Monday, December 25, 2023

CUỐI NĂM LAN MAN NỖI NHỚ (LÊ TẤN DƯƠNG)

 

CUỐI NĂM LAN MAN NỖI NHỚ.

 Lê Tấn Dương

 

Thời tiết cuối năm trên vùng Tây Bắc Hoa Kỳ thường bao giờ cũng lạnh và mưa. Nhiều khi tuyết rơi trắng đất trời. Không gian phủ kín một màu xám ảm đạm khiến lòng người cũng buồn theo và dễ chạnh nhớ đến những kỷ niệm xưa cũ. Trong bóng chiều xám đục, tôi ngồi đọc lại Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung. Đọc đến đoạn Trương Vô Kỵ cùng Tiểu Siêu đuổi theo Viên Chân (Hổn nguyên Phích lịch thủ Thành Khôn) xuống tận đường hầm bí mật ở Quang Minh Đỉnh. Cũng may vì bị Viên Chân lừa nên Vô Kỵ mới có cơ duyên tìm thấy bí kiếp Càn Khôn Đại Na Di Tâm Pháp. Quả là người tính không qua được trời tính.

 

Nhân vật Trương Vô Kỵ trong cấp thời, chưa kịp đọc bí kiếp để tập luyện nên chưa thể mở được cánh cửa đá che đường hầm để thoát thân. Nhưng nhờ nghe tiếng hát Tiểu Siêu qua bài kệ nói về sự vô thường trong kiếp nhân sinh mà hiểu được việc mình phải làm để thoát nạn. Quả nhiên, cuộc đời là vô thường. Tôi vừa đọc vừa liên tưởng về kiếp đời lận đận của chúng ta gần 50 năm nay. Tôi trích lại mấy dòng cuối trong bài ca của Tiểu Siêu gởi các bằng hữu thân quý đọc để cùng cảm khái về hai chữ nghiệp duyên của đời người:

          …Có người thì cũng có ta.

          Xưa nay, đây đó, vốn là như nhau.

          Cỏi trần kẻ trước người sau.

          Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay.

 

Riêng bốn chữ cái cầu xuôi tay” ở câu cuối, trong trí nhớ của tôi, hình như nó có ít nhiều ý nghĩa liên quan với công ty nhà quàng Tô-bia thuở xưa ở góc đường Phan Thanh Giản - Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Dân Kaki chúng mình ngày trước ớn nhất khi nhắc đến hai chữ Tô-bia. Trong bất cứ trận chiến ác liệt nào, nếu phe ta có người tử trận là y như rằng gã tử thần mặt trắng sẽ xuất hiện. Lúc xưa nhiều anh em trong phe ta đã từng nghe, từng biết. Một số lớn đã từng đối mặt hoặc từng đi thăm gã tử thần xui xẻo nầy. Thực ra, Tô-bia chỉ là tên của một nhà quàng nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975, chuyên lo việc hậu sự và mai táng cho người từ chết. Họ làm việc đàng hoàng nên được nhiều gia đình nhờ cậy khi có tang sự . Riêng gã tử thần mặt trắng là do tôi hư cấu thêm như một tên cầm sổ cho Nam Tào, Bắc Đẩu ghi danh người sống, chết. Gã có phạm vi hoạt động rất rộng, nhất là những khi có chiến sự gia tăng ở Thủ Đô Sài Gòn và vùng phụ cận. Một điều oái ăm là ai cũng ghét và sợ gã, nhưng cuối cùng, vẫn phải nhờ đến công ty Tô-bia của gã lo việc hậu sự.

 

Tôi từng gặp gã hai lần. Lần đầu, cuối Hè 1971, ở vùng Suối Cụt Củ Chi khi tôi làm Đại đội phó Đại đội Trinh Sát. Lần đó trong một cuộc hành quân lùng địch, đơn vị Trinh sát trừ của tôi bị phục kích nhưng nhờ kinh nghiệm và may mắn, tôi thoát được. Bị bất ngờ vì cú phản phục kích của đơn vị do tôi điều động, mấy tên du kích không kịp chém vè, bị tiểu đội thám báo của tôi tiêu diệt. Tử thần mặt trắng cầm sổ bỏ chạy về phía Bu Điều, Mít Nài. Lần thứ hai ở mặt trận Bàu Me, Trảng Bàng. Trong lửa khói mịt mù, gã bỗng xuất hiện đột ngột. Trong lúc bất ngờ, gã bấm ngòi nổ một trái 61 đã được gài nguỵ trang sát bên vệ đường. Tiếng nổ chát chúa của quả đạn đã hất bắn tôi ra xa mấy mét. Tôi bất tỉnh từ lúc đó. Lý B2 sau nầy lúc nằm chung mấy tháng ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, kể lại là nguyên tấm lưng của tôi bị nát bét, da thịt bầy nhầy đầy tro bụi đen thui thấy mà ghê và hắn cứ nghĩ là tôi đã chết trước khi được trực thăng tản thương.

 


      

                    Xe nhà quàng Tôbia                                     CtyTôbia ở góc 2 Bà Trưng – Phan T Giản (SG)

 

Chưa vừa ý, gã mặt trắng sau đó chừng nửa giờ ghé thăm luôn hai ông bạn sĩ quan chung đơn vị. Hình như tôi bị hôn mê bất tỉnh cả giờ đồng hồ. Đến khi lơ mơ tỉnh lại vì tiếng động cơ quá lớn trong tiếng gầm rít của chiếc trực thăng đang xé gió, tôi thấy mình đang nằm trên băng ca trong một chiếc trực thăng tản thương của Mỹ, thân thể bị bó chặt. Đờ đẩn đưa mắt sang bên, tôi mơ mơ hồ hồ thấy thẩm quyền Delta đang ngồi nhăn mặt đau đớn. Tay ôm chặt đầu gối đã được băng bó to bự như cái gối ôm. Ở góc trên, Lý B2 đang đau đớn rên siết, nguyên một chân phải của hắn bị nẹp cứng ngắt từ háng đến bàn chân. Máu ở chân hắn thấm đỏ qua mấy lớp vải ga quấn chặt bên ngoài. Địch đã lấy của Lý hết nửa bàn chân. Delta gượng cười trong đau đớn như an ủi, chia sẻ cùng tụi tôi.

 

Vẫn chưa hết chuyện. Gã thần mặt trắng còn rình rập lảng vảng theo tụi tôi suốt mấy tuần liền ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Cứ mỗi lần chợp mắt, tôi lại thấy gã lấp ló khuôn mặt trắng toát trên đầu giường. May nhờ mấy ông tu-bíp tài giỏi của TYV Cộng Hòa tận tình cứu chữa. Lại được mấy em gái hậu phương vào thăm thường xuyên trong dịp cuối năm, nói cười vui vẻ nên gã tử thần mặt trắng có vẻ bồn chồn, cau có và bực tức. Mấy ngày sau gã lặn mất tiêu không buồn trở lại nói câu từ biệt.

 

Nhắc chuyện cũ cho vơi nỗi buồn cuối năm. Delta hiện vẫn đang vui chơi cùng gia đình ở quận Cam. Tôi được tin Delta đã mấy lần về thăm chốn cũ, thăm lại chiến trường xưa để nghe hơi thở của đất nước, mùi phèn trên đồng bưng. Về lại để nghe tiếng gió xào xạt qua rừng tre một thời mòn bước giày saut. Tội nghiệp Lý B2, đã mất ở San Jose đầu thập niên 2000 sau hơn mười năm định cư Hoa Kỳ. Nhiều bạn bè thân thiết ngày xưa cũng chưa một lần gặp lại kể từ ngày giã từ vũ khí. Mỗi lần nhắc nhớ chuyện xưa, lòng lại chùng xuống, nao nao đến lạ kỳ.

 

Nhớ ngày ấy, lúc còn chung đơn vị, cuối tuần nếu không bận hành quân, thỉnh thoảng tôi và Lý lén trốn Delta chạy xe về Biên Hòa, Bình Dương vui chơi, chọc ghẹo tưng bừng mấy hội quán ven sông Đồng Nai hoặc nhào xuống khu đèn rực sáng như hội hoa đăng trên đường Nguyễn Văn Thoại gần ngã tư Bảy Hiền cho hết ngày. Hôm sau về lại đơn vị, mặt mày nhiều khi bơ phờ như cái mền rách. Bước qua cổng, xuống bộ chỉ huy là gặp ngay khuôn mặt nhăn nhó, cau có, pha chút trách móc của Delta. Ông cự nự. Mấy ông vui chơi cho sướng, rủi đơn vị có chuyện, lấy ai gánh vác với tôi. Biết mình sai, hai đứa ngượng ngùng cười trừ và tìm cách phú lỉnh. Chừng giờ sau, hết buồn, hết bực, ông lại gọi tụi tôi lên, chất lên chiếc Jeep ra thị trấn kiếm chút lót lòng ấm bụng. Huynh đệ chi binh đâu có giận lâu được.

 

Lại nhớ lần khác ở căn cứ hành quân Gia Lâm gần mật khu Hố Bò, không biết bực mình chuyện gì, Delta rủ tôi ra phía sau hàng rào phòng thủ bắn thi súng colt. Mục tiêu để bắn là mấy vỏ lon bia gắn trên hàng rào, giống như hình ảnh trong mấy cuốn phim Cao bồi Western xứ Mỹ đang chiếu ở Sài Gòn lúc đó. Ai thua phải trả chầu bánh canh cuối tuần. Cơn bực mình tan theo tiếng nổ và mùi thuốc súng. Tôi thua nhưng cuối tuần ông vẫn dành trả tiền chầu bánh canh lẫn cà phê. Có lần gặp chuyện vui, tôi nói đùa với Delta, sĩ quan trẻ độc thân tụi tôi, không vui chơi làm sao chơi với thằng địch. Mình gặp nó (thằng địch) còn nhiều hơn gặp mấy em. Ông cười cười không nói gì.

 

Đó là chuyện của dĩ vãng, tôi vẽ lại chút chút để làm quà mua vui cuối năm. Thực ra cho đến bây giờ, tôi vẫn biết, trước sau gì, anh em của gã tử thần mặt trắng cũng sẽ thăm viếng mình lần nữa (bất quá tam mà). Chỉ không biết là khi nào mà thôi. Vả lại, mình già rồi đâu có cần tránh né tụi nó làm gì nữa cho thêm mệt xác. Tôi nhớ hai tay gã thường cầm 6 miếng ván gồm 4 dài 2 ngắn, 1 chiếc búa và một mớ đinh. Phía sau có một tên tiểu đồng tóc kết ba trái đào, đang lâm râm niệm chú cầu nguyện một điều gì đó. Hình như chú tiểu đồng đang hát một câu trong bài nhạc của Phạm Duy thì phải: “Đừng lặng thinh, có tiếng chày tiếng búa nện đinh. Đừng toả hương, khói hương vàng che khuất người thương”. Không chừng nội dung cũng giống hai câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan lúc còn thả thơ tình ở Sài Gòn.

          Lúc ra đi hai chân anh đàng trước

          Mắt theo sau còn vương vất cuộc đời…

 

Buổi chiều cuối năm xanh xao như một giấc mộng, ngẫm chuyện nhân sinh, thấy anh em chúng ta hơn 50 năm qua đã nếm đủ mùi vị của kiếp sống. Hào hùng bằng cả trái tim tuổi trẻ cũng có, bởi lũ chúng mình yêu nước đâu có thua ai. Nhưng trái tim tội nghiệp cũng đã chịu đựng biết bao căm hờn, kể cả nhục nhằn đau khổ một cách oan nghiệt sau ngày mất nước. Thế mới biết tại sao chúng ta còn sống ngày nào là còn vương vấn mãi với cuộc đời đầy chuyện thương yêu, nhưng cũng lắm buồn phiền chung quanh. Hạnh phúc và đau thương, hờn căm rồi phẩn nộ, buồn vui và tan hợp. Luôn luôn đến trong đời.

 

Đó là chuyện của ngày xưa, tưởng đã lãng quên thì lại nhớ. Trong giấc mơ về đất nước ngày ấy, tôi chưa có dịp trả súng đạn để giã từ cuộc chiến vì vẫn còn trong tay tấm Thẻ bài và Chứng chỉ tại ngũ. Đất nước chưa có hòa bình thực sự như ước vọng của bao người dân thì miền Nam thân yêu đã bị thất thủ trước những người cộng sản phương Bắc. Sau quốc biến 1975, đất nước chìm ngập trong điêu tàn. Dân chúng cả nước bị đói khổ triền miên suốt hơn hai thập kỷ. Chúng ta thua trận và chịu nhiều đau thương lẽ ra không đáng có. Mất nước là điều đau khổ lớn nhất của một dân tộc, nhất là đối với giới sĩ phu. Nhưng trách ai? Người xưa thường nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nên chuyện mất nước đừng nên vội vàng đổ lỗi cho ai. Phải coi lại mình và phải tự trách mình trước. Ngày ấy, chúng ta dung dưỡng một đám chính khách salon, nói nhiều hơn làm, không tài đức mà ưa khoe khoang. Một đám đàn anh tướng lãnh tham quyền, cố vị, không đặt nặng tính chuyên chính để bảo vệ chế độ. Ngược lại, cộng sản luôn xảo quyệt và thủ đoạn. Họ có nhiều mánh khoé lọc lừa, không cần chữ tín và thừa sự tàn bạo. Trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 ngay trong tuần lễ hưu chiến là một thí dụ điển hình. Họ không biết ngượng trong thủ thuật mị dân. Họ đã thắng nhưng chân lý không ở về phía họ.

 

Mọi việc rồi sẽ có lịch sử mai sau chứng minh. Mình chỉ đau xót một điều là miền Nam tươi đẹp đã mất một cách oan uổng vào tay những tên đồ tể thời đại. Đau xót hơn nữa là Sài Gòn thân yêu đã bị thay tên mặc dù vẫn biết là tạm thời. Cái gì của Sài Gòn, sẽ phải trả lại cho Sài Gòn mai sau.

          Tháng tư, hàng me già rũ bóng,

Hiu hắt phố buồn giọt mưa đêm

Những con đường cũ, thành xa lạ

Sài Gòn ơi!  Em đã thay tên.

 

Nhắc đến Sài Gòn lại nghe nôn nao một thời kỷ niệm. Chưa đến Giao Thừa mà đã mường tượng âm vang tiếng chuông tiễn năm của Vương Cung Thánh Đương Sài Gòn đầy náo nức một thời nào rất xa trong tâm tưởng. Những ngày cuối năm, thường chúng ta hay có thói quen nghĩ ngợi về những chuyện xưa, về những người thân yêu, cuộc đời và những biến đổi thăng trầm trong đời sống.

 

Nhớ quá quê nhà đêm ba mươi Tết thuở tuổi còn xuân. Nhớ quá bếp lửa ấm áp chiều cuối năm. Trong cái rộn rã của không gian. Giữa cái tất bật của thời gian. Chúng ta rộn ràng trong nỗi nhớ với hình ảnh năm cùng tháng tận. Hình ảnh bàn thờ tổ tiên với hương trầm nghi ngút đêm Giao thừa. Chậu cúc vàng, cành mai tươi thắm. Những hồi ức bỗng gõ cửa chạy về như nước lũ khiến chúng ta nhớ thương muốn chảy tràn nước mắt. Đêm Tây Bắc lạnh buốt. Thèm một ngọn lửa ấm áp năm xưa, ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét cho Mẹ trong những ngày tuổi thơ trăng chờ mắt biếc. Ngọn lửa rộn ràng niềm vui sum họp.  Ngọn lửa chiếu sáng cả một thời thanh xuân tóc xanh mộng mị. Ngọn lửa làm sôi sục bao ước mơ cho đời, cho mình.

 

Đã nhiều năm qua đi, tôi vẫn chưa được hưởng cái tết mang ý nghĩa sum họp ở quê nhà. Hơn 6 năm trong các trại tù giữa rừng sâu, núi thẳm. Mình không than oán cuộc đời vì thời gian tù đày không là bao so với nhiều chiến hữu khác.  Nhưng tiếc cho tuổi hoa niên bị hoang phí. Đã không làm được gì nhiều cho mình, cho gia đình, cho đời mà phải chôn vùi ước vọng giữa rừng sâu một cách vô ích. Hơn 10 năm sống lận đận trên chính quê hương của mình để rồi sau đó, lạc loài hơn 30 năm trên mảnh đất xứ người. Tính ra thời gian của những cái tết tha hương còn nhiều hơn những cái tết quê nhà, mà sao mỗi năm, cứ đến cái khoảnh khắc năm cùng tháng tận, mình lại cứ bồn chồn và nghĩ ngợi vu vơ. Thật khổ cho cái đám lận đận bên trời như chúng mình hiện nay. Không lẽ suốt kiếp vẫn phải làm mây bay trong nỗi nhớ.

 

Sáng Mồng Một Tết. Thức dậy. Nhìn quanh. Vẫn thấy một ngày như mọi ngày. Trong nhà tuy vẫn có bánh chưng, kẹo mứt, rượu trà, hoa quả nhưng sao tất cả đều xa lạ, vô hồn. Nếu cửa có mở ngày đầu năm mới, không phải để đón ngọn gió xuân thơm ngát hương trầm hay cái mùi nồng nàn cực kỳ quyến rũ của dây pháo Tết đang nổ đì đùng quanh nhà. Hoặc để nghe cái rộn ràng Nguyên Đán đầy ước mơ tuổi nhỏ đang thấm vào từng hơi thở mùa Xuân. Thay vào đó, chỉ để đón ngọn gió tháng Giêng lạnh buốt thổi tạt vào nhà. Quanh nhà là rừng thông và mưa lạnh. Tết ở xứ người không mang ý nghĩa Nguyên đán như mình vẫn mong chờ mỗi năm lúc còn thơ ấu. Đã mất tăm cái rộn rả đợi chờ, cái nao nức một thời trẻ dại chờ nghe tiếng pháo rộn ràng đêm Giao thừa. Tôi lại viết những dòng thơ cuối năm:

 

          Ta với người cùng một loài viễn khách,

          Nửa cuộc đời tìm kiếm chuyện hư vô.

          Ngày cuối năm ta nhìn ta trên vách

          Dấu tiếng cười trong men rượu sầu khô.

                    

Qua một ngày. Hết một năm. Cuối một đời. Những hình ảnh đó thực ra chỉ là những khái niệm về độ dài của thời gian. Thời gian thì vô hình và bất biến nhưng không gian lại hữu hình và nhiều khác biệt, nhiều thay đổi. Như vậy làm sao có thể đem cái hữu hình của không gian để đánh đổi cái vô hình bất biến của thời gian. Trong chúng ta, ai cũng có dĩ vãng và ai cũng thương tiếc thời gian đã mất nhưng mấy ai tìm lại được kỷ niệm đã qua. Bởi vì không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Ngay như gã điên Tiệm Nguyên trong Bích Nham Lục từng vác thuổng chạy vào Pháp đường để tìm linh cốt tiên sư, nhưng giữa lớp sóng ba đào ngập trời, gã có tìm được gì đâu. Hoặc giả khôn ngoan hơn một chút, hóa thân thành một nhân vật của Marcel Proust trong “À la Recherche du Temps Perdu” đi tìm thời thương tiếc đã qua. Nhưng rồi có tìm được không, hay tất cả chỉ là mộng tưởng và ảo giác.

 

Tôi vẫn nhớ trong những năm còn theo đuổi việc học hành ở các giảng đường Đại học Sài Gòn, tôi đã có dịp đọc qua bản dịch Việt ngữ các tác phẩm “The Stranger” hay “Exile and the Kingdom” của Albert Camus và cảm nhận được thân phận con người qua ý niệm lưu đày và quê nhà. Đọc đã lâu, rồi sống qua một quảng đường dài của lịch sử dân tộc với những biến động khác thường của chiến tranh. Rồi tiếp sau là những thay đổi về thể chế chính trị và văn hóa xã hội. Bây giờ chiêm nghiệm lại, mới hiểu được tại sao có những người phải sống bi quan như bị lưu đày trên chính quê hương của mình. Hôm nay, gần cuối năm, nghĩ về quê nhà và thân phận lữ khách của chính mình, mới thấy tiếc nhớ những kỷ niệm ngọt ngào ấm áp thuở xưa. Những kỷ niệm đẹp với người thân, gia đình, bạn hữu về những mùa Tết năm xưa mà bây giờ đã bị đánh mất vĩnh viễn theo dòng đời.

 

Buổi sáng, trời có chút nắng ấm, tôi khoác áo lạnh ra sau nhà sửa lại mấy vòi nước tưới đã meo mốc ngủ vùi trong tuyết lạnh. Ngạc nhiên thấy cây mai anh đào trồng trong chậu đã bắt đầu đâm chồi, kết nụ trên mấy cành khẳng khiu đã rụng hết lá. Tự dưng nhớ mấy câu thơ đẹp và buồn của một nữ sĩ nổi tiếng đang sống cùng một tiểu bang với người viết. Bài thơ viết về mười hai tháng, mỗi tháng là một khúc ngậm ngùi và hình như được chị viết từ một thành phố có cái tên rất đẹp - City of Bellevue - nằm cạnh bờ hồ Washington. Bên kia bờ hồ là viên ngọc bích Seattle với Space Needle sáng lấp lánh trong sương.

 

          Cuối năm luồn tay trong tóc

          Nhẹ tênh một mớ hao gầy

          Thời gian như đàn buớm tuyết

          Mơ hồ đậu xuống hai vai.

            (Ngày Tháng Ngậm Ngùi - Trần Mộng Tú)

 

Làm con chim sâu nhỏ dấu mình trong mấy khóm hoa gầy, chờ vỗ cánh bay giữa nắng ấm đầu xuân thì mộng ước rất nhiều, giống như mộng ước đời người giữa tuổi thanh xuân. Tuổi hoàng hôn của chúng ta hiện tại, hình như đã vượt qua ranh giới dành cho những ước mơ to lớn ngày mai. Tóc đã hao gầy và nhẹ tênh theo ngày tháng. Điều an ủi còn lại cho cuộc sống chúng ta chính là chút kỷ niệm nhỏ mong manh về bằng hữu, người thân, gia đình và quê nhà.

 

Lê Tấn Dương

 

No comments: