TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG MẶN NỒNG LÀ ĐÂY
Một chuyện tình yêu 80 niên .
Chàng 16 tuổi, còn nàng 12. Nàng về nhà người dì ở cùng quê
chàng và đi học ở tiểu học nữ Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Chàng khi đó yêu nhạc đàn, chỉ 10 tuổi đã rất giỏi các nhạc
cụ. Một lần, ôm cây măng cầm (mandoline) đến nhà người dì đàn cho vợ chồng họ
nghe, chàng gặp nàng và "say nắng". Nhưng chỉ là thầm yêu trộm nhớ
vậy, vì 1 năm sau nàng đã từ giã người dì để về ở với cha mẹ tại Sóc Trăng.
Chàng chính là nhạc sư Vĩnh Bảo sau này nổi danh còn nàng
là hoa khôi Trâm Anh nổi tiếng.
Từ Sa Đéc khi đó tới Sóc Trăng là cả 1 quãng đường. Có lần,
nhớ người trong mộng đến quay quắt, chàng đón xe đò xuống quê nàng. Đứng ở cầu
quay Sóc Trăng, chàng chờ hàng giờ, nhìn học sinh lần lượt đi qua mà không thấy
bóng dáng nàng đâu, đành thất thểu quay về.
Năm 1946 - 12 năm sau, Vĩnh Bảo - lúc này đã là một tay đàn
lẫy lừng - từ Sài Gòn về thăm quê cha ở Sa Đéc. Vẫn ôm mối tình vô vọng, khi
gặp người quen, ông bâng quơ hỏi thăm về Trâm Anh, được cho biết nàng vẫn còn
độc thân ở quê nhà.
Chàng trai năm ấy quyết liều một phen, về nhà nhờ gia đình
mang trầu cau sang dạm hỏi. Phút giây cha mẹ bà gật đầu đồng ý, ông miệng cười
mà nước mắt tuôn rơi. Nhạc sư không dám tin từ nay sẽ sống bên người con gái
ông ngỡ đã mãi đánh mất. Một đám cưới nhỏ được tổ chức ngay trong năm. Và họ
nên duyên cầm sắt.
Yêu vợ, 7 người con ra đời đều ông đặt theo tên vợ: Thu
Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh.
Ông từng tâm niệm vợ chồng gắn bó cả đời là ở sự kính nể
nhau. Học trò về Đồng Tháp thăm nhà ông, thường ngưỡng mộ tình cảm ông dành cho
vợ. Trong gian nhà chỉ khoảng hơn 40 m2, ông bày khắp tường khung ảnh của vợ,
từ khoảnh khắc vợ chồng thuở thanh niên đến lúc bạc đầu.
Bà làm vợ 1 nhạc sư, gia cảnh nghèo, rất tần tảo lo tề gia
nội trợ, yêu chồng thương con, quý học trò của chồng.
Những năm cuối đời của bà Trâm Anh, ông không rời bà nửa
bước. Lúc ấy, bà bị suy thận, phải nhập viện điều trị. Ông thường nằm bên bà để
vợ bớt lẻ loi, hai cái giường chỉ cách nhau nửa gang tay. Đến khuya, bà than
lạnh, ông liền leo qua nằm chung. Chứng thận yếu khiến người bà hay ngứa ngáy,
phải nhờ ông gãi suốt đêm, bà mới êm giấc. Những tháng cuối cùng, biết mình khó
qua khỏi, bà mới chủ động ôm chồng dù thường ngày, tính bà hay ngại. Mỗi lần
muốn hôn, bà cố gượng dậy nhưng lực bất tòng tâm. Thấy cảnh đó, lòng ông đau
như cắt.
Bà mất trong một chiều mùa thu năm 2014. Trong đám tang bà,
ông không còn nước mắt để khóc. Nhạc sư chỉ kịp viết bài thơ tiễn biệt vợ sau
68 năm chung sống:
"Chiều nay em vĩnh viễn ra đi
Tim anh rỉ máu phút biệt ly
Sáu tám năm, nặng nghĩa sâu
Đơn phương cởi áo qua cầu mình em
(...) Từ nay lạnh lẽo kiếp phù sinh
Biết nói gì đây hết ý tình
Chuyến xe định mạng, đành an phận
Bấm ruột, lệ rơi chỉ riêng mình".
6 năm sau khi người vợ ra đi, nay nhạc sư Vĩnh Bảo thọ 104
tuổi đã về trùng phùng cùng vợ.
Chuyện tình của ông bà thật bình dị, nhưng thật đẹp, như
cuộc đời của ông, bảo vật quý báu của đờn ca tài tử Nam Bộ, và của bà, một phụ
nữ cả đời hy sinh nhất mực vì chồng con.
Theo VN Express, Truyền hình Đồng Tháp
Hình tư liệu
NbNguyễn Thị Bích Hậu
No comments:
Post a Comment