Thursday, August 23, 2018

LÁ THƯ (THUKỲ)

LÁ THƯ (THUKỲ)
 
Hình OX Thukỳ lúc làm phó quận trưởng Sơn Hòa - Người đi đầu áo trắng
(Cám ơn người nhân viên của anh ở Tampa gởi tặng tấm ảnh cũ duy nhất)
Một buổi tối khi đi làm về, bé Cường còn thức chờ mẹ, Thukỳ lo lắng hỏi: “Sao con không đi ngủ sớm mai đi học hả con?”  Cháu nói: “Mẹ ơi có thư nè mẹ, thư của ba gởi.”  Thukỳ lấy vội phong thư và đọc thật nhanh, những giọt lệ rơi xuống dù cố dằn lại, rồi Thukỳ cắt nghĩa cho con nghe: “Ba con đã được ra khỏi tù cải tạo, ba về rồi con à.”  Cường ôm chần lấy mẹ và thật vui bảo: ‘Khi nào ba sang, ba sẽ chở con đi học, con sẽ khoe với bạn là con cũng có ba như chúng nó.”

Câu nói non nớt đơn sơ của con làm Thukỳ chợt hiểu: -thì ra thật lòng trong tâm con cũng khao khát một tình phụ tử, dù mẹ thương con cho con tất cả thì con vẫn thấy thiếu!! Vẫn mơ ước mình cũng có ba như tất cả những đứa trẻ con khác trên đời.  Điều đó làm Thukỳ suy nghĩ mãi và thấy thương con vô bờ, vì Cường lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc bên mẹ, không muốn mẹ biết những ước mơ thần kín của con, vì biết khó mà đạt được.

*****

Những ước mơ đơn sơ nhỏ bé ấy cũng không được, đôi khi chẳng biết trách ai, dù đã sau 9 năm “cải tạo” đâu ngờ lá thư đầu tiên anh viết trong những ngày tự do cũng là lá thư sau cùng.  Chờ mãi thư anh không thấy thì nhận được thư của mẹ chồng báo tin anh đã bi bắt vì tội vượt biên ở Sa Đéc.

Hai mẹ con buồn rũ người, Thukỳ thì lo lắng lắm vì sợ như vậy sẽ không có ngày về nữa, anh đã quá vội vàng tìm đường đi để gặp vợ con, không chờ đợi gì nữa, dù lúc đó cũng có tin sẽ đi diện HO, hoặc đoàn tụ…

Thukỳ lại lo gởi tiền về để nhờ thăm nuôi chồng, bà cụ già rồi lại bị té gãy chân làm sao đi cho được?! Cuối cùng thì cô của anh cũng cố gắng đi thăm cháu, phần thì con rể bà cũng bị dính chung 1 chuyến, tù vượt biên không ai thăm nuôi thì chịu đói, chính quyền bảo đi vượt biên là có tiền nên sẽ không lo cho những người “bán nước” đó.

May mắn lúc ấy không có computer ghi dữ kiện, hình ảnh…
OX Thukỳ cũng nhanh trí nên trước khi đi có dặn: - nếu bị bắt anh sẽ khai làm nghề sửa xe đạp, không lấy tên anh là Nguyễn Thế Sáng để họ biết tông tích, mà sẽ lấy tên con Nguyễn thế Duy Cường cho ở nhà dễ nhớ… Bà cô già lo lắng phần thì sợ nên khi đến nơi họ hỏi bà thăm ai? Bà quýnh lên vì sự gian dối nên quên tên thằng cháu là Cường, may mắn bà không nói tên thật, nhưng cũng nhanh trí bảo cán bộ là: “Cháu tôi gầy lắm, làm nghề sửa xe đạp, tên nó ở nhà là Tí Tèo, còn tên trong giấy tờ tôi quên mất tiêu rồi!” cũng may là OX Thukỳ mới ra tù đói khổ ốm như người ở kinh tế mới, nên không ai nghi ngờ gì cả; tên cán bộ vội vàng nhanh miệng: “Có phải anh Cường sửa xe đạp không?” bà cô mừng như thoát chết vội dạ gật đầu phải rồi.  Thật là hú hồn nếu không bể mánh hết, chắc chết trong tù.

Sau này nghe kể lại là con rể của cô (chú Bắc) chỉ là “lính kiểng” ngày xưa, nhưng to con đẹp trai, khi bị bắt vào khai là lính trơn, họ không tin nên bị đánh quá trời, còn OX Thukỳ nhìn chán quá nên không ai nghi ngờ gì với cái nghề sửa xe đạp, không bị tra tấn, cũng không làm khó dễ vì chẳng đáng để điều tra.  Chú Bắc khi ra về vẫn hay trêu: “Thứ thiệt thì không bị đánh, còn thứ giả thì bị tra tấn quá trời”;  bởi đôi khi to con và đẹp trai cũng là cái họa, vì ai cũng nghĩ chú là sĩ quan cao cấp trốn “cải tạo”.

Trong lá thư mẹ chồng Thukỳ viết an ủi: “Chúa biết sự chịu đựng của con, nên còn thử thách, cố gắng lo cho cháu Cường, và không nên nản lòng, tin vào bề trên…”  Thukỳ gục đầu lên bàn với bao nhiêu uất hận tuôn trào và bỗng dưng trong lòng giận dữ tự nhủ “Chịu đựng đến bao giờ, sao Chúa thương nhân loại mà bắt con nhỏ này phải thử thách đến bao giờ?” Còn theo thuyết nhà Phật thì kiếp trước ăn ở không tốt nên kiếp này phải lãnh đủ mọi gian nan.  Giấc mơ thật nhỏ của con trai bao giờ mới thực hiện, nỗi lòng người mẹ khổ đau cho chính mình thì ít, mà xót xa cho con chắc chắn quá nhiều.

Đêm đã khuya, nhìn con bên cạnh say giấc ngủ khuôn mặt như thiên thần, nước mắt từ đâu cứ vội tuôn ra, nghẹn ngào nhưng Thukỳ không dám nấc lên, sợ con nghe. Biết đến bao giờ anh mới có cơ hội tự do để viết cho mẹ con lá thư thứ hai. Đêm về khuya càng lạnh, không ngủ nổi Thukỳ lôi lá thư của anh ra đọc, buồn da diết nhưng chẳng biết tỏ cùng ai:
“Người buồn còn chốn thở than,
Em buồn như ngọn nhan tàn thắp khuya.”

Thukỳ.


No comments: