‘Phố ông Đồ’ ở Sài Gòn bắt đầu không khí Tết
Trần Tiến Dũng
Phố ông Đồ ở Sài Gòn bắt đầu nhộn nhịp
người ghé thăm.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – So với mọi
năm, người Sài Gòn có vẻ ít chộn rộn chuẩn bị ăn Tết. Khi chưa thấy các điểm
bán hoa cây kiểng từ các tỉnh miền Tây về bày bán trên đường, du khách muốn tìm
đến sắc đỏ, sắc vàng thì có thể tìm đến phố ông Đồ ở khu trung tâm Sài Gòn.
Tết của người Việt từ xưa có truyền thống
thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với
những chữ của vua, được viết trong các sắc phong; còn dân gian thì chơi chữ và
xin chữ lại là điều thiêng liêng của những ai trọng đạo nghĩa làm người.
Ngày nay, việc người dân đô thị ở Việt
Nam thích chữ ngày Tết có khi đơn giản chỉ là tánh hoài cổ, hoặc muốn mình và
gia đình có thêm điều kiện xả strees với khoảng không gian trong thơ cụ Vũ Đình
Liên: “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố
đông người qua.”
Chuyện Sài Gòn từ sau rằm Tháng Chạp,
các ông đồ, bà đồ, khăn đóng áo the tề chỉnh phục trang cổ, bê bưng khệ nệ mực
tàu giấy đỏ, khung, hòm, chiếu… ngồi ngay bên đường ngập ngụa khói bụi để bán
chữ, tạo ra cảnh đẹp vừa cổ điển mà cũng vừa rất chỏi với không gian đô thị bừa
bộn.
Nhiều năm trước, khi mà Sài Gòn chưa
có phố ông Đồ quanh các con đường khu nhà Văn Hóa Thanh Niên Phạm Ngọc Thạch,
thì một ít các nhà nghiên cứu, dịch giả Hán Nôm quyết chí giữ nếp xưa ôm tráp
ra vỉa hè ngồi cho chữ, dù có khi bị công an rượt, phạt.
Chữ nghĩa cho bá tánh thời đó là các bức
thư pháp chữ Hán và nhiều ông đồ xưa nhất định cho tặng chớ không bán. Rồi sau
này rộ lên các ông đồ trẻ, có ông chỉ mới nhú râu măng cũng thấy chuyện “khởi
nghiệp” bán chữ ba ngày Tết, thu nhập rủng rỉnh nên tranh nhau học thư pháp chữ
Quốc Ngữ, sắm đồ nghề nhào ra đường phóng bút rồng bay phượng múa hoặc có “khiếu”
viết kiểu chữ bác sĩ, tuy khó đọc nhưng được cái người mua nắm chắc ngữ nghĩa
minh bạch, khỏi lo chữ Hán biến hóa khôn lường dễ lộn ngữ nghĩa xui xẻo cả năm.
Vậy là tầng lớp ông đồ bán chữ Quốc Ngữ lên ngôi đầy vô cõi dĩ vãng xa xôi mấy
ông thư pháp chữ Tàu.
Một “ông Đồ” trẻ đang viết thư pháp.
Thời kinh tế thị trường, thời sĩ diện
lên ngôi cũng là lúc tình thần trọng vọng các ông đồ Nho xưa lụi tàn. Trúng y
như câu thơ của danh sĩ Trần Tế Xương xưa đã cảm thán. “Cái học nhà Nho đã hỏng
rồi. Mười người đi học, chín người thôi!”
Tất nhiên nhu cầu của cộng đồng bình
dân đi xin chữ, mua chữ mỗi năm đều lặp đi lặp lại nguyện vọng ký thác vào ngữ
nghĩa như: Cát Tường, An Khang, Phát Tài, Đăng Khoa… còn giới thời thượng thì
có ý nhờ chữ nâng cấp như: Phúc, Hưng, Vượng, Đắc… Nhưng giới cao cấp nhất là
giới nhà giàu đỏ thì khoái bay hơn vào cõi ngữ nghĩa siêu hình hoàn hảo như:
Tâm, Nhẫn, Tín…
Dạo một vòng “phố ông Đồ” Tết Canh Tý,
coi thử người mua chữ trên mực tàu giấy đỏ năm nay có gì mới. Nhưng dạo qua dạo
lại cũng chỉ thấy chữ mang ngữ nghĩa truyền thống, có vẻ như người Sài Gòn những
năm gần đây, giữa toàn cảnh suy thoái các giá trị văn hóa căn cơn nên đang tha
thiết với các ngữ nghĩa biểu thị tinh hoa văn hóa dân tộc nên thích chữ Hiếu,
Nghĩa, hay văn hoa hơn là, Tâm Hạnh Bao Dung…
Một “cô Đồ” trẻ đang viết thư pháp
trên “phố ông Đồ.”
Hỏi chuyện một ông khoảng tuổi hưu trí
đang đi tới đi lui tìm chọn các ông đồ trẻ, chữ đẹp, ông nói giọng tếu tếu: “Tuổi
tôi chỉ cần chữ Khỏe là đủ nhưng phải tay mấy cậu đồ trẻ viết, già cần hơi trẻ
mới hên.”
Chúng tôi nhìn về phía mấy cô đồ, mặc
áo dài đủ màu, đội mấn, xõa tóc xinh đẹp như hoa xuân, mới hay Sài Gòn nhờ nhan
sắc các “cô đồ” xuống phố đã góp thêm hương sắc xuân tươi rộn ràng.
(Trần Tiến Dũng)
No comments:
Post a Comment