Friday, May 5, 2017

NGÔN NGỮ "CHAT" - Huỳnh Bá Củng




NGÔN NGỮ CHAT.

Trong vòng có 50 năm(1960-2010) mà thế hệ cha khác thế hệ con 1 trời 1 vực. Khoảng thập niên 1960 con cái cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy, cha mẹ thì nhất, không bao giờ sai. Con gái tuổi đôi mươi mà không có chồng là sợ run rồi, ngại “óng chề, ế chồng”. Ngại là sợ người ta chê mình là con gái độc(cái giống độc hại không được để làm giống!) “cây độc không trái/gái độc không chồng”. Nay con tôi 35/40 tuổi mà hối nó lấy vợ lấy chồng thì nó nói bố mẹ quá cổ lỗ sĩ. Hổng vợ hổng chồng thì có làm sao đâu? Thời tụi tui trai gái yêu nhau thấp thỏm ngồi hàng tuần hàng tháng trong cữa sổ mong cánh thư vàng của người yêu, chờ ông phát thư như trẻ chờ mẹ đi chợ về cho cái kẹo. Ngày nay tụi nó không để mất thời gian chờ chờ, đợi đợi mà ngồi ngay vào PC(personal computer) hay cầm điện thoại lên bấm… bấm…, chat với chít liền tay. Ngôn ngữ nói cho nhau thì là thứ gì mà bọn già này chẳng hiểu.

Đầu tiên trên mạng thấy những mẫu nhắn tin mà bọn già này “ớn xương sống”: Một cô gái ở trường nhắn tin cho 1 bạn trai: “Anh oi, em dang o truong. Anh den ngay di, muon lam roi.” Một cô giáo vừa được cất nhắc lên chức, nhắn tin thầy hiệu trưởng: “Em hua Chu Nhat nay em se rua lon, cho thay hieu truong qua choi”. Một cô em ở nhà nhắn tin cho anh mình ở xa: “Ngay nao bo cung coi ao, me thi coi quan, lam cho den liet luon.” Tôi sững sờ thì con tôi cười ngất: “gõ tiếng Việt không dấu mà ba!” Thời buổi bây giờ, thì giờ đâu mà gõ có dấu và lại gõ có dấu máy nó “hổng nghe”. Ờ, ba quê nhỉ. Ba nhớ rồi. Tôi nói thật thà, gõ thì phải gõ có dấu. Gõ có dấu người ta(hạn hẹp trong “thế giới” người Việt thôi) mới hiểu. Ba nhớ rồi có lúc ba gõ có dấu cái máy nó “lắc đầu” không hiểu(không đọc được lệnh của ba). Ba phải gõ lại không dấu thì nó mới “ok”. Ừ, có lý nhỉ. Ba là loại dốt thứ thiệt, chẳng theo kịp thời đại với tụi bay! Tụi nó lại cắt nghĩa “thời đại ngôn ngữ chat.”
Nó giới thiệu cho tôi một đoạn ngôn ngữ chat mà Joe(người Canada) đăng trên blog: “nếu chat yahoo và có người viết 2 chữ ấy(q và u) thì mìn sẽ nói lun: “Trùi ui, cái gì mà wê thế!”-để họ sẽ wen với wan điểm wần chúg của giới trẻ trog wốc.”

Thật là 1 sự rút gọn khinh khủng làm bọn già chúng tôi choáng váng: mình bỏ “h” thành mìn. Luôn bỏ “ô” thành lun. “Qu” thay bằng w. Chúng bỏ “n” thành chúg. Trời ơi bỏ “ơ” nhưng lại thêm u thành trùi ui.
Bọn trẻ thích dùng ngôn ngữ chat như trên. Chúng nó giải thích là vì không có thì giờ gõ(type) nên rút gọn. Đại để là như thế nhưng sự thực thì có lúc chẳng rút gọn tí nào mà lại biến âm đi. Chat là nói chuyện với ngôn ngữ riêng của tụi nó, thế thôi. Chúng nó thích tỏ tình hay ghẹo nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng. Chuyện viết tắt, rút gọn là phụ. Tác dụng là đem màu, đem sắc, đem hình ảnh, đem âm thanh mới vào ngôn ngữ. “Trời ơi” nghe thành “trùi ui”. “Cổ hũ lắm” thành “cổ hũ lém”. Thật tình tôi cũng bị lây cái “mê mê” của ngôn ngữ bọn trẻ này vì có cái gì khang khác bình thường và không còn khó chịu về cách sống vội, chat vội đầy stress của bọn nó nữa một khi đã làm quen đọc thứ ngôn ngữ chat này.

Từ bài viết của Joe đăng trong blog tôi rút ra đoạn sau đây gới thiệu cách tạo ngôn ngữ chat của bọn trẻ ngày nay mà Joe đã trình bày: Bỏ  “ô” thay bằng “u”: “trong mụt/một số trường hợp đặc biệt thui/thôi.” “Hiểu ý của mình rùi/rồi.” Trên mạng tôi thấy có đứa xài piệt như phân piệt  thay phân biệt!
Bỏ “ô”, như: “Phải sửa lun/luôn. Mình không mún/muốn làm người khác bùn/buồn đâu”.
Bỏ “ô” đồng thời thêm “u”  “Không phải riêng nguyên âm thui/thôi đâu.”
Bỏ phụ âm “n”: “Mụt/một trong nghữg/những nghi phạm. Vâg/vâng”. “nhưg/nhưng cũg/cũng chưa xog/xong”.
Bỏ “h” ở cuối từ: “Mụt mìn/mình”. “Mụt cách kin/kinh khủg”.
bỏ “k” ở đầu từ: “Mìn hôg/không chịu nổi”.
 Thay “qu” bằng “w”: “Trùi ui/trời ơi cái gì mà wê/quê thế! Họ sẽ wen với wan điểm wần/quần chúg của giới trẻ trog wốc”.
Bỏ “ch” ở cuối từ mà Joe cho là hợp lý: “Sút/suốt ngày “ch” “ch” trùi ui/trời ơi lisk kisk/lích kích lắm. Lại còn cũ risk/rích nữa. Thui/thôi thay bằng chữ “k” đi”.
Chữ “gì” thay bằng “j”: “Chữ “j” đứg ở mụt mìn nhìn rất gầy, rất người mẫu. Yêu chữ béo làm j ?/gì?”.
Thay “gi” bằng “J”: “hôg có đủ thời jan/gian để jải thík hít”
Thay “yê” bằng “i”: “iu an/anh wá trời lun!”
Thay “ă” bằng “e” hay bỏ “ê”: “Cậu em hôg bít j/gì đâu, nghe  dễ thươg lém”.
Lúc đầu thấy xuất hiện những từ “dị hượm” tôi cứ ngỡ là nó nôn nóng gõ sai, cứ khuyên tụi bay phải cẩn thận. Coi chừng lỗi chính tả. Ai ngờ cái sai trùng lắp y chang tuồng như bọn nó gõ chủ ý. Cuối cùng tôi mới hiểu ra có 1 thứ ngôn ngữ của bọn trẻ. Nghĩ mình quê thật là quê. Bọn già chúng mình cũng nên biết chút chút. Không thể để 2 thế hệ cách quá xa nhau. Con nó nói một nơi, ông bà cha mẹ cứ “hữ” với “hẽ” như đồ điếc lác chánh cống. Một ông Tây mà cũng hiểu được, đồng cảm được với giới trẻ của chúng ta. Chúng ta là thân sinh ra bọn chúng mà chẳng đồng cảm được với chúng hay sao? Vì nghĩ như thế mới xin phép tác giả Joe trích bài của “tiên sinh” để gới thiệu ngôn ngữ mới mày. Chân Thành cảm ơn. Sau đây là từ khóa để bạn nào thích thì tìm đến bài viết “Ngôn Ngữ Chat” của Joe. Ngôn ngữ này tốt hay xấu. Nên lưu hành hay nên cấm thì để riêng ra. Ở đây tôi muốn nói là thể hệ trước cũng nên cập nhật để Nhật Tân, Hựu Nhật Tân. Cẩu Nhật Tân, Nhật Nhật Tân, Hựu Nhật Tân.

Huỳnh Bá Củng.
Một ngày tháng 5
Năm 2012.


No comments: