Thursday, April 12, 2018

QUÊ NHÀ THỜI TUỔI NHỚ (Nguyên Đạt)

Quê Nhà Thời Tuổi Nhớ

                                                 -Tạp bút- Nguyên Đạt


  Tôi nôn nóng nhảy vội xuống xe, một làn gió mát rượi lướt qua làm lay bay những sợi tóc mây loà xoà trước trán, khung cảnh quê nhà hiện ra trước tầm mắt, gần gũi thân quen đến lạ. Tuy không thường xuyên về thăm quê, nhưng hễ có cơ hội là tôi lập tức tìm cách thực hiện nỗi khát khao, mong ước của mình ngay. Mỗi lần về, cảm giác có khác nhau chút đỉnh, nhưng bao giờ cũng thấy lòng dạ háo hức nôn nao như mới buổi đầu trở lại.

Băng qua cánh đồng vàng ươm thơm mùi nếp mới, tôi nhẩn nha bước chậm lại khi đi dưới vòm tre râm mát, tai mở căng, thích thú lắng nghe tiếng kẽo cà kẽo kịt quen thuộc của những thân cây già rên rĩ va quệt vào nhau bởi làn gió biển khơi bền bĩ thổi vào không lúc nào ngơi nghỉ.

Cũng con đường này, ngày xưa còn bé, tôi đã cùng bạn bè từng in dấu chân trần ngày hai buổi tới ngôi trường làng tít tận cuối xóm thôn suốt bao năm tháng...

-Cô Hà! A! Cô Hà về tụi bây ơi!
Tiếng reo mừng của đứa cháu gái con anh Hai làm tôi giật mình, khựng lại giây lát, rồi không biết từ ngóc ngách nào, ba bốn nhóc nữa nhảy ra, đứa giành xách tay, đứa ôm lưng, đứa khiêng va ly, vầy đoàn rồng rắn hộ tống, tíu tít hỏi chuyện khiến bà cô tôi lúng ta lúng túng chẳng biết đường nào mà trả lời.

Bước hẳn vào ngôi nhà mát mẻ, nơi sinh ra và lớn lên suốt thời thơ ấu bên tình thương ruột thịt với sự bao bọc chở che của ông bà cha mẹ, tự nhiên tôi cảm thấy tâm hồn mình trở nên yên bình thư thái đến dễ chịu, tưởng chừng bao cơ cực âu lo giữa cuộc sống tất bật đời thường bấy lâu nay đã hoàn toàn rũ sạch. Tự đáy lòng, tôi mơ hồ thấy mình như có lỗi với quê hương làng nước, bởi có lúc dường như bỏ quên trong trí nhớ vì mải lu bu theo vòng đời cơm áo.

Bỗng nhiên, từ bãi bờ ký ức xa xôi, dòng hồi tưởng xôn xao chảy về mượt mà êm ả, dấy lên những kỷ niệm buồn vui, ngây ngô khờ dại của một thời dễ nhớ dễ thương.

 Hồi nhỏ, tôi vốn là một cô bé hiếu động, thường thích chơi với đám con trai hơn con gái nên hay bị mẹ mắng là con bé vô tâm, vô trí (đôi khi lại thay từ là vô tích, vô sự); vậy mà khi ngồi chuyện trò trao đổi với bà con hàng xóm, có lúc bà lại đem chuyện cô con gái rượu (vô tích vô sự) của mình ra kể một cách hào hứng như thể khoe khoang làm tôi vừa ngượng vừa thắc mắc, cuối cùng đành chắt lưỡi kết luận: Người lớn kỳ thiệt!

Chẳng hiểu làm sao nữa. Mà thôi, cho qua chuyện đó đi. Với lại, hình như mình cũng ngô ngố sao ấy cho nên lũ bạn bè, cả thầy-cô nữa, đôi khi còn lấy mình ra làm trò đùa... giải nhiệt! Ví dụ như hồi học lớp ba, hổng biết cô giáo bận chuyện gì để thầy Bính dạy thay mấy buổi, một lần thầy gọi cô bé bàn trước đứng dậy trả bài, nhỏ Sơn ngồi cùng bàn lấy kim chích đít khiến cô ta giãy nảy, ấp a ấp úng mãi chẳng trả lời được; thầy phát hiện ra, lập tức cầm viên phấn đang viết dở búng tróc một cái, xui xẻo sao trúng nhằm vào mặt.
Tôi nóng nảy đứng dậy phân bua:
-Thưa thầy. Đâu phải em?
Thầy trả lời giọng tỉnh bơ: “Ừ. Không làm cũng ráng chịu một chút cho… quen” khiến tôi ấm ức trong bụng không chịu được, giận lây cả thằng Sơn tai lừa suốt buổi, nhưng chả thèm nhỏ một giọt nước mắt làm kiểu. Lại một lần khác, số là hôm đó tôi cắn phải viên kẹo bi quá cứng, sứt mất một mẻ răng, phải lấy bình nước lọc mang theo súc miệng; lát sau hết giờ ra chơi, thằng Sum đột nhiên kêu lên:
-Ôi. Khát nước quá! Ai cho uống nhờ chút coi.
Tôi thực lòng mau mắn đưa bình nước ra, hắn gườm gườm ngắm nghía rồi nhăn mặt phán một câu: “Eo ơi! Nước của cậu gớm chết” làm tôi xấu hổ muốn độn thổ; có lẽ là hắn biết tôi vừa gãy răng, nhưng mình vốn luôn luôn vệ sinh, sạch sẽ cơ mà!
Lần đó tôi giận ghê lắm, nhưng rồi cũng chẳng dám giận lâu, bởi ngoài bọn thằng Sơn, thằng Sum ra, đâu còn có ai nữa để cùng đùa vui nô giỡn.
 Sơn là thằng đầu têu của cả bọn, hắn có nhiều sáng kiến và lắm tài vặt, tôi kết nó ở cái tài “bắn giàn thun”. Mỗi khi nó giơ giàn thun lên, hí một mắt lại thì thế nào cũng rơi xuống đất cái “bịch”, khi thì xoài xanh, cóc, ổi hay một nhánh chùm ruột thơm lừng…
Tôi chỉ việc nhặt lên chùi chùi vào vạt áo rồi chấm vào bụm muốt ớt thật cay đã thủ sẵn, cắn một cái, nhai rào rạo, vừa nhai vừa hít hà mới tuyệt làm sao.
Tuy lắm tài vặt, giỏi quậy phá, nhưng về chuyện học hành thì hắn quả thật lại quá… tơ-lơ-mơ, bài học thuộc lòng “Làng Tôi” ngắn gọn dễ nhớ là vậy, cả lớp ai cũng làu làu mà hắn chỉ ngắc ngứ có bốn câu:
Làng tôi bé nhỏ xinh xinh
Chung quanh có luỹ tre xanh rườm rà
Trong làng san sát nóc nhà
Đình làng lợp ngói có và... i (?) cây cau...

 Ngôi làng của tôi nằm dọc theo lộ 15 có con mương dẫn thuỷ quanh năm đầy ắp nước, tưới táp cho mùa vụ luôn được xanh tươi. Phía bên kia, dựa theo triền con sông Ba thơ mộng, các lớp phù sa mầu mỡ mỗi năm đều được bồi đắp thêm, tạo nên những soi dưa ngút ngàn hoa trái. Con sông Ba vào mùa lụt nước mênh mông, từ bờ bên này sang bờ bên kia dễ chừng có hơn nghìn mét, nhưng vào mùa hạ, hai mép nước chỉ cách nhau có vài trăm; nước trong vắt, bãi cát trắng phau không nhiều sình lầy như các con sông khác. Tháng năm hanh nóng, những đồng cỏ khô cằn trở thành nơi cho bọn trẻ thả diều. Nhớ ngày ấy, tôi mê diều đến quên ăn quên ngủ, lắm lúc bị mẹ đánh bầm mông mà chẳng chừa. Buổi trưa, chờ cho cả nhà ngủ ngon là tôi lén bỏ cây roi mây, má đã cẩn thận đặt trên bụng làm dấu xuống, vội vàng mang kéo, giấy, cơm nguội theo bọn Sơn, Sum ra gốc mít cặm cụi cắt cắt, dán dán; ai cho được đồng nào cũng để dành mua giây cước. Tập vở nào rồi cũng dần dà lép kẹp vì bao nhiêu giấy cứ bị xé ra bồi dưỡng cho cánh diều sung mãn bay cao. Bị mắng cũng được, ăn đòn cũng xong, hễ thấy đám nhóc bên kia chộn rộn là tôi lẹ làng vạch rào chui qua rồi chạy ù một mạch ra phía bờ sông. Cứ thế, chúng tôi lớn dần lên theo cây xoài, cây mít trong vườn; dòng sông quê nhà đã chở đi không biết bao nhiêu là thuyền lá, bao nhiêu bè chuối chất đầy mơ ước tuổi thơ

Ngày ấy, con đường từ nhà đến trường xa lắm nhưng những bước chân trần nhỏ nhắn của tôi và bè bạn vẫn không ngại ngần nhảy nhót tung tăng trên nền đất ẩm ướt, những bờ môi non vẫn rộn rã nói cười khi đi dưới vòm cây râm mát nghiêng bóng chở che, và những đôi mắt trong veo vẫn luôn rộng mở dõi theo bầu trời thẳm xanh chạy dài tít tắp tỏa ánh vàng tươi xuống cánh đồng mênh mông dợn sóng; văng vẳng đâu đây tiếng thì thầm của gió như những lời ru ngọt ngào, quyện hoà trong hương lúa thênh thang.

Ngôi trường chúng tôi theo học hồi đó còn khá đơn sơ, phên tre vách nứa trát bùn, mái lợp tranh, lá cọ; vào mùa hanh khô các chú mèo hoang thường dùng nơi đây làm nơi trửng giỡn khiến nó lỗ chỗ đầy sao, còn đến mùa mưa thì ôi thôi, thầy trò di cư hết góc này tới xó khác khắp phòng mà những tập vở vẫn cứ bị ướt nhoè thảm bại; nhưng dẫu sao, mỗi buổi học hồi ấy bao giờ cũng cứ vui như ngày hội. 

Học tới lớp Nhứt mà tôi vẫn còn ngu ngơ như... heo nái (?), đi qua nhà thờ xứ đạo Hoa Châu thấy bọn trẻ cùng tuổi đọc kinh và hát thánh ca nghe hay quá, về nhà cứ nằng nặc đòi mẹ may cho bộ đồng phục để vào đội Hùng Tâm, giống như hôm nào theo mẹ đi lễ chùa đã lén đem váy áo đi nhuộm thành màu xanh lam để xin nhập vào gia đình Phật Tử.
Lần nọ, nhỏ bạn ngồi cạnh bên không thuộc bài bị cô phạt quỳ trên băng ghế, tôi đánh rơi cây bút chì  cúi xuống lượm, vô tình phát hiện ra nó không mặc quần lồng, buồn cười quá không nhịn được, bụm miệng khúc khích hoài.

Nhỏ bạn vừa thẹn vừa tức mình thưa cô; nghe vậy cô cũng mắc cười nhưng cố nén, bảo: “Em đã học tới lớp Nhứt cũng hơi lớn rồi, áo váy đẹp vậy, sao không mặc thêm quần trong vào”. May mắn lần này cô không phạt, chỉ nghiêm mặt răn đe: “Còn bé Hà vô tình thì thôi, nếu như cố ý thì xấu lắm đó”!

Bọn thằng Sơn cũng nín khe, không dám buông lời chòng ghẹo như những lần trước nữa. Bây giờ thì tôi có “uy” rồi, láo nháo, cạch một cái là cả bọn... khốn khó hết chơi trò đá dế ngay; bởi nếu tôi không thương tình cho tụi nó vặt những sợi tóc khét mùi cháy nắng của mình thì lũ (đầu trọc) kia đâu có gì để chọc, để xoe cho mấy chú dế sửng cồ hăng máu đá nhau? Bây giờ thì hầu như ngày nào bọn con trai cũng xúm chùm quanh tôi, hối lộ khi thì trái ổi, khi trái xoài, hay mấy củ khoai lang nướng để cầu cạnh được một... sợi tóc. Được thể, tôi càng làm cao, nhỏng nhẻo mè nheo đòi hỏi đủ thứ; có lần chiều theo tính khí đỏng đảnh của tôi, thằng Sum trèo ra tận chót vót cành cây để hái cho được chùm phượng vỹ đến nỗi té gãy tay phải bó bột cả tháng trời.

Cùng với thời gian theo từng tuổi lớn, những trò chơi ngổ ngáo đó rồi cũng lùi dần, đi vào quên lãng...
 -Này. Cô nó sao cứ đực người ra vậy hả? Tắm rửa xong, rồi còn ăn cơm, đi thăm thú bà con họ hàng nữa chứ?
Tiếng nhắc nhở làm tôi giật mình sực tỉnh, ngượng ngập nhìn bà chị dâu đang sửng người đứng nhìn mình với con mắt lạ lẫm, mỉm cười giả lả:
-Ồ! Mải nhớ chuyện xưa nên quên tuốt mình đang ở đâu nữa. Này bọn trẻ đâu, vào cả đây cô chia quà cho này.
 Ừ. Bao nhiêu năm qua, tôi đã cố nén lòng, hôm nay gặp lại cảnh cũ vật cũ, nỗi niềm cảm xúc chợt vỡ oà không sao cưỡng nổi. Tôi ra giếng lấy gầu vục nước, hối hả xối lên đầu, đưa lưỡi đớp đớp, liếm liếm những hớp nước ngọt lịm một cách thích thú. Cái giếng thơi của ông nội ngày xưa vốn có tiếng mát lành và lợi nước, bà con trong xóm vẫn thường tới xin kín vài đôi về nấu rượu. Ngôi nhà cao tầng gắn máy điều hòa và phòng tắm có vòi nước nóng tiện nghi hiện đại cùng những bữa ăn thịnh soạn chất đầy sơn hào hải vị ở thành phố hoa lệ bên kia đại dương như đang lùi xa, rất xa, biến thành dĩ vãng.
***
        Mặt trời đã vàng ửng trên bờ ruộng sau nhà, gió hiu hiu thổi làm cái nóng ngày hè như dịu hẳn; thấp thoáng xa xa, bóng hình hai đứa bé tung tăng trên bờ ruộng mấp mô, chòm tóc cháy xém trên đầu chúng vàng ánh, nổi bật hẳn lên giữa cảnh ráng chiều. Bên ngoài, bọn trẻ đang cãi nhau ồn ĩ, hình như chỉ để giành giật mấy con dế lửa khiến tôi nhớ những ngày thơ dại da diết. Ngày ấy, vào mùa này, tôi được lũ con trai thi nhau cung phụng không thiếu bất cứ một loại dế nào. Hầu như đêm nào mẹ cũng không ngủ được, phải trở dậy mở cuộc truy lùng vì tiếng rền rĩ của lũ ca sĩ không mời mà đến này, nhưng làm sao bà có thể tìm bắt hết được những chú ve sầu, dế lửa tôi đã khôn ngoan cho trốn kỹ dưới mấy hốc cây, góc kẹt?
Cuối cùng bà cũng phải đành đầu hàng thua cuộc, phì phò chịu trận.

 Ừ. Mới đó mà thời gian trôi nhanh thật. Mẹ thường bảo: “Cái gì khi mình đánh mất rồi mới thấy có giá trị, là đáng quí”, bây giờ nghiệm ra mới thấy thấm thía. Ngôi trường ọp ẹp trước kia giờ đây đối với tôi sao mà qúa đỗi luyến nhớ, thân thương. Tiếng thầy giảng bài hôm nào nghe ồm ào rền rĩ, bây giờ nghĩ lại, sao lại thấy dịu ngọt âm vang.
 Ngày ra trường cũng là ngày mỗi đứa chuẩn bị rời quê đi tìm một con đường riêng lẻ hướng tới tương lai. Buổi chia tay, đứa nào cũng sướt mướt hẹn nhau khi nào đất nước thanh bình sẽ trở về, ngồi trước sân nhà nhìn trâu đạp lúa, ôn lại chuyện xưa. Một ước mơ tưởng chừng rất bình dị, ấy mà vẫn không thể nào thực hiện được.

Khi còn chiến tranh, gia đình ly tán đã đành, hết chiến tranh rồi, nào ngờ lại càng ly tán cách chia. Bạn bè tan tác mỗi đứa một nơi, thậm chí có đứa trôi giạt ra khỏi bến bờ đất nước xa lắc xa lơ, dẫu thường mong nhớ tới nhau nhưng e rằng suốt khoảng đời còn lại, chắc gì có ngày tương ngộ!?
Ôi. Gương mặt bầu bạn, những gương mặt dịu hiền khả ái thân thương, kể cả những đứa mình đã từng ghét cay, ghét đắng, từng hành hạ mình như thằng Trân lém chẳng hạn.

Một lần, trong buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ bế giảng, đang cùng hai bạn nữ hát tam ca ngon lành thì hắn đứng ở phía dưới chõ miệng phá đám:
"Ba cô đứng lại một đồng
Tui thương cô ở giữa mất lòng cô hai bên".
 Tôi mắc cở nhảy qua bên phải thì hắn lại hát:
"Ba cô đứng lại một đồng
Tui thương cô bên phải mất lòng hai cô".
 Vậy là tôi giận hết chỗ nói, hỗng thèm nhìn cái mặt mẹt ấy hơn cả tháng trời.

Học lớp chín rồi mà tôi dường như vẫn là con bé ngu ngơ, cả tin như nai rừng và đa nghi như... như gì nhỉ? À, như... thỏ đế (?). Cả lớp có hơn cả chục đứa con gái, chẳng hiểu sao bọn con trai cứ thích xum xoe quanh một mình mình thôi? Hết hái hoa, bắt bướm, lại lẽo đẽo theo đuôi đòi tặng này, tặng nọ làm quẩn chân, quẩn cẳng đến nỗi có lần tôi phát khùng gắt lên:
-Cái thằng... khốn nạn! Sao cứ mãi “đeo” tao hoài vậy?
Thằng Sum đang tươi cười xởi lởi, bất giác khựng người đứng trân tại chỗ, ngơ ngác đưa cặp mắt tròn to đen láy nhìn tôi một cách ngây ngô, mãi hồi lâu mới tỉnh trí, len lén giấu cánh hoa ép sẵn sau lưng, tiu nghỉu nói:
-Ô! Mình có làm gì đâu mà Hà chửi nặng vậy?
Ủa! Khốn nạn là tiếng dùng để chửi nhau ư? Nghe người lớn thường đôi chối với nhau vậy thì mình cũng nói đại chứ biết đâu? Cũng tại Sum hết, nhưng không, mấy hôm trước bị bệnh nằm nhà, hắn bưng chén cơm qua ngồi gần giường vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói: “Hà ơi! Má tao nói mai mốt sẽ cưới mày cho tao đó”.

Vậy là tôi ghét luôn cả bà Ba, không thèm qua lại dù cũng hơi tiêng tiếc cái món chè bột lọc bọc đậu phụng rất ngon mà bà thường nấu chiêu đãi riêng hai đứa. Sau đó, để chuộc lỗi làm lành, hắn đã chịu để tôi sai phái, bắt làm đủ thứ chuyện mà chẳng dám một lời than thở ho he…
Chà! Bây giờ Sum đang ở đâu nhỉ, chẳng biết hắn còn nhớ mình không? Kể từ ngày Sum theo bà Ba về quê ngoại ở Cần Thơ, hai đứa bặt tin nhau luôn. Buổi chia tay hôm đó giữa hai đứa hoá ra cũng không được tròn vẹn như ý muốn:
-Hà ơi!
-Gì??
-Từ nay đừng… mày tao với Sum nữa nhé!
-Sao thế? Vậy phải gọi mày bằng gì?
-Gọi bằng... Anh, xưng em. Tụi mình bây giờ lớn hết cả rồi mà.
-Eo ôi! Không được đâu. Nghe kỳ lắm. Vả lại tao đã quen...
-Lại mày-tao nữa rồi! Hà đã nói là...

Chưa hết câu, bỗng nhiên thằng Sum kiễng người hôn đại vào má đánh chụt rồi nhảy vội lên tàu khiến mình bàng hoàng chẳng kịp có một chút phản ứng nhỏ nào.

Đang lừng khừng đưa tay xoa má thì hồi còi chuyển bánh đã xé tan màn đêm yên tỉnh. Lặng người đứng giữa sân ga bâng khuâng dõi theo đoàn tàu lướt bánh xa dần, tôi có cái cảm giác như vừa đánh mất, hay đúng hơn, bị ai đó lấy đi cái tuổi hồn nhiên vô tư vô lự của mình…

Nguyên Đạt
      

No comments: