Thursday, February 1, 2018

MÙA XUÂN CỦA NỘI (Nguyên Đạt)



                      Truyện ngắn - Nguyên Đạt
Sáng mồng một tết, mấy anh em Đông không ai bảo ai đều
thức dậy thật sớm, ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị mừng tuổi nội
và thăm thú họ hàng nhưng chẳng thấy bà đâu, tìm mãi mới
bắt gặp nội đang ngồi bên gốc cây mai già cạnh hòn non bộ
tít tận cuối vườn. Bà ngồi đó, tấm lưng hơi còng xuống bởi
gánh nặng thời gian, đôi mắt mờ đục thẫn thờ dõi về cõi xa
xăm, trầm ngâm suy tưởng.
Trong khoảnh khắc không gian và thời gian ấy, Đông mới
cảm nhận ra, cứ mỗi mùa xuân đi qua, khi mà lũ cháu con
được thêm một tuổi thì đồng thời bà cũng già đi thêm một
tuổi, và như thế, cái ngày anh em Đông xa nội lại càng rút
ngắn lại dần. Bỗng dưng lòng cậu như nghẹn lại; mắt rưng lệ
nhìn bà với một trời thương nhớ mênh mang.
Ôi! Có đúng là mừng không, khi tuổi bà đã tới lúc ngã bóng
về chiều, sức khoẻ mỗi ngày thêm cạn kiệt?!
*
… Hồi nhỏ mỗi khi có ai hỏi: “Cu Đông thương ai nhất nhà”?
-Bao giờ cậu cũng chăm bẵm trả lời: “Thương bà nội nhất
nhà”. Chả là ngay từ lúc ba, bốn tuổi đầu, Đông đã được một
mình bà ẵm bồng chăm sóc và cho ngủ chung đến quen hơi
bén tiếng hơn cả bố mẹ. Sáng nào Đông cũng bị bà cốc nhẹ
một cái lên đầu kèm theo lời mắng yêu: "Mồ tổ nhà mày!
Giống bố hồi nhỏ như đúc, cứ nửa đêm là quay đầu lộn
ngược, quẫy đạp lung tung. Bà có mà nhừ xương với mày
đấy"!
Nội sống giản dị, chẳng đòi hỏi gì nhiều cho bản thân, duy
có cái bệnh ghiền trầu là không bỏ được. Hằng ngày, bà ngồi
trước cổng bệnh viện với tủ thuốc lá, vài chai nước khoáng
bán cho khách vãng lai gọi là để kiếm đồng ra đồng vào. Bố
mẹ tỏ vẻ không bằng lòng, sợ người ta cười con cái không
nuôi nổi bà, thường khuyên ngăn: "Má làm chi vậy cho khổ
thân. Số tiền trợ cấp tuổi già cũng đủ cho má chi tiêu, nếu
thiếu hụt để tụi con bù đắp thêm. Chứ..."! Bà nội chỉ mủm
mỉm cười trừ, rồi từ tốn bảo: "Má còn khoẻ chán, hãy để má
lấy công việc làm vui, khi nào lụm cụm hẵng hay".
Căn phòng riêng dành cho bà nội cũng khá rộng rãi, có điều
chứa chất đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh từ thời cố lũy cố lai nào,
lại thêm giường tủ, sập gụ nằm ườn khắp lối nên trông khá
bừa bộn. Thỉnh thoảng bố ghé qua đứng nhìn một đỗi rồi chắt
lưỡi: “Dẹp bớt đi má à”! Nội lặng thinh, chẳng nói chẳng
rằng nhưng chắc là hờn bố.
Một lần, nhân lúc bà vắng nhà, bố lén gọi mấy người buôn
phế liệu tới, chưa kịp thấy các mặt hàng ngang dọc thế nào,
bất chợt bà trở về bắt gặp, mắng cho một trận te tua đành rút
êm. Đó là lần đầu tiên trong đời, Đông thấy nội có thái độ
giận dữ như vậy. Bình thường bà nói năng bằng cái giọng
Huế nhỏ nhẹ, luôn đối xử hoà ái với tất thảy mọi người, hiếm
khi làm chuyện gì mất lòng một ai.
Tối hôm đó, nội kéo Đông ngồi bên thủ thỉ: “Cháu à! Phàm
ở đời ăn ở phải có thủy có chung chứ đừng có mới mà nới
cũ. Những đồ vật này bây giờ tuy ít người chuộng, nhưng đi
mua chắc gì có, với lại, đây là những kỷ vật từ thuở hàn vi,
ông bà phải tích cóp, làm lụng hết sức mình mới có được.
Cháu biết không, đã nhiều lần cả nhà phải đau từng hạt gạo,
đắng từng bát cơm để bố cháu và chú Ba có điều kiện ăn học
nên người đó, mình phải trân trọng mới phải chứ”!
Đang nói bỗng nhiên bà trở dậy bước tới gầm giường, lôi ra
một chiếc hòm khá lớn cũ rích, dính đầy bụi bặm, loay hoay
mở khoá lấy từng món đồ nho nhỏ xinh xinh trông rất lạ mắt
bày cả lên bàn. Nào là bộ ấm chén bằng men sứ láng bóng,
trang trí nhiều hoa văn sặc sỡ, nào là những chiếc ống điếu
hình thù dị dạng. Đặc biệt có bốn bức tượng làm bằng gỗ
mun đen thui: Một người thì râu dài quá rốn, một người cầm
búa, người cầm chiếc cần câu dài ngoằng, kè kè chiếc giỏ
sau lưng... mà bà nội kêu bằng Ngư-Tiều-Canh-Mục gì gì đó
trông thiệt ngộ. Thích nhất là ống sáo màu ngà chạm khắc
hình con rồng bóng lộn y như thật; thấy Đông cứ cầm ống
sáo trên tay săm soi hoài như không muốn rời, bà mỉm cười
bảo: “Đây là kỷ vật bất ly thân của ông nội cháu hồi còn trai
trẻ đó”.
Nói xong, bà thở dài, thẫn thờ đưa mắt mơ màng nhìn vào
cõi xa xăm, như tiếc nuối những tháng ngày hoa mộng đã đi
xa.
*
... Từ ngày ông mất, bà nội ít nói hẳn đi, thường hay ngồi
trầm ngâm suy tưởng như thế; biết nội buồn nhưng Đông
chẳng biết làm cách gì để cho bà khuây khoả. Chỉ có Út
Hương đôi khi bằng những câu hỏi ngây ngô, tào lao tứ đế
không đầu không đuôi khiến cho bà tức cười, lên tiếng mắng
yêu mà thôi.
Bà vẫn giữ nếp cũ, dậy rất sớm, nấu nước pha trà, rót ra một
ly để riêng, miệng lẩm bẩm gì đó, Đông đoán bà mời ông
uống nước, bởi lúc ông còn sống, hai người thường có thói
quen ngồi đối ẩm với nhau. Trước mỗi bữa ăn, bao giờ bà
cũng bới một chén để riêng rồi đặt đôi đũa lên trên, thì thầm:
"Ăn đi ông". Út Hương thụt vai, thè lưỡi kêu lên: "Eo ơi!
Ông nội chết lâu rồi sao thứ gì bà cũng mời ông ăn thế"?
Bà cười hiền lành: "Tại cháu không hiểu đó thôi, người chết
chỉ khác người sống ở chỗ không còn hình dạng nhưng tình
cảm thì vẫn còn tồn tại như hồi còn sống đấy cháu ạ"!
Nội có tính thương người; hồi còn ăn nên làm ra, mỗi lần tát
đìa bắt cá hay làm heo xẻ thịt, chỉ cần hai hay ba công là đủ,
nhưng bà kêu hết những người đang gặp khó khăn đến phụ
giúp. Bà nói: “Đó là dịp để chia sớt cho người ta chút cơm ăn
áo mặc chứ mình cầm tiền đem cho chắc gì họ dám lấy mà
mình còn bị mang tiếng làm phách”. Mùa cắt lúa, bà nấu xôi
cho thợ lúc nào cũng thừa gọi là để quà cho con nít nó mừng,
ăn đỡ đói trong lúc chờ ba má nấu cơm.
Hàng xóm thường nói vui: “Tính nội rộng rãi như vậy nên
khó giàu”. Bà cười: “Kệ. Ở có đức mặc sức mà ăn”, nhưng
một mặt khác, đối với nội, bát cơm, hạt gạo là vô cùng quý
giá, bà không cho đổ bỏ cơm thừa, không hấp chiên lại thì
cũng phơi khô, đem rang dòn rồi ngào với đường thành một
loại cốm dòn dòn thơm thơm ăn chơi rất ngon. Mỗi khi nhà
có tiệc tùng, bà thường nhặt nhạnh, gom lại đem hâm nóng
rồi lui cui bưng đi chia sớt với bà con lối xóm côi cút neo
đơn, bố mẹ e ngại lên tiếng can ngăn: “Đem cơm thừa canh
cặn cho người ta, coi chừng không ơn thì chớ còn bị trách
móc nữa đó”, bà cười giả lả: “Không sao! Má có cách xử sự
mà”. Nhà có quần áo cũ, bà không cho xé làm giẻ lau mà gói
lại cẩn thận rồi gởi về ngoài quê: “Cho người ta mặc đi làm
ruộng, ở quê bao giờ cũng thiếu thốn cực khổ hơn mình”.
*
Một hôm, mẹ đi làm về, tự nhiên ngồi thừ một chỗ, chẳng
nói chẳng rằng như suy nghĩ chuyện gì lung lắm; đến bữa,
cả nhà mời thế nào cũng chẳng chịu ăn cơm. Bố lại gần gặng
hỏi:
-Sao vậy? Muốn bệnh rồi hả?
Mẹ dấm dẳng trả lời:
-Cũng đâu đó. -Rồi tiếp: "Thật bực mình. Không bệnh cũng
muốn bệnh luôn".
Bố giục:
-Có chuyện gì nói đại đi, úp úp mở mở vậy ai mà hiểu được.
Bấy giờ mẹ mới nói:
-Em chả biết phải xử sự ra sao nữa. Sớm mai nhân ngày dành
riêng cho những người cao niên, bệnh viện mời tất cả các cụ
ông cụ bà đến dự buổi họp mặt chúc thọ. Nhà mình...
-Sỉ diện hả? Vậy có gì đâu. Sắm cho mẹ bộ đồ mới đưa đến
dự là...
-Xì! Đâu có đơn giản thế. Mẹ ngúng nguẩy ngắt lời: “Anh
qua bệnh viện mà nghe người ta bàn tán, nhức cả đầu. Đã
bảo cứ ở nhà cho con cháu nó lo, vậy mà để bây giờ...”!
Bố suýt nổi nóng:
-Sao? Bán thuốc lá có gì phải xấu hổ nào? -Nhưng rồi ông
lập tức đấu dịu: “Thôi. Để chiều nay nội về mình liệu lời nói
khéo cho bà nghỉ luôn. Còn chuyện kia thì em cứ khai đại là
má bị bệnh cho qua chuyện. Thiên hạ hơi đâu bàn tán hoài
cho mệt”.
Xem ra cách dàn xếp như vậy cũng tạm ổn, mẹ như cảm
thấy nguôi nguôi nhưng vẫn tiếp:
-Sẵn đây tôi cũng nói luôn, còn đống hổ lốn trong phòng bà
nội, sao không tống tháo đi cho rộng nhà, rộng cửa hả?
-Thì em cũng phải tâm lý một chút chứ! -Bố khổ sở xuống
giọng: “Cơ ngơi này là do các cụ tay trắng dựng nên, người
già ai cũng muốn giữ lại mọi thứ, mình phận cháu con cũng
phải biết chiều ý một chút mới phải lẽ chứ”!
-Nhưng còn... còn con chó già lông xù kia thì bao giờ ông
mới... giải quyết?
Túng thế, bố đành xuôi xị trả lời:
-Được rồi! A-lê-hấp... Xong ngay!
*
... Chú chó Bông biến mất, nội đau đớn, hoảng hốt và tiếc
thương khôn xiết! Suốt ba bốn ngày liền, bà đôn đáo chạy
vạy dò hỏi bà con lối xóm khắp nơi vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Khi biết chẳng còn hy vọng gì nữa, bà buồn rầu đến già sụm
hẳn đi, công việc buôn bán bà cũng bỏ cả không thiết; suốt
ngày cứ ngồi hằng giờ chăm chăm nhìn vào cái ổ ngày xưa
của nó. Bề ngoài, nội cố tỏ ra thản nhiên nhưng anh em
Đông biết, sâu thẳm trong lòng, bà tiếc và nhớ chú chó Bông
ghê lắm. Nó không chỉ là con vật nuôi thân thuộc trong nhà
mà còn hơn thế nữa, bởi nó là cái gạch nối tình cảm, là kỷ
niệm sống động duy nhứt mà ông nội gửi gắm, để lại cho bà.
Mất nó là bà như mất đi người bạn tình nghĩa thủy chung
suốt quãng đời còn lại.
Bố mẹ vì mải lu bu công chuyện làm ăn nên không có thời
giờ gần gũi chăm sóc, hỏi han trò chuyện nên dường như
chẳng hay biết gì về sự thay đổi tâm tư tình cảm lẫn thái độ
của bà. Cho đến một ngày...
Hôm ấy được nghỉ hai tiết cuối, Đông xăng xái về nhà sớm.
Bầu khí vắng lặng khác hẳn ngày thường khiến cậu có phần
ngạc nhiên, ngờ ngợ. Bà nội vốn là người hay lam hay làm;
mọi khi hễ vừa bước vào cửa, cậu đã thấy bóng bà lui cui
dọn quén, ít khi chịu ngồi yên; vậy mà hôm nay…!?!
Lan man suy nghĩ một đỗi, hốt nhiên tâm trí cậu dấy lên một
dự cảm bất tường khiến lòng dạ cứ lo lắng mãi không an.
Lơ ngơ đưa mắt nhìn quanh, cậu chợt phát hiện trên bàn học
của mình hình như có ai đó để một bức thư bỏ ngỏ, liền bước
tới cầm lên hối hả đọc. Thư viết: “Má thấy đã đến lúc nên
quay về quê hương bản quán để được yên nghỉ ở đó. Vợ
chồng thằng Út làm nương phát rẫy bấy lâu nay, giờ nghe
đâu đời sống cũng tạm ổn, có thể bảo đảm cho má sống
những ngày còn lại, khỏi phải luỵ phiền con cháu. À! Nội
có để lại cho đứa cháu cưng của bà món quà Tết như đã hứa
trong rương đó. Cháu của bà cố gắng học hành giỏi dang để
không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ nhé. Chúc cả nhà bằng an.
Đừng buồn”. Chưa hết thư, câu đã lập tức chạy đi tìm bố mẹ.
     
… Cầm cuốn sổ tiết kiệm khoảng chục triệu đồng, công lao
ky cóp hơn mười lăm năm từ tủ thuốc lá của bà nội, mắt
Đông nhoà lệ; mọi người đưa mắt nhìn nhau buồn rầu hụt
hẫng, không ngờ cái khoảng trống bà nội để lại lớn lao đến
vậy!
Rồi, bố bỗng như nghĩ ra điều gì, buộc miệng:
-Bà nội chưa đi xa đâu, chắc hẳn còn...
-Ở ga tàu lửa. Đúng rồi. Ga tàu lửa đấy các con à! -Mẹ hối
hả tiếp lời.
Vậy là không ai bảo ai, cả nhà nhoáng nhoàng kéo nhau
đâm bổ lên ga.
Nội kia rồi. Tiếng còi tàu âm vang thê thiết đã hú lên từng
hồi, từng hồi dài giục giã nhưng dường như bà vẫn chần chừ
chưa muốn bước lên bực cửa. Cặp mắt láo liêng ngó trước
nhìn sau; hình như có cái gì đó níu kéo đôi chân bà lại, hay
bà đang chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ xẩy ra chăng…?!
Mẹ là người tiến lên trước, hai hàng nước mắt ướt đầm cả
khuôn mặt héo hon, bước cao bước thấp chạy ào tới kêu lớn:
-Má! Má ơi! Má đừng đi. Tha lỗi… Tha lỗi cho con nhe má.
Nhe má! -Rồi sụp xuống ôm chân bà thăn thỉ: "Con...! Con
thật có điều không phải với má! Con biết lỗi rồi. Xin má bỏ
qua, bỏ quá cho con. Má nhé. Má nhé”!   

Bố đứng sững, lóng ngóng hết nhìn bà nội tới nhìn vợ chẳng
biết làm gì. Còn Đông và Út Hương thì nước mắt nước mũi
chàm ngoàm, nhưng miệng cười toe toét, bày nguyên cả hàm
răng sún cho thiên hạ sững sờ chiêm ngưỡng...

No comments: