Những Vần Thơ Xuân Nơi Ðất Khách
Hằng năm, theo thông lệ, cứ đến Tết âm lịch là người Việt mình ở hải ngoại đều có báo Xuân, dù ở bất cứ nơi đâu, Á Châu hay Âu Châu, Úc Châu hay Mỹ Châu. Tính đến năm nay, Canh Tý 2020, cá nhân người viết trong 40 năm qua chưa bao giờ biết đón Xuân ăn Tết là gì, vì Tết âm lịch nơi tôi ở chẳng bao giờ rơi vào mùa Xuân cả! Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh tị nạn, tôi không thể nào vui sướng để đón Tết mừng Xuân, mặc dù là Xuân gượng Tết hờ. Dù vậy, tôi không thể không theo tục lệ Ông Bà, Tổ Tiên mà quên đi nguồn cội. Chính vì lẽ đó, thỉnh thoảng tôi nhận lời viết bài cho báo Xuân theo cảm nhận và chủ quan của mình.
Cuối năm, mang chồng sách cũ ra đọc, tìm những vần thơ xuân hợp ý thì thấy hầu hết các nhà thơ cũng có những nỗi khắc khoải trong những buổi xuân về. Vì trang báo có hạn nên người viết phải hạn chế số trang, chọn lọc những vần thơ tiêu biểu. Mong các bạn thơ thứ lỗi cho nếu thấy thiếu vắng tên mình trên trang báo này.
Nơi tôi tạm dung là xứ tuyết, thường thì tuyết đổ vào dịp Tết âm lịch. Thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng tạm dung ở vùng này nên tâm sự của nữ sĩ trong ngày Tết thật là chí lý:
Hằng năm, theo thông lệ, cứ đến Tết âm lịch là người Việt mình ở hải ngoại đều có báo Xuân, dù ở bất cứ nơi đâu, Á Châu hay Âu Châu, Úc Châu hay Mỹ Châu. Tính đến năm nay, Canh Tý 2020, cá nhân người viết trong 40 năm qua chưa bao giờ biết đón Xuân ăn Tết là gì, vì Tết âm lịch nơi tôi ở chẳng bao giờ rơi vào mùa Xuân cả! Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh tị nạn, tôi không thể nào vui sướng để đón Tết mừng Xuân, mặc dù là Xuân gượng Tết hờ. Dù vậy, tôi không thể không theo tục lệ Ông Bà, Tổ Tiên mà quên đi nguồn cội. Chính vì lẽ đó, thỉnh thoảng tôi nhận lời viết bài cho báo Xuân theo cảm nhận và chủ quan của mình.
Cuối năm, mang chồng sách cũ ra đọc, tìm những vần thơ xuân hợp ý thì thấy hầu hết các nhà thơ cũng có những nỗi khắc khoải trong những buổi xuân về. Vì trang báo có hạn nên người viết phải hạn chế số trang, chọn lọc những vần thơ tiêu biểu. Mong các bạn thơ thứ lỗi cho nếu thấy thiếu vắng tên mình trên trang báo này.
Nơi tôi tạm dung là xứ tuyết, thường thì tuyết đổ vào dịp Tết âm lịch. Thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng tạm dung ở vùng này nên tâm sự của nữ sĩ trong ngày Tết thật là chí lý:
Tết này mưa tuyết trắng vai
Vùng Hoa Thịnh Ðốn đông dài giá băng
Bàn chân nhiệt đới lạnh căm
Rời xa đất mẹ bao năm chưa về
(Tết Này, Nguyễn Thị Ngọc Dung-Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời, 30)
Vùng Hoa Thịnh Ðốn đông dài giá băng
Bàn chân nhiệt đới lạnh căm
Rời xa đất mẹ bao năm chưa về
(Tết Này, Nguyễn Thị Ngọc Dung-Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời, 30)
Cứ mỗi lần xuân đến là nỗi sầu vong quốc càng nặng trĩu trên đôi vai người xa xứ, là lúc lòng thi nhân càng thấy tủi hổ, xót xa. Thi sĩ Minh Viên ở miền Viễn Tây, xứ sương mù gió lộng Cựu Kim Sơn, nên nỗi sầu vong quốc của ông càng trĩu nặng hơn khi đón Tết tha hương:
Xuân lại về đây, Xuân xứ lạ
Khối sầu vong quốc trĩu vai thêm.
.........................................
Mười năm đất khách mười năm tủi
Xuân đến buồn thêm phận cỏ hèn.
(Xuân Tha Hương, Minh Viên-Vết Thương Sài Gòn, 52)
Ai ai cũng vậy, mỗi lần xuân đến trong hoàn cảnh tha hương là nhớ mẹ nhớ cha một cách ray rức, bâng khuâng:
Mười mấy xuân rồi xa cách mẹ
Nhớ thương trĩu nặng những vần thơ
Mùa đông rét mướt hồn con trẻ
Thôi hết rồi hoa bướm mộng mơ!
..........................................
Con vẫn âm thầm thương nhớ mẹ
Hồn thơ không sợi nắng thêu hoa
Hồn thơ đã ngập tràn băng tuyết
Và mắt-mùa-đông lắm gió mưa!
Thiếu mẹ đời con như lá úa
Xuân về con ngỡ xuân chưa sang
Xuân về, xuân của riêng thiên hạ
Con mất xuân rồi, đâu biết xuân!
(Thư Xuân gửi Mẹ, Minh Viên-Ðêm Việt Nam, 136 & 138)
Nhà thơ trẻ Trần Phùng Linh Duyên cũng có cùng tâm sự như thế:
Con thương
Bố Mẹ đã già
Ðón Xuân
hiu hắt
cho qua mấy ngày
Ở đây
con chẳng vui say
Quê người
con đón
Xuân này ly hương
(Lại nhớ mùa Xuân, Trần Phùng Linh Duyên-Ly Hương, 38 & 39)
Nỗi nhớ thương Mẹ hiền của nhà thơ Trần Trung Ðạo lại càng lớn hơn, vì ông cho rằng cứ một năm xa cách mẹ hiền là dài bằng hai năm!
Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai.
(Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, Trần Trung Ðạo-Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, 43)
Nhà thơ nữ Ngô Minh Hằng cũng nhớ thương Mẹ đến não lòng:
Ở đây Mẹ ạ, ba ngày Tết
Thổn thức lòng con nỗi nhớ thương.
(Thơ Xuân Gửi Mẹ, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 44)
Thi nhân ở Gia Nã Ðại cũng có tâm sự ngổn ngang khi mùa xuân tới. Nhà thơ Luân Hoán lần đầu tiên đón Tết ở Montréal cũng phải bật than:
mùa xuân ơi mùa xuân
trời xanh mây trắng lắm
lòng ta nào dửng dưng
cớ sao buồn ghê lắm
(Mùa xuân Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 41)
Rồi nhà thơ lắc đầu ngao ngán:
xuân đâu còn của đất trời
xuân chừ của lũ hết thời ngâm nga
(Mùng một Tết ở Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 83)
Nhà thơ Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã ở đây được vài năm, cũng đã đón Tết bao lần, thế mà mỗi lần xuân đến là mỗi lần ông lại than trách thân phận bơ vơ:
Bơ vơ quá giữa quê người
Ðón Xuân lặng ngắm đầy trời tuyết bay
Mà này sao rượu chẳng cay?
Niềm thương, nỗi nhớ viết hoài chưa xong
(Lại xuân, Nguyễn Văn Quảng Ngãi-Hoen Màu Thời Gian, 41)
Tại sao xuân đến mà lòng thi nhân không vui? Vì đây là xuân đất khách, không phải xuân của quê nhà! Mẹ hiền đang ở tại quê nhà thì làm sao thi nhân vui cho được?
Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười.
Vì vậy, thi nhân đâu có vui gì mà uống rượu mừng xuân! Nếu có uống chăng là uống những nỗi ngậm ngùi:
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
(Xuân đất khách, Trần Trung Ðạo-Thao Thức, 29 & 30)
Vâng, quả đúng như vậy! Uống rượu thì chỉ có say, chứ cơn sầu thì không làm sao vơi được! Thi sĩ Hà Huyền Chi đã từng trải nỗi sầu xa xứ khi đón xuân về trên xứ người:
Ðón xuân trên đất nước người
Cạn bao nhiêu rượu không vơi cơn sầu
(Xuân Trên Xứ Người, Hà Huyền Chi-Tên Nô Lệ Mới, 58)
Càng xa xứ nhiều năm, lòng thi nhân càng khắc khoải, trái tim càng chai đá thêm:
Ðã tám mùa xuân nơi xứ lạ
Tám mùa khắc khoải, tám mùa đau
Trái tim Từ Thức trơ như đá
Lạc dấu quê hương, lạc dấu nhau.
(Qua những ngày câm những tháng đen, Hà Huyền Chi-Cõi Buồn Trên Ta, 56)
Mùa xuân của ta ở đây là mùa tuyết đổ của Bắc Mỹ. Bởi thế cho nên, năm nào thi nhân cũng cảm thấy mùa xuân hiu quạnh ở xứ người:
Xứ người tuyết đổ mịt mùng
Ðón xuân hiu quạnh nát lòng hoài hương.
(Xuân Hiu Quạnh, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 202)
Ngày mùng Một Tết lỡ chạm mặt đồng hương, miệng thì chúc nhau năm mới dòn tan, nhưng trong lòng thì ngậm ngùi không sao tả xiết!
Ta chào nhau năm mới
Lời chúc trượt trên môi
Bắt tay cười hễ hả
Quay lưng dấu ngậm ngùi.
(Xuân Lữ Thứ, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 203)
Cụ Bà Nữ sĩ Kim Y đã đến Mỹ trước chúng ta, thế mà cứ mỗi độ xuân về là lòng Cụ Bà bồi hồi nhớ quê hương:
Năm năm mỗi độ xuân về,
Nước non nhắc nhở niềm quê bồi hồi!
(Xuân nhớ, Kim Y-Tiếng Quyên, 4)
Nỗi sầu của Nữ sĩ càng chất ngất khi Cụ Bà nhớ tới những người ở lại bị tù tội trong hỏa ngục của Cộng sản:
Tết đến càng thương người hỏa ngục,
Xuân về thêm tủi kiếp lưu vong!
Vui chung ai đó, riêng ta chỉ
Chào đón nàng Xuân với lạnh lùng!
(Sầu Xuân Riêng Nặng..., Kim Y-Tiếng Quyên, 33)
Vì thế cho nên Cụ Bà nhường vui Xuân đón Tết cho thiên hạ:
Vui xuân đón tết nhường thiên hạ,
Riêng khách lưu vong vạn cổ sầu!
(Xuân Cảm, Kim Y-Tiếng Quyên, 35)
Thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhìn mùa xuân qua ba màu xanh, đỏ, trắng. Màu trắng là màu của tuyết. Có năm tuyết trắng lê thê ở vùng Hoa Thịnh Ðốn, thi sĩ than thở:
Xuân xanh, xuân đỏ, rồi xuân trắng
Ta biết tìm đâu bóng dáng quê?
Ta biết tìm đâu thêm chút nắng
Khi trời đang lạnh, tuyết lê thê?
(Xuân Cũng Ðổi Màu, Hà Bỉnh Trung-Dấu Chân Viễn Khách, 39)
Tâm trạng của các thi nhân trong dịp xuân về cũng đều giống nhau: ngậm ngùi, nghẹn ngào, buồn bã, đắng cay... Nhà thơ Vũ Hối càng chất ngất đỉnh sầu khi đón Tết:
Ðâu còn đón Tết, mai vàng
Ngậm ngùi nuốt lệ, trái ngang nghẹn ngào...
(Chất ngất đỉnh sầu, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 17)
Tuyết trắng trong ngày Tết càng làm tăng nỗi sầu chất ngất trong hồn thi sĩ:
Tha hương tết lắm ngậm ngùi...
Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay,
Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi,
Giăng giăng lệ trắng khắp trời,
Lạc loài đất khách, chao ôi! là buồn...
(Nét thảo đầu xuân, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 25)
Nhà thơ nữ Thuý Trúc ở miền cực Nam Florida có nắng ấm chan hòa trong dịp Tết nên chưa có nỗi sầu chất ngất như nhà thơ Vũ Hối; tuy nhiên, bà cũng man mác buồn và không buồn may áo mới để đón Tết:
Không pháo ngày mồng một
Chẳng giao thừa ba mươi
Tết buồn chưa may áo
Chậu sành chờ mai tươi.
(Xuân cảm, Thuý Trúc-Thơ Thuý Trúc, 93)
Trong số các nhà thơ lưu vong, đặc biệt nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh có nỗi buồn khác lạ hơn người: nỗi sầu man mác lê thê nhưng thiếu hẳn chất men cay:
Ðêm ba mươi tết sầu chắn lối
Tìm thử quê nhà lửa biếc soi.
(Bài thơ cuối năm, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 18)
Nói cười trâng tráo kiếp hề
Có ta trong chuỗi lê thê xứ người.
(Một ngày ở Los, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 63)
Mỗi ngày xa quê hương là mỗi một cơn mê trùng trùng điệp điệp:
Tha hương chắc có ngày về
Ba năm tiếp những cơn mê trùng trùng.
(Mượn tôi chút nhớ, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 99)
Gửi quà Tết tặng thân nhân ở quê nhà là chuyện thường tình, nhưng nhà thơ Ngô Minh Hằng lại còn cẩn thận dặn dò thêm bà chị:
Tặng chị Xuân này một chéo khăn
Chị lau mắt lệ giữ ngày xanh
Lau dòng máu đỏ từ tim vỡ
Tẩm liệm đi bao nỗi nhọc nhằn!
(Quà Xuân Và Niềm Hy Vọng, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 24)
Và rồi nữ sĩ than thở một mình:
Riêng ta, xuân đến có gì vui
Chỉ thấy lòng đau, dạ ngậm ngùi
Hăm mấy năm dài, từ mất nước
Quê người, hồn khách. Cố hương ơi!
(Chúc Xuân, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 26)
Quả thật kiếp người tị nạn như kiếp con chim lạc đàn, ngơ ngác:
Quê người, nhìn mai nở
Lòng ta thấy sầu mang
Hăm mốt năm ngơ ngác
Kiếp con chim lạc đàn!
(Mùa Xuân Bất Diệt, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 87)
Ai cũng thấy quê người là đẹp, nhưng cái đẹp đó là cái đẹp nhất thời. Chỉ có quê hương của mình mới là nơi đẹp nhất, vì nó chất chứa bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của tuổi ấu thơ, của thời mới lớn:
Xuân người dẫu có bao nhiêu đẹp
Vẫn chẳng bằng Xuân của xứ ta!
(Quà Xuân Cho Mẹ, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 94)
Thi sĩ Tô Giang là người ra hải ngoại chậm nhất sau nhiều năm ở trong lao tù Cộng sản. Trước khi ra đi, ông đã tự dặn lòng mình:
Dù cuộc sống đang quá nhiều thiếu thốn
Thiếu cơm ăn áo mặc rách tinh thần
Xin cứ giữ tình yêu cho yên ổn
Là trong ta vẫn còn có mùa xuân.
(Xuân hồi, Tô Giang-Mầm Xanh Trong Ðá, 86)
"Người tù trẻ tuổi nhất nước" Lê Khắc Anh Hào, dù đang mài gươm phục quốc ở xứ người nhưng khi xuân về thì cõi lòng của thi sĩ cũng không khỏi dâng lên niềm đau tê tái:
Thương ai trời rủ xuân về
Ðể anh đoài đoạn mấy bề không gian
Mẹ Cha... xuân, lệ hai hàng
Nước non... xuân, nổi ngút ngàn hận căm
Tay lần bấm đốt tháng năm
Tủi thân mấy cọng tóc ngầm bạc ra
Em xuân tàn nét kiêu sa
Em, xuân ủ dột trong tà áo em.
Trời ơi! Anh mộng từng đêm
Trời ơi! Xuân đã bên thềm giá băng
Xuân sao trời dệt tuyết giăng?
Cành mai nở cũng cầm bằng như mơ.
(Ðêm về ươm mấy hạt thơ, Lê Khắc Anh Hào-Tự Thuở Vầng Trăng Vỡ Cuối Nguồn, 24)
Cái mối sầu chung của thi nhân khi phải lìa quê mẹ thật chẳng bao giờ nguôi ngoai được. Tâm sự của nhà thơ Mạc Phương Ðình cũng là tâm sự của nhiều thi nhân:
Long đong từ buổi lìa quê mẹ
Ôm mối sầu chung mãi chẳng nguôi.
.......................................
Chẳng đợi mà sao xuân vẫn đến
Buồn trông cánh nhạn cuối chân trời.
(Xuân tha hương, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 30)
Xuân viễn xứ là xuân của nỗi ngậm ngùi thì làm sao vui cho được? Cho nên nhà thơ đã phải cất tiếng than:
Lại một mùa xuân của đất trời
Ðau lòng ai đó chốn xa xôi
Ngàn hoa không nở, lòng cô quạnh
Xuân chỉ mang thêm những ngậm ngùi...
(Xuân viễn xứ, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 41)
Nhà thơ Trần Hoài Thư ở New Jersey, nơi đó cũng là xứ tuyết. Mùa đông lạnh cắt da, đang ở không độ F, thế mà ông nổi hứng xách xe qua New York City chơi, nơi có China Town, để uống cà phê một mình. Cà phê nóng và thơm nồng đâu không thấy mà chỉ thấy nỗi buồn đặc quánh ở đáy cốc:
Tôi qua Nữu Ước trời không độ
Khuấy cốc cà phê đặc nỗi buồn.
(Vào Giêng, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 98)
Nỗi buồn cuối năm ở Bắc Mỹ là nỗi buồn da diết, càng nhớ càng thương quê nhà, nhất là nơi đó có người tình của thuở nào, có bông cải vàng nở rộ:
Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch
Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em
Nhà em bên ấy dòng sông nhỏ
Bông cải mùa xuân vàng rộ sân.
(Cuối năm bên dòng Hudson, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 118).
Biết rằng ngày xuân mà nhắc tới những chuyện buồn là không thích hợp, nhưng biết làm sao hơn vì các nhà thơ lưu vong đều có những nỗi buồn như thế! Ðây còn là một đề tài dành cho những nhà phê bình văn học nghiên cứu sau này. Bài viết này chỉ có tính cách gợi ý, không đi vào chi tiết, và nhằm mục đích chia xẻ tâm sự não nùng với các thi nhân. Hy vọng không làm nản lòng bạn đọc.
Vĩnh Liêm
No comments:
Post a Comment