Thursday, March 29, 2018

DÒNG SÔNG THƠ TRẺ (Nguyên Đạt)

 Dòng Sông Thơ Trẻ  
                                                       Tự Truyện-Nguyên Đạt



   Quãng đời ấu thơ và tuổi lớn của tôi đã trải qua ở một làng chài nằm dọc theo bờ phá Tam Giang. Đó là một ngôi làng nhỏ, rất nhỏ, nếu đi bộ từ đầu làng tới cuối làng cũng chưa đầy mươi phút. Nguyên thủy nó gồm có hai ấp: An Cư và An Lạc, sau gộp chung lại thành một cái lên làng: Cư Lạc.

“An cư, lạc nghiệp” là ước muốn muôn đời của tất thảy mọi người nói chung, riêng đối với làng tôi thì đó lại là một ước muốn thiết thân, bởi lẽ hầu hết nơi đây toàn là dân ngụ cư từ nhiều phương rất xa tụ đến. Ngay như dòng họ nhà tôi gốc gác cũng đâu tận vùng Đất Đỏ xa xôi ngoài Quảng Trị du cư vào khoảng mấy chục năm nay. Cũng vì sinh sau đẻ muộn, lại gặp thời buổi loạn ly nên làng tôi là làng duy nhất trong toàn xã chưa được nhà Vua công nhận sắc phong.

Cha mẹ tôi phần lớn thời gian theo nước sông hồ đi buôn bán khắp nơi ở những phiên chợ định kỳ nên tôi được ông bà nội lãnh phần nuôi dạy. Cứ thế, tôi lớn dần lên với năm tháng bên cạnh bàn tay chăm sóc từ ái của hai ông bà. Thông qua nội, những tên đất, tên người, tên làng, tên nước, tôi đã thuộc nằm lòng trước khi làm quen với bài học đầu tiên để biết đọc, biết viết những cái tên đó trong các tập Sử ký, Địa lý... Mãi tới giờ, trong ký ức tôi vẫn còn đọng lại đậm nét những câu ca dao thấm hoài nỗi nhớ:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ 
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…

Khi đọc tới đây, nội bỗng nhiên bảo tôi dừng lại, rồi hỏi:      
-Này! Cháu của ông có biết phá Tam Giang nằm ở mô không?
-Dạ... Thưa ông. Chắc là xa lắm nội hí?
-Không xa mô cháu ạ. Đó là cái Rào mà cháu và bạn bè thường hay tắm táp, nô đùa trững giỡn hằng ngày ấy mà.
-“Ô! Té ra”... Tôi reo lên ngạc nhiên. Bấy giờ mới biết cái Rào còn có một tên gọi khác. Nhưng rồi thắc mắc:
-Ông à! Cháu thấy cái Rào cạn xợt, có nguy hiểm chi mô mà người ta sợ dữ rứa?
-Ngày trước nó khác lắm cháu à. Ông nội nói: -Hồi đó thường có những con thuồng luồng quậy phá, đánh chìm ghe thuyền cướp đi sinh mạng, tài sản của rất nhiều người và...
Vậy là tôi được ông kể cho nghe câu chuyện cổ tích về cuộc chiến đấu gian khổ của ông bà tổ tiên để diệt trừ cái mầm họa chung; nhờ thế, con cháu sau này mới được an tâm đánh bắt cá tôm, không còn e ngại gió to sóng cả nữa.

Kho tàng cổ tích của nội nhiều vô kể, cứ như ông để sẵn đâu đó trong túi, gặp lúc cần là lấy ra ngay. Từ những câu chuyện cổ tích đó, ông thường liên hệ với thực tại, dạy cho tôi biết cần phải ăn ở sao cho phải đạo làm người. Đó là con người sống ở đời phải có nghĩa, có nhân, có lễ, có tín…v v…và…vv… 
Một lần, gặp lúc thấy ông vui, tôi thủ thỉ hỏi:
-Nội ơi! Nội kiếm mô ra lắm chuyện cổ tích rứa?
Ông chăm chú nhìn tôi một đỗi, hiền từ mỉm cười có phần đắc ý rồi lập tức kéo tôi trèo lên căn gác lửng mà lâu nay chỉ mình ông độc chiếm, lui cui lấy ở tủ ra những tập sách dày cộm, lật từng trang, chỉ vào đó và bảo:
-Tất cả ở trong ni nì. Cháu muốn biết không?
-Nhưng... Cháu... Cháu đâu biết đọc được như ông? Tôi phụng phịu nói, và nội từ tốn giải thích:
-Muốn biết đọc phải học chữ. Khi biết chữ rồi thì cháu tha hồ mà tìm hiểu, sẽ biết vô khối chuyện cho mà coi. Nào. Bây giờ ông cháu mình cùng học nhé!

Tôi bắt đầu làm quen với mẫu tự A, B, C như thế đấy. Hồi đó, trường Huyện quá xa, nội được tiếng có chút chữ nghĩa trong làng nên bà con nhân đó gởi con cháu tới nhờ ông dạy bảo luôn. Tôi nhớ, vốn liếng của nội độc chỉ có quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư để dạy lũ trẻ tập đọc-tập chép, còn làm toán và tập viết thì ông cứ tùy nghi phóng bút vào vở học trò; vậy mà khi đủ tuổi nhập vào lớp Ba trường huyện, cả bọn học hành cũng giỏi dang chẳng kém cạnh chi ai.

Nội vốn rất mê truyện Tàu, ông thường kè kè một quyển sách bên mình, hễ có dịp rổi rãi là cắm cúi mở ra đọc, nhằm đến hồi cao hứng, ông vuốt râu, dững mày đi một đường “Hành Vân Tẫu Mã” gọn bân, mặc cho lũ đệ tử đang chúi mũi chúi lái ê a học bài ngưng cả lại, há hốc mồm nhìn ông kinh ngạc.

… Vào một buổi trưa hè, nội đang nằm lơ mơ trên tấm phản gỗ, bỗng như chợt nhớ ra chuyện gì, liền nhỏm dậy, bước tới chỗ chiếc tráp kê ở đầu giường phía sau buồng ngủ lục lọi hồi lâu rồi lôi ra một chiếc kèn loe bóng loáng; sau đó, từ tốn quay trở lại, leo lên phản, hai chân xấp bàn, sửa soạn lệ bộ, khi tư thế đã hoàn toàn thẳng thớm mới trịnh trọng đưa chiếc kèn lên miệng thổi; tức thì một tràng âm thanh thê thiết trổi lên, khi thì dịu dàng uyển chuyển, có lúc lại bi tráng trầm hùng như có một đạo quân đang rầm rập phi mình trên lưng ngựa, ầm ào chiến đấu khiến tôi sững người, đứng như trời trồng, mê mẩn lắng nghe chẳng rời nửa bước. Hỗng biết tự bao giờ, bà con chòm xóm kéo tới lớp trong lớp ngoài say mê theo dõi. Cao hứng, ông thổi luôn một mạch bốn năm bài mới nghỉ.

Sự phát hiện này làm tôi nổi lên một đam mê bức thiết; vậy là suốt ngày hôm sau cứ lẽo đẽo theo sát đít nội, nằn nì ông dạy cho mình thổi kèn. Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, ông thủng thỉnh đứng dậy bước ra vườn cắt một ống đu đủ, múc tô nước thật đầy để ngay trước mặt tôi, bảo:
-Muốn sử dụng chiếc kèn loe này để thổi cho tròn một bài nhạc thì cháu phải biết lấy hơi vòng từ mũi xuống miệng suốt từ đầu tới cuối không được ngắt khúc giữa chừng. Bây giờ cháu hãy quan sát ông làm nhé!
Nói xong, ông từ từ đút ống đu đủ vào tô nước rồi phùng mang thổi. Lạ thay, hơn phút rưỡi trôi qua mà bọt nước trong tô vẫn liên tục sủi lên đều đặn không ngưng nghỉ.Đưa ống đu đủ cho tôi, ông nghiêm nghị nhìn và bảo:
-Cháu hãy bắt đầu đi, khi nào được như ông thì mới thực hành trên chiếc kèn loe này được.
Suốt một tuần khổ nhọc vật lộn với ống đu đủ cùng tô nước vẫn không sao làm được như nội, tôi thất vọng quá chừng. Thấy cháu buồn, ông dịu dàng an ủi:
-Không phải bất cứ điều gì mình muốn làm là được ngay đâu. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” cháu ạ. Thôi, để đó rồi hạ hồi phân giải, bây giờ ông cháu mình chơi món khác đi.
Chiều hôm sau, ông cho tôi thay đồ mới rồi cả hai dẫn nhau lội bộ cả chục cây số lên tận xã trên, tìm nhà người quen, kiếm cho được cây trúc già vàng ngàu rỗng ruột, đem về, phơi nắng mấy ngày vừa đủ khô. Thêm một buổi lấy que sắt nung nóng dùi lỗ và chuốt gọt, đánh bóng nữa là hai ông cháu có trên tay mỗi người một ống sáo bóng rạnh.

Dưới ánh trăng thượng tuần còn mờ nhạt chưa đủ soi rõ mặt người vào tối mùa hè oi ả đêm ấy… Nội và tôi trải chiếu giữa chiếc sân đất trước nhà, say mê luyện tập bài sáo đầu tiên: “U liêu xề cống liêu”. Ông xướng lên và tôi đọc theo: U xang u, liêu cống liêu xề. Cống liêu cống, xê xàng xự xàng xê... Quá nửa đêm một chút thì tôi đã hoàn thành xong bài sáo nhập môn "Kim tiền-Lưu thủy". Từ đấy, tôi quên phéng luôn chiếc kèn loe với tô nước đầy, sôi tràn bọt sóng.

… Năm tháng đi qua, dòng đời đẩy đưa làm cho tôi mỗi lúc càng xa ngái làng quê có người ông yêu dấu. Tôi đã trải qua không biết bao thăng trầm chìm nổi, nếm đủ cả đắng cay lẫn cả ngọt bùi; nhưng những năm tháng đáng nhớ nhất trong đời tôi vẫn là những tháng ngày êm ả bên người ông yêu dấu. Tôi đã từng làm người thổi sáo rong, đi bán sáo dạo, nay ở đầu đường, mai ở cuối chợ, chủ nhật thì với một túi sáo đầy lưng, đem tiếng sáo mua vui kiếm tiền độ nhật. Rồi một ngày, tôi chợt nhớ ra cái nguyên tắc mà nội đã truyền thụ hồi xưa khi làm ống sáo ban đầu. Tôi mày mò nghiên cứu, chế ra đủ các loại sáo ngang, sáo dọc, ống địch, ống thiều…

Bây giờ tôi đã có một cơ ngơi nho nhỏ bán đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc do công xưởng tại gia làm ra: “Cháu ơi! Đừng bao giờ nản lòng. Cháu phải biết ước mơ, và điều quan trọng là cháu phải có quyết tâm thực hiện ước mơ đó". Tôi đã làm theo lời khuyên của nội và đã có chút thành đạt trong cuộc sống. Đó cũng là nhờ may mắn được bảo bọc trong chiếc nôi đầu đời có vòng tay bao dung chăm chút của nội, quyện hòa với những huyền thoại ngọt ngào bên Dòng Sông Thơ Trẻ…

No comments: