Truyện Ngắn: Tăm Cá Bóng
Chim
Thiên Trúc
Truyện bắt đầu từ mùa xuân năm 1972.……..
Con đường Liên Tỉnh số 10 nối liền Châu Đốc với
Long Xuyên và Cần Thơ chạy uốn lượn theo bờ Nam của Hậu Giang. Những
chuyến xe đò liên tỉnh với những chú phụ xe (thường gọi là chú Ếch) một tay nắm
chặt tay vịn trên xe, một chân đứng trên càng xe, đang đong đưa gào thét mời
gọi khách lên xe. Ai đó đặt tên họ là "Ếch", quả không sai!
Lan đi dọc theo con lộ dưới rặng xoài rợp bóng. Vô số những
con chim, không biết loại gì đang ríu rít bên dưới đáy của cái chateau d'eau
mà tháng trước anh Tâm trèo lên đó đòi nhảy xuống tự vận vì Ba Mẹ anh ấy
không chấp thuận cho ảnh cưới chị Thanh con bác Sáu Nghĩa.
Hôm nay Chủ Nhật, Lan không phải đến lớp, đang ra quán bà Tư
Kèo mua cá lia thia trong bao ny-lông đem về cho thằng Tí. Tuần truớc
Lan có mua cho nó rồi và với gói cám rang cho cá ăn. Nhưng khi đi
học về Lan thấy bốn con cá lia thia nổi phơi bụng trên mặt nước, ngáp
ngáp. Chung quanh cá còn đầy những mảnh cám rang dư thừa nổi lềnh
bềnh. Thằng Tí chạy ra báo cáo: "Chị Lan à, sao bốn con lia thia của em
nổi phơi bụng lên vậy ?". Thôi rồi, thằng em sáu tuổi này cho cá ăn nhiều
quá, cá chết hết. Cá giống như ngưòi nghiện ăn, cho bao nhiêu cũng đớp cả,
cho đến chết thì thôi ! Lan quát thằng em: "Sao em ngu vậy. Cho nó
ăn nhiều quá thì nó chết chứ sao! Giống như Tí vậy, ăn nhiều quá thì ỏng
bụng ra".
Khi đi ngang qua tiệm ăn của bác Sáu Vĩnh thì thấy có hai xe
jeep nhà binh đang đậụ. Mấy ông lính thường ghé lại đây ăn trưa vì tiệm
ăn rộng và sạch sẽ. Ba vẫn thường ra quán bác Vĩnh uống cà phê. Ba nói có bữa
gặp mấy ông Sỹ Quan Hải Quân ăn trưa ở đâỵ Ba nói họ thuộc Liên Đoàn Đặc
Nhiệm gì đó đang trong chiến dịch hành quân hộ tống thương thuyền đi Nam Vang
vì Miên Cộng đang bao vây thành phố này, đường bộ không vào lọt. Nhưng hôm
nay nhìn vào chỉ thấy toàn là mấy chú Bộ Binh mặc đồ xanh sậm không hà. Đâu
có thấy ai mặc đồ Hải Quân đâu.
Có lần Lan tình cờ nghe Ba nói với mẹ: "Tui lo lắm má nó
à. Con Lan chừng nó lớn lên chắc phải lấy chồng Nghĩa Quân hoặc Nhân Dân Tự
Vệ quá." Mẹ thở dài: "Không lấy mấy thằng đó thì lấy ma
à? Thời buổi này con trai đi lính hết, có còn đứa nào học hành ra
gì đâu."
Lan suy nghĩ mình mới học đến lớp 10 (Đệ Tam) thôi,
sao Ba lại đi lo chuyện con bò trắng răng vậy nhỉ. À mà trong lớp cũng nghe mấy
nhỏ bạn nói phong phanh về việc này. Lan chiêm nghiệm thấy câu nói
của Mẹ có lý, ở lớp 11 của trường mình chỉ có khỏang 15 anh, còn bao nhiêu là
mấy chị hết ráo. Lớp 12 thì chỉ còn 2 anh mà thôi. Vậy họ đi lính hết rồi à?
Vậy thì "Thời buổi này con trai đi lính hết, có còn đứa nào học
hành ra gì đâu." quả là có thực. Sao lạ vậy nhỉ?.
Một hôm đang ngồi gọt khoai cho mẹ ở dưới bếp, nghe Ba nói với
Mẹ ở nhà trên: "Tháng trước khi tui ngồi ở quán anh Vĩnh để chờ chú Năm
nó đi xe đò từ Bình Thủy đem lúa giống Thần Nông R8 xuống cho mình thì tui thấy
một xe jeep nhà binh đến. Họ xuống xe vào tiệm để ăn trưa. Họ ngồi kế bàn
tui. Có bốn ông Sỹ Quan Hải Quân mặc quân phục và một cậu còn trẻ lắm,
dáng người nhỏ nhắn, mặc thường phục xi-vin, trắng trẻo như một học sinh
Trung Học. Chắc cậu này là em của một ông Sỹ Quan nào trong số đó từ Sài Gòn
xuống thăm anh thì phải. Nhưng lạ ở chỗ là trong lúc nói chuyện thì cậu ấy lại
xưng hô mày tao với mấy ông Sỹ Quan mang lon lá vàng rực trên vai kia. Tui tò
mò định hỏi nhưng ngại. Thấy ông nào cũng mang súng ngắn kè kè bên nách, lỡ họ
nghĩ mình là VC nằm vùng đến dọ hỏi tin tức thì phiền to." Mẹ xen
vào : "Ba nó nói nghe tào lao quá. Ai mà chẳng biết xóm này toàn là
tín đồ của Đức Thầy không hà, có thằng VC nào dám dzô đây, bộ tụi nó muốn bị
mần thịt hay sao?" Ba cười rồi tiếp: "Hơn một tuần sau thì cậu
này trở lại ăn trưa ở đó nữa, cũng mặc thường phục xi vin, nhưng đi chung chỉ
có hai ông sĩ quan và một binh sĩ có mang súng M16. Khi thấy họ vui cười nói
chuyện thoải mái với anh Vĩnh thì tui kéo ghế lại ngồi cạnh anh Vĩnh để nói
chuyện với họ cho vui. Anh Vĩnh giới thiệu tui là em họ của ảnh. Cái cậu
mặc xi vin đứng dậy lễ phép bắt tay tui và nói "Hân Hạnh được quen với
Anh!" làm tui quá bất ngờ vì người miền Nam của mình đâu có lối
lịch sự quá như thế. Hai ông Sỹ Quan kia và người lính cũng lần
lượt đứng dậy bắt tay tui làm tui rất cảm động. Họ thuộc trong
Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 của Hải Quân, hiện giờ đang công tác yểm trợ an ninh
cho taù buôn ngược giòng Cửu Long lên tiếp tế cho Nam Vang của Kampuchia.
Trong lúc họ ăn trưa thì tui có nói với cậu mặc thường phục rằng nhà tôi
ở gần đâỵ Chủ Nhật 24 tới đây nếu chú có rảnh thì đến nhậu
với tôi chơi. Anh Vĩnh sẽ chỉ nhà cho chú nếu chú đến được hén. Cậu ấy trả lời
dạ, em sẽ đến."
Thế là sau chủ Nhật này, đến Chủ Nhật kế thì cái ông kỳ lạ này
sẽ đến nhà mình theo lời Ba nói. Trong lớp học có lần mấy con bạn có lời bàn
" Mao Tôn Cương" chắc nịch: "Lấy chồng Nghiã Quân với
Nhân Dân Tự Vệ coi vậy mà sống dai à nghen. Chứ lấy mấy cha nội lính Sư Đoàn
thì chết như ngoé đấỵ Chưa kịp làm mệnh-phụ mà đã thành cô-phụ rồi
đấy nha mấy bà nội!". Cả bọn reo hò, cười ầm ĩ. Số là hôm ấy
gà mọc đuôi tôm. Cô Huyền dạy Lý Hóa không đến lớp, cả bọn sướng
như tiên. Tuần trước đó trong lớp có đưá khám phá ra cô Huyền có xuất bản
một tập thơ có đề tựa là "Khép Đôi Mi Nhỏ" ký bút hiệu là Huyền
Trân. Cả lớp cười đuà khoái tỉ. Cô Huyền mà làm thơ chắc để
.... khỉ nó đọc, v.v.... Có đứa nhanh nhẩu "Vậy là cô Huyền chịu
đèn thầy Chung dạy Sử Địa rồi tụi bay ơi!!! Huyền Trân Công Chúa với Trần Khắc
Chung ấy mà!!!" Cả bọn reo hò cười inh ỏi cho cái khám phá mới này. Có đứa
khác thêm vào: "Nhờ có thầy Chung cứu mà cô Huyền không bị thiêu sống
theo vua Chế Mân đó nhá!!!" Vậy là thêm một trận cười và reo hò nữa. Có
đứa nghịch nhất lớp, thằng Tùng, nó viết trên bảng đen, sát dưới góc bên phải
một giòng chữ nhỏ: "Khép Đôi Mắt Ốc" làm cho cả lớp cười thêm
một trận đã điếu nữa, vì mắt cô Huyền to lắm, nhưng không đẹp, giống mắt ốc.
Chiều hôm đó cô Huyền rất tức giận, truy nã ráo riết tên to gan nào đâỵ.
Nhưng trong lớp đoàn kết, không tiết lộ, chỉ nói rằng có thằng
mắc dịch nào ở lớp khác sang đây viết rồi bỏ chạy rồi. Cô Huyền tức
cành hông!. Và hôm nay cô không đến lớp. Không biết chuyện gì sẽ xảy
ra cho thằng Tùng (cái tên "to gan" ấy.) Nhưng thây kệ, vắng cô buổi
nào thì mừng buổi nấy, quậy cho đã rồi sau hẵn tính!!!
Sáng Chủ Nhật 24 Ba thức dậy sớm, tự tay làm mấy món nhậu miền
Nam mà Ba ưa thích nhất. Gần trưa Mẹ bảo Lan ra chợ mua thêm mấy món
gia vị còn thiếu. Lúc về gần đến nhà thì thấy một chiếc xe jeep đậu trên lộ
chỗ lối vào nhà mình. Trên xe có một chú binh sĩ Hải Quân. Có khẩu súng
M16 dựng kế bên. Khi đi vào lối vào nhà thì thấy có một chú binh sĩ khác
từ trong nhà mình đi ra, lên xe jeep và lái xe đi đâu mất hút. Khi Lan
bước vào thì Ba bảo: " Lan , con chào chú Hiếu đi con !", Lan
"Chào chú" và "chú Hiếu" cũng chào lại "Chào
cháu". Lan nghĩ thầm, chú gì non choẹt như mấy anh học lớp 11 vậy mà đòi
làm chú. Một lúc sau Mẹ đem mấy món đồ nhậu lên để Ba mời khách ăn.
"Chú Hiếu" mời Mẹ: "Mời Chị và cháu cùng ngồi đây ăn trưa với
anh Lễ và em cho vui đi Chị." Mẹ bảo để hai người uống rượu với
nhau, tui xuống dưới bếp. "Chú Hiếu" lại nói "Em đâu có biết uống
rượu." Mẹ ngạc nhiên " HQ mà không biết uống rượu thì ai mà
tin". "Thật mà Chị, mời Chị ngồi đi". Quả thực, Ba rót rượu nếp
than Tân Quới là loại rượu Ba thích nhất vào hai cái ly, nhưng chú Hiếu thì
không uống. Mấy ông lính đều uống rượu như hũ chìm và hút thuốc lá như điên,
các ngón tay phải vàng khè như dính nghệ vì ám khói thuốc lá lâu ngàỵ
Ba cũng thế. Ba hỏi thế chú có hut' thuốc lá không, tôi còn mấy gói 3 số
năm, lát nữa mời chú hút với tôi. Chú Hiếu cười: "Em chẳng hút bao
giờ". Ba trợn mắt ngạc nhiên: "Chú sao giống mấy cậu học sinh
Trung Học quá vậy? Nhưng mấy đứa học lớp 11, 12 bây giờ nó hút thuốc
lá như điên đấy chứ, đâu như chú." Cả nhà cùng cười vang. Lan nghĩ ông
nào cũng hút thuốc lá cả, lúc nói chuyện gần sát người thì muì hôi nặc, tởm mửa.
Ít nữa lấy chồng chắc không thoát khỏi mấy ông "hút". Tự nhiên Lan
thấy có cảm tình với "ông chú" không uống rượu, không hút thuốc lá
này!!!.
Chú Hiếu ăn rất ít, chỉ cốt làm vui lòng Ba Mẹ của Lan mà
thôi. Lính gì mà ăn như con gái. Nhưng đây không phải lính kiểng mà là lính
đi mặt trận chính hiệu mới lạ chứ. Hình như chú Hiếu có chuyện gì
có vẻ lo âu. Một lúc sau người lính lúc nãy trở lại, chú Hiếu cảm ơn Ba
Mẹ rất ân cần rồi chào từ giã. Câu nói sau cùng mà Lan nghe được là
"Chào cháu nhé, chú đi về đây. Khi nào có dịp thì chú đến thăm".
Và cái "dịp" ấy không bao giờ đến nữa.
Bây giờ Lan mới hiểu vì sao Ba mời chú Hiếu xa lạ kia đến nhà mình. Tội nghiệp
cho Ba. Ba lo cho mình quá nhiều. Qua' sớm. Tâm hồn chất phác của
người dân Nam Bộ như Ba chỉ nghĩ sao làm vậy, chưa bao giờ nghĩ đến những nẻo
oan khiên, nghiệt ngã của cuộc đời. Mình còn nhỏ quá sao Ba lại âu lo sớm như
vậỵ Có lẽ Ba thấy nhiều tấm gương trước mắt mà sợ chăng? Những cô Hiền,
cô Nở em của Ba đó, bây giờ đã 30 tuổi ngoài rồi mà có thấy "ma nào nó
rước" đâu?. Chịu làm gái già thôi. Chị Én, chị Nhung thì
lấy phải mấy ông chồng "lựu đạn, cốt mìn" chỉ li bì say sưa nhậu nhẹt
rồi đánh vợ, mắng con. Lan khẽ rùng mình.
Có những buổi chiều tan học đợi đón xe Lam về nhà, Lan thấy
những chiến đỉnh đang lướt sóng xuôi giòng sông Hậu, có lẽ họ đi về căn cứ
sau chuyến hành quân. Súng đại liên tua tủa chỉa lên trời . Những lá cờ
Quốc Gia phất phới trên các ngọn ăng-ten. Những người lính dáng vẻ oai hùng đứng
trên chiến đỉnh PBR chạy như luớt nhẹ trên mặt nước sông rộng, gây những
đợt sóng làm nhâp nhô mấy chiếc thuyền máy đậu sát bờ. Họ đưa tay vẫy những
người đang đứng trên đường nhìn họ. Thích nhỉ, đời họ đúng là
hải hồ sông, biển. Lan thầm nghĩ ước gì mình là con trai để đi lính Hải
Quân như họ.
Có một hôm sang nhà Dì Tư bên Tân Châu, nhìn ra sông Tiền
Giang, vô số những thương thuyền khổng lồ mang tên Panama, Singapore xếp
thành hàng dài tít tắp tới chân mây đang di chuyển chậm chạp về phía thuợng
nguồn, chắc là đi Nam Vang như chú Hiếu nói với Ba. Những chiến đỉnh nhỏ
bé (so với những thương thuyền khổng lồ) đang chạy ở hai bên, chắc là để sẵn
sàng tác xạ vào vị trí địch khi thương thuyền bị tấn công. Chắc co' chú Hiếu
trên một trong những chiến đỉnh ấy. Lan muốn gặp lại chú Hiếu một lần để nói với
chú ấy một câu rồi thôi, ấy là "tui đã khôn lớn rồi chứ không phải là
con nít như chú nghĩ đâu nhé. Cấm gọi tui bằng cháu đó
nghen!". Và chỉ có vậy thôi.
Nhưng rồi năm, tháng trôi qua, chú Hiếu vẫn mịt mù tăm cá bóng
chim.
Bây giờ thì không còn thấy những đoàn thương thuyền đi Nam
Vang nữa. Chiến cuộc đã tới hồi khốc liệt. Chú Hiếu có còn sống
hay đã chết? Không Biết. Nhưng Chú Hiếu là chim trời, cá biển, chắc
chắn chú Hiếu sẽ không bao giờ trở lại khu chợ quận heo hút này nữa đâu.
Trên bầu trời những đám mây đen đang chầm chậm trôi, báo hiệu
mùa mưa nước lũ sắp về trên sông nước Miền Tây.
Vang vang đâu đây từ một cái radio trên một chiếc ghe thương hồ
đang đậu cạnh bến đò Châu Giang, tiếng ai hát trong ca khúc "Hình Ảnh
Hai Cuộc Đời": của nhạc sĩ Hiếu Nghĩa.
« ...................................................
Họ về đây bụi vương mình trên nếp áo
Đường xa xăm tóc lộng gió tơi bời
Họ đi rồi ông thấy buồn áo não
Vì họ qua bến ấy một lần thôi ...........
................................................. »
Thiên Trúc.
|
Thursday, October 25, 2018
TĂM CÁ BÓNG CHIM (THIÊN TRÚC)
Labels:
-Truyện Ngắn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment