạp chí vào lại hộc bàn, xong rồi đâm hối hận.
những tỉnh nhỏ xa xôi này, người ta quý thầy giáo lắm, mình
phải giữ tư cách cho đàng hoàng chứ. Buổi chiều tan học tôi
trở lại lớp ấy ngay mong lấy lại quyển sách, nhưng thôi rồi
nó đã biến đi đàng nào.
                                                                            
                      -----o------.
Cửa sổ phòng tôi mở ra hướng đông, mỗi sáng ánh mặt trời
chiếu qua song mang theo cái dịu dàng mà ấm áp của những
đóa hoàng anh cố gắng vươn lên cao . Lũ hoa tươi cười như
muốn bảo: tôi thấy anh rồi! Minh mới học lớp bảy, thường
ngồi chơi dưới bụi hoa vàng vĩ đại đó. Mỗi khi tôi đi ngang
qua, em thường nhắc: “khi nào thầy cần uống nước thì xuống
nhà dưới” Cũng có khi em mang lên cho tôi một bình trà,
nhưng tôi không có nhu cầu uống nước nhiều, nên ít khi
xuống nhà dưới để uống trà với cô nữ sinh bé nhỏ và rất kín
đáo ấy. Sáng nay tôi đứng trên cầu thang nhìn xuống sân
gạch có bụi hoa vàng chói lọi mặt trời và có Minh đang ngồi
dưới bụi hoa đọc sách.
 -Thầy không đi trường sáng nay à?
 -Không em, thứ năm tới chủ nhật được nghỉ.
 -Thầy nhàn quá hé.
 -Ừ, bù lại cho hồi đi lính.
Minh vô nhà trong, mang ra cho tôi một ly trà còn
nóng, tay kia cầm một máy cassette.
 -Thầy có thích nhạc Trịnh không?.
(Dạo ấy Trịnh Công Sơn đã quá nổi, nên đám thanh niên
học sinh ở đây hay gọi tắt một cách thân thương như vậy)
- Có, thích lắm, ông ấy hát ra những bài thơ.
- Bài nào thầy thích nhất ?
- Ru ta ngậm ngùi .
Tôi định nói với Minh Thảo  thế nào là nghệ nhân ? Một
nghệ nhân cần có học thức , tình yêu ,tài nghệ . Những thứ
đó cũng chưa quan trọng . Cái nghệ nhân cần nhất là niềm
đau.Có vượt qua được đau khổ mới là nghệ nhân thật sự.
Nhưng tôi chỉ nói với em :
 -Tôi gần gũi với nhạc Lê uyên Phương hơn .
Và tôi ngồi dưới bụi hoa bên cô học trò nhỏ, nghe cho hết
cuộn băng trong cái không gian êm đềm hiếm hoi ấy. Thế
rồi em dẫn tôi vô nhà, cho xem cái bàn học, đồ chơi sách vở
của em, những con búp bê, hình ảnh hồi nhỏ của em cũng
mũm mĩm như những con búp bê ấy. Phần nhà dưới này khá
chật chội cho một gia đình năm người. Có xuống đây tôi mới
thấy sự ưu ái cha mẹ em đã dành căn gác cho tôi mà tiền
lương căn bản không thể trả nổi.
Lúc trở lên thấy thấp thoáng có bóng người ở trong phòng,
khiến tôi bước vội. Thì ra là Hương. Hơn một tháng qua tôi
không nhớ tới cô, tất nhiên tôi không thuộc về thế giới của
cô. Trông thấy cô đến, dạn dĩ qua lại trong phòng, mở cửa ra
sân rung những cành cây trứng cá, tôi bàng hoàng một lúc
lâu. Hình như một nhân vật trong truyện của Lamartine vừa
bước ra từ trang sách! Lòng tôi rung lên khi thấy em trong
suốt với tà áo trắng, nhí nhảnh cất tiếng một mình làm như
không có tôi đang dõi theo.
-Ngủ trên cái giường này ư? Ồ! viết trên cái bàn kia sao, còn
vẽ bức tranh người cầm đàn đi trong rừng nữa! Chăn màn gì
mà lôi thôi quá , phải đem giặt.
Em lại còn chì chiết nho nhỏ: cây đàn sao lại để dưới đất,
đi đạp bể thì sao?  Ôi một căn phòng thoáng mát đẹp đẽ dành
cho một chàng rất lười . Em nói đúng, tôi rất lười chưng dọn
cho căn phòng và cho cả người tôi nữa; bỗng nhiên tôi thấy
em kỳ ảo lạ lùng và căn phòng bề bộn đầy ắp những âm
thanh ríu rít của chim quyên. Từ nhỏ đến giờ, tôi đã gặp bao
nhiêu là phụ nữ, từ mẹ đến các chị, u già, cô giúp việc, bạn
gái, học trò gái, nhưng chưa bao giờ thấy một cô bé lăng
xăng lít xít tự nhiên đến thế. Tôi chìm ngay vào thế giới
mộng tưởng của các chuyện thần tiên cho đến khi em hỏi
mới giật mình tỉnh ra:
 -Thầy ở một mình à?
 -Dĩ nhiên rồi Hương, có ai nữa đâu?
  Nàng chỉ cây đàn:
 -Đàn cho ai nghe vậy?
 -Hầu như ngày nào cũng có vài đứa quây quần trong cái
phòng nhỏ này: Túc, Bình, Cu ti, Vân Nga, Kim Khuê, Phúc,
Hào Cận, Thảo Dẹo, Thuý Nga và nhiều đứa không nhớ
tên.
  -Ai giặt quần áo cho ?
  -Có ông thợ giặt tới lấy đồ mỗi tuần, nhưng mà thương
nhất là thằng Bình, mỗi lần nó đến là vơ quần áo dơ đem
xuống giếng, rồi giặt, rồi phơi, rồi ủi.
  Hình như tôi với cô học trò này đã bắt đầu bỏ bớt chủ từ
trong câu nói; hình như đã bắt đầu cần nói trống không với
nhau.
  -Bình học lớp mười?
  -Không hỏi nó, nhưng cũng cỡ đó thôi.
  -Nó mồ côi đó, nó muốn gì mà làm như vợ thầy không
bằng!
 -Nó chỉ xin vẽ cho nó một tấm tranh thật lớn với đề tài
Ngày trở về.
 -Rồi thầy vẽ chưa?
-Chưa, mà định vẽ một bức tranh nền tối với ánh sáng của
trăng. Người trai trở về vai đeo cây đàn đứng nép bên một
gốc cây lớn ,cây này hoàn toàn là bóng đen, là lỗ hổng của
hư vô, của cuộc đời. Nàng nằm như ngủ ở trong vườn cỏ biếc,
phía sau là một mái nhà xưa với ánh trăng xanh.
  -Đừng có lãng mạn quá như vậy. Rồi ai nấu cơm cho ăn?
  -Bà Mỵ Châu Thành.
  -Đừng có ăn cơm hàng, không tốt đâu. Kế bên nhà người
ta cũng cho mướn phòng, thầy đến đó ở rồi qua nhà Hương
ăn cơm đi. Mẹ nấu cơm thì còn ai bằng!
  -Mẹ nào cơ?
  -Thì mẹ Hương chứ ai? Lại nữa, con đường hẻm vào căn
phòng đó hai bên toàn là cây sầu đông, ở đó không chừng
làm được cả xấp thơ với nhạc.
  -Ở đây quen rồi cô bé ạ..
 Những câu đối đáp lẩm cẩm như thế còn nhiều và tôi giữ
vững lập trường cho đến khi Hương cáu kỉnh bước ra sân
thượng, bứt những quả trứng cá còn xanh ném con chó mực
ở dưới sân, rồi lại cười lên khanh khách.
 Chủ nhật Hương lại đến, tay ve vẩy một cái vé ciné:
 -Chú Huỳnh của Hương cho một vé, thầy đi xem đi, chủ
nhật ở nhà buồn chịu sao nổi.
          -Buồn quen rồi,… mà phim gì vậy?
  -“Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”
  -Trời đất, thứ này đâu phải là thứ hấp dẫn người ta đến hai
tiếng đồng hồ.
 -Con bạn xem rồi nó bảo hay lắm, cười gần chết.
  -Hương thích cười, sao không đi đi?
  -Không thích đi một mình,
  -Rắc rối nhỉ?...thì xé nó đi!
Hương không nói gì nữa, bàn tay run run, mắt đỏ hoe, quay
ra cửa. Ồ sao tôi tàn nhẫn quá vậy, vội nói với:
  -Đùa đấy thôi, Hương đưa nó đây.
  Hương vẫn bước ra cửa, không quay lại nhưng thả tấm vé
trên cái bàn nhỏ.

Rạp hát chỉ cách nhà ba trăm mét. Tôi tìm chỗ ngồi ở tầng
trên, hàng gần cuối. Ngửa đầu ra sau có thể nhìn thấy những
cái lỗ trên tường, nơi người ta đặt máy chiếu phim ở bên
trong và chiếu ra những luồng sáng. Mãi rồi cũng hết phần
quảng cáo, đến những con số đen trắng, lớn trước nhỏ sau,
từng số hiện lên thật lẹ báo hiệu phim chính bắt đầu; rồi đến
con sư tử già mặt buồn rười rượi gầm lên vài tiếng...
  Đúng là một phim hài, tuy không phải hiệp sĩ mù nghe gió
kiếm như Hương quảng cáo, Nhưng trong phim này cũng có
một chàng hiệp sĩ đang trừ gian diệt bạo. Chàng ta không tài
giỏi gì lắm chỉ dùng mưu lược mà đánh bại kẻ địch. Bấy giờ
tôi đang xem đến đoạn hiệp sĩ phải tỉ thí với một cao thủ võ
lâm. Trước khi chiến đấu cao thủ này có thông lệ ăn liền 18
bát cháo...Lúc đó rạp bắt đầu đông hơn; vài người đi qua đi
lại, thật bực mình. Lại có người đến ngồi ngay bên cạnh, còn
mấy đứa nhỏ chạy lăng xăng la í ới...Trên màn ảnh hiện ra
trận đấu kinh hồn giữa cao thủ võ lâm với chàng hiệp sĩ.
Nhưng dần dần hiệp sĩ thắng thế, càng lúc càng rõ hơn.
Thật ra vị cao thủ này tài giỏi lắm , vì ăn tới 18 bát cháo nên
cần phải đi tiểu trước khi lâm trận; nhưng chỗ nào cũng bị
hiệp sĩ bố trí cho các người đẹp rình coi, khiến ông ta không
thể giải quyết và chiến đấu với cái bụng đầy nước. Cuối cùng
vị cao thủ lăn kềnh ra, quần ướt nhẹp, khán giả cười ầm lên.
Cùng lúc ấy tôi nghe tiếng cười hắc hắc rất quen thuộc của
người ngồi bên trái. Tôi quay nhìn và thấy hai con mắt em
long lanh trong ánh sáng phản quang của màn ảnh, miệng đã
thôi cười mà nhìn tôi đăm đăm vừa có vẻ thỏa mãn vừa có vẻ
khiêu khích. Rồi Hương đứng dậy đi về, bước càn qua phía
tôi, khiến tôi phải co hai chân lại. Một mùi hương thoang
thoảng từ quần áo hay từ da thịt thiếu nữ bay qua. Tôi cũng
đứng dậy về theo. Qua cửa rạp, một vùng ánh sáng tràn vào
choáng ngợp. Tôi thường rất thích cái khoảnh khắc ấy: đang
chìm đắm vào phim truyện, bỗng nhiên ra khỏi và nhập lại
với cuộc đời cũ, một thay đổi đột ngột như người đi xa lâu
ngày trở về nhà, bỗng nhiên xa lạ với những cái đã thân quen
… xa lạ với chính thân xác mình.
Vậy mà cũng chiều rồi, lác đác thành phố đã lên đèn, những
chiếc lá bàng rung rung theo cơn gió nhẹ. Hương đi ở bên kia
đường. Bộ quần áo đậm màu ngắn gọn, thỉnh thoảng quay lại
nhìn, miệng cười tươi với hai cái răng cửa rất xinh. Tôi đi
phía sau bên này đường , thầm hỏi không biết cô còn giở
thêm trò nào khác đây? Cuối cùng cô đi lên một con dốc
thoai thoải. Đúng rồi, đây là đoạn dốc dẫn lên tháp Nhạn,
cái tháp Hời duy nhất của thành phố mà tụi học trò hay nói
Càng lên cao ánh vàng của trời chiều càng chói lọi, thành phố
lúc này chìm dần vào bóng chiều mờ nhạt, lấm chấm ánh
sáng của các ngọn đèn như các chấm sao. Các sao trời cũng
lác đác xuất hiện ở trên cao. Bấy giờ bóng Hương in rõ trên
nền trời : cao thon, sáng xanh viền bạc như một cây dương
và cũng dũng mãnh như cây dương, biểu tượng của quê
hương vùng biển. Đôi mắt long lanh ấy, mùi hương lạ, cây
dương bạc, em lúc bấy giờ như một Chiêm nương, một tiểu
công chúa Chàm hiên ngang như ngọn tháp Hời đang thách
thức với thời gian.
Chính lúc cái ánh sáng hốt hoảng của hoàng hôn bám víu lên
em, bám víu lên màu gạch cũ của ngọn tháp là lúc tôi run
run ghi nhanh vào ký ức nét đẹp thiên cổ nghìn thu sững sờ
ấy. Tôi thảng thốt nghĩ rằng chính em cũng là một ngọn tháp
và tôi bước vội đuổi theo, lúc ấy em đã khuất sau ngọn tháp
cổ.


 Chỗ cao nhất của núi đá này là chỗ người xưa xây ngọn
tháp. Vùng đất này rất bằng phẳng, con sông Đà Rằng tưới
bón cho một vùng đất mênh mông. Ở đâu nhìn về thành phố
cũng thấy tháp, cái chứng tích tình yêu của thần Shiva.
Lòng tội rưng rưng cảm động khi nhìn ngược lại con đường
quanh co thoai thoải dốc mà tôi vừa đi qua. Ngàn năm trước
những chàng trai Chiêm Thành mình trần đen bóng như
những pho tượng, lăn từng hòn gạch ở dưới kia, chỗ bây giờ
người ta bán tạp hóa hay mở các tiệm mì, tiệm phở. Còn các
cô gái Chiêm cao gầy, một tay giữ cái giỏ đựng mấy viên
gạch ở trên đầu, một tay đong đưa ve vẩy đang nối đuôi nhau
đi trên con đường cong cong đó để lên xây ngọn tháp tình.
Cứ mỗi phút giây ánh sáng thay màu, cứ mỗi phút giây cảnh
tượng thay đổi. Ngày qua ngày, nắng qua mưa, qua cơn gió
giật phũ phàng tháp vẫn đứng vững phô cái đẹp thiên thu.
Đi đâu cũng thấy tháp, cũng bị tháp dõi theo, nhắc nhở
những kẻ yêu nhau hãy thật thà và giữ lòng chung thủy.
  -Thầy lên đây bao giờ chưa?
Tôi nghe tiếng nói và tìm thấy em đang ngồi sát ngay dưới
chân tháp, hai chân duỗi thẳng, lưng dựa vào nơi phần nửa
tháp không được chiếu sáng. Tôi nói với Hương là tôi được
nghe nhiều về tháp Nhạn nhưng lên đây mới là lần đầu.
Tôi không ngờ chỗ này nhìn thấy cả bình nguyên Tuy Hòa,
con sông và mặt biển vĩ đại.


Chiều đang xuống dần, chúng tôi ngồi yên lặng cảm nhận
cái bao la của đất trời thấm sâu vào lòng người, sự ngưỡng
mộ và sùng kính thượng đế. Mặt biển bây giờ như tấm gương
bóng loáng thật sạch và yên lặng. Tôi trông thấy bãi cát dài
và những con sóng êm đềm xô nhẹ vào bờ như những lời thì
thầm hạnh phúc. Từ phía nam, không biết bao nhiêu thuyền
đánh cá giăng hàng nối tiếp xeo xéo ra khơi. Ánh đèn
của những thuyền gom lại lấp lánh như châu ngọc. Văng vẳng
tiếng rền rĩ mơ hồ của các động cơ đẩy thuyền đi tới cũng
hùng tráng như những cánh buồm nâu mạnh mẽ vượt trường
giang mà tôi đã được nhìn thấy ở quê hương miền Bắc.
Kìa trăng lên, nó hiện ra hé nhìn cuộc đời, rồi bỗng nhiên
đứng thẳng lên lồ lộ thân hình, giống như có một bàn tay
vô hình nào đẩy nàng trăng lên từ biển. Đã bao lần tôi nhìn
trăng? Trăng rừng ở cao nguyên, trên đồi núi, trăng trong
chiến hào, trăng trên giòng sông ngăn đôi quê hương chảy
miết hai bờ thương nhớ. Trăng trên ngoại ô thành phố nghèo
nàn, người lính trở về súng trên vai tìm mãi một địa chỉ, một
mái nhà. Ôi trăng hoang đường quyến rũ quá lúc nào cũng
rắc xuống trần gian cái ánh sáng trong vắt dịu dàng để an ủi
niềm đau nhân loại. Tối nay tôi lại được nhìn thấy trăng một
lần nữa hiển lộ, uy nghi, huy hoàng trên mặt biển bao la.
Rồi trăng lộng lẫy lên thật cao chiếu sáng một vùng biển,
chiếu sáng cả những con thuyền đang lầm lũi ra khơi. Tối
nay thuyền không chở đầy cá mà chở đầy ánh trăng vàng.
Tôi quay sang Hương, thấy trăng cũng phủ đầy người cô bé,
trên gương mặt đậm nét và trên mái tóc những sợi vàng đong
đưa theo gió nhẹ.


Bỗng nhiên mặt đất rung chuyển dữ dội và hàng loạt tiếng
nổ long trời lở đất phá tan cái cảnh giới nhiệm màu ấy. Tôi
nghe từng tiếng đạn quay tròn rít lên trong lòng khương
tuyến của những đại pháo. Tiếng rền rĩ kéo dài trong đêm
và tiếp theo là ánh sáng rối tiếng nổ nhỏ dần ở cuối tầm.
Hương bịt hai tai lại nhưng trông cô không có vẻ gì sợ hãi.
  -Pháo binh bắn yểm trợ cho các đồn đó.(Hương nói sau khi
dứt một loạt súng) Hương quen với một anh trong pháo đội
đóng trên núi này. Ảnh nói đặt súng trên núi bắn rất xa, nên
nhiều đồn bót mình được bảo vệ trong tầm súng.
Mãi rồi tiếng súng cũng ngừng, đêm lại yên phăng phắc Lúc
nãy trong những tiếng nổ long trời lở đất, thiên hôn, địa ám
ấy, trăng trốn đi đâu? bây giờ lại chiếu trên tháp Hời óng ả,
trên áo quần đầu tóc chúng tôi.
-Chắc Hương lên đây nhiều lần rồi?
-Vài lần thôi, chỉ có một lần nhớ mãi là năm Hương mười
ba  tuổi, tết Mậu Thân. Bọn họ chiếm khu gần nhà thương
và nhiều nơi khác, giết chết nhiều người trong đó có ông anh
họ. Mấy hôm sau quân ta phản công. Hương với nhiều người
khác lên đây xem máy bay oanh tạc, xem trực thăng săn đuổi
bọn họ trên những cánh đồng. Dễ sợ quá!
  -Bắn giết là trò chơi của bọn điên ở trên, còn bao nhiêu
người khác bị cuốn hút theo như cuồng phong cuốn theo nhà
cửa...Còn nhiều nữa, chưa hết đâu. Mà cũng chẳng bao giờ
hết đâu. Có được chút nào yên ấm thì phải hưởng cho nhanh.
  -Thầy thích sống hiện sinh?
  -Không thích cũng không được. Có đạo nào mà không
bàng bạc quan điểm hiện sinh? Người ta cố tìm một khe hở
hạnh phúc trong trận cuồng phong bi đát ấy để tận hưởng.
Có một truyện đọc hồi năm đệ tam của Guy de Maupassant
mà cứ nhớ hoài.
  -Thầy kể đi.
  -Ừ, :  ..thành phố bị quân Đức vây ngặt. Kháng chiến quân
Pháp ráo riết chống trả. Có hai ông già Pháp đi chơi ngoài
đường, cùng than thở về chiến tranh, về cái bọn ngu xuẩn
sao cứ lao vào nhau mà bắn giết. Thú vui giản dị của họ là
được ngồi câu cá bên nhau. Qua tổng hành dinh quân kháng
chiến, một ông chợt nhớ ra vị tư lệnh ở đây là bạn học cũ.
Thế là ông vào tìm tư lệnh xin được cấp giấy phép ra bờ sông
câu cá. Vị tư lệnh thỏa mãn ngay yêu cầu nhỏ bé ấy và hai
ông già hớn hở về nhà lấy đồ nghề. Họ đi qua các trạm gác,
các tuyến phòng ngự và đến được bờ sông, rồi tận hưởng
hạnh phúc câu cá. Bên kia sông vài căn nhà đổ nát vắng hoe.
Cá nhiều, họ giật luôn tay. Đang sung sướng cười cái bọn
ngu xuẩn kia thì họ bị thộp gáy quăng xuống thuyền phao
chở qua bên kia sông. Sau những căn nhà đổ nát ấy là những
người lính cao lớn, tóc vàng. Tên sĩ quan Đức ngồi trên ghế
phì phà ống đìếu:
  -Này, hai anh điệp viên bị bắt rồi, cứ thật thà khai báo đi
chứ?
Hai ông già nhìn nhau sợ hãi, còn biết nói gì đây!
Sĩ quan kéo một ông ra chỗ khác:
-Nói đi, bạn anh không biết đâu.
Nhưng ông này lắc đầu. Sĩ quan đến gặp ông kia, miệng
cũng nói câu ấy, còn tay lên đạn súng lục. Ông cũng lắc đầu,
nhìn về phía bạn:
  -Vĩnh biệt Morisso.
  Một tiếng súng nổ, rồi hai tiếng súng nổ. Hai cái thân xác
già nua chao đảo rồi rơi tòm xuống giòng nước đang chảy
lặng lờ.
  -Truyện hay quá, mà thầy kể cũng hay nữa.
  -Không nhớ rõ đâu Hương, khi nào tìm được quyển truyện
ấy phải đọc lại mới được.
  -Những đêm trăng sáng như hôm nay, ông nội em cũng hay
kể chuyện. Ông nội làm ăn buôn bán với người Chàm nên có
nhiều chuyện về ngọn tháp này; như là chuyện trai gái yêu
nhau lên đây thề nguyền, chuyện kẻ tham lam đào bới trong
lòng tháp cổ tìm vàng nên bị chết thảm, chuyện vua Chàm
cùng vương hậu lên đây tế trời đất, xin được mùa, xin được
yên ổn tránh binh đao với người phương Bắc...
  Bỗng nhiên cô yên lặng, một thoáng bối rối, rồi cô mỉm
cười. Dưới ánh trăng tôi thoáng thấy sắc hồng trên da mặt.
-Hồi ấy, những kẻ yêu nhau lên đây thề nguyền - như ông
nội em kể - phải nhắm mắt lại thành tâm nghĩ đến lời thề hay
điều ước muốn, chậm rãi đếm tới số 49 mới được mở mắt ra.
  -Lạ thật, người Việt lại ngồi dưới trời sao, khi nào có sao
rơi thì nhanh tay kết hai vạt áo lại, đồng thời nói lời ước
nguyện là sẽ được toại ý.
  -Đó là chuyện của đêm sao. Nếu trăng sáng như thế này
làm gì thấy được sao. Mà làm như vậy khó lắm.  ...Hay là
thầy nhắm mắt lại làm thử đi.
  -Nhưng biết ước ao cái gì đây?
  -Thầy thông minh lắm mà, sao không biết ước cái gì! Đi...
nhắm mắt lại đi…Rổi Hương nghiêng ngưởi đưa tay bịt mắt
tôi lại .
  Dựa hẳn đầu vào cổ tháp, hai bàn tay áp xuống nền đá mát
lạnh, chiều cô học trò, tôi nhắm mắt lại và bắt đầu đếm chầm
chậm tuy đầu óc trống rỗng, chẳng ước ao, chẳng lưu luyến
gì.
  -37...38...39...40...
 Tôi bỗng chợt nhận ra mình bị lừa và mở bừng mắt ra.
Ánh trăng chói lọi đập vào mắt và cái cảm giác lúc ban chiều
ra khỏi rạp hát lại xuất hiện. Hương không còn ngồi bên cạnh
nữa. Tôi cất tiếng gọi, không thấy trả lời. Tôi đi nhanh ra phía
bên kia tháp nhìn xuống con đường, không có ai đi trên con
đưởng vắng vè trản nghập ánh trăng đó. Có thể em vẫn cỏn
lần khuất đâu đây, đang ờ sau tảng đá kia, bụi cây nọ . Buồn
rầu tôi cũng đi về , lòng thầm nhủ : làn sau phải cẩn thận hơn
với những con số của cô bé tinh ranh này.
Bấy giò chưa đến giờ giới nghiêm , nhưng phố xá đã vắng .
Đêm bắt đầu chìm vào giấc ngủ của người. Tôi đi giữa đường
phố , trăng ở trên vai , từng bước theo tôi về. Hai bên đường
các cửa tiệm, cửa nhà đóng chặt. Tôi đi qua những cánh cửa -
phần linh hoạt nhất của một ngôi nhà. Những cửa kéo bằng
sắt của các tiệm buôn, cửa to lớn hơn của công sở, trường
học và các cánh cửa bằng gỗ của nhà dân .Cửa mở ra , như
một sự gọi mời, đôi khi là cạm bẫy; nhưng nếu cửa đóng im
ỉm như bây giờ thì lại mang bộ mặt chối từ ,thật là thất vọng..
Bỗng nhiên tôi chợt nhớ rằng có một căn nhà không có cửa :
một căn nhà cao nhất mà cổ xưa nhất của thành phố này ,
đó là ngọn tháp mà chúng tôi vừa ngồi dưới trăng đêm nay.
Có một chỗ to lớn nhất mà tôi đã quên không lục tìm! Tôi
ngước nhìn lên, tháp Hời cao ngất ngưởng càng thêm vẻ
hoang đường;  trăng vẫn còn vẻ uy nghi lộng lẫy,  mà có
phần nhân từ đôn hậu hơn. Hình như có tiếng nói từ trên
cao của trăng :
- Quay trở lại đi, quay trở lại đi ! Có người quỳ giữa lòng
tháp cổ , hai tay chắp lại trước trán , nàng đang nguyện cầu
cho một mối tình nhỏ bé nhưng đẹp như trăng và bền như
Nhạn tháp . Quay lại ngay đi ...                                                    


No comments: