Đã từ lâu tôi muốn viết đôi điều về Phạm Cao Hoàng, nhưng không
có đủ dữ kiện để vinh danh nhà thơ văn Phú Yên luôn luôn trung thành với văn phong,
người yêu và quê hương của mình.
Anh có nhiều “cái” dễ thương, và như một kẻ bàng quan, tôi
xin được nêu ra vài cá biệt:
- Những bài thơ của anh không bao giờ có những mẫu tự viết hoa (upercase)
- Thường nhắc đến vợ thân yêu là chị Cúc Hoa, người được họa sĩ Đinh Cường vẽ trong bức tranh dưới đây:
- Luôn nhớ về quê hương Phú Yên, nơi anh sinh ra, và Đà Lạt, nơi anh phải lòng chị Cúc Hoa; đặc biệt anh luôn tự hào mình là dân Phú Thứ, nơi có những ngọn gió ngọt ngào đã thổi vào tâm hồn của anh để trở thành một thi sĩ có tầm vóc "văn học"...
Nhưng “thiện ý” của tôi không cần thiết nữa, vì những tác phẩm của anh từng được rất nhiều phóng
viên nổi tiếng viết giùm rồi, như Trần Hoài Thư (NHỮNG BÀI THƠ...CỦA PHẠM CAO HOÀNG), Cao Thoại
Châu (PHẠM CAO HOÀNG, đẳng cấp thi sĩ), Vũ Trà My (PHAM CAO HOÀNG & THƠ),…
Và tuần này chúng ta lại được phóng viên Đỗ
Xuân Tê giới thiệu tập thơ “Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương”:
Chiều cuối tuần ra
check mail, bàn tay chạm vào cuốn sách nhỏ, xem dấu bưu điện tôi đoán ngay tập
thơ mới của Phạm Cao Hoàng. Tác phẩm thứ năm của anh với cái tên khá hay và nhẹ
nhàng “Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương”, gồm khoảng ba chục bài thơ
sáng tác trải dài gần bốn thập niên.
Nhiều bài tôi đã có
dịp đọc trên mạng internet; mới nhất là bài “Cũng may còn có nơi này”
đánh dấu những vui buồn trên chốn quê người từ ngày anh và người bạn
đời rời xa quê hương. Tôi coi nó như “bài thơ trong năm” (Poem Of The Year)
tiêu biểu cho dòng thơ họ Phạm mấy năm trở lại đây. Cũng do ngẫu hứng tôi đã
viết được vài cảm nhận khá tinh tế về cõi thơ của anh cùng động cơ và môi
trường sáng tác, nhân vật và sự kiện dù chỉ khai triển từ bài thơ này.
Nay thì cả một tâp thơ
trước mặt, in ấn trang nhã và được chăm sóc bởi hai người bạn văn từ Thư Ấn
Quán, trình bày minh họa với kỹ thuật bậc thầy từ chỗ anh em, kể cả 4 phụ bản
tranh Đinh Cường và Nguyễn Trọng Khôi, càng độc đáo khi được kèm cả chục
trang nhiếp ảnh nghệ thuật in trên giấy láng do chính tác giả của tập thơ thực
hiện.
Chưa kể nội dung với
những vần thơ của tác giả có bề dày văn thơ gần nửa thế kỷ, tập thơ vừa viết
cho mình, vừa nói hộ cho người, nếu được gói ghém khéo tay sẽ trở thành món quà
tinh tế thân gởi cho nhau trong vòng những bạn bè yêu thơ bốn phương, đặc biệt trong
các dịp sinh nhật lễ lạc hằng năm tại Mỹ cũng như quê nhà.
Với tôi, một người
thích đọc thơ và cũng đã quen với dòng thơ họ Phạm, cảm xúc không hẳn chỉ
đượm mùi thơm của sách mà nghe như đâu đây còn vương tỏa “mùi hương của đất”,
một chủ điểm sáng tác gần như xuyên suốt trong dòng thơ trữ tình điêu luyện của
người thơ đất Phú Yên.
Trước khi nhận được
tập thơ, tôi đã được đọc trước hai bài viết coi như lời bạt và lời tựa của
Nguyễn Xuân Thiệp và Phạm Văn Nhàn mặc nhiên như giới thiệu mào đầu cho cuốn
sách. Cũng là cái duyên khi Phạm Cao Hoàng chọn hai tri kỷ một là nhà văn, biết
anh cả nửa thế kỷ, gần gũi đi về buồn vui chia sẻ những kỷ niệm khó quên nơi
vùng đất anh sinh ra và lớn lên (Tuy Hòa). Một người thơ mà tôi quen gọi “người
Đà Lạt” theo cách nhìn của tôi dù tác giả những bài “Tản mạn bên tách
cà phê” chỉ sống và công tác trên thị xã này nhiều năm nhưng đã hiểu và yêu
Đà Lạt, nên không gì thích hợp hơn khi được chọn viết cảm nhận về nơi Phạm Cao
Hoàng đã gặp và chung sống với người bạn đời trên thung lũng tình yêu (Đà Lạt).
Cả hai địa danh mà đa phần tập thơ nhắc nhớ như nơi chốn để thương, để nhớ, để
trăn trở, để tìm về, ngoài cánh rừng Scibilia nơi gia đình đang ở, địa danh thứ
ba mang dấu chân tác giả “đất còn thơm mãi mùi hương”.
Nói đến đất và người,
từ thuở sáng thế vẫn là hai thực thể tương tác lẫn nhau. Đất có trước người có
sau, nhưng tưởng tượng nếu đất không có người và khi người cả đời không có đất?
Chính vậy mà tôi yêu hai câu thơ của Chế Lan Viên, “Khi ta ở, chỉ là đất ở/
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Từ đó tôi càng hiểu và cảm nhận sâu sắc tâm
tư của Phạm Cao Hoàng cả đời đi nhiều, trải nghiệm nhiều nơi chốn anh đã đi qua
nhưng không ngừng trăn trở về những nơi anh đã sống từ thuở ấu thơ đến tuổi về
chiều, để rồi thỏa lòng cám ơn những sáng êm đềm/khói cà phê quyện
bên hiên nhà mình.
Quả thật, ai cũng có một quê hương để sống, một gia đình để chở che, một tình yêu để mơ ước, một tình bạn để sẻ chia. Phạm Cao Hoàng không ra ngoài ước lệ này và chẳng phải tình cờ mà trước sau anh vẫn đưa chất liệu này vào thơ, gắn kết với cuộc đời mà nhìn lại buồn nhiều hơn vui, gian nan nhiều hơn thuận lợi, nhưng dù sao vẫn cám ơn đời vì cũng may còn có nơi này/để tôi còn có những ngày bên em. Hạnh phúc chính là đây, cuộc sống cũng là đây.
Chẳng phải tình cờ mà
tập thơ được phát hành trùng hợp với ngày Father’s Day năm nay. Cũng không lạ
khi cuối tập xuất hiện một trong những bài thơ ấn tượng nhất, bài Cha tôi.
mà có lần khi đọc được bài thơ này tôi đã e-mail chia sẻ niềm tâm đắc sâu sắc của
một bạn văn cũng cảnh mất cha lúc tuổi đời vừa vào lớp 6. Ta hãy đọc lại:
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương
Càng buồn hơn khi quê
hương vừa ngừng tiếng súng, cha anh đã bỏ anh đi mãi mãi, để rồi “Sau chiến
tranh trở lại Tuy Hòa”, người con sống sót chỉ biết:
khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau.
Trong chỗ riêng tư,
mỗi người một cảnh, nhưng nếu liên hệ cảnh đời sau tháng tư đen của tác giả,
ông cụ ra đi cũng là đúng lúc, vừa đủ để vui thấy con cháu về nhà bình an sau
chiến tranh, vừa không phải nhìn cảnh con trai chạy gạo không đủ ăn, cuộc đời
bầm dập bấp bênh trong cảnh quê hương một thời u ám.
Điều an ủi cho Phạm
Cao Hoàng là anh vẫn còn giữ mãi trong cuộc đời mùi hương của đất quê
nhà, nơi hắt hiu một bóng mẹ già, nơi thấm đẫm những giọt mồ hôi của
người cha – người đã cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách,
nơi mà ai còn, ai đi, ai nhớ/cuối trời hiu hắt mây bay trong bối cảnh
Phạm Cao Hoàng và hàng triệu người Việt Nam trôi giạt nơi xứ người chỉ mong sao
mai kia tôi là hạt bụi/bay về phía Thái Bình Dương./.
Santa Ana, nhân Father’s Day 2015
Đỗ Xuân Tê
No comments:
Post a Comment