Sunday, October 21, 2018

MỐI GIAO HẢO HOA KỲ- SAUDI ARABIA ĐANG LÂM NGUY (LÊ PHAN)

Mối giao hảo Hoa Kỳ – Saudi Arabia đang lâm nguy
 
Một người biểu tình ăn mặc như Thái Tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, và một người khác ăn mặc như Tổng Thống Mỹ Donald Trump, biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm 19 Tháng Mười, 2018, sau sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi tại tòa lãnh sự Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2 Tháng Mười. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Nhà báo Jamal Khashoggi bị giết tại tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2 Tháng Mười, là một tấm thảm kịch và có nhiều điều bí hiểm. Nó cũng sẽ đánh một đòn nặng lên chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Nếu chính phủ Trump có thể nói có một chính sách về vùng Trung Đông thì nó tập trung vào Saudi Arabia và nhất là vào Thái Tử Mohammed bin Salman, một nhân vật tính tình đồng bóng – hay MbS, như ông thường được biết ở Trung Đông.
Thái Tử Saudi đáng lẽ là người mà có thể kết hợp một liên minh chống lại Iran, làm hòa với Israel, đối đầu với giới tu sĩ ở ngay chính nước mình, và giúp tiêu diệt ISIS ở tại Saudi và ở ngoại quốc. Bản thân ông sẽ cởi mở xã hội Saudi và chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế – đặc biệt đưa những hợp đồng béo bở cho các công ty Hoa Kỳ trong khi thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng đó.

Sự quan trọng của Saudi Arabia đối với Tổng Thống Donald Trump đã được nhấn mạnh khi lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ đi công du từ khi nhậm chức ông đã chọn đến Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia. MbS nhanh chóng trở thành bạn chí thân với Jared Kushner, con rể của tổng thống. Cả hai đều trạc tuổi ba mươi và cùng nhau họ âm mưu sắp đặt lại địa lý chính trị vùng Trung Đông.

Nhưng cuộc tấn công lấy cảm tình của Thái Tử MbS vượt ra khỏi gia đình ông Trump. Thái tử đã từng tiếp đón những nhà báo bị mê hoặc vì lập trường canh tân của ông. Ông gửi những text tán dóc với những nhân vật quan trọng ở Washington. Trong một lần đến thăm Hoa Kỳ, MbS thân mật với những người có thể nói là hoàng gia của Hoa Kỳ – những Bill Gates, Mark Zuckerberg và Rupert Murdoch.

Tuy nhiên, ngay cả một số những người trong fan club của MbS cũng phải ngần ngại. Một quan sát viên Tây phương chuyên về Saudi Arabia nhận xét với tờ Financial Times “Câu hỏi của tôi luôn là đặt ông ta vào chỗ nào trong một quang phổ từ Lý Quang Diệu đến Saddam Hussein.” Nói cách khác, liệu MbS có nên được coi là một nhà dựng nước đầy viễn kiến tuy độc đoán như ông Lý Quang Diệu hay là một kẻ độc tài không kiểm soát được như ông Saddam Hussein.

Những người lý luận là lãnh tụ trẻ tuổi của Saudi, trên hết, là nguy hiểm có nhiều bằng cớ đáng ngại để chứng minh: Một cuộc chiến tiếp tục leo thang ở Yemen vốn đã tạo một thảm họa nhân đạo mà không biết bao giờ kết thúc; một cuộc tranh chấp không cần thiết với nước láng giềng Qatar, dẫn đến một cuộc phong tỏa do Saudi lãnh đạo nhưng không đạt được kết quả; cầm tù một thời gian thủ tướng của một quốc gia khác, thủ tướng Lebanon, để bắt ông ta từ chức nhưng cũng thất bại; một vụ tống tiền nhiều nhà kinh doanh giàu có nhất Saudi Arabia; và bỏ tù nhà báo và các nhà tranh đấu cho nhân quyền – kể cả một số như ông Khashoggi, đã bỏ trốn ra ngoại quốc.

Mặc dầu vậy, bất chấp mọi sự, cho đến nay, nói chung các tòa đại sứ Tây phương vẫn lạc quan về MbS, nói là căn bản ông ta “là một việc tốt” nếu hơi quá hung hăng. Quyết định của thái tử cho phép phụ nữ lái xe có lẽ là một đòn tuyệt vời trong việc ảnh hưởng dư luận thế giới.

Không ai để ý đến việc là tuy phụ nữ nay được lái xe nhưng họ vẫn không được đi làm chứ đừng nói đến tham gia chính trường. Cũng không ai để ý khi chỉ vài ngày sau khi cho phụ nữ được lái xe, ông cho bắt bỏ tù tất cả những nhà tranh đấu cho nữ quyền. Trong khi đó, liên minh ngầm của ông với Israel trong việc ngăn chặn Iran cũng đã hết sức quan trọng trong việc giữ cho ông được Tòa Bạch Ốc mến chuộng.

Nhưng vụ có vẻ là sát hại ông Khashoggi đã thay đổi khá nhiều thái độ của Tây phương đối với MbS. Mặc dầu vô cùng tinh vi và hiểu biết khi thao túng những người tạo dư luận ở Hoa Kỳ và Âu Châu, thái tử rõ ràng không hiểu ảnh hưởng tiềm tàng của một hành động tàn bạo và trơ tráo đến thế.

Khác với những gia đình Yemen đã là nạn nhân của những cuộc không kích và bom đạn của Saudi, ông Khashoggi là một nhà bình luận cho tờ Washington Post. Truyền thông Hoa Kỳ nay đã hết sức bất mãn và Quốc Hội đang đe dọa cấm vận Saudi Arabia. Ngay cả tổng thống cũng có lúc hứa hẹn hậu quả “trầm trọng” nếu Saudi quả đã được chứng minh có tội.

Ảnh hưởng của vụ này đã thấy rõ khi đến Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Bộ Trưởng Ngoại Thương Anh Quốc Liam Fox đã quyết định rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh mang cái tên Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai, vốn đã được tuyên truyền sẽ là một thứ diễn dàn Davos trong sa mạc. Hơn thế, ông Mnuchin đã tweet là ông đã có quyết định đó sau khi tham khảo ý kiến với Tổng Thống Trump và Ngoại Trưởng Mike Pompeo.
Tuy vậy, ngay cả nếu chính phủ Hoa Kỳ nay không còn ảo tưởng về MbS nữa, cuối cùng thì họ cũng không thay đổi bao nhiêu trong chính sách. Các viên chức Tây phương biết rõ tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Saudi Arabia. Vương quốc là quốc gia xuất cảng dầu thô lớn nhất thế giới và quốc gia nhập cảng vũ khí nhiều nhất thế giới.

Với giá dầu thô đã bắt đầu tăng vì tái lập cấm vận với Iran, vai trò của Saudi như là một nhà sản xuất tối hậu có thể tăng cường đủ để đáp ứng cho giá đừng tăng vọt lại càng quan trọng hơn. Tổng Thống Trump, một người bị ám ảnh về xuất cảng, đã nói rõ là ông rất ngần ngại trong việc nhường thị trường vũ khí của Saudi cho Nga hay Trung Cộng – và ông không phải là người duy nhất có quan ngại này, tuy ông thường hay nói huỵch toẹt.
Không có một liên hệ tốt với Saudi Arabia thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Đông sẽ còn sụt giảm hơn nữa. Và khác với Hoa Kỳ, Nga nay có thể khoe khoang là họ có một liên hệ vững chãi với Iran, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự đóng góp tích cực của Nga vào cuộc chiến ở Syria có nghĩa là nay họ có một vai trò lớn hơn trong các hòa đàm ở Syria vốn sẽ ấn định thăng bằng quyền lực trong vùng.

Hoa Kỳ, vốn có thời là kẻ chi phối vùng Trung Đông, nay có một số liên hệ giới hạn hơn là Nga. Hoa Kỳ, qua việc rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đã cắt đứt mọi liên hệ với Iran, và liên hệ của Hoa Kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục khó khăn – mặc dầu Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho Mục Sư Andrew Brunson, một mục sư người Mỹ đã bị giữ từ hai năm nay vì cáo buộc tình báo. Nếu Hoa Kỳ nay thực hiện đe dọa sẽ trừng phạt “nghiêm khắc” Saudi Arabia, hành động này sẽ gây thù oán với các quốc gia vùng Vịnh, và có thể dẫn đến sự việc là Hoa Kỳ sẽ không còn một đồng minh thân thiết nào trong vùng – trừ Israel.

Vì những lý do đó, chắc là chính phủ Trump sẽ làm đủ cách để giới hạn những ảnh hưởng xấu ngoại giao của vụ Khashoggi – và ngay cả Quốc Hội có lẽ cũng sẽ thận trọng trong việc trừng phạt. Với thực tế khó nuốt của realpolitik, thật khó mà kết tội họ.

Nhưng cái ý tưởng là Hoa Kỳ có thể xây dựng một đại chiến lược cho một vùng lúc nào cũng như một thùng thuốc súng dựa trên một nhân vật điên cuồng như MbS nên được từ bỏ đi là vừa. Machiavelli chả đã nói “Đừng đặt niềm tin vào các ông hoàng,” đặc biệt là các ông hoàng Ả Rập. (Lê Phan)

No comments: