Wednesday, December 14, 2022

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG & ĐINH HÙNG, HAI THIÊN TÀI BẠC MỆNH (TÔ KIỀU NGÂN)

 

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG & ĐINH HÙNG, HAI THIÊN TÀI BẠC MỆNH

           Tô Kiều Ngân

Lịch sử văn học VN đã ghi nhận tên tuổi họ, nhưng trong biến thiên của lịch sử dân tộc không ít văn thi sĩ tên tuổi phải chìm nổi cùng vận mệnh đất nước…

Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là những nhà thơ nổi tiếng từ hồi “phong trào Thơ Mới” thời tiền chiến. Họ đều là những “đại gia” trong làng thơ, nhưng cả hai không ai tự tạo dựng được cho mình một mái nhà mà suốt đời toàn đi ở nhà thuê.

Năm 1954, khi di cư vào Sài Gòn, hai người thuê một căn nhà lợp tôn, vách ván tại xóm Hòa Hưng. Vũ Hoàng Chương cùng vợ ở trên gác, dưới nhà là tổ ấm của gia đình Đinh Hùng. Nhị vị này là anh em: Vũ Hoàng Chương lấy chị ruột Đinh Hùng là bà Đinh Thị Thục Oanh, nên hai nhà sống chung với nhau trong bước đầu nơi xứ lạ quê người là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên thực tế lại rất… khó sống. Quen với cảnh “miếu nguyệt, vườn sương”, “cách tường hoa ảnh động”, nay phải giam mình trong căn gác gỗ nóng hầm hập, hơi nóng từ mái tôn phả xuống như muốn luộc chín người, Vũ Hoàng Chương cảm thấy nguồn thơ đang bị nắng Sài Gòn làm cho khô cạn.

Dưới nhà, Đinh Hùng cũng chẳng hơn gì, anh cũng cởi trần ra, vừa quạt vừa nằm viết “Kỳ Nữ gò Ôn Khâu”, “Đao phủ thành Đại La” cho các nhật báo Sài Gòn thời đó. Ngoài viết tiểu thuyết dài từng kỳ, anh còn vẽ tranh vui và giữ luôn mục “Đàn ngang cung” là mục thơ trào phúng ký tên Thần Đăng.

Vũ Hoàng Chương dạy học tại trường Văn Lang. Đinh Hùng viết báo và bình thơ tại Đài phát thanh. Cả hai kiếm tiền không đến nỗi chật vật nhưng lại đều không tậu được cho mình một mái nhà là vì họ trót dính đến “nàng tiên nâu” nên kiếm tiền bao nhiêu đều tan thành mây khói.

Để kiếm một chỗ ở thoải mái hơn, họ Đinh và họ Vũ tạm chia tay nhau, mỗi gia đình đi thuê một nơi ở khác. Tác giả “Thơ Say” dọn về chợ Vườn Chuối (đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Họ Đinh thì mướn một căn gác hẹp ở xóm lao động gần đường Frères Louis (trước 1975 là đường Võ Tánh, nay là Nguyễn Trãi). Xóm lao động này có ngõ dẫn ra đường Lê Lai. Con đường nằm bên cạnh ga xe lửa Sài Gòn, hồi đó chưa lập thành công viên như bây giờ, quang cảnh còn rất vắng.

Chỗ ở mới cũng không hơn gì căn nhà ở xóm Hòa Hưng, chật hẹp, tối tăm, nóng bức. Mỗi lần xong việc ở đài phát thanh, Đinh Hùng thường rủ chúng tôi về nơi ở, không phải ở nhà anh mà là họp nhau tại một quán rượu ở gần nhà, đường Lê Lai. Đường này thường đêm vắng ngắt, có lần uống say, Đinh Hùng cao hứng mở cuộc thi… bò ra đường xem ai bò nhanh. Thế là Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, Thái Thủy, Hoàng Thư, Quách Đàm… hăng hái tham gia môn vận động chưa từng diễn ra ở bất cứ vận động trường nào! Bò xong rồi nằm lăn ra đường, vừa đọc thơ, vừa cười.

Ít lâu sau, Đinh Hùng lại đổi nhà. Lần này anh thuê được một căn gác, nhà tường hẳn hoi, tại đường Trần Văn Thạch, gần chợ Tân Định, nay đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu. Nhà lợp ngói lại ở mặt tiền nhưng vào nhà chẳng thấy bàn ghế gì, chỉ thấy một chiếc giường nằm chình ình ngay giữa nhà. Trên giường chất chồng đủ thứ: mền gối, sách vở, ấm chén và có một thứ không thể thiếu đó là chiếc bàn đèn thuốc phiện. Đinh Hùng nằm lọt thỏm vào giữa “giang sơn” của anh, vừa “dìu hồn theo cánh khói” vừa tìm ý thơ.

Tác giả “Đường vào tình sử” có thói quen nằm mà viết. Anh nằm vắt chân chữ ngũ, đặt tập giấy lên đùi. Có lẽ lâu ngày nên quen, trong tư thế đó, chữ viết anh vẫn bay bướm, rõ ràng, không dập xóa, trang bản thảo nào cũng sạch sẽ, xinh đẹp. Khi cần đi đâu, họ Đinh lại vớ lấy chiếc sơ mi đã mặc bốn, năm hôm trước, rồi quàng bên ngoài là chiếc áo vét cũ, cà vạt đàng hoàng. Tắm ư, chỉ cần vào “toalet” mở nước ở “lavabô”, nhúng đầu vào bồn nước rồi hất lên, chải sơ qua là xong. Trông Đinh Hùng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng đừng ai ngồi quá gần anh, vì anh ít khi… tắm.

Vũ Hoàng Chương lại đổi nhà một lần nữa. Lần này anh mướn nhà ở đường Nguyễn Khắc Nhu, ở gần nhà Bình Nguyên Lộc. Tuy được đi dự Hội nghị Thi ca quốc tế ở nước ngoài, có thơ dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiền kiếm được có thể mua một căn nhà bậc trung nhưng họ Vũ vẫn đi ở nhà thuê. Vào các năm 1973-1975, vợ chồng anh được nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội mời về cho ở một căn gác tại tòa biệt thự đồ sộ của bà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển.

Nói là cho ở nhưng họ Vũ phải trả tiền điện, tiền nước và tiền điện thoại. Anh đặt tên chỗ ở mới này là “Gác Mây”. Nơi đây, tôi và bạn bè đã có lần uống rượu với Vũ Hoàng Chương, nghe anh đọc thơ Tuy Lý Vương và phát hiện ra cái thôn Vỹ Dạ ở Huế đã đi vào thơ Hàn Mạc Tử không phải là Vỹ Dạ mà là Vỹ Dã (cánh đồng lau). Nhưng rồi Vũ Hoàng Chương cũng không an trú lại “Gác Mây” được bao lâu. Sài Gòn sụp đổ, bạn bè cách mạng của chủ nhân Mộng Tuyết vào ra thăm bà tấp nập; có lẽ thấy sự hiện diện của Vũ Hoàng Chương ở tại nhà mình có sự không tiện nên bà đánh tiếng để họ Vũ dọn đi. Phải đi thôi nhưng phải đi đâu? Thời buổi khó khăn, tiền đâu để đặt cọc, thuê nhà? Anh đành dắt díu vợ con về tá túc tại căn nhà bé bằng bàn tay của bà quả phụ Đinh Hùng bên khu Khánh Hội.

Đinh Hùng ra đi vào tháng 8-1967, trước Vũ Hoàng Chương. Anh mất vì bệnh ung thư tại bệnh viện Bình Dân, an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Đám tang trọng thể. Thuở sinh thời, Đinh Hùng từng viết trong thơ:    

“Khi tôi chết các em về đấy nhé  
Cảm tấm lòng tri ngộ với nhau xưa

Tay cầm hoa, xõa tóc đến bên mồ”…

Điều mong ước đó, kỳ diệu thay lại biến thành hiện thực: trong đám tang của anh, người ta thấy có hai chục cô thiếu nữ mặc áo trắng, xõa tóc, tay cầm hoa lặng lẽ sắp hàng đi theo linh cữu. Họ đến bên mồ và lặng lẽ thả những bó hoa xuống lòng huyệt, ngậm ngùi tiễn đưa người thi sĩ. Hiện tượng này không do một sự sắp đặt mà do một cảm ứng tự nhiên.

Đinh Hùng mất rồi, vợ anh phải trả căn nhà ở gần chợ Tân Định lại cho chủ. Đang chưa biết ở đâu thì may thay, một vị tướng quân hồi đó, rất yêu thơ mà lại có chức quyền nên đã vận động cấp cho bà quả phụ Đinh Hùng một căn nhà ở khu Khánh Hội. Bà Đinh Hùng với con trai là Đinh Hoài Ngọc không thể ôm một căn nhà lớn để mà nhịn đói nên đã bán căn nhà đó đi rồi rút lui vào vùng sâu, vùng xa của bến Phạm Thế Hiển lúc đó còn đìu hiu lau lách, dựng một mái chòi để sống qua ngày. Chính nơi đây, Vũ Hoàng Chương đã cùng vợ con sống chui rúc những ngày cuối đời của anh trước khi “được” đưa đến ở một tòa nhà to lớn, kiên cố, có lính gác ngày đêm, đó là… khám Chí Hòa!     


Vũ Hoàng Chương bệnh hoạn, suy sụp rất nhanh nên ít lâu sau khi được thả ra, anh lặng lẽ ra đi. Đám tang anh cũng cử hành trong lặng lẽ, nghèo nàn, hiu hắt. Năm 1976, mọi người còn bận rộn với những vấn đề to lớn, đa số bạn bè và người hâm mộ anh kẻ đi tập trung cải tạo, kẻ đi nước ngoài, người còn lại thì do không biết tin anh chết nên đám tang anh chỉ thưa thớt dăm người đi đưa, trong đó có nhà thơ Bàng Bá Lân và Tôn Nữ Hỷ Khương.


Mười năm sau, 1986, mộ Vũ Hoàng Chương được cải táng về chôn tại nghĩa địa của chùa Giác Minh tại Gò Vấp. Suốt một đời lận đận vì nỗi không nhà, giờ đây hai con người tài hoa kia đã có một chỗ ở trang trọng, miên viễn, đó là chỗ ngồi lâu bền trong văn học sử và điều an ủi lớn nhất là họ còn sống mãi trong tâm hồn những khách yêu thơ.

T.K.N.
___

Hai bài thơ tiêu biểu của 2 nhà thơ thiên tài của miền Nam:  

CÁNH CHIM DĨ VÃNG      

Đinh Hùng 


Anh trở lại con đường lên núi biếc,
Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn.
Những bông hoa còn có nửa linh hồn.
Những lá cỏ nghiêng vai tìm mộng ảo.
Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo!
Lạnh màu rêu, tảng đá nhớ chân đi.
Những cánh chim từ quá khứ bay về,
Tà áo mỏng chập chờn phai sắc bướm.

Bài thơ nhỏ hôm xưa hồng nắng sớm,
Trên môi em, gió núi đã gieo vần.
Mùa hạ nào thơm mái tóc hoài xuân?
Hơi phấn thoảng còn ướp say hình bóng.
Giấc em ngủ, thơ anh về báo mộng,
Nhắn sao khuya soi lén nụ hôn đầu.
Ôi sườn non, mây lụa quấn vai nhau!
Mỗi bậc đá nâng cao từng ước vọng.
Em chuyển bước, trùng dương nào cuộn sóng
Dưới bàn chân? Hồi hộp biển cây xanh.
Hương phất phơ chùm hoa mộng đầu cành,
Gò má thẹn một màu hồng hợp cẩn.

Hãy dừng lại hỡi mùa hoa hồng phấn!
Mấy hoàng hôn, mái tóc đã sang thu?
Chĩu hàng mi, lá úa rụng tình cờ,
Tờ thư lạnh, gió sương bay dòng chữ.
Thương tâm sự, mưa sa vành nón cũ,
Anh ngờ em mang cả núi non đi.
Hoa qua đầu, cánh bướm cũng vu quy,
Nhòa nắng xế, nụ cười mây khói tỏa.

Ai trao gửi lời thề trên xác lá,
Để vầng trăng tìm mãi dấu chân xưa?
Ngôi sao buồn lên đỉnh núi bơ vơ,
Cành trinh nữ, thu xanh màu tóc lạ.
Lời ước hẹn dư âm truyền vách đá,
Em vội đi, hờn giận tiếng non cao.
Em đi rồi! Then khóa cả chiêm bao,
Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ.

Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa?
Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ.
Mây lìa ngàn, e lệ cánh chim thu,
Con bướm ép thoát hồn mơ giấc ngủ.

Anh trở gót, hương đưa về núi cũ,
Theo mây bay, tìm mãi hướng trăng thề.
Nhắc làm chi? Còn nhắc nữa làm chi…!
(Đinh Hùng, Đường vào tình sử, Nam Chi xuất bản, 1961)         



PHƯƠNG XA           

Vũ Hoàng Chương

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay dạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.


Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng hát tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.

(Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời Nay, Hà Nội, 1943)  

 

No comments: