Thursday, March 8, 2018

ĐÀN ÔNG ĐI CHỢ (Vân Âu)



Đàn Ông Đi Chợ

Hôm qua thứ Sáu tôi đi chợ sớm. Mới tám giờ rưỡi đã ra khỏi nhà. Trời nóng quá và tôi cũng không muốn đứng chờ chực mua cá nên đi sớm hơn một chút. Quả thật, quày cá vắng vẻ chỉ có sáu người khách, không cần phải lấy số thứ tự. Trong sáu người thì đã có bốn ông. Cũng hỏi lạ đó chớ. Quày cá lại có nhiều ông hơn là bà.

Thực ra cũng từ hơn mười năm nay đàn ông đi chợ hơn những thập niên trước nhiều lắm. Nhớ cái thuở ba tôi đi chợ với má tôi thì cũng chỉ để mua báo hay giúp bà xách những bao đồ vô xe. Bây giờ trong chợ mình tôi thấy đàn ông đủ mọi lứa tuổi lựa mua thịt cá hay rau quả. Ở cái xứ bình đẳng thì quả thật cái gì cũng chia đôi để làm.

Nói vậy thôi, chứ tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh của một người đàn ông đi chợ hay làm những công việc mà mình thường cho là việc của phụ nữ đàn bà. Chúng tôi thuộc thế hệ cũ nên việc bếp núc trong nhà đều một tay tôi lo gánh bên cạnh còn đi làm ngày tám tiếng như mọi người. Thời gian hai đứa con còn nhỏ thì khổ không kể hết được. Đùng một cái anh ấy bị thất nghiệp. Đó là khoảng thời kỳ kinh tế Mỹ đi xuống trầm trọng. Với tất cả thời giờ trong tay chồng tôi bắt đầu làm những công việc mà tôi thường làm vào cuối ngày hay cuối tuần.

Đâu chừng được hai tháng chồng tôi bắt đầu thú nhận rằng công việc đi chợ nấu ăn cho cả nhà không phải dễ lắm. Một lần tôi dặn anh đi chợ mua rau cúc để tôi nấu canh thịt bò. Rau cúc mà nấu canh với thịt bò xào xắt lát mỏng thì ngon lắm. Anh ra chợ nhìn thấy rau cúc nhưng không biết có nên mua hay không. Rau thì cúc đó những tên rau lại để là rau tần ô. Sau mấy phút suy nghĩ anh hỏi một bác lớn tuổi đang đứng bên cạnh. Bác ơi, phải rau này là rau cúc không, thấy giống quá những lại để tên là tần ô. Cô cháu gái vọt miệng nói liền. Rau cúc đó anh. Người miền trung kêu là cúc con người bắc kêu là tần ô.
Một lần nữa tôi nhờ anh tới tiệm bán gà vịt mua cho một con gà và phải nhờ họ chặt khúc ra để tôi còn nấu cà ri. Chủ tiệm hôm đó không chặt gà được vì không đủ nhân viên làm. Khi thấy chồng tôi do dự, anh chủ tiệm nói với chồng tôi, chặt gà có khó gì đâu, cứ lấy dao “phang” xuống vài nhát là có gà nấu cà ri được liên. Chồng tôi đem con gà về. Bếp của tôi không hề có còn dao lớn để “phang” gà vì tôi không bao giờ chặt gà cả. Anh cũng có gắng hì hục để chặt nhưng rồi cuối cùng bỏ cuộc và đem con gà nấu lấy nước dùng.

Bây giờ thì anh ấy đã thành thạo việc đi chợ nấu ăn nhẹ cho gia đình. Mà hình như cũng không chỉ riêng anh, đàn ông bây giờ cũng xông xáo, tháo vát trong lĩnh vực mà vốn dĩ trước kia chỉ cho là công việc của đàn bà. Trong những ngày lễ đa số đàn ông đi mua sò, tôm hay đùi gà để làm BBQ.
Cứ coi những chương trình nấu ăn trên TV thì biết. Các bếp chính là những người đàn ông rất trẻ, có sự hiểu biết về những ẩm thức tự nhiên và đầy tính chất nghệ thuật. Có người chỉ trạc tuổi dưới ba mươi. Khi nhìn các em trong chiếc mũ và áo trắng đồng phục của người bếp trưởng, tay cầm đôi đũa xào qua lại trong chiếc chão lớn, tôi thấy các em “man” lắm. Ở bên Pháp, người bếp chính có một vị trí quan trọng và được mọi người ngưỡng mộ.

Một lần người tính tiền, cũng đã quen mặt với chúng tôi, chọc chồng tôi. Bộ bị chị bõ hay sao mà bây giờ cứ thấy đi chợ một mình quài dậy. Anh trả lời. Đâu có, nhờ đi chợ vậy nên vợ không bỏ đó chớ. Những người đang đứng xung quanh cũng cười. Một cô khách hàng trẻ quay lại nói với chồng cô. Anh cũng nên lo bắt chước đó. Anh chồng trẻ trả lời liền. Thì chẳng phải ngày nào anh cũng đem cơm chỉ về giùm em đó sao.

Cơm chỉ cơm nhà gì cũng được. Cái quan trọng là phải biết gánh vác chia xẻ việc nhà với nhau. Tôi vẫn thường dặn hai đứa con trai như thế. Chia xẻ, tinh thần đồng đội, team work lúc nào cũng làm công việc nhẹ nhàng hơn và tình cảm gắn bó hơn. Nhìn bốn người đàn ông đang đứng chờ mua cá tôi hình dung ra được một gia đình đầm ấm. Và tôi có một ước mong nhỏ cho hai đứa con trai. Không xe hơi nhà lầu nhưng chỉ muốn nhìn thấy chúng ra chợ để mua đồ cho gia đình của chúng.

Văn Âu.

No comments: