Thursday, May 18, 2017

CÁI VÁY VÀ CÁI QUẦN (Huỳnh Bá Củng)

Image result for Yếm đào


 (Đã đăng vào blogongtampy tháng 4-2012)


1-Y phục của người Việt Nam. Người Việt mặc áo, quần, xiêm, yếm, váy, khố. Vấn đề định nghĩa phức tạp sẽ bàn sau.
Đại khái áo là trang phục dùng để che phần trên của cơ thể (có thể kéo dài xuống phía dưới nhưng cơ bản vẫn là để che phần trên, ví dụ như áo dài). Quần thì dùng để che phần dưới của cơ thể. Yếm để che phía trước ngực. Xiêm là áo choàng để che trên lẫn che dưới. Khố để che dưới và để lộ 2 đùi. Váy dùng để che dưới và riêng cho các bà.
Quần: Quần ngày nay ai ai cũng đều hiểu là quần có 2 ống. Xa xưa kiểu mặc này không có ở nước ta nhưng trong văn chương chữ nghĩa lại có danh từ quần. Khó mà hình dung thời đó quần là cái gì. Khó phân biệt đâu là quần đâu là váy, đâu là khố. Quần các thời kỳ đó là cái gì? Sẽ bàn sau.

Quần 2 ống thì thấy mặc vào thời Minh Thuộc (1414-1427). Nhà Minh cấm con trai con gái cắt tóc. Đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, tức không mặc váy như trước. Câu đố “Vừa bằng cái thúng mà thủng 2 đầu/Bên ta thì có bên Tàu thì không” định nghĩa được váy là gì và cho biết bên Tầu không dùng váy mà dùng quần 2 ống. Thời tiếp theo, tiền triều nhà Lê, không biết ăn mặc như thế nào. Đến thời Trinh-Nguyễn Phân Tranh, năm 1665 Lê Huyền Tông (1663-1671) ra dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu. Váy truyền thống trở về với người Việt ở Đàng Ngoài. Đến năm 1744 chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoác muốn rạch đôi sơn hà, muốn độc lập, ly khai khỏi Đàng Ngoài, bắt bỏ lối mặc quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu (Giáo Sĩ Koffler).
Người Đàng Trong mặc áo gài khuy và quần 2 ống. Bỏ lối mặc áo thắt vạt và váy của người Đàng Ngoài. Vua Minh Mạng có 2 lần (năm 1828 và 1837) ban sắc cấm đàn bà, con gái Đàng Ngoài mặc váy: “Tháng 6 có chiếu vua ra/Cấm quần cấm áo (có chỗ nói cấm quần không đáy) đôi ta ngại ngùng/Không đi thì chợ không đông/Đi ra bóc lột quần chồng mà mang”. Hay “Tháng 8 có chiếu vua ra/Cấm quần cấm áo người ta hãi hùng/Không đi thì chợ không đông/Đi ra bóc lột quần chồng sao đang”. Có nơi nói tháng 3, 9 hay tháng Chạp. Có lẽ lý do vì mặc váy thô bỉ như quan niệm nêu trên chăng: “Sáng trăng em ngỡ tối trời/ Em ngồi em để cái sự đời em ra/Sự đời như cái lá đa/Đen như mõm chó chém cha cái sự đời”? Mặc váy dễ để lộ cái sự đời em ra!

Thời Pháp Thuộc, ảnh hưởng văn hóa Âu, dùng quần 2 ống phổ biến, áo cài khuy ở trước ngực hay áo dài ngũ thân cài khuy chéo qua bên phải. Thập niên 1940 người Phú Yên đi ghe bầu ra Thanh Nghệ buôn bán có nhận xét thấy xứ này có cái là lạ là “Nhà không chái, đái không ngồi, nồi không quai.” Đái không ngồi là do người Thanh Nghệ mặc váy (quần không đáy), khác với dân ở nơi khác mặc quần 2 ống đái phải ngồi mới đái được. Đái đứng trông thô tục. Đàn bà con gái Thanh Nghệ đái đứng được. Giữa thập niên 1950 các cô văn minh hơn nên xắn 1 ống quần lên rồi ngồi xuống vạch “chiêm” mà đái, không phải tìm 1 nơi kín đáo để ngồi trật quần ra mà đái như các bà quê mùa trước đó. Mặc váy có thô, có tục hay không, nhưng đàn ông vẫn thích nhìn cái váy và đàn bà vẫn thích mặc cái váy để được đàng ông nhìn.

2-Cái váy được ưa thích. Phép vua thua lệ làng. “Lệnh ông không bằng cồng bà.”  Vua nói vua nghe, váy bà bà mặc. Lệnh là cái lệnh được ném ra (như cúng ở chùa, ở miếu hay xử án ở pháp đình người ta ném cái lệnh ra) để thi hành án. Cồng là đánh cồng đáp lại. Cồng bà là cồng của bà Triệu Thị Trinh (đánh cồng). Lệnh ông là cái lệnh của huyện lệnh Cửu Chân Triệu Quốc Đạt (ném cái lệnh ra). Bà đánh cồng hiệu triệu khởi nghĩa thì được con dân đáp lại còn trong khi ông có ném mấy cái lệnh ra cũng không ai chịu thi hành!

Vua Minh Mạng ban lệnh năm 1828 cấm đàn bà con gái mặc váy. Mười năm sau còn phải ban lệnh nhắc nhở cấm mặc váy một lần nữa. Người Bắc thích cái váy hay giữ tập tục mặc váy là hình thức phản ứng lại sự cai trị của người Miền Nam (triều Nguyễn). Nếu không có chuyện đó thì ít ra cũng thấy tính trêu ghẹo vua Miền Nam trong bài hát dân giang nói trên: Vua “cấm quần không đáy người ta hãi hùng.” Thời đó cũng có tác giả hoài cổ, hoài chính quyền Miền Bắc nay đã mất. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/Dừng chân đứng lại trời non nước/Một mảnh tình riêng ta với ta” (Qua Đèo Ngang. Bà huyện Thanh
Bà Huyện Thanh Quan
Quan trên đường vào kinh đô của người Miền Nam để nhậm chức mới) hay “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/Đá vẫn trơ gan cùng tế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương/Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (Bà huyện Thanh Quan-Thăng Long Thành Hoài Cổ). Nếu trong thời Tây Sơn chiếm đóng Miền Bắc có tập Hoài Nam Ca Khúc của Hoàng Quang (1 thứ Phú Xuân Thành Hoài Cổ) thì bây giờ có Thăng Long Thành Hoài Cổ. Ôi cũng là nghiệp chướng. Nghiệp-Qủa tiếp nối không ngừng.

Tới Thập niên 1940 phụ nữ Bắc vẫn còn ưa thích mặc váy “Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục/Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn/Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi  đen rức/Bà lão tính tuổi sắp thêm năm” (Anh Thơ, Đêm 30 Tết-1941).
Thích nhìn cái váy của đàn bà con gái được thể hiện trên việc xem tranh Đông Hồ: “Tranh Hứng Dừa”. Tranh được lưu truyền lâu đời ắc phải được ưa thích lắm. Người ta ưa nhìn cảnh chị vợ tóc váy hở hang hứng trái dừa chồng tung ra, hứng vào váy. Tranh được “phụ đề”: “Khen ai khéo dựng lên dừa/Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi” hay phụ đề câu: “Trong như ngọc trắng như ngà/Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau”. Có tác giả nói tranh có giá trị và được ưa thích vì triết lý hòa thuận, hài hòa lẽ sống âm dương chồng vợ vốn khác phái nên tương khắc nhưng mà cũng tương sinh, hai người tuy 2 mà 1, “ kẻ tung/ người hứng” trong đời sống lứa đôi. Triết lý đậm màu phồn thực của văn hóa Ấn Độ, Đất Phương Nam thờ thần Shiva và thờ bộ sinh thực khí (linga). Văn hóa này thờ 3 vị thần: Brahma (sáng tao).Vishu (bảo dưỡng) và Shiva (hủy diệt). Ba vị can dự vào tiến trình biến dịch luân hồi. Sinh ra (sáng tạo), lớn lên (bảo dưỡng), rồi chết (hủy diệt) làm tiền đề để rồi lại được sinh ra…, biến hóa không ngừng. Không biết phân biệt đâu vào đâu cả nên thờ luôn biểu tượng sinh thực khí (Linga) mà người ta gọi luôn là thần Shiva.

Sự thực bộ linga có 3 phần: Hình vuông ở dưới là thần Brahma (sáng tạo). Ở giữa hình bát giác là thần Vishu (bảo
dưỡng) và trên cùng hình tròn là thần Shiva (hủy diệt). Hình tượng biến đổi đi, rút lại thành bộ Linga-Yoni (sinh thực khí nam/nữ) cũng gói ghém đủ ý nghĩa đó: Sinh ra, lớn lên rồi chết, lại sinh ra… như cặp âm dương của triết lý Đông. Hình ảnh âm dương, chồng vợ hấp dẫn nhau để hoàn thành sứ mạng mà Thượng Đế giao cho chúng sinh trong bức tranh Hứng Dừa như hình ảnh bông hoa đẹp đẽ hấp dẫn ong bướm đến với hoa để thi hành sự giao phối. Nhờ đó mà bảo toàn được hệ sống còn của cỏ cây.

Triết lý âm dương có ý nghĩa tương sinh, tương khắc. Tương sinh là để sinh ra và bảo tồn và tương khắc là để phá hủy mà làm lại. Tương sinh thấy trong sự cộng sinh (giúp nhau tồn tại) và tương khắc thấy trong sự ký sinh (loại bỏ nhau) hay trong tác dụng của lực và phản lực trong môi trường vật chất “vô sinh”. Việc gì cũng đều có sự hiện hữu lực-phản lực cả.

Trong tranh Hứng Dừa có ý nghĩa lấy cái không có biến thành cái có để hiện diện cặp nhị trùng âm dương, tương sinh tương khắc. Không có chuyện tung quả dừa để lấy váy mà hứng quả dừa mà lại có chuyện tung dừa/hứng dừa. Vậy mới hay chứ. Tung cái gì nhẹ như trái chôm chôm để hứng vào cái rổ thì hiện thực hơn, có lý hơn. Tung trái dừa nặng có khi làm để đầu người hứng và hứng bằng cái vạt váy mong manh có thể không thành công thế mà có chuyện chồng tung vợ hứng. Khó khăn hay không có mà làm được để trở nên có mới hay chứ. Có thế mới có vợ, có chồng để được 1 đôi. Và có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.  Nếu không, thì lấy vợ cưới chồng để làm chi cho khổ? Tranh mang nhiều ý nghĩa triết lý văn hóa nên đời đời được ưa chuộng.

Đàn ông thích nhìn cái váy và đàn bà thích được nhìn mình mặc cái váy là chuyện tự nhiên được Thượng Đế ban cho theo triết lý phồn thực nói trên. Vì thế mới có những bài thơ, câu chuyện như sau đây được ưa thích và lưu truyền.

“Đầu làng Ngang có một chỗ lội/Có đền ông Cuội cao vòi vọi/Đàn bà đến đó vén quần lên/Chỗ đến háng, chỗ đến gối/Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười/Cái gì trăng trắng như con cúi/Đàn Bà khép nép đứng liền thưa/Con trót hớ hênh ông xá tội” (Nguyễn Khuyến). Cụ đồ này mà cũng làm thơ gợi ý phồn thực, cũng xúc cảm người đời thích nhìn cái váy để có nguồn cảm hứng làm thơ.

Có câu chuyện trai gái chơi trò xỏ xiên nhau gợi ý phồn thực từ cái váy. Ông lý có cái ô đen mới mua có ý muốn làm “le” con gái.  Khi đi ngang qua cánh đồng ông lý bị đám con gái đang làm cỏ ở dưới ruộng ngâm nga: “Hôm qua em mất cái xống (cái váy) thâm/Hôm nay em gặp người cầm cái ô đen”. Xống trong nghĩa áo xống. Trời ơi! Ăn cắp là tệ. Ông lý mà đi lấy trộm cái xống thâm lại tệ hơn nữa. Vải để làm cái xống mà lấy làm cái dù để đội lên đầu lại càng tệ hơn nữa. Ông lý thứ nhất cụp ô mà lủi đi là vừa! Đến phiên ông lý thứ 2 đến. Nghe lời chọc ghẹo. Đớp chat, ông ngâm: “Nói thế là em cũng nhầm/Hôm qua ông đội khăn thâm ra đình”! Và hãy lắng nghe tiếp con gái dùng hình ảnh phồn thực chọc ghẹo con trai: “Vành ra 3 góc da còn thiếu/Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa…Mát mặt anh hùng khi tắt gió/Che đầu quân tử lúc sa mưa”.

Hình ảnh trai gái chọc ghẹo nhau gợi tính phồn thực như hoa khoe sắc quyến rủ bướm ong. Có thế trai gái, nam nữ âm dương mới được kích thích, hấp dẫn tìm đến lẫn nhau theo như ý đồ của Thượng Đế. Y phục cũng như hình dáng và màu mè của hoa, của ong bướm, hấp dẫn tính giao mà thượng đế đặt ra cũng nhằm việc đó.

Việc tìm đến nhau không đơn giản, không thụ động mà tích cực đấu tranh khó khăn để đưa đến trùng phùng hoàn mỹ trong tính giao. Nhờ đối đáp mà bộ gen cô gái tài hoa đang làm cỏ ở dưới ruộng mới có cơ trùng phùng với bộ gen ông lý ranh ma thứ 2, biết ngâm nga trả đũa. Kết quả đấu tranh để trùng phùng cho được hoàn mỹ là đời sau con cái của 2 người này mới thông thái ra. Nếu bộp chộp mà lấy ông lý thứ nhất thì 1 lũ nhóc con ra đời có thể ngu đần hơn. Thật là triết lý phồn thực.

Ở cây cỏ, thực hiện tính giao đơn giản là sự tự thụ phấn. Nhị đực nằm trên nhị cái. Hạt phấn tự nhiên rơi xuống nhờ trọng lực thực hiện tính giao. Cây nào sinh ra cây nấy thật đơn điệu nhàm chán. Tiến lên bậc cao hơn là thụ phấn chéo. Hình thức đơn giản là phong môi, thụ phấn nhờ gió. Có thế cây này giao phối với cây kia khác lạ để sinh con đẻ cháu muôn hình muôn vẻ. Nhưng cũng thụ động tình cờ thôi. Đến bậc cao hơn là trùng môi, thụ phấn nhờ côn trùng. Hoa khoe sắc muôn hình vạn trạng để hấp dẫn đủ loại bướm ong mang hạt phấn hoa này đến với hoa khác. Hình thức cao cấp nhất thấy ở hoa lan. Tổ chức hoa lan phức tạp đưa đến giao phối phức tạp mà hoàn hảo. Hình thức hoa biến đổi để giống “y như đúc” một thứ côn cùng để “anh chàng” này thực hiện tính giao như ý hoa mong muốn. Hoa nhờ môi giới 1 côn trùng giống mình (hoa) để đem phấn khối (bao phấn của hoa lan) đến hoa lan khác (bạn mình). Tính giao tích cực là hướng để thăng tiến nòi giống. Môn đăng hội đối có phải là hình thức tính giao tích cực hay không? Một hiện tượng hết sức hợp với lẽ tự nhiên mà bị chỉ trích. Tìm đến nhau trong tính giao là 1 hành động tích cực, thú vị, đẹp đẽ và có ý nghĩa triết lý.

“Lang thang” không khéo sẽ lạc đề nhưng để thấy quần áo nam/nữ khác nhau,  che thân trên/thân dưới một cách khác nhau là cách để gợi dục như phân biệt gái/trai (sex separee) để hấp dẫn tính giao nhằm thăng tiến nòi giống (cái tốt tìm đến với nhau). Ai ai cũng có đủ tính trai/gái bên trong thì chẳng tìm đến với nhau làm chi. Sex separee mới tạo lực hấp dẫn. Có tách ra mới có nhu cầu tìm cái mình không có!

3-Chuyện quần hồng. Tìm hiểu về quần. Quần là cái gì? Đầu tiên đề cập tới y phục nữ ở xứ Đàng Trong.  Năm 1621 giáo sĩ Borri mô tả: “Họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị.” Thật khó tưởng tượng họ, người nữ Xứ Đàng Trong mặc thứ gì. Hãy nhìn váy của người Lô Lô và áo của người đàn ông Mnong thì hiểu phần nào đoạn mô tả trên đây (xem ảnh).
Gia Định Thành Thông Chí, chương Phong Tục Chí mô tả: “hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân đất, trai gái đều mặc áo ngắn tay, bâu cổ thẳng, may kín hai nách, không có quần dài, quần ngắn, trai thì dùng 1 tấm vải buộc từ lưng thẳng đến dưới háng vòng đến rún, gọi là cái khố, gái thì mặc váy không gấp nếp.”  Hình ảnh giống như người thượng ở Tây Nguyên và như vua Chiêm được mô tả trong 1 tài liệu nói vua mặc quần hở 2 đùi.

Hồ Xuân Hương
Đến khi Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập mô tả 2 cô gái đánh đu: “Bốn cột lang, nha cắm để chồng/Ả thì đánh cái, ả còn ngong/Tế hậu thổ khom khom cật/Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng/Tám bức quần hồng bay phất phới/ Hai hàng chân ngọc đứng song song/Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy/Cột nhổ đem về để lỗ không.” thì ta mới nghĩ quần là gì? Nhưng cũng khó tưởng tượng  8 bức quần hồng là cái gì.

Có các định nghĩa sau đây: Quần là đồ để che phần dưới của thân thể (Huỳnh Tịnh Của và Đào Duy Anh). Tự điển Genibrel dịch chữ quần là pantalon (dài), culotte (ngắn). Thiều Chửu dịch quần là cái xiêm. Xiêm được Thiều Chửu dịch là áo choàng che trước ngực. Đào Duy Anh dịch là áo che đàng trước. Còn cái váy thì được Đào  Duy Anh dịch là đồ bận dưới. Cái củn là đồ bận trên. Rút ra kết luận: Xiêm là áo choàng ngoài. Xiêm ngắn chỉ che phần trên và chỉ có 1 tên. Xiêm dài thì ngoài tên xiêm còn được gọi là quần hay là váy. Quần là tiếng Hán. Váy là tiếng Nôm.

Nhờ vậy mà ta hiểu quần của 2 cô gái đánh đu. Quần là phần dưới của áo tứ thân và cái váy. Tám bức. Mỗi cô 4 bức gồm một vạt sau (bức thứ nhất) của áo tứ thân do 2 thân may khít lại. Hai thân trước của áo thì tự do (bức thứ 2 và 3), thắt vạt (thay vì cài khuy) ở ngang thắt lưng và phần còn lại ở dưới thắt lưng thì tự do bay phất phới với vạt sau. Bức thứ 4 là cái váy cũng để tốc ra bay trong gió, để lồ lộ cặp chân ngọc.

Hồ Xuân Hương cũng đưa ra bốn mảnh quần hồng bay phất phới trong bài Đánh Đu. “Trai du gối hạc khom khom cật/Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng/Bốn mảnh quần hồng bay phất phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song”.

Trong bài Chỗ Lội Làng Ngang, Nguyễn Khuyến cũng gọi phần che bên dưới của phụ nữ là quần (Đàn bà đến đó vén quần lên). Quần là cái váy. Nếu quần 2 ống vén đến gối hay đến háng thì vẫn còn kín đáo chán, chưa để lộ chỗ bí mật của phái yếu đâu.
Rõ ràng và thuyết phục nhất nói ngày xưa người ta gọi quần là cái váy thấy ở bức tranh cổ “Dã Phụ Y Thử Quần”. Tục danh là quần đùm tức là cái váy (xem ảnh). Nếu hiểu quần là như rứa (phần che thân ở dưới thắt lưng) thì ngày nay ta cũng thưởng thức được người đẹp phô trương 4 bức quần hồng bay phất phới trên catwalk (người mẫu thời trang áo dài), hoặc dưới ánh đèn màu trên sân khấu (người đẹp kiếp cầm ca) chứ cần gì tìm đọc Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập hay thơ của Hồ Xuân Hương nữ sĩ “chịu chơi”. Áo dài với tà trước tà sau và 2 ống quần loe tha thướt có phải 4 bức quần hồng ngày nay hay không. 4 bức quần hồng ngày nay cũng đẹp và quyến rủ thua gì 4 bức hay 8 bức của các cô gái đánh đu ngày xưa!

4-Y phục của người ở xứ Đàng Trong
Giáo sĩ Borri đã mô tả: Phụ nữ thì ăn mặc như nói ở trên. Còn đây là y phục đàn ông: “Đàn ông  thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ống tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và rất đẹp.
Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình. Họ cũng để tóc dài như đàn bà.” Khó tưởng tượng ra kiểu quần áo nếu không có hình ảnh minh họa. Mời xem bộ hình ảnh và video trên đây và album ở facebook huynhbacung rồi đối chiếu 2 đoạn văn Borri mô tả để nghiệm trở lại. Kiểu quần áo được mô tả giống như kiểu của người Chăm hay như các dân tộc tiểu số. Xem như vậy thì vùng đất này hãy còn nhiều người Chiêm hay lai Chiêm Thành.
Mùa kỉ niệm Quốc Tế Phụ nữ. Phái mày râu chúng tui vái chào các bạn nhân ngày vùng lên của các bạn!

8-3-2012. Huỳnh Bá Củng.
Mời xem 2 video tham khảo:
1.  https://www.youtube.com/watch?v=BpfTAJDGeCk&feature=youtu.be .
2.  https://www.youtube.com/watch?v=y8V0_6AceuQ.
HBC

No comments: