Thursday, February 1, 2018

XUÂN ĐẾN & CÁCH LÀM THƠ, ĐỌC VÀ BÌNH PHẨM THƠ (Diệp Thế Hùng)



Tết âm lịch sắp đến, tác giả làm tặng bạn đọc một bài thơ
Đường Luật dưới đây, một thể thơ hay dùng cho dịp tết,
hay những dịp long trọng.
Nhân dịp này tác giả nhắc lại luật thơ Đường để các bạn
thưởng thức thơ Đường một cách sâu đậm và làm thơ
Đường đúng luật.
Chúc các bạn một năm Mậu Tuất đầy hạnh phúc và bình
an.
XUÂN ĐẾN


Tết sắp về rồi, năm sắp qua
Mùa xuân này nữa vẫn xa nhà
Đường bao nhiêu dặm còn hun hút
Lòng bấy nhiêu sầu vẫn xót xa
Phố ấy xuân về mai lại nở
Nơi này năm đến tuyết còn sa
Sao tôi lòng cứ bâng khuâng mãi
Xuân đến, xuân đi vẫn thế mà.

Diệp Thế Hùng
CÁCH LÀM THƠ, CÁCH ĐỌC THƠ VÀ
BÌNH PHẨM THƠ
Như các bạn biết, tôi rất thích văn chương nhưng kiến
thức văn chương Việt Nam của tôi rất ít, chỉ là những gì
tôi đã học khi ở trung học.
Tôi tự học cách làm thơ và cách bình phẩm thơ. Tôi
muốn chia sẻ với các bạn chưa biết làm thơ, hay chỉ mới
bắt đầu làm thơ, một vài kinh nghiệm cá nhân trong một
bài viết ngắn này. Những yếu tố trình bày dưới đây có thể
giúp các bạn đi xa hơn trên những chủ đề này.
Làm thơ hay thì không dễ dàng. Biết đọc thơ và thưởng
thức thơ cũng không phải là dễ.  Làm thơ phải theo một
số nguyên tắc, cũng như trong các sáng tạo nghệ thuật
khác.  Đọc thơ cũng cần một hiểu biết để biết tại sao bài
thơ này thì hay, bài thơ kia lại không hay.
Có người nói nếu đọc bài thơ mà thích, mặc dù không
hiểu tại sao, thì bài thơ đó được coi là hay. Nhưng theo
tôi nghĩ, cũng như khi xem tranh hay nghe nhạc, một hiểu
biết sẽ giúp cho độc giả thưởng thức cái hay của một bài
thơ một cách sâu đậm hơn.  Một khi biết tại sao một bài
thơ là hay, thì việc bình phẩm thơ chỉ là giai đoạn tiếp
theo mà độc giả sẽ làm một cách tự nhiên.  
Để cho bài viết không dài, tôi chỉ trình bày luật thơ
Đường (thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú) trong bài này.
Thơ Đường Luật, khá dễ làm, nhưng vì cái gò bó về cách
dẫn ý thơ, và luật đối xứng ở câu 3 và 4, câu 5 và 6, sự
diễn tả ý thơ trở nên nghèo nàn. Ít có bài Đường Luật hay
là vì vậy. Trong thập niên 1930, dưới ảnh hưởng của thơ
Pháp, thơ tự do xuất hiện, và nhiều thi sĩ viết thơ Đường
nhưng bỏ luật đối xứng.
THƠ ĐƯỜNG: THẤT NGÔN BÁT CÚ, THẤT NGÔN
TỨ TUYỆT
Thơ Đường có nguồn gốc rất xa, bắt đầu từ thế kỷ thứ
bảy ở Trung Quốc với những thể thơ khác nhau.  Trong
bài này, tôi chỉ để cập đến những  thể thơ Đường thông
dụng ở Việt Nam.  Hai thể thơ Đường phổ thông nhất là
Thất Ngôn Bát Cú (7 chữ, 8 câu) và Thất Ngôn Tứ Tuyệt
(7 chữ, 4 câu).
A.   THẤT NGÔN BÁT CÚ:
Bốn yếu tố trong một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú là âm
điệu (bằng trắc), vần, cách trình bày ý thơ và luật đối
xứng:
1.     Luật âm điệu (bằng trắc):
1 T 3 B 5 T 7
1 B 3 T 5 B 7
1 B 3 T 5 B 7
1 T 3 B 5 T 7
1 T 3 B 5 T 7
1 B 3 T 5 B 7
1 B 3 T 5 B 7
1 T 3 B 5 T 7
Luật âm điệu này gọi là “thể Trắc” (chữ thứ hai của câu
thứ nhất). Nếu các bạn đổi Trắc ra Bằng và ngược lại, thì
các bạn có “thể Bằng”.
Thí dụ thơ thể Trắc:
Buồn Thu (thơ Hàn Mặc Tử)
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bị thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng sương tỏa, cây e lạnh
Chỉ có thông kia chịu với trời.
Thí dụ thơ thể Bằng:
Thức Khuya (thơ Hàn Mặc Tử)
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trở dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
      2. Luật vần:
Chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6 và 8 phải cùng vần với
nhau (chữ cùng màu). Các bạn nhìn hai cái thí dụ
trên đây sẽ thấy rõ.  Vần là âm bằng, những chữ cuối
của câu 3, 5 và 7 phải là âm trắc.
3. Luật trình bày ý thơ :
Hai câu đầu là nhập đề, hai câu tiếp là miêu tả, hai
câu 5 và 6 là suy luận, hai câu cuối là kết luận
4. Luật đối xứng :
Câu 3 và 4 phải đối xứng : danh từ với danh từ, động
từ với động từ, …
Câu 5 va 6 cũng phải đối xứng như thế.
Các bạn có thể nhìn thấy luật đối xứng này trong hai
thí dụ trên đây.
5. Cách đọc thơ: ngắt nhịp 2/2/3 hay 4/3
B.   THẤT NGÔN TỨ TUYỆT:
Luật bằng trắc cũng giống như bốn câu đầu của Thất
Ngôn Bát Cú trên đây.
Thể Trắc:
1 T 3 B 5 T 7
1 B 3 T 5 B 7
1 B 3 T 5 B 7
1 T 3 B 5 T 7
Thể Bằng: đổi Trắc thành Bằng và ngược lại.
Luật vần : chữ cuối của câu 1, 2 và 4 phải cũng vần, cùng
âm bằng. Chữ cuối của câu thứ ba không vần nhưng phải
là âm trắc.
Chú ý: Luật bằng trắc có thể tóm lược như sau
« nhất tam ngũ bất luận, Nhị tứ lục phân minh” tức là
những chữ 1, 3 và 5 có thể chọn âm, nhưng những chữ 2,
4 và 6 là phải theo luật trên đây.
Chú ý : 1) Các bạn thấy là luật âm truyền trên hết bài thơ.
Nếu bạn làm thơ theo luật Bằng, phải tiếp tục theo luật
âm trên đây cho tới câu cuối. Các bạn không thể đổi luật
âm trong một bài thơ. Bởi vậy, tôi khuyên là kiểm soát
luật bằng trắc trong toàn bài thơ, không trên một vài câu.
      2) Âm bằng của tiếng Việt có hai trường hợp: không
dấu và dấu huyền. Âm trắc có bốn dấu khác nhau
(những dấu còn lại). Khi làm thơ, mặc dù là cùng âm trắc
(hay bằng) nhưng mỗi dấu cho một âm điệu khác nhau
một chút.   
3) Từ lúc thơ mới bắt đầu xuất hiện (những năm 1930)
nhiều thi sĩ đã bỏ đi luật đối xứng vì luật này hạn chế
khắc khe trong cách diễn tả những cảm xúc.  Đôi khi
vì luật đối xứng mà thơ trở thành không hay vì bị
quá gò bó.
Hai bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt nổi tiếng :
(hy vọng là các bạn còn nhớ chữ Nho)
Nam quốc sơn hà (Lý Thuờng Kiệt, chống xâm lược nhà
Tống, năm 981)
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Đề Đô Thành Nam Trang (Thôi Hộ, Trung Quốc, thế kỷ
thứ 8)
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

No comments: