Thursday, January 9, 2020

SÁNG Ở NHÀ QUÊ (NGUYỄN ĐẶNG HÀ ANH)


Tản mạn cho một ngày se se lạnh...!
Nguyễn Đặng Hà Anh

 
Sáng nay Phương Nam se lạnh, ánh nắng không đủ để xuyên qua màn mây dày, nên không gian mờ một màu xám nhạt. Khí hậu, không gian rất giống với thời tiết Miền Trung cho những ngày giáp Tết. Đưa máy ảnh lên bấm tấm hình, nhìn đi nhìn lại tự dưng rộn ràng những cảm xúc nhớ quê, nhớ những ngày như thế!

Miền Trung, khi những đám rau cải xanh mướt nằm dọc theo những bãi bồi (bãi nà) ven sông, bắt đầu điểm bằng những bông hoa vàng. Những cánh én từ phía biển bay về, nắng yếu và lạnh, thì đó cũng là dấu hiệu nhận ra những ngày giáp tết. Những ngày mà người ta vẫn hay nói "ngày đi như tên", khiến cho người nông dân ra đồng sớm hơn, và trở về cũng muộn hơn. Chỉ có đám trẻ con là mong tết đến, mong ngày qua thêm nhanh để được khoác lên mình bộ đồ mới. Và... cực kì mê với những đồng tiền được lì xì. Nhưng... đâu phải trẻ con nào cũng được hưởng cái cảm giác ấy...!
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Ba, Mẹ quanh năm đánh vật với những luống khoai, gốc rạ. Cái tết luôn là nỗi vất vả, lo toan. Là những tiếng thở dài trong đêm của mẹ, là điếu thuốc rê lóe sáng, khét lẹt của ba cho những ngày ấy.
"Có đói cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa". Chẳng biết câu nói ấy có tự bao giờ, nhưng nó đã trở thành một mặc định trong cuộc sống. Dù có nghèo, có đói thì ngày tết phải có vài ba đòn bánh tét, vài chục bánh ú. Có chai rượu đế, dĩa thịt heo cúng chiều 30, có con gà luộc cúng đầu năm mới. Trẻ con phải có được bộ đồ, dù chỉ là hàng rẻ tiền, nhưng phải mới. Và... mỗi khi tết về, vầng trán của ba, đuôi mắt của mẹ lại thêm nhiều nếp nhăn. Nhưng ngày đó, ta đâu để ý những lo toan của ba mẹ, mà chỉ lo kiếm chỗ để cắt cỏ cho trâu, và được vui chơi với bạn bè trong ba ngày tết.

Không lạ cho những chuyện ba đi vay từng ang* lúa nếp, chia miếng thịt heo theo kiểu đậu tay* của người quen, để mùa sau đong lúa cấn trừ.
Cái tết nào mà đàn gà không bị dịch, có con heo trộng trộng* trong chuồng. Thì cái tết đó ba mẹ vui lắm, và mâm cơm cúng rước ông bà cũng sẽ đầy hơn, ngon hơn.

Thích nhất là cái bong bóng heo (trư bàng quang), được trụng sơ để cúng với đầu đuôi, chân, lòng. Sau đó bóp muối, phơi nắng, bóp muối, phơi nắng để cuối cùng được cái bóng bóng để chơi. Cái bong bóng mà muốn thổi cho căng, là phải thổi phùng mang, trợn mắt mới được. Sợi dây cột bong bóng là những sợi dây chuối được se lại nhiều lần, cho mảnh và chắc. Chỉ vậy thôi, nhưng đó là cả một tài sản, một ước mơ ngày ấy của trẻ thơ.
Con người vốn rất lạ, khi ta thêm tuổi, mỗi ngày một già đi lại hay nhớ về quá khứ. Nhớ tuổi thơ, nhớ những ngày khốn khó và nhận ra chính mình làm nên tiếng thở dài, điếu thuốc lập lòe của ba mẹ ngày xưa.

Cuộc sống luôn cuốn tất cả mọi thứ lao về phía trước. Nhưng có đôi khi, bắt gặp một không gian hay nhìn thấy một bức ảnh, nó khiến ta dừng lại, một cảm giác bồi hồi xen lẫn những bâng khuâng...!

Nguyễn Đặng Hà Anh

No comments: