Rất tiếc là trong số 25 người
mẹ vĩ đại nhất trong lịch sử (25 of
History's Greatest Moms), không có một phụ nữ Việt Nam nào. Đọc tiểu sử của những yếu nhân như khoa học
gia Marie Curie, công chúa Diana, minh tinh Angelina Jolie …, chúng ta thấy dù “thành
tích” của họ có “to lớn thật”, nhưng nếu so với những khổ cực của những bà mẹ
Việt Nam thì chẳng thấm vào đâu, nhất là những người mẹ phải lặn lội đường xa từ
miền Nam ra miền Bắc để thăm nuôi chồng mà không biết chồng mình ở đâu. Mời quý
anh chị cùng ôn lại quá khứ qua một hồi ký ngắn “Tự Bạch” của Hoàng Liên
Chi.
Thân ái giới thiệu,
Phạm Đức Hiền
Để nói về Mẹ, chúng ta có muôn vàn đề tài, cũng như rất nhiều
câu chuyện về những người mẹ tuyệt vời tiêu biểu cho hình ảnh của người đàn bà
Việt nam. Rất nhiều những tấm gương
thiêng liêng soi sáng để cho chúng ta học hỏi thêm trên đường đời.
Riêng đối với tôi, những người mẹ sau ngày đổi đời 75 mới thực
sự là người mẹ vĩ đại, đáng ngưỡng mộ nhất.
Đã 42 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in với những
thước phim quá khứ lần lượt hiện về...
Hình minh họa (Internet) |
Ngày qua ngày, không một chút tin tức... Hàng ngày, má tôi tất
tả ngược xuôi, hỏi thăm chỗ giam giữ ba, nhưng tuyệt nhiên bặt vô âm tín. Mỗi buổi
chiều, má thất thểu trở về nhà với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi dưới vành nón
lá.
Chúng tôi khẽ khàng hỏi “Có tin gì của ba không má?”
Má lắc đầu buồn bã “Không ai biết gì hết!”
Đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất; mỗi sáng thức dậy lại
nghe tin có một người vừa bị bắn chết tối qua vì có liên quan tới chính quyền
cũ. Không khí hoảng sợ bao trùm cả gia đình. Năm đó tôi chỉ mới 17 tuổi, còn
quá trẻ con để biết trấn an má và các em. Chỉ biết im lặng và cầu nguyện....
Vài tháng sau, có người quen cho biết chỗ giam ba, má tôi tất
bật nấu nướng, sắm sửa mọi vật dụng cần thiết để đi thăm nuôi ba.
Hình minh họa (Internet) |
Khi trở về nhà, má tôi đã mang bệnh sốt rét. Bệnh sốt rét
ngã nước là căn bệnh quái ác nhất thời bấy giờ, nếu không có thuốc hoặc điều trị
không đúng sẽ dẫn đến tử vong. Năm 75 không dễ gì tìm được một viên thuốc Tây.
Tôi chỉ biết xót xa nhìn má bị hành hạ bởi cái rét phát ra từ trong tận xương tủy
mà không biết làm gì hơn. Đau đớn và bất lực!
Thế nhưng trời vẫn còn thương chúng tôi. Một buổi sáng, có chú Nhân, bạn của ba tôi, tới
thăm.
Chú hỏi “Nghe nói má cháu mới đi thăm ba cháu về, phải
không. Ổng thế nào rồi, có khỏe không?”
Tôi nghẹn ngào “Dạ má cháu đi thăm ba về bị bệnh sốt rét mà
cháu không biết tìm thuốc ở đâu để cho má uống.” Chú la lên “Trời, sao mà khổ vậy? Chú có thuốc trị bệnh này
để chú về lấy đem tới cháu cho má uống, bảo đảm trị tuyệt gốc!”
Nhờ thuốc của chú Nhân mà má tôi khỏi bệnh hẳn không còn tái
phát nữa. Gia đình tôi mang ơn chú Nhân, chú là cái phao trong tận cùng tuyệt vọng
của chúng tôi.
Rồi chúng tôi cũng lớn dần lên theo tháng ngày buồn bã. Má
tôi đã chôn vùi năm tháng qua những mưu sinh, lăn lóc chợ đời, vừa phải gánh gồng
thăm nuôi chồng hàng tháng. Người đàn bà đang xuân đã phải chống chọi với những
cám dỗ chung quanh, để giữ tròn chữ đạo với chồng, con.
Và ba tôi đã đi biền biệt cho tới 7 năm! Má tôi, từ một người
đàn bà xuân sắc đã trở thành lam lũ, già nua. Nhưng lúc nào cũng dang đôi cánh
tay, dù yếu ớt, để che chở cho đàn con còn nhỏ dại. Bà đã cương quyết không
lung lay trước áp lực bắt đi kinh tế mới của phường. Đã phản kháng không ký tên trên sắc lệnh tịch
thu nhà... Bà đã cố gắng hết sức để bảo vệ cho chị em tôi trong khi ba tôi còn
đang bị lưu đày.
Sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu tại sao ngày đó má
tôi có thể vượt qua những oan khiên, cùng cực của cuộc đời. Đó là vì chữ đạo,
chữ tâm và lòng hy sinh vô bờ bến của má cũng như của hầu hết những
người mẹ Việt Nam khác trên thế giới này. Điều đó đã cho họ có thêm nghị lực để
có thể đứng vững trước những giông tố của cuộc đời.
Xin hãy tri ân và vinh danh mẹ của chúng ta!
Xin hãy tri ân và vinh danh mẹ của chúng ta!
Hoàng Liên Chi 2017
No comments:
Post a Comment