Những chuyện buồn viết về “Tháng Tư Đen” khá nhiều, nhưng mỗi người có một kỷ niệm khác nhau. Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày mất nước, Thukỳ muốn kể lại câu chuyện chính bản thân mình trong những tháng ngày đau thương đau đó, với cả triệu câu hỏi mà không có một câu trả lời chính đáng; nỗi niềm lo âu ấy còn nhớ mãi cho đến hôm nay.
Lúc đó, vợ chồng
Thukỳ đang ở Vĩnh Long, chuẩn bị đưa con về nhà nội để ăn mừng đầy
tháng cho đứa con trai đầu lòng Nguyễn Thế Duy Cường, nhưng chưa kịp
đi thì cái ngày đau thương đến.
Những ai bị kẹt lại
Việt Nam cũng đều trải qua cái thời được chế độ mới gọi là “bao cấp”, một
chính sách mà những người Cộng Sản muốn nắm bao tử của người dân bằng chế độ
“tem phiếu” và “hộ khẩu” để cai trị, nên cho dù có tiền đi chăng nữa cũng
chẳng mua được thực phẩm từ những “hợp tác xã”...
Lúc đó Thukỳ còn
quá trẻ nên mọi việc đều do OX lo. Thấy chồng lo lắng đủ thứ cũng
chẳng hiểu là lo cái gì, chỉ nghĩ đơn sơ là anh sẽ không còn làm
việc nữa, như vậy thì sẽ về Sài Gòn buôn bán….
Mấy ngày sau tình
hình lắng dịu, chúng tôi làm một “tiệc” nho nhỏ mừng đầy tháng cho
cháu. Nhìn đứa con đầu lòng và khuôn mặt buồn rười rượi của
Thukỳ, anh an ủi: “Đừng buồn nhé, anh hứa sẽ làm sinh nhật 1 tuổi cho
con thật lớn…” Rồi anh phải lo về SG để xem tin tức anh em gia
đình….Lúc ấy anh chồng tôi (anh Vinh) đang làm tại Châu Đốc và nghe
nói đã bị bắt tại đây, không biết vợ con anh ra sao? Tôi để anh
đi một mình vì lúc ấy tôi đang làm việc ngân hàng ở Vĩnh Long, tôi
cũng phải trở lại đi làm.
Khi đến trình
diện ngân hàng, tôi phải “học tập’ ngay tại cơ quan mấy ngày,
sau đó may mắn được tiếp tục làm việc với rất nhiều người mới
của VC. Những ngày đi làm 8 tiếng phải thuê người giữ con, rồi
đến cuối tháng cũng không thấy phát lương. Ông giám đốc nói phải chờ vì làm
không kịp.
Chồng tôi lại trở
lại Vĩnh Long để giã từ vợ con đi trình diện “học tập cải tạo”
tại trường Gia Long SG mà Ủy Ban “Quân Quản” ra lệnh cho “ngụy quân, ngụy
quyền” chuẩn bị hành trang cho một tháng; nên chồng tôi nghĩ là chỉ vắng nhà
khoảng 30 ngày, nên anh lo cho tôi và con những thứ cần thiết trong vòng
1 tháng, với hy vọng khi trở về sẽ tính sau. Làm sao tôi quên được ngày anh từ giã
ra đi anh nói:
-Em ở nhà nhớ lo
cho con, anh đi 1 tháng anh về nhé, ngoan em nhé.”
Lúc ấy tôi còn
trẻ quá nên anh hay dặn tôi ngoan ngoãn, mà tôi ngoan thật vì có biết
gì đâu, chồng bảo sao nghe vậy...
Tôi ở lại Vĩnh
Long 3 tháng đi làm và cuối cùng không lãnh 1 xu nào, tiền bạc
chắng còn, chồng thì không thấy, đành phải bế con về lại SG nhà
mẹ chồng để tạm sinh sống.
Cho đến giờ này
khi viết lại những tháng ngày đầu của 30/4 năm ấy tôi còn nghẹn
ngào rơi lệ và cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua biết bao
khó khăn, sóng gió...Đâu biết rằng cái ngày chia tay cho chồng đi
“cải tạo’ 1 tháng là kéo dài vĩnh viễn mất 10 năm?? !! Cái đau thương
nhất là không hề có tin tức trong 3 năm đầu, chồng tôi thì gầy còm
yếu đuối, cả nhà ai cũng nghĩ anh đã chết dù không ai dám nói ra.
Ngày sinh nhật con
tôi 1 tuổi cơm không có mà ăn, đói khổ triền miên, nghĩ đến lời anh
hứa tôi đã khóc như mưa khi nhìn con không quà không bánh, không cha!!!
Dù anh không muốn hứa “lèo” thì anh cũng không còn cơ hội thực hiện
bất cứ lời hứa nào cho người vợ trẻ, cứ tưởng cuộc đời sẽ được
anh che chở, bảo bọc nhưng không ngờ suốt kiếp lần than phải chịu
một mình tần tảo nuôi con, cho đến khi con 11 tuổi mới được đoàn tụ.
Một cơn ác mộng
dài trải qua cho tôi và cho nhiều người vợ trẻ với bao nước mắt
khóc cho vừa. Mỗi lần 30 tháng Tư đến như là một mũi dao đâm
xuyên qua trái tim tan nát, muốn quên đi nhưng nào dễ để quên, còn
lại bao nhiêu năm của “Tháng Tư Đen” trong quãng đời còn lại là bao
nhiêu ngậm ngùi chua xót đớn đau.
Xin cầu chúc cho
mọi gia đình may mắn đoàn tụ nơi đây tràn ngập niềm vui, nhưng cũng
đừng quên những gia đình kém may mắn có chồng bị chết trong trại “cải
tạo”, để lại vợ con không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu.
Nguyện xin cho họ
được mọi sự an lành và nhiều may mắn. Xin thắp nén hương cho
các anh những linh hồn đã bỏ xác nơi rừng sâu núi thẳm, trong đó có nhiều
người mà người thân không biết ngày chết để tưởng nhớ.
|
Thursday, April 26, 2018
THÁNG TƯ NĂM ĐÓ (Thukỳ)
Labels:
- Hồi Ký
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment