‘Mẹ Tôi’
của Nhị Hà, kinh vinh danh tình mẫu tử
Du Tử Lê
“Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai/ Bao năm nuôi đàn trẻ thơ
nhỏ dại/ Ϲầu mong con mình có một ngày mai...” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Lịch sử nền tân nhạc Việt Nam được coi là còn non trẻ với thời
gian có mặt chưa tới 80 năm so với các dân tộc Tây phương.
Tuy nhiên, trên lộ trình nghệ thuật tự thân của mình, nền tân
nhạc Việt Nam đó, cũng đã để lại cho giới thưởng ngoạn nhiều chân dung đặc biệt.
Từ những nhạc sĩ ngay tự tác phẩm đầu tay, đã cho thấy tài hoa chói lòa của họ,
như cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong.
Trước qua đời năm 24 tuổi, nhạc sĩ Đặng Thế Phong, người có
công khai phá nền tân nhạc Việt, đã để lại cho đời vỏn vẹn ba ca khúc. Đó là
các ca khúc: “Đêm Thu” viết năm 1940, cho lửa trại của học sinh Hà Nội. Sau đấy,
tới “Con Thuyền Không Bến” sáng tác năm 1941; và cuối cùng “Giọt Mưa Thu” viết
năm 1942.
Thậm chí, chúng ta cũng có những nhạc sĩ như những vì sao đột
ngột xuất hiện rực rỡ, trên vòm trời giai điệu, chỉ với một ca khúc rồi, lặng
lẽ biến đi, như nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng với “Tà Áo Văn Quân” (sau khi bất ngờ
cho ra đời ca khúc vui: “Say Thuốc Lào”):
“Có những chiều hoa nồng nhạc say liên hoan
Bên những người hoa ngạt ngào hương tóc phấn…”
Hay nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả duy nhất khúc nổi tiếng “Gợi
Giấc Mơ Xưa:”
“Ngày mai lênh đênh trên sông hương
Theo gió mơ hồ thuyền về đâu…”
Hoặc trường hợp của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu ở Paris, tính đến
ngày qua đời 6 Tháng Hai, 2015, hưởng thọ 84 tuổi, ông cũng chỉ để lại duy nhất
ca khúc “Em Tôi,” được nhiều người biết tới:
“Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ…”
Và, nhiều nhạc sĩ khác nữa.
Tuy nhiên, dù những tài hoa tân nhạc của chúng ta, trước khi từ
giã cuộc đời, để lại cho nhân gian nhiều hay ít, những sáng tác như những
viên ngọc quý ở độ tuổi nào, thì mỗi lần ca khúc của họ được cất lên, dù nội
dung buồn/ vui… chúng vẫn như những kỷ niệm, hạnh phúc sống lại, tựa những đốm
lửa thương yêu trong ký ức ta, riêng, nhiều thế hệ.
Âm nhạc, nếu có thể hiểu theo một nghĩa khác hơn, theo tôi
chính những nốt nhạc, những ca từ ấy đã là nơi ươm trồng, nuôi dưỡng vàng son
dĩ vãng cho chúng ta, như những bài hát ru của mẹ, thời ta thơ ấy vậy.
Nhưng dù cho đó là những ca khúc được sáng tác trong khoảng thời
gian nào của cuộc đời người nhạc sĩ, thì sớm nhất khi người nhạc sĩ ở độ tuổi
mười sáu, mười bảy. Thường nhất là ở độ tuổi đôi mươi (hoặc trễ hơn), khi
trái tim người nhạc sĩ như tấm giấy thấm, sẵn sang thu nhận mọi rung động vi
tế của thất tình (hỉ, nộ, ái, ố…). Đó cũng là độ tuổi chín muồi để người nghệ
sĩ cảm nhận và sống được giữa tâm bão của những rung cảm sâu xa, của mọi thứ
tình yêu; từ thiêng liêng như tình mẫu tử, tới tình yêu mơ mộng, ảo tưởng của
tuổi trẻ lần đầu chạm cầm lên tay trái cấm…
Nhưng kể cả một số nhạc sĩ, có tự lừa bản thân rằng, ca khúc A
hay B của mình được nhiều người biết, chúng đã được viết khi họ chỉ mới 15,
16 tuổi thôi. Tôi chưa thấy một tác giả nào khoe rằng ca khúc X, Z (nổi tiếng)
của họ được sáng tác khi họ còn ở tuổi niên thiếu.
Tuy nhiên, trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, tới hôm nay, đã
ghi nhận được một trường hợp ngoại lệ: Trường hợp của nhạc sĩ Nhị Hà, tác giả
ca khúc “kinh điển:” “Mẹ Tôi”…
Theo tài liệu hiện có trên Wikipedia thì nhạc sĩ Nhị Hà, tác
giả những ca khúc quen thuộc như “Nhớ Một Mùa Hoa,” hay “Trở Về Thôn Cũ:”
“Làng tôi nghiêng mình soi bóng Hương Giang
Những đêm trăng sáng long lanh giòng sông Dáng ai giặt yếm bên bờ dịu dàng Thả tiếng ‘khoan hò’ theo nhịp chèo vọng xa
Làng tôi những chiều khi gió lên khơi
Nắng hanh phơn phớt pha hồng gò má Những cô thôn nữ trên đường về chợ Và tiếng sáo diều diu dặt buông lời thơ
Nhưng sao hôm nay ta trở lại quê hương
Tuy con sông xưa vẫn êm đềm uốn quanh Còn đâu đồng xanh? Còn đâu gia đình? Còn đâu bóng hình mẹ già mến yêu? Nơi đây điêu linh Nơi đây quạnh quẽ Nơi đây chẳng còn bóng người ngày trước Nơi đây tang thương buông bức màn thê lương Quê hương còn đó nhưng người về đâu?
Vì đâu thôn làng thành chốn nương hoang?
Cớ sao bao cánh chim xa tổ ấm? Biết bao giờ gió tha hương trở về Cùng tiếng sáo diều dìu dặt lời nhạc xưa?…” (Nhạc và lời Nhị Hà)
Nhạc sĩ Nhị Hà. (Hình: Cỏ Thơm)
Tuy nhiên, đó là những ca khúc nhạc sĩ Nhị Hà sáng tác khi ông
đã trưởng thành, đã chìm, nổi theo dòng sinh mệnh đau thương, bất hạnh của đất
nước.
Riêng ca khúc “Mẹ Tôi,” theo ghi nhận của Wikipedia thì được
viết năm 1948, khi ông mới 13 tuổi.
Vẫn căn cứ theo Wikipedia thì tiểu sử của ác gia ca khúc “Mẹ
Tôi” có thể tóm tắt như sau: “Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh
ngày 24 Tháng Tám, 1935, tại Quảng Bình, tốt nghiệp cử nhân giáo khoa xã hội,
giáo khoa Anh văn và Apply Sciences in Engineering Technology. Vào năm 1958,
Nhị Hà trở ra Huế để lập gia đình tại đây với người bạn gái học chung năm cuối
ở trường Khải Ðịnh tên Kim Khuê. Sau đấy, hai người có với nhau bảy người
con. Năm 1960, ông vào Sài Gòn tiếp tục học. Sau một thời gian sang Mỹ tu
nghiệp, ông về Việt Nam làm việc tại Nha Cải Huấn cho đến năm 1975.”
“Đến Hoa Kỳ năm 1975, ông cư ngụ tại tiểu bang Arizona rồi tiểu
bang Washington. Ông qua đời tại Houston Texas USA, ngày 10 Tháng Mười, 1988.
Nhạc phẩm đầu tiên ông sáng tác lúc mới 13 tuổi là bài ‘Mẹ Tôi,’ một sự phối
hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về âm nhạc và lòng thương yêu hết lòng
người mẹ đã cả đời tận tụy vì con cái. Một vài nhạc phẩm khác đã đưa tên tuổi
của ông lên cao là ‘Trở Về Thôn Cũ’ và ‘Nhớ Một Mùa Hoa’… Tác phẩm cuối cùng
của ông là ‘Yêu,’ viết trước khi qua đời, trong thời gian điều trị tại bệnh
viện”…
Đề cập tới ca khúc “Mẹ Tôi,” hẳn nhiều bạn đọc đã liên tưởng
ngay tới ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân, sáng tác khoảng giữa thập niên 1950 tại
Sài Gòn (1). Nhưng nếu ca khúc này từng được “gọi cách thương yêu là ‘Quốc ca
của lòng từ mẫu,’” thì “Mẹ Tôi” của cố nhạc sĩ Nhị Hà, ra đời trước đó, có thể
ví như một thứ “Kinh vinh danh tình mẫu tử” vậy.
Nhạc sĩ Nhị Hà viết “Mẹ Tôi” khi thân mẫu của ông còn tại thế
(?). Nhưng khi ca khúc được phổ biến qua các phương tiện truyền thông, đã
hình dung, đã đặt mình vào những tâm cảnh khác nhau trong tương quan của tình
mẹ, con, khiến nhiều người nghe lần đầu đã không cầm được nước mắt:
“Mẹ tôi tóc xɑnh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại Ϲầu mong con mình có một ngày mai Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan Không than không phiền dù lâm hoạn nạn Lòng tin con mình xứng thành người dân Ϲhiều chiều, bên liếp lều tranh Mẹ tôi đứng đợi đàn con Trước gió tóc trắng lòa xòɑ Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương Lòng người mong ước ngày sau Đàn con xứng thành người dân Ɲhưng nay con đã nên người Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ Ɲhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa Công ơn sinh thành ngày nao đền trả Mẹ ơi con nguуền nhớ lời mẹ khuyên.”
Khi viết những dòng chữ này, bản thân tôi tóc cũng đã “trắng
lòa xòa” và không thể biết còn được bao ngày nơi trần thế! Nhưng mỗi khi nghe
lại một mình, ca khúc “Mẹ Tôi,” tôi vẫn không cầm được những giọt lệ ứa ra,
ngoài ý muốn (2).
Tôi không biết đó là những giọt lệ muộn dành cho cuộc tử ly
(dù đã lâu) giữa tôi và mẹ tôi? Hay đó là những giọt lệ như những nén nhang…
“tưởng niệm trước mồ” nhạc sĩ Nhị Hà, người viết “Kinh vinh danh tình mẫu tử”
cho những đứa con Việt Nam, dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất? (Du Tử
Lê)
Chú thích:
(1) Mời đọc thêm “Y Vân, huyền thoại và sự thật” (trong “Phác
họa 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975,” quyển #1. HT
productions, liên hợp với công ty Amazone, in lần thứ ba, California 2017).
(2) Xin đừng nhầm với một số ca khúc của một số nhạc sĩ sáng
tác sau này, vô tình cũng chọn hai chữ “Mẹ Tôi” làm tựa đề cho ca khúc của
mình. Cụ thể như ca khúc “Mẹ Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến (Theo Wikipedia).
|
Wednesday, October 24, 2018
MẸ TÔI (DU TỬ LÊ)
Labels:
- Âm Nhạc
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment