Wednesday, December 13, 2023

MƯA-NHAN SẮC-DÒNG ĐỜI LUÂN LƯU (NHẤT PHƯƠNG)

 




MƯA-NHAN SẮC-DÒNG ĐỜI LUÂN LƯU

Nhất-Phương

[Chuyện cổ tích Uyển Nhi kể]

Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách

*Câu của Thầy Đàm Thận Huy

Sắc bất ba đào, dị nịch nhân

*Câu đối lại của trò Nguyễn Thanh Giản

[Tài liệu trên Net]

 

Sau ngày đất nước chia đôi, tuy chỉ mới góp mặt với đời hơn một năm, Nhi đã phải âm thầm sống xa cha mẹ vì tình hình bất ổn dưới làng quê (sau này nghe lời ngoại kể lại như vậy).

 

Cha mẹ Nhi lên thủ đô làm ăn sinh sống, tránh xa bầu không khí bao trùm muôn vẻ hoài nghi, sáng trắng chiều đen thuở bấy giờ.  Mỗi tháng, hoặc bất cứ lúc nào thuận tiện, cha mẹ sẽ thay nhau, cố gắng về thu hoạch hoa màu, thăm ngoại, thăm Nhi một buổi, rồi tất tả trở lên Sài-Gòn, không bao giờ dám ở lại khi bóng hoàng hôn trùm phủ khắp thôn làng, ảm đạm các gam màu tang thương của thời cuộc.

 

Cha chỉ là một thương buôn đúng nghĩa, mua bán đủ thứ mặt hàng, từ kẹo bánh “cao cấp” của thị thành đến nông phẩm trong vườn nhà ngoại. Cha hiền từ nhân hậu, là người con có hiếu, là “chàng rể út” hiếm quý của ngoại Nhi.  Tên cha là Ánh Dương, không những làm tốt tươi lá cỏ khu vườn hương quả, mà lại còn cẩn thận điểm tô thêm màu diệp lục lên cảnh vật êm đềm, nhận được biết bao lời ngợi khen, thương quý của cả xóm làng thời bấy giờ.

 

Rồi một ngày không hẹn trước, không biết nguyên nhân nào xuôi khiến, cha bỗng về thăm ngoại và muốn ở lại qua đêm, bất ngờ quá làm ngoại kinh ngạc. Từ khi cậu lớn của Nhi qua đời vì bị kẻ gian ám hại, ngoại khóc đến gần mù đôi mắt, nhìn đâu cũng phủ một màn sương lãng đãng bao trùm… Ngoại kể, thấy cha về, ngoại gọi cha tới gần, vò đầu cha như đứa con trai lâu ngày về thăm mẹ. Ngoại khóc.  Những giọt nước mắt của ngoại rơi xuống đầu cha Ánh Dương không ngừng, lả tả như mưa… Ngoại biểu cha đi tắm rồi ăn cơm kẻo trễ, mai sớm phải lên đường ngay.

Bỗng dưng có tiếng chó hừng hực sủa.  Trong đêm thinh vắng, tiếng chó tru như tiếng gọi hồn,  điềm báo trước hãi hùng kinh dị.

Ngoại vội ra hiệu biểu cha vô núp, ẩn mình sau bồ lúa cao gần đụng nóc nhà.

 

Vậy mà cha vẫn không thoát được.

 

Họ dẫn cha đi với nhiều lý do không hề có thật.   Cha bị bắt đi đâu? Cha đi mãi không về, tuyệt tích từ hôm ấy.  Bóng đêm úp chụp lên cuộc đời của mẹ Nhi, thật phủ phàng như màn tối vô hình trùm phủ cả đôi bờ gập ghềnh của dòng sông nhẫn tâm chia lìa Nam Bắc.

 

Từ lúc Nhi không còn cha nữa, mẹ vẫn tiếp tục con đường tìm kế sinh nhai như cha đã làm, vừa để giữ tròn kỷ niệm với cha, khỏa lấp nỗi buồn, vừa giúp ngoại có thêm phương tiện tài chánh,  chăm sóc bảo quản khu vườn của tổ tiên bao đời truyền lại cho con cháu ở làng quê.  Mẹ là cô con gái út của dòng họ Phạm, không những đẹp nhất làng nơi mẹ hiện hữu, mà lại còn được đi học cả hai chương trình Việt Pháp nữa. Không biết nhan sắc của mẹ Nhi có đủ đẹp để ứng vào câu đối “sắc bất ba đào, dị nịch nhân” của người xưa?

 

Miền Nam Việt-Nam, được người dân “khẳng định” rõ ràng rằng một năm chỉ có hai mùa mưa nắng, chẳng hề hấn gì đến tứ thời Xuân Hạ Thu Đông mà cố đô Thăng Long hay Hà Nội từng phải gánh chịu hoặc được thừa hưởng.  Những ai có cơ hội thấm đẫm chuỗi ngày mưa dầm ở làng quê Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre…, sẽ rất thích thú tận hưởng âm thanh rạt rào tràn lan vô cùng ấm áp của ngàn hạt mưa vây kín cả khung trời…

 

Vẫn theo lời lớp lang Ngoại kể, vào năm 1960, có “người khách trung niên lạ mặt” quá bước ngang nhà, xin được tạm trú ở hàng hiên, chờ tạnh cơn mưa sẽ tiếp tục cuộc hành trình (không biết về đâu).  Mưa không muốn chìu lòng người phiêu bạt, nên trận mưa ấy, chẳng những không tạnh mà còn rơi miên man, nặng hạt suốt ngày đêm, khiến người khách lạ không thể lên đường.  Ngoại là người hiếu khách.  Mẹ cũng vậy.  Bất cứ ai lỡ đường lỡ bước, ngoại cũng cho tạm trú tại nhà, cơm nước tuy quê mùa nhưng tinh tươm đầy đủ.  Lần này vẫn không ngoại lệ.  Cả ngoại và mẹ chỉ muốn giúp người, chẳng hề thắc mắc để tìm hiểu lý do về sự có mặt của “người khách  không mời” tại quê mình, lại còn là miền “xôi trộn đậu”. Trận mưa năm ấy là trận mưa dầm, kéo dài lê thê bất tận suốt mười bảy ngày, mười tám đêm. Đã là mưa vườn  thì không thể được gọi bằng hai tiếng Mưa Rừng [Tác Gỉa Huỳnh Anh], không giống chuyện tình dở dang, ngân nga như trong bài hát ấy.  Đó là trận mưa định mệnh, thay đổi cả nửa cuộc đời sau của mẹ Nhi.  Năm 1960, mẹ Nhi mới chẵn tròn 30 tuổi.

 

Người khách lạ năm xưa, sau này trở thành ba Dượng của Nhi. Ông là người có tri thức, tuy không thể so sánh bất cứ về phương diện nào đối với cha ruột của Nhi [hẳn là như thế trong lòng Nhi], nhưng ông đã vì ngoại, vì mẹ Nhi mà thực hiện khá nhiều điều quan trọng an quê, khiến Nhi thật lòng khâm phục. 

 

Nhi vẫn không thể khẳng định được điều gì ở lứa tuổi ấu thơ cho đến tận bây giờ, khi cả mẹ và ba dượng đã không còn tại thế.  Mẹ thì cả quyết, ba thì cả nể.  Có phải vì vậy mà ba mẹ mới phải lòng nhau, hay chỉ bởi trận mưa tầm tả lê thê năm nào “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách?”

 

Mẹ Nhi là người phụ nữ ẻo lả, yếu đuối về thể hình, nhưng bà rất kiên cường, biểu hiện bản lãnh trong mọi trường hợp bà cho là quan trọng.  Năm 1960, Nhi được bảy tuổi.  Nhi còn quá nhỏ để phụ mẹ việc trong nhà ngoài ngõ, nhưng Nhi không làm mẹ khó xử bởi sự hiện diện của người ba Dượng bao giờ. 

 

Ba Dượng của Nhi, tên ông đồng nghĩa với sự kiên nhẫn, kiên tâm, kiên trì, trồng cây để chờ thu hoạch, và nhất là sự kính nể kẻ trên người dưới để êm cửa êm nhà (hay để dễ gặt hái kết quả tốt đẹp về sau?!). Tên ba là Kiên An. Nhờ trận mưa vườn đã giữ chân ông, giữ luôn tình cảm của ngoại, để bà thuyết phục mẹ Nhi bước thêm bước nữa.  Cũng vì mẹ, Nhi sẻ tình thương cho ông, gọi ông bằng hai tiếng Ba Kiên, nhưng không bao giờ gọi bằng tiếng cha như khi Nhi nhớ về cha Ánh Dương.

 

 Mà đúng thật, ba Kiên cũng có thể gọi là khá tốt đối với Nhi.  Duy nhất một điều Nhi có thể khẳng định rõ ràng: Nhi rất cảm ơn ông.  Ba Kiên An đã mua cho Nhi một chiếc xe đạp mới nguyên, rất đẹp.  Ba chở Nhi đi học hết lớp ba trường làng, rồi khuyến khích Nhi lên thị thành, ở tại ngôi nhà có sẳn do cha Ánh Dương để lại, học tiếp chương trình tiểu học rồi vào trung học.  Lúc bấy giờ, khuôn mặt Chiến Tranh càng ngày càng rõ nét, méo mó, lệch lạc và tăm tối như sắc diện của mụ phù thủy già độc ác, tước đoạt biết bao cuộc đời vô tội của người miền Nam vốn yêu chuộng hòa bình.  Ba mẹ Nhi vẫn lên xuống thủ đô Sài-Gòn mỗi tháng một lần, đem hàng từ quê bỏ mối sỉ, luôn thể thăm Nhi và mua các thức ngon của thị thành về cho ngoại như cha Ánh Dương thuở trước.  Nhi chú tâm vào đèn sách, không hề thắc mắc hay nghi ngờ tại sao ba Kiên An có thể đi đi về về ngôi nhà của ngoại mà chó trong làng chưa bao giờ dám sủa (như đã từng dai dẵng sủa để giết chết cha Ánh Dương của Nhi)?!

 

Dòng đời lặng lẽ trôi xuôi, êm đềm như đám lục bình trên các dòng sông chín nhánh.  Rồi đến một ngày... một ngày định mệnh khác, cũng thật oan nghiệt như ngày Nhi mất biệt cha Ánh Dương; ngày mà mẹ Nhi bất ngờ biết rõ, Ba Kiên là người từ bờ Bắc xâm thực xuống phía Nam của bờ sông chia đôi đất nước.

 

Lúc ấy Nhi đã mười một tuổi, năm đầu trung học, về lại làng quê thăm ngoại, sau đó tiếp tục sống đời học sinh ở thị thành. Việc gì đã xảy ra làm khủng hoảng gia đình Nhi đến thế?

 

Mẹ tiếp tục nhắc lại câu chuyện đời mình, khiến lòng Nhi bồi hồi xúc động...

Nhớ tới đoạn này, dù bây giờ Nhi đang chạm tay vào nấc thang thất thập, cục diện của năm nảo ngày nao đã trở thành quá khứ, nhưng Nhi rất hãnh diện và một lần nữa chân thành được cảm ơn ba, cảm ơn “người khách lạ năm xưa”, lạ lẫm từ ngôn ngữ, bỗng trở thành “chàng rể chân thành” ở cuối miền thôn xa tít tắp, tận Cửu Long giang, âm thầm cứu giúp cho những người không cùng chính kiến.  Mẹ Nhi, người phụ nữ rất dễ mến nhưng cũng rất quê mùa, tuy cả quyết nhưng không thể thông hiểu tận tường về việc “đem mạng dân lành đổi cuộc chơi”. Điều gì khiến lòng ba thay đổi hẳn hướng đi của mình khi đã tự chọn? Giữa khi thời cuộc nhiễu nhương, nhan sắc hoa Trang mộc mạc của mẹ có đủ để ứng vào câu đối “sắc bất ba đào, dị nịch nhân” hay không?

 

Một buổi sáng đang ở Sài-Gòn, ba vừa đi đâu đó mới bước vô nhà, vội bảo mẹ sửa soạn gấp để quay lại thôn làng với ngoại.  Mẹ vô cùng kinh ngạc, vì hàng hóa cau xoài chưa bán hết, còn gởi ở các vựa cầu Ông Lãnh.  Ba chậm rãi nói mẹ nên nghe ba, không thể không về, cả Nhi nữa.

 

Như đã thưa ở trên, “mẹ Nhi là người phụ nữ ẻo lả, yếu đuối về thể hình, nhưng bà rất kiên cường, biểu hiện bản lãnh trong mọi trường hợp bà cho là đúng, là quan trọng (với bà).  Giọng bà tuy êm ái nhưng khá đủ để tỏ rõ ý định của mình:

-Nếu ba của Nhi không nói rõ tại sao mình phải về ngay, thì mẹ Nhi cũng sẽ không về, vì theo dự tính, sớm lắm phải vài ngày nữa mới bán hết hàng được, còn Nhi, nên để con ở lại Sài Gòn tiếp tục học, không thể bắt...

Nét mặt và sự im lặng lúc bấy giờ của ba Kiên An khiến mẹ dồn dập hỏi:

-Hay có chuyện gì cấp bách, thật sự quan trọng đến với thôn làng, với gia đình chúng ta hay sao?

Ba nhìn mẹ, rồi chậm rãi bảo Nhi:

-Con ra tiệm thuốc tây mua cho ba ống thuốc nhức đầu Optalidon đi Nhi.


Tuy vắng mặt không bao lâu, nhưng khi ba cầm hộp thuốc Nhi đưa, Nhi thấy cả ba lẫn mẹ đã sẵn sàng để lên đường trở về quê ngoại.

 

Là đứa con nít nơi xẻo thôn bình dị, Nhi không mấy quan tâm tới việc làm của ba mẹ.  Bất ngờ được trở lại thăm ngoại dấu yêu, Nhi mừng húm.  Xe qua khỏi cầu Bình Điền, Bình Chánh, Bến Lức, Trung Lương..., gió chiều lồng lộng thổi.  Mọi người liu riu dật dờ theo từng cơn dằn xốc trên chuyến xe cuối ngày trong ánh vàng rơi giữa mênh mông ruộng đồng mạ non xanh tươi mơn mởn. Mãi mãi, Nhi yêu cuộc sống êm đềm, thấm đẫm nhan sắc thanh xuân của đám đòng đòng ngả ngớn trên quê hương thống khổ của Nhi.

 

Sáng sớm hôm sau, vừa khi vầng dương chói lọi đan quyện cùng tiếng máy bay thám thính xa xa, Nhi đã  mặc xong chiếc áo bà ba trắng, quần đen, mang dép “mo cau”, nhanh nhẹn bước lên bờ U (vì được trồng hai hàng cây Mù U), con đường đất nối liền khu nhà ngoại Nhi với bà con chòm xóm.

Lên đến con Lộ Tẻ, thay vì quẹo trái như thường lệ nếu muốn tham dự khu chợ Chồm Hổm, Nhi rẽ phải dẫn tới làng Phú Điền. Thực hư ra sao, lúc bấy giờ Nhi không thể biết, chỉ làm theo mệnh lệnh của ba Kiên An sai bảo (với sự khuyến khích của mẹ) nên nhứt định Nhi phải hoàn thành.

Vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung, bất chợt Nhi nghe có tiếng nói khẽ khàng, tuy nhỏ xíu nhưng rất nghiêm nghị:

   -Đứng lại cô bé, đi đâu sớm quá vậy?

Nhi run lẩy bẩy, lắp bắp trả lời:

   -Con... con đi tìm các bác...

Tiếng nói sắc lạnh, khô khan vang lên lần nữa:

   -Bác nào?

   -Dạ, các bác mũ nâu hôm nay vô thăm làng con...

Hoàn toàn im lặng, im lặng... khiến hai hàm răng Nhi đánh “bò cạp” không còn kiểm soát được nữa.  Bỗng Nhi giật mình khiếp hãi khi nghe tiếng gì sột soạt phía sau lưng.  Len lén quay đầu, quân phục “quen thuộc” của người lính mũ nâu đập vào mắt giúp Nhi hoàn hồn, tim bớt đập  liên thinh,...(lúc ấy Nhi sẽ ra sao nếu bất ngờ nhìn thấy bộ bà ba đen quấn chiếc khăn rằn quanh cổ?!).

Nhi vội cất lời chậm rãi, cố gắng nhớ để lập lại đúng những gì ba Kiên An đã căn dặn trước lúc ra đi:

   -Các chú đừng tiến quân tới nữa.  Cách chỗ này không xa lắm chỉ là “khoảnh chợ Chồm Hổm” của dân làng con đang buôn bán chớ chẳng có gì khác, nhất là trong lúc này.  Nhưng để vào được chợ, phải đi qua một chiếc cổng tre đan xiêu vẹo, được dựng sơ sài, nhưng hôm nay không vô hại như mấy ngày trước.  Các chú nên quay trở lại bến đò..

   -Này, cô bé không sợ chết sao ăn nói lung tung bậy bạ gì vậy?  Quân đội đang hành quân sao phải quay về?

   -Con đang theo học ở Sài-Gòn sao phải trở lại ngay để chờ gặp cho được các chú? Con sợ chết lắm chú ơi, nhưng ba con nói một người chết vẫn tốt hơn nhiều người chết, còn con thì không bao giờ muốn ai bị chết...

Người lính mũ nâu im lặng.  Nhi bâng khuâng lén nhìn vào đám hoa cỏ dại tim tím mọc um tùm hai bên con đường đất, nhiều nhất là bông Mắc Cỡ, hay còn được mệnh danh là bông xấu hổ.  Người làng Nhi thấy sao nói vậy, không văn chương chữ nghĩa kiểu “Hoa Trinh Nữ” như nhạc sĩ 3T.  Làm sao biết có bao nhiêu chiếc mũ nâu đang  hiện diện nơi này, được âm thầm phủ che bằng những cánh hoa mong manh khép nép? Nhi không cảm nhận bất cứ tiếng thở nào chung quanh chỗ mình đang đứng, cho dù nhẹ nhất.  Điều này khá phù hợp với những gì mẹ kể về mấy cậu lớn, mấy ông anh họ trong gia đình khi theo học trong các quân trường, phải tuyệt đối tuân hành quân lệnh.

Trong khoảnh khắc thời gian không thể đếm, tự nhiên Nhi cũng nín thở luôn.  Rồi nhớ lời dặn dò của mẹ, không từ mà biệt, Nhi quay nhanh trở lại con đường cũ, đi như chạy, cố sức bước ngược đến bờ U.  Thấp thoáng bên hàng rào trồng toàn cây Trà,  ba Kiên An và mẹ Nhi đang nóng lòng dõi mắt chờ trông.

 

Như đã thưa, ngôi làng Nhi ở là ngôi làng “xôi trộn đậu”, bà con ban ngày cũng nhiều mà “kẻ thù” ban đêm cũng không phải ít.  Cha Ánh Dương của Nhi chẳng phải đã mất tích biệt tăm vì sự “ít-nhiều” này hay sao?!  Nhưng khi các chú mũ nâu đến, hôm ấy khung trời vừa đủ sáng, là bình minh nắng dọi, tin hay không còn tùy vào sự suy nghĩ của các chú ấy.  Ba Kiên An nói,  các cấp chỉ huy vốn dĩ rất nhạy bén, sẽ cân nhắc, dự đoán mọi điều hơn thiệt phải đối mặt nơi con đường phía trước, để cuộc hành quân đạt nhiều thành quả hơn khi quay về bên kia lằn chỉ đỏ.

 

Đón Nhi trong vòng tay thương yêu, ba mẹ bảo Nhi cùng vào thưa với Ngoại, gia đình con phải lên Sài-Gòn ngay hôm nay để tiếp tục bán cho hết các kiện hàng vẫn còn tồn đọng.

Tối hôm sau, bên ly nước dừa tươi mát, ba cho biết tin tức từ quê nhà:

   -'Vài con bò con lạc lối, chạy qua cổng làng, vướng vào dây cột tổ ong...  đã chết thảm vì nhảy loạn, té xuống hầm chông cọc nhọn gắn chi chít ở hai bên mé lộ'.

 

Dòng đời vẫn mập mờ lờ lững trôi xuôi, gia đình Nhi càng lúc càng sống nhiều hơn ở thủ đô Sài-Gòn, vùng hậu phương tạm ổn, hạn chế tối đa những lần trở lại ruộng vườn xưa để thu hoạch hoa màu. Nhất là ba Kiên An, không bao giờ còn dám ở lại qua đêm như cha Ánh Dương thuở trước. 

 

Quê hương Việt Nam của Nhi, trong chiến loạn, có biết bao nhiêu “truyện cổ tích” cần được nhớ về?!. 

 

Và...,

Cho đến tận bây giờ, trong đáy tim Nhi luôn luôn ghi đậm sắc màu dễ thương của loài hoa Mắc Cỡ và “vũ điệu tuyệt vời” của hai chú bò con.

 

No comments: