Hồi còn trẻ tôi theo đòi ngành khoa học tự nhiên quen với cân,
đo, đong, đếm và những logic khô khan. Thỉnh thoáng thư giãn với vài ca khúc.
Thưởng thức cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa.” Rung cảm chút ít bỡi giai điệu
và vài ca từ bén nhạy đặc biệt. Thế thôi. Nay tuổi già, những lúc “trăng tàn
trên hè phố” hay “khi tỉnh rượu(đã từng say men thua thắng trên đời), lúc tàn
canh(ngày tàn còn sót)”, trở lại chỗ văn chương ca hát tìm chút cảm giác nhận
ra điều này.
Thường khi thưởng thức bài hát, ta không để ý đến văn chương
chữ nghĩa mà chỉ chú ý đến giai điệu, âm thanh, nghĩa ca từ thuần túy. Như thế
thì biên độ rung cảm không được nâng lên. Nghe xong thì như gió thoảng, không
hát được hết bài từ đầu đến cuối. Để ý 1 chút để xem ca khúc nói cái gì thì
có thể thích, nhớ được lâu hơn. Và khi nghiên cứu đến bố cục ca khúc thì hiệu
quả rung cảm tăng lên gấp bội và sẽ nhớ như in câu này đến câu khác để hát lại
được toàn bài. Té ra soạn ca khúc, nhạc sĩ cũng bố cục bài hát có nhập
để, thân bài và kết luận như 1 văn bản thường tình. Chính kỷ thuật sắp xếp đó
làm giá trị nghệ thuật ca khúc được nâng cao.
Trở lại ca khúc “Con Thuyền Không Bến”, Đặng Thế Phong bố cục
bài hát tài tình khiến ta có cảm giác như đọc thơ hay của Đỗ Phủ hay của Nguyễn
Du. Ca khúc “Con Thuyền Không Bến” là 1 bài tả cảnh, tả tình sâu sắc. Hình ảnh,
âm thanh được gợi lên rất mạnh đưa đến người ta hiểu tận cùng cái nghĩa lý chứa
chan ở bên trong. Ta được khoái cảm ở chỗ đó.
Chủ đề ca khúc là chuyện con thuyền trôi trên sông không dám cập
vào bến nào. Con thuyền trôi sông chỉ là mượn hình ảnh để minh họa người phụ
nữ, phái yếu và là phái đẹp. Thực sự là chuyện người con gái 12 bến nước.
Thuyền mong manh. Người con gái cũng mong manh. Nhưng Trời cho phái này cái đẹp
để mà ham muốn, lại tặng thêm biển tình tràn ngập cả linh hồn bên trong và dạt
dào lên cả thể xác để hấp dẫn phái Nam. Ước muốn của người con gái là muốn cập
được bến bờ để dâng hiến xẻ chia. Nhưng họ không được cho tự chủ. Trời định
cho họ 12 bến nước nên không biết đâu là bến là bờ(Bến mơ dù thiết tha, thuyền
ơi đừng chờ mong!). Thì thà cứ để trôi sông. Kiếp nữ nhi sinh ra yếu đuối cô
đơn cũng hoàn lại cô đơn yếu đuối trong cái bao la đầy bất trắc của tạo hóa.
Câu chuyện không có hậu xứng với cái tên “Con Thuyền Không Bến”.
Bố cục bài hát. Nhập đề tới 8 câu. Bốn câu đầu giới thiệu thuyền
trôi trên sông nhưng vẫn còn luyến tiếc cái gì ở trên cạn như nhớ thương ai.
Một vài nét chấm phá đặt để chủ đề ở cận cảnh với không gian và thời gian.
Đêm, lúc Thu sang, gió heo may, sương lam, chân mây trắng, trên sông. Khung cảnh
thật cô đơn lạnh lẽo. Tác giả bồi thêm 4 câu nữa tả cảnh xa hơn, trên bờ, đưa
âm thanh vào. Hơi Thu còn thấy cả ở trong cây cỏ. Gió nhẹ nhưng lạnh, len qua
muôn cành cả 1 rừng thông ở xa xa, rít lên như tiếng oán than cho ai tàn 1 giấc
mơ.
Thân bài chỉ có 14 câu chia ra 2 khổ. Khổ đầu 8 câu tả cảnh
thuyền thụ động trôi trên sông theo gió, theo trăng. Ngay bản thân dòng sông
đã an bài tính bất định trôi sông cho thuyền. Nước chảy 2 dòng thì biết trôi
về đâu. Và lòng sông nông sâu không lường được. 6 câu kế tiếp tả tình, tả nội
tâm của chủ thể. Cũng cùng ý với với Nguyễn Du tả ở trong Kiều. Người buồn cảnh
có vui đâu bao giờ: Cảnh sông lúc Thu sang vắng, lạnh, về đêm, có ánh trăng
soi thật buồn thì người có vui đâu bao giờ. Cảnh với tình như thế nên chủ thể
ngại gió e sương nên quyết định không cập bến mơ nào dù nghĩ bến có thiết
tha. Cuối cùng dẫn đến kết luận.
Phần kết luận: thật gọn gàng dứt khoát thuyền cứ để trôi trên
sông bao la thành “Con Thuyền Không Bến” dưới ánh trăng mờ ảo, trong đêm
thâu!
Theo dõi sát nút mô tả như thế thì cứ hát lại sẽ hát đến hết
toàn bài mà chẳng bị vướn víu nhầm lẫn câu ca bỡi vì giai điệu và nốt nhạc
thì cứ lập lại giống nhau trong khi ca từ thì khác nhau. Giữa Đông Giáp Ngọ.
11-11-2014,
Huỳnh Bá Củng.
Click vào link xem video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=jAn4TpkOYs0
Khong Loi.
|
Friday, May 12, 2017
ĐỌC CA KHÚC CON THUYỀN KHÔNG BẾN (Huỳnh Bá Củng)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment