Thursday, May 18, 2017

"TÁM ĐÃ ĐI RỒI" (Thầy Dương Đình Đống)

Quý thầy cô và các anh chị,

Sáng nay, check mail, thấy có bài “điếu văn” của Thầy Dương Đình Đống kể lại những vui buồn liên quan đến thầy Tổng Giám Thị Trần Tiến Toản, ngươi có biệt danh “Anh Tám”, (Thật sự, những người ngỗ nghịch như tôi thì tặng cho thầy nickname là “Tám Toản”), đã từ bỏ đồng nghiệp và đệ tử của mình để trở về miền vĩnh hằng.   (Chắc các bạn còn nhớ hầu nẩm tụi mình hay chọc với nhau là “Thầy Tám Toản [Trần Tiến Toản] thiếu tiền tiêu tết Trung Thu, toan tự tử trên toa tàu tối Thứ Tư tại tỉnh Thừa Thiên….”?)

Bích Thủy
Thầy Đống có một trí nhớ rất dai, thầy có thể nhớ lại những chi tiết mà ngay cả con rể như tôi cũng quên bẵng đi mất việc bố vợ (quá cố) của tôi là Hồ Châu Long, (ba của Hồ Thị Bích Thủy “Miền Nam”), có một trại nuôi heo ở Đông Tác (?). Cám ơn thầy đã nhắc lại.

Nói lên điều này để quý thầy cô và các anh chị hãy thông cảm rằng, trí nhớ của chúng mình ngày càng bị sa sút. 

Vì thế, như một ngọn nến lung linh trước gió, xin chúng ta hãy ráng giữ cho ngọn lửa được leo lắt trong đêm tối, khi chúng ta cùng thắp lên để đưa tiễn người thầy khả kính về nơi an nghỉ cuối cùng; mọi đúng sai, xin hãy đợi gặp "Thầy Tám Toản" hỏi cho ra lẽ .


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
San Jose, May 18, 2017
Phạm Đức Hiền

Image result for break page

“TÁM ĐÃ ĐI RỒI”
"Điếu Văn" của Thầy Dương Đình Đống gởi Thầy Tổng Giám Thị Trần Tiến Toản

Sài Gòn ngày 18 tháng 4 năm 2017,

Tối hôm qua, em Nguyễn Hùng Hớn ở Tuy Hòa báo tin cho Tôi,  thầy Trần Tiến Toản đã qua đời! Sáng nay,  đọc trên Internet,  thấy Em (Hiền) ở Mỹ cũng đưa tin thầy Toản đã...   từ giã vợ con, hàng xóm,  bạn bè và học trò cũ tại Phú Yện,  để đi vào giấc ngủ vĩnh hằng!

Vô cùng nhớ tiếc Anh ấy! Với Tôi, anh Toản đã để lại nhiều, rất nhiều tình cảm, nhiều khi trái ngược!

Nhớ lại khi trước, Anh Toản từ Hải Phòng di cư vào Nam năm 1954, dạy tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng.   Sau đó chừng 1 năm, Anh ấy lại bay vào Nam và đáp xuống dạy trường Phan Bôi Châu, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.  Chưa đầy một niên khóa, vì xích mích với Ông Hiệu trưởng Lê Tá, thầy của Tôi , người Quảng Nam, rất giỏi về nghiệp vụ, và rất nghiêm khắc, cũng vừa được đổi từ Hiệu Trưởng trường TH Võ Tánh Nha Trang về đây...  Vì "không đồng ý với nhau", một lần nữa, anh Toản lại bị đổi về trường PT Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, năm học 1961-1962, nơi được xem là vùng đất lưu đày của các giáo viên thuở ấy! Nhưng “đất lành chim đậu”, anh ấy đã đem người vợ mới cưới là chị Hồ Thi Hường, cùng học trường Võ Tánh như Tôi (nhưng sau Tôi 1 năm), quê Quảng Nam, lúc ấy ở xóm Cây Bàng, gần Tòa Án Nha Trang (Khánh Hòa).  Anh Toản đã chọn Tuy Hòa làm quê hương để sống, làm việc, nghỉ ngơi, dưỡng già cho tới mãn cuộc đời...
 
Vốn là người rất năng nổ và có cá tính mạnh mẽ, nên chỉ ít lâu sau đó Anh đã thay anh Hoàng Văn Trí, làm Tổng Giám Thị trường Nguyễn Huệ, một chức vụ rất có uy với học sinh, trải qua 3 đời Hiệu Trưởng nhà trường là Nguyễn Đăng Ngọc, Nguyễn Đức Giang và Lê Ngọc Giáng.  Ông Nguyễn Đăng Ngọc, người rất bản lĩnh, không nghe lời "đôn đốc", anh Lê Ngọc Giáng người hiền lành, không thích lời dèm pha, nhiễu sự, nên anh Toản không lũng đoạn Nhà trường được; nhưng với anh Nguyễn Đức Giang thì khác...  Hai ông bạn trở nên thân thiết, như hình với bóng, các sở thích đều rất hợp nhau: Lúc bấy giờ, học trò thường thấy Anh ấy luôn luôn đọc các tác phẩm như "Cô Gái Đồ Long", khi ngồi trong phòng Tổng Giám Thị.  Anh Toản cũng thích chơi xì phé và thích nhất là môn mạt chược: Anh  được các tay cừ người Hoa của môn này tại thị xã tôn là "Sư"!

Trong trường Nguyễn Huệ lúc ấy học trò "ngán" nhất là thầy Tổng Giám Thị Trần Tiến Toản và thầy Lê Văn Gạch! Thầy Toản thường cho "revert" (lối đánhngược bàn tay phải như kiểu đánh pingpong), nên thân những học trò ngỗ nghịch, bị thầy Toản thình lình bắt được ngoài hành lang!  Vì vậy chúng thường nhìn trước, ngó sau trước khi muốn phát ngôn bừa bãi... 

Học trò Nguyễn Huệ thường",  gọi lén Anh là "Anh Tám".  Khi Tôi hỏi chúng tại sao lại gọi như vậy, thì chúng không thể trả lời, chỉ bảo rằng do các anh lớp lớn gọi nên bắt chước gọi theo.  Tôi đem câu hỏi ấy hỏi lại anh Toản thì Anh ấy bảo rằng, theo qui luật của nhà trường, giờ chơi, tất cả học sinh đều phải ra khỏi lớp.  Nhưng một hôm , khi đi ngang qua hành lang, thấy rất nhiều học sinh một lớp học đang đứng quanh một học sinh khác đang đứng trên một cái bàn, hai tay chỉ chỏ và la lớn "Tôi là Anh Bảy!" (Lúc trước người ta hay gọi các cư dân Ấn Độ là Anh Bảy "Chà Và".  Cả lớp phá lên cười thoải mái, không ngờ thầy Toản hiện ra sau lưng cậu ấy.  Thấy thầy Toản xuất hiện thình lình, cả lớp chạy rạt ra ngoài, một số còn núp ngoài cửa dòm vào.  Bị bắt quả tang, thầy Toản gọi tên "thủ phạm" đến, dõng dạc nói rằng: "Mày là Bảy, còn Tao là Tám đây".  Nói rồi anh Toản đánh một bạt tai  khá mạnh vào cậu ấy, vừa nói "Tám trị Bảy đây!" và đuổi cậu ấy ra khỏi lớp khỏi phòng! Cả lớp được một trận cười no nê và cũng từ đó anh Toản mang "chết tên" là Anh Tám Toản!

Trong trường học (thầy Toản thường chỉ dạy một vài lớp Đệ Nhị A (11, chọn môn Vạn Vật), môn Toán.  Thường, một số học trò các lớp A có phần yếu môn này, nên đến giờ này học sinh nam nữ đều "khiếp sợ" thầy Toản.  Đối với các học sinh nữ, khi bị kêu lên bảng và không giải được bài, anh Toản không tiếc lở xỉ vả, còn gọi là "con mẹ" này...  làm cho các nữ sinh xấu hổ và tức nghẹn...!

Mặc dù học sinh Nguyễn Huệ rất sợ "hung thần" này, nhưng có điều lạ là chúng không ghét thầy Toản: Anh ấy quả rất vững vàng, xứng đáng với vai trò Tổng Giám Thị, độc nhất vô nhị của trường này!

Học trò các trường trong thị xã lúc ấy "rất nể" chiếc xe Lambretta khá “hoành tráng” của anh ấy: Mỗi khi chiếc xe chạy từ ngoài cổng vào, học sinh thường tạm dừng chơi ngoài sân trường, mọi người đều hướng nhìn vào chiếc xe và chủ nhân của nó: Anh dừng xe trước trụ cờ trường Nguyễn Huệ cũ, xuống xe, nhìn các cách sinh hoạt của học sinh: Khi thấy một học sinh nào đó "đứt thắng", không kịp dừng lại một hành vi ngỗ nghịch nào đó là Anh lập tức gọi lại "cho nếm" những ngón tay xương xẩu của mình tại chỗ! Các học sinh khác lại được một cơ hội cười, nhưng không dám lộ tiếng, sợ bị vạ lây...!

Trong nhà, Anh ấy rất thương các em vợ, bảo bọc đủ điều.  Như chị em cô Tuyết, cô Hoa (xin cho dạy trường Nguyễn Huê), “gả”  chồng cho các cô ở những nơi tử tế; còn một cậu em nũa tên Dự thì xin dạy tại trường tiểu học thị xã Tuy Hòa!

Riêng bản thân Tôi và anh Toản cũng nhiều khi đụng độ nảy lửa tại trường.  Nhưng Anh ấy chóng "huề xả láng", và mặc dù thế, tại các bữa tiệc tại nhà, Anh không bao giờ quên mời Tôi, vì cho rằng Tôi vui vẻ, dễ hòa đồng. 

Anh Toản rất chịu khó làm ăn: Ngoài ngôi nhà ở số 18 Cao Thắng, anh còn mua một ngôi nhà khá đồ sộ ở số 3 đường Hoàng Diệu! Nhà này trước đó cho thầy Nguyễn Văn Truyền trường NH thuê, sau lại cho luật sư Lý Trọng Hiệp thuê.  Sau ngày VC vào thị xã Tuy Hòa, Ls LTH bị đi tù vì đã làm dân biểu cho chế độ VNCH, nhà được cho một người có chồng là cán bộ tập kết ở không lấy tiền, để giữ nhà (vì lúc ấy ở đây, ai có đến 2 ngôi nhà thì bị chính quyền VC lấy bớt một cái), không ngờ, người này lật lọng, cướp nhà luôn!


Những ngày cuối, trước năm 1975, Anh ấy cũng cố gắng làm ăn, đã cùng anh G, HT trường NH cùng Ông Long, chủ cơ sở Miền Nam, hùn mở trang trại nuôi heo, nhưng bị thất bại.  Rồi 3 ông lại xuống Lò Ba ở Phú Hiệp mở xưởng muối cá làm nước mắm, ...  cũng mất cả vốn luyến...  ! Nhiều người tiếc rẻ, "đổ oán", cho là tiền phi nghĩa ?! (Chỉ có các ông ấy và Trời mới có thể giải nghĩa việc này!)


Sau ngày Miền Nam bị "đứt phim màu", anh chị Toản đã cố gắng cho các con vượt biên ...  Có hai đứa đến được "Miền đất hứa".  Riêng, dứa con rất lanh lợi, tháo vác giống Anh, là TT Hải, bị VC bắn chết tai một bãi biển ở Tuy Hòa, làm vợ chồng Anh quá đau đớn!

Anh Chị Toản đã từng qua Mỹ thăm các con một thời gian rồi về và không chịu đi nữa, bảo rằng "Mình không biết tiếng Mỹ, không thể lái xe, cả ngày cứ ở trong nhà, chờ con đi làm về, thật là buồn…., nên không đi nữa!

Anh Chị cũng từng nhiều lần đi du lịch ở các nước Đông Nam Á, Hong Kong, Kampuchia, nay không còn muốn đi chơi xa nữa; cả ngày, buổi sáng đi uống cà phê với bạn bè, sáng sớm và chiều tối lên lầu trồng cây, tưới hoa... 

Mỗi khi Chúng Tôi ở Sài Gòn về thăm quê Tuy Hòa, đều có mời Anh Chị đi ăn sáng, uống cà phê. 

Cách đây 5 năm, Anh Chị Toản đã cho thợ xây cho mình hai mộ gió khá đồ sộ ở Nghĩa trang Phật Giáo Tuy Hòa.  Ôi, cũng là một kiếp người.... 

Mới cách đây hơn 1 năm, Anh Chị đưa nhau về Hải Phòng cả tháng, thăm quê hương cũ.  Anh ấy bảo "Tôi còn rất nhiều cháu, con của anh, em, đều đã trưởng thành, có sự nghiệp ở ngoài ấy!"

Về căn bệnh của Anh ấy, Anh ấy bảo là bệnh phổi, khó thở, đã đi khắp các bệnh viện từ Nam (như BV Chợ Rẫy, BV Pháp Việt ở Sài Gòn), BV Việt Đức ở Hà Nội, thường năm cả tháng, tốn rất nhiều tiền,  nhưng họ đều không tìm ra bệnh?! Tôi quá ngac nhiên vì loại bệnh này ngày nay rất dễ trị kia mà!

Cách đây 1 tháng, lúc về Tuy Hòa, Tôi có ghé thăm Anh, thì Anh không thể ngồi dậy nổi, nằm quẹp trên giường trả lời chậm chậm những câu hỏi của Tôi...  Còn Chị Toản thì bảo "Ảnh chỉ còn chờ...  thôi!", nghe buồn ảo não!!

Vài hàng,  gọi là tiễn đưa người bạn nổi tiếng nhất của trường Nguyễn Huệ trước năm 1975 về nơi an nghỉ cuối cùng...
 
Dương  Đình Đống
Thầy Dương Đình Đống
 

No comments: