Con bò đã nằm trên "bàn" Sao hỗng chịu "mổ" còn "bàn"...linh tinh.. |
Hồi nào tới giờ tôi cứ nghe
người ta nói cãi nhau như mổ bò.
Thật tình sống ở thành phố,
chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh mổ bò như thế nào, nên cũng không hiểu tại
sao khi mổ bò phải cãi nhau. Chắc là cãi nhau dữ lắm nên người ta mới ví như vậy.
Khi tuổi đã hườm hườm, con
cái đi bốn phương tám hướng, chỉ còn lại hai “con khỉ già”. Tôi chợt nhớ tới
câu ví trên, bỗng dưng tôi nhận thấy, có lẽ nên sửa câu trên thành “cãi nhau
như hai con khỉ già” thì đúng hơn.
Tám năm trước khi qua tiểu
bang khác để dự đám cưới con gái của cô bạn thân. Bạn bè chúng tôi đã mấy chục
năm chưa gặp mặt. Nay nắm được bàn tay của bạn mình, miệng reo vui, nhưng trong
lòng hụt hẫng. Thiệt tình không hiểu trong mắt bạn cũ, mình già như thế
nào, chứ tôi rất ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng được khi nhìn thấy một cái đầu
bóng loáng chỉ còn lơ thơ vài cọng tóc của một anh chàng từng được mệnh danh là
“người đẹp” của trường mình ngày xưa.
Đúng là mình chỉ thấy người
khác già, chứ mình không thấy mình già, dù người nào cũng đứng trước gương mỗi
ngày!
Bên ngoài thay đổi nhanh thì
bên trong cũng thay đổi chẳng kém.Từ tính tình đến thói quen hàng ngày. Chỉ một
điều duy nhất là ai cũng không chịu nhận mình thay đổi: đó mới là vấn đề của
hai con khỉ già.
Việc đầu tiên sau đám cưới là
khi đi ăn bên ngoài, chàng không cần phải móc ví để trả tiền. Đó là dấu hiệu dễ
nhất để phân biệt một cặp nam nữ khi bước vào quán ăn hay nhà hàng. Lúc trả tiền
là bạn biết ngay, họ đang bồ bịch hay đã cột vào nhau (tie the knot). Mấy ông
chồng cứ việc ngồi ung dung xỉa răng: đã có người lo chuyện trả tiền. Hầu bao của
mình bị lột hết rồi, có giấu diếm được chút nào thì còn để “bù khú” với mấy thằng
đực rựa, lúc chén chú chén anh. Chứ chén (với) em thì để em trả. "A penny save
is a penny gain".
Phục vụ cho cặp tình nhân, bồi
sẽ được tip kha khá, chứ lấy nhau rồi họ cho ít xỉn. Cô tiếp viên ở quán ăn
đang than thở với cô bạn thợ tóc, thì cô này cũng xua tay đồng tình: khỏi nói,
mấy ông khách hồi còn độc thân mỗi lần cắt tóc cho nhiều tip. Lấy dzợ rồi cắt
đi phân nửa. Có phải thế không quí vị đàn ông?
Hết đám cưới bạc tới đám cưới
vàng, cặp uyên ương ngày xưa tình tứ lãng mạn bao nhiêu, thì bây giờ lãng nhách
bấy nhiêu. Chẳng còn ca tụng tình em như tuyết giăng đầu núi, vời vợi muôn thu
nét tuyệt vời.
Tuyệt vời gì nổi, khi bà thử
cái áo mới mua về. Hí hửng hỏi: ông thấy có đẹp không? Không khen thì chớ, ông
lại buông nguyên một gáo nước lạnh: 20 năm về trước.
Bữa khác ông quên bẵng câu trả
lời của mình hôm nào. Cũng hí hửng khoe bộ cánh mới mua, và hỏi bà, chứ hỏi ai
bây giờ. Bà chẳng thèm nhìn, chỉ phán một câu: trông như con bú dù!
Thế là huề, ăn miếng trả miếng.
Các cô gái Việt ngày xưa thường
lấy chồng lớn tuổi hơn mình, vì chê con trai bằng tuổi coi như em út. Tới tuổi
về hưu, mấy ông chồng ở nhà, còn mình vẫn phải đi làm. Mới chợt nhớ sao mấy con
nhỏ Mỹ làm chung, đứa nào cũng già hơn chồng cả chục tuổi, và tụi nó rất hãnh
diện về điều này. Khi nghe nói chồng hơn 10 tuổi, có đứa buột miệng: sao lấy
ông già?
Về nhà kể cho chồng nghe: con
gái Mỹ khôn thiệt, lấy chồng trẻ mai mốt mình về hưu sớm, ông chồng vẫn phải đi
cày.
Ông chồng già với bộ mặt
khinh khỉnh trả lời: không phải đâu bà ơi, nó phải cày chuyện khác cho lâu đó
mà. Càng lâu càng tốt. Bà không nghe bây giờ ở VN, người ta nói “Phi công trẻ
lái máy bay bà già đó sao?”, cứ gì con gái Mỹ trâu già mới thích gặm cỏ
non.
Bà thì nói ông không nghiêm
chỉnh, ông thì bảo tự dối lòng, không thực tế. Ông mang chuyện hồi xuân của mấy
bà ra làm chứng, bà bảo ông là đệ tử của hồi giáo, toàn nghĩ chuyện cà chớn. Thế
là lại cãi nhau. Thật sự ra bà biết các ông hết thời oanh liệt nên gặp nhau cứ
than thở chuyện “gãy súng”. Mấy ông bảo Cao Xuân Huy nói “tháng Ba gãy súng” là
không đúng. Súng vẫn còn, chỉ tịt ngòi vì thiếu đạn thôi. Những năm tháng tù
đày trong lao tù Cộng Sản đã làm cho mấy ông xót xa cho người vợ trẻ ở nhà “
Xuân đời chưa hưởng kịp, mây mùa Thu đã sang”.
Đối với các ông, sự thiếu hụt
chuyện gối chăn là điều quan trọng nhất. Mặc dù các bà luôn luôn gạt đi, nhưng
các ông vẫn bị ám ảnh về chuyện này.
Khi già người ta sẽ trở thành
trẻ con. Nhưng không phải trẻ ngoan, mà là trẻ cứng đầu. Một trong những nguyên
nhân làm cho hai con khỉ già cãi nhau rất dễ dàng: đó là lúc có người bắt đầu
nghễnh ngãng và đãng trí.
Trước khi ra khỏi nhà bà dặn
ông: khi máy giặt ngừng, nhớ bỏ vào máy sấy. Tới chiều về, quần áo vẫn y nguyên
trong máy giặt.
Nếu dặn, ông bảo không nghe.
Lần sau, rút kinh nghiệm viết giấy. Chiều về vẫn không thấy quần áo trong máy sấy,
nếu hỏi thì trả lời quên, hoặc có đọc nhưng không hiểu.
Cái cứng đầu bướng bỉnh của
người già mà người ta gọi là chướng, xảy ra thường xuyên. Ông thích cởi trần
vào mùa hè, có khi chỉ mặc cái quần xà lỏn. Bà ca cẩm: nhìn ông cởi trần tôi thấy
choáng cả người. Ông đủng đỉnh nói: sao ngày xưa khi bà ghé nhà trọ, lỡ thấy
tôi cởi trần, bà bảo choáng váng mặt mày. Bà xí một tiếng thật dài: khốn nỗi nó
không có lòng thòng như bây giờ.
Ông cũng trả miếng: “núi” Phú
sĩ Sơn ngày xưa bây giờ nó thành mả Đạm Tiên rồi bà ơi? Chưa kể bây giờ nó còn
“bên thấp bên cao” bèo nhẻo bèo nhèo. Thiệt tình nghe mà tức anh ách. Vậy mà hồi
đó ca tụng “ngực thơm hoa bưởi, môi hôn bão về”.
Chúng ta đừng tưởng đám hậu
sinh bây giờ mới có chuyện “trả treo” nhau.
Cụ bà Tú Xương cũng móc cụ
ông nhẹ nhàng, khi được hỏi: bà thấy thơ của tôi có hay không?
Cụ bà nói ngay:
Rằng hay thì thật là hay,
Không hay sao lại đậu ngay tú tài.
Bà
Tú quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng, là người đàn
bà Việt Nam tiêu biểu.
Chồng tôi áo rách tôi thương
Chồng người, áo gấm, xông hương, mặc người.
Không phải ai cũng có người để
cãi nhau. Khi một người ra đi họ mới thấy cãi nhau như hai con khỉ già là điều
hạnh phúc . Ít ra họ cũng cùng nhau bước đi trong cuộc đời mấy chục năm.
Bà chợt nhớ tới bài thơ đôi
dép, sao mà hay thế.
ĐÔI DÉP
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
Nếu một ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu một chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…
Nguyễn Trung Kiên:
Sao giống zợ chồng ai, quá zậy? |
Lênh đênh chiếc bách giữa
dòng
Thương thân goá bụa, phòng
không lạnh lùng.
“Mọi thay thế sẽ trở thành khập
khiễng” khi một người đã ra đi. Và ngày đó người còn lại sẽ thèm được cãi nhau, dù biết lẽ vô thường
của cuộc đời.
Chuyện gì cũng cãi nhau, ngay cả chuyện đòi đi sau đi trước.
Khi vui thì muốn sống dai
Khi buồn thì muốn thác mai cho rồi.
Thế thì nắm tay nhau say
goodbye cùng một lúc, là điều lý tưởng nhất. Khỏi mất công tị nạnh ai sướng đi
trước, ai khổ đi sau.
Dù ngày xưa có thề non hẹn biển.
Đi cùng nhau cho đến hết cuộc đời. Đã vượt qua bao thử thách để gây dựng
cuộc đời từ những ngày cơ cực hàn vi.
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo
cũng qua.
Bây giờ ông (bà) bỏ tôi đi
Mình tôi cô quạnh nắng mưa với
đời.
Lại Thị Mai
No comments:
Post a Comment