Chàng trai mồ côi mở tiệm bánh mì thịt miễn phí giúp người nghèo
ở Đà Nẵng
Anh Vĩnh chăm lo bữa ăn cho người lao động nghèo để lại nhớ cha
mẹ đã khuất. (Hình: Thanh Niên)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Chàng
trai mồ côi mở tiệm bánh mì thịt miễn phí giữa lòng thành phố Đà Nẵng để giúp đỡ
những người nghèo và xem đó là cách để báo hiếu cho cha mẹ đã khuất.
Giữa Tháng Mười Một, 2019, nhiều người
nghèo bán vé số, chạy xe ôm, lượm ve chai… tại trung tâm thành phố Đà Nẵng truyền
tai nhau về tiệm bánh mì miễn phí của nhóm sinh viên nằm khuất trong con hẻm nhỏ
trên đường Ngô Gia Tự (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Bị tật ở chân trái, khi trái gió trở
trời thường xuyên đau ê ẩm, thế nhưng hằng ngày ông Lê Văn An (69 tuổi, trú quận
Thanh Khê) vẫn phải chạy xe ôm. Kết thúc chuyến xe ôm tại khu vực trung tâm,
trưa về ghé vào tiệm bánh mì “0 đồng” để nhận bánh mì từ các bạn tình nguyện
viên, ông An khen bánh mì ở đây ngon, vừa miệng.
Mỗi ngày anh Vĩnh cung cấp 150-200 ổ bánh mì thịt cho những người
bán vé số, chạy xe ôm…(Hình: Thanh Niên)
“Bữa ăn miễn phí đã giúp người lao động
như chúng tôi bớt phần nào những lo toan hằng ngày. Cảm ơn những bạn trẻ…”, ông
An nói với báo Thanh Niên.
Giữa tiếng nói cười trong căn nhà trọ
nơi đặt xe bánh mì, anh Đào Văn Vĩnh (27 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) người sáng lập,
cùng các bạn sinh viên đang tất bật chuẩn bị hàng trăm ổ bánh mì nóng giòn cho
“bữa ăn 0 đồng.”
Vừa cắt miếng thịt thơm phức, vừa kể với
báo Thanh Niên, anh Vĩnh cho biết mình sinh ra ở tỉnh Thừa Thiên –Huế và mồ côi
mẹ khi vừa tròn chín tuổi. Đến năm học lớp 12, thì cha anh mất do bệnh ung thư.
Từ đó, bốn chị em Vĩnh tự mình vượt lên thoát khỏi số phận bất hạnh.
Nghèo khó, anh Vĩnh cùng chị gái không
một xu dính túi rời quê nhà để nhập học vào trường Cao Đẳng Thương Mại (quận
Thanh Khê, Đà Nẵng).
“Vừa học, tôi vừa đi làm thêm tất cả
những công việc để có tiền trang trải chi phí và cùng chị gái nuôi hai đứa em
nhỏ. Đến lúc nộp học phí không có tiền, tôi đã nghĩ phải dừng lại việc học. Thế
nhưng, ngày đó tôi nhận được sự giúp đỡ từ chú Tuấn Mập – Sài Gòn, thông qua một
người hoạt động từ thiện ở quê nhà. Tôi không biết chú Tuấn là ai hết, chỉ nghe
cô chú nói chú hoạt động trong lĩnh vực ăn uống. Số tiền 10 triệu đồng ($430)
đó đã cứu tương lai của bốn chị em…,” anh Vĩnh nhớ lại.
Sau những giờ rong ruổi mưu sinh, ông An ghé tiệm bánh mì ‘0 đồng’
để ăn bữa trưa. (Hình: Thanh Niên)
Trong suốt thời gian là sinh viên, anh
Vĩnh luôn tham gia những hoạt động từ thiện của trường và ấp ủ những dự định từ
thiện của riêng mình. Sau khi ra trường, anh Vĩnh cùng một số người thân tổ chức
các chương trình từ thiện cho người nghèo là những bữa cơm, bánh mì và sữa.
“Trước đây tôi cùng vài người quen mở
tiệm cơm 2,000 đồng ($0.08) phục vụ người nghèo. Quán duy trì được gần một năm
thì dẹp do không có thời gian sắp xếp, nên gần đây cả nhóm quyết định chuyển
sang bán bánh mì và sữa giá 0 đồng cho người nghèo,” Vĩnh cho biết.
“Ngày trước, ai cho em một bữa ăn để có sức bước lên giảng đường
em đều nhớ như in cái cảm giác đó… Hạnh phúc, vui vẻ và đặc biệt là yên lòng. Số
tiền ăn đó có thể chi tiêu vào việc khác”
anh Vĩnh nói.
Cũng như quán cơm 2,000 đồng, khi tiệm
bánh mì khai trương, anh Vĩnh may mắn được nhiều tình nguyện viên là sinh viên
các trường đại học đến giúp đỡ. Mỗi ngày có khoảng 4-5 bạn có mặt từ mờ sáng để
giúp anh chế biến thịt, chả…để đến 8 giờ 30 phút tiệm bắt đầu hoạt động cho đến
lúc bán hết 150 – 200 suất bánh mì kèm sữa.
Nói về hoạt động thiện nguyện trong
tương lai, anh Vĩnh cho biết từ khi bắt đầu hoạt động, cả nhóm tự bỏ kinh phí
chứ không kêu gọi vận động. Thế nhưng, đã có nhiều người từ tâm đã đến ủng hộ.
Nhóm cũng chỉ nhận hiện vật như bánh mì, thịt, sữa, nước…và trao tận tay người
nghèo ngay chứ không nhận tiền.
“Khi được chăm lo bữa ăn cho các cô
chú, thấy cô chú vui vẻ thì trong lòng lại nhớ cha mẹ. Tôi may được trời
thương, cuộc sống đỡ vất vả nên quay lại giúp người khó khăn bằng ‘bánh mì 0 đồng,’
nhất là những người đáng tuổi cha mẹ mình như một sự báo hiếu đối với đấng sinh
thành đã khuất…,” anh Vĩnh tâm sự. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment