Tuesday, November 5, 2019

SÀI GÒN DỄ THƯƠNG DÃ MAN (MẠNH KIM)



Sài Gòn dễ thương dã man ! 
Mạnh Kim  
 

(Ảnh: trang Lê Nguyễn Hương Trà)  

Dễ thương, đặc biệt dễ thương, là những người lao động bình dân, như thể họ càng sống “thấp” ở tầng đáy xã hội thì tâm hồn họ càng cao, như thể họ muốn chồi lên, không phải để tìm ánh nắng, mà để cho người ta thấy họ đẹp như thế nào, đáng chiêm ngưỡng và đáng ngắm nhìn như thế nào. Sài Gòn chắc không bao giờ có anh xe ôm nào không chỉ đường khi được hỏi. Chắc ít có bà bán xôi nào mà không biết bán thiếu. Tôi thích lang thang vào những hẻm sâu hun hút ở Sài Gòn. Đó là những nơi còn lưu lại nhiều nét sinh hoạt của Sài Gòn xưa – Sài Gòn của Bình Thạnh, Sài Gòn của Gò Vấp, Sài Gòn của Thị Nghè - mỗi nơi mỗi khác, trong cái giống chung của “đặc tính Sài Gòn”. Có những buổi trưa tôi “khám phá” cái Sài Gòn mà mình sống từ lúc mới sinh bằng cách sộc vào những con đường lạ hoắc, len vào những con hẻm nhỏ hẹp chưa từng đến, và dừng ở quán café “cóc” nào đó để thấy những thanh niên mình trần vừa đánh cờ vừa chửi thề ỏm tỏi. 

Tiếng chửi thề Sài Gòn thì ở đâu cũng nghe nhưng phải nghe tiếng chửi thề trong các hẻm lao động thì mới cảm nhận được cái nét đặc thù của Sài Gòn. “Đụ má, mày chơi dzậy hổng được nha mậy”… Tiếng chửi thề Sài Gòn, khi vui đùa bông lơn, nghe không bị “khét”. Nó mượt. “Mẹ bà bây, làm cái giọng gì kỳ quá nha”. Sài Gòn chửi thề không chỉ do bực hay giận. Sài Gòn chửi thề có khi là “nựng”. “Đồ quỷ hà!” – “hà” là cái gì? Đừng hỏi “hà” là gì. Cũng đừng thắc mắc tại sao phải có “hà”. “Hà” là cái tinh cốt của “bộ tự vị” Sài Gòn. Nó là vậy đó. Thiếu “hà” thì mất dáng Sài Gòn rồi. Khỏi hỏi ha!

Sài Gòn cà chớn. Sài Gòn xớn xa xớn xác. Sài Gòn láu cá. Sài Gòn lừa gạt… Nhưng Sài Gòn “mua đi cưng” hay “Sài Gòn vá xe miễn phí nha bà con” mới là những định tính tạo nên cốt lõi của văn hóa Sài Gòn. Sài Gòn chưa bao giờ hết mang lại “cảm hứng” để nói về nó. Sài Gòn luôn dễ thương. “Dễ thương thấy… mẹ!” - kiểu Sài Gòn là phải nói như vậy. Tại sao “thấy mẹ”? Khỏi hỏi ha!

Mạnh Kim
7/2019

No comments: