Wednesday, April 3, 2019

CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY - PHẦN 8 ĐOẠN CUỐI (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)


CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY

Phần 8 đoạn cuối  - NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT

Chị Bạch Tuyết & má chị.

Rời Tokyo tôi đến phi trường San Francisco tháng 5 năm 1980, số là tôi sẽ về Chicago, nhưng tôi liên lạc được với anh chị Du, Hải bạn của GĐ nhà chồng tôi, anh chĩ di tản 1975, anh là sĩ quan không quân, chị dạy trường nữ trung học Nha Trang, tôi nhờ anh chị bảo lãnh giùm, nhưng vì khg có liên hệ bà con, nên anh nhờ nhà thờ Tin Lành nơi anh chị ở bảo lãnh hộ.  Bước ra khỏi máy bay tôi thấy mấy người Mỹ cầm bảng tên tôi giơ lên, tôi đến gần gặp họ thì được biết ông muc sư đi vacation, ông bà Anna Nelson sponsor cho tôi cũng đi vacation, nên ông phó muc sư và ông bà Brown cùng nhà thờ ra đón tôi.  Tôi gặp hai nhân viên của cơ quan nào đó, một nam và nữ rất trẻ hình như là người Lào, tôi xách theo 3 túi hành lý, học khg xách hộ cứ đi trước, vừa đi vừa nói chuyện, tôi cứ xách 2 xách đi vài bước bỏ đ1o trở lại xách túi thứ 3, cũng may có 1 thanh niên người Mỹ thấy vậy xách hộ tôi một quảng đường.

Họ đưa tôi đến văn phòng ờ phi trường làm thủ tục, làm xong họ bảo tôi chờ sẽ có người đến đón, tôi ra trước cửa chờ mấy tiếng đồng hồ chưa thấy ai đến đón, phần thì trời lạnh, phần thì lo âu, sau đó họ mới mới đến đón tôi về nhà ông bà Brown ở Fremont vì anh chị Du bận đi làm, đưa đón con cái đi học...Vì khác giờ tôi buồn ngủ quá nên nói nhức đầu xin phép đi nằm.  Tôi ngủ một giấc khi thức dậy thấy họ đã làm sẵn thức ăn, có ông phó muc sư đến, mọi người cùng ăn dinner và cụng ly welcome tôi đến Califormia, tôi vừa vui vừa buồn, vừa cảm động vừa tủi thân nên khg cầm được nước mắt, cám ơn mọi người.

Sau đó họ đưa tôi về nhà anh chị Du ở mấy tuần lễ.  Anh chị lo đưa tôi đi làm giấy tờ, cuối tuần đưa tôi đi chơi đây đó, anh chị coi tôi như em, tôi cũng rất thương mến anh chị, họ đã cho tôi cảm giác ấm cúng trong những ngày đầu bơ vơ nơi xứ người, mãi mãi em khg quên ơn anh chị.

Tôi liên lạc được với dì Út tôi ở san Francisco, bà đi vượt biên sau nhưng đến Mỹ trước, từ Freemont qua San Francisco khg mấy xa, hai dì cháu thuê studio ở, studio là 1 phòng có nhà bếp, phòng tắm, nhưng phòng ngủ là 2 cái sofa, mỗimsofa có một cục nệm để dựa, ở giữa là cái bàn, ban đêm lấy 2 cục nệm ra trải drap thành 2 cái giường nhỏ, nơi đây ban ngày là phòng khách, ban đêm phòng ngủ..

Tôi vừa đi học ESL vừa đi học điện tử, nhà thờ thỉnh thoảng cho tôi ít mền gối, soan chảo, tiền welfaire là 300 đồng một tháng, tiền food stamp 40 đồng, tôi vừa trả nợ tiền máy bay 20 đông vừa trả tiền nhà chi tiệu lặct vặt mua chút ít quần áo, nơi thường đến mua quần áo là Goodwill quần áo đủ cỡ, đủ kiểu chỉ có 1 đô la, còn bao nhiêu gởi quà về VN.  Mua những khýc vải họ cắt còn dư nên bán rẻ, muốn ăn thức ăn Việt phải đi phố Tàu, đi xe bus vài chục xu tôi cũng khg dám xài, ráng đi bộ khá xa, mỗi vòng đi khoảng 30 phút.

Những năm này ở quê nhà ai cũng tang thương cho nên bên này tiết kiệm tối đa mua quà gởi về VN (lúc này khg gởi tiền được) cho GĐ, bạn bè, bà con mỗi tháng 2 pounds bằng bưu điện, mỗi pound là 6 đô cước phí, nhờ vậy mà bên nhà có sống qua ngày.

Tổng thống Ronald Reagan lên chánh sách được ít lâu thì luật welfare thay đổi, thay vì được trợ cấp 3 năm chỉ còn 18 tháng, chúng tôi hụt hẩn vì chưa chuẩn bị tâm lý, đinh ninh là còn thời gian để học thêm, vội vã đi tìm việc, đưa đớn xin job diện tử quang Bay Area, vì chưa có kinh nghiệm nên chẳng hảng nào nhận, San Francisco là thành phố du lịch nên ít việc làm.  Bà dì tôi có bà con ở Bevely Hills rủ về ở, dì rủ nhưng tôi khg đi vì hy vọng còn tim được job, tôi share phòng ở với một GĐ VN, tôi có cô bạn cạnh nhà ở Tuy Hòa đang ở Philadelphia, cô Ngọc Tuyết, sau khi định cư ở Hoa Kỳ, chúng tôi liên lạc được với nhau cô rất hiền lành, thật thà.  Tôi viết thư cho côthăm hỏi xem có tìm việc dễ khg? Cô trả lời cũng khg dễ.  Em sẽ move về Cali nếu tiện chị nên dọn về Nam Cali ở nhà anh Nam em, em cũng sẽ về đó, anh sẽ tim việc hộ cho mình, ở đó nghe nói dễ tim việc hơn.

Sau đó tôi nhận được thư anh cô từ San Fernando Valley gởi lên, anh mời tôi xuống Nam Cali ở với GĐ anh, ở đấy dễ có việc làm.  Chúng tôi dọn về nam Cali, chỉ ít ngày sau là hảnh điện tử gọi đi phỏng vấn và nhận làm, chúng tôi làm mỗi ngày từ 12-14 tiếng kể cả cuối tuần.  Hảng mở cửa 3 ca mỗi ngày, ai muốn làm overtime bao nhiêu thì làm khg hạn chế, sáng đi sớm tối về muộn khg thấy mặt trời chỉ biết làm việc để có tiền gởi về VN, còn giành dụm để bảo lãnh GĐ.
Chị Bạch Tuyết & con gái lúc cháu GiGi xong đại học.

Tôi viết thư về VN năn nỉ mẹ chồng cho tôi bảo lãnh cháu qua đoàn tụ, tôi viết: “mà thương cháu thì cho nó qua với con, nó còn có tương lai, nếu mà khg cho nó đi, mai một má trăm tuổi già nó bơ vơ tội nghiệp” thật ra trước đó tôi cũng lo nộp đơn bảo lãnh rồi mọi việc như ý.  Gi Gi được nhận đi đoàn tụ với mẹ, Gi Gi đi một mình từ VN qua Hồng Kông ở mấy ngày, rồi bay qua Seattle, từ đó chuyển máy bay sang Los Angeles.  Ngày tôi ra phi trường đón thấy cô bé Á đông từ phi cơ bước ra tôi mừng quá chạy lại ôm, một giây sau tôi đẩy ra hỏi: “Có phải Gi Gi khg?” nó trả lời “dạ phải’ tôi mới biết là mình đang ôm con mình, vì khi tôi ra đi Gi Gi mới 9 tuổi là con bé, sau khi gặp lại đã hơn 14 tuổi, cao lớn như một cô gái nên tôi khg hình dung ra.

Gi Gi tiếp tục học lớp 10.  Ông anh cô Ngọc Tuyết có 2 con gái lớn tuổi hơn GiGi, vừa ngoan lại vừa học giỏi, ba chị em cùng học chung trường đi về có nhau, bài vở khg hiểu thì chị chỉ vẽ cho nên tôi cũng an tâm.  Hai cháu sau này thanh danh, chồng con vui vẻ, sự nghiệp vững vàng.

Cháu đến Mỹ được ít tháng thì được tin ông ngoại mất, tiếp đến bà nội.  Tôi cũng làm giấy bảo lãnh cho GĐ rất sớm, nhưng phần thì ba tôi qua đời phải thay đổi hồ sơ, phần thì mà tôi chụp hình phổi bị nám, nên chờ uống thuốc khi nào khỏi mới đi được.  Thời gian này văn phòng dịch vụ về giấy tờ di trú rất ít, nên tôi làm đơn tự viết tay, thân hành đi nộp cho sở di trú ở downtown LA. Có lần đứng sắp hàng từ 4-5 giờ sáng, hàng dài lê thê, đến khi tới phiên mình được vào tời quầy nộp đơn thì bị khước từ vì khai sinh bản sao họ khg nhận, thế là ra về viết thư về VN nhờ gởi bản chính qua.

Đơn nộp đi rồi chẳng tăm hơi gì, lâu lâu nhận được 1 lá thư từ văn phòng ODP ở Bangkok gời đến bảo bổ túc thêm giấy tờ...mà đã mừng ngủ khg được.  GD( gồm 9 người trong hồ sơ bảo lãnh, tôi là chị cả trong GĐ có 5 chị em gái, một em trai, cô em kế tôi đã lập gia đình nên khg đi được còn lại là má tôi , cô em với chồng và 2 con cùng hộ khẩu, hai cô em gái còn độc thân cũng vì chờ đợi nhiều năm để ra đi nên khg lập GĐ, hai đứa cháu nội con của cậu em trai chết trong tù cải tạo, mẹ nó giao 2 con cho bên nội nuôi.

Sau nhiều ngày chờ đợi rồi cũng ra đi, ở đây tôi đóng tiền máy bay, lo nơi ăn chốn ở cho mọi người...Hai cô em gái vừa đến Mỹ ít tháng đã có nhiều gia đình quen biết cầu hôn.  Rồi thì hôn lễ cô chị trước theo chồng về San Jose, cô em Út một năm sau đó.

Sau khi GĐ đoàn tụ GiGi cũng vừa tốt nghiệp đại học.  Mọi việc đâu vào đó, người lớn đi làm, trẻ con đi học, mọi người sống chung với nhau.  Tôi dành dụm tiền down mua được căn nhà 3 phòng ngủ, nhà tương đối gần nhau, hai mẹ con cùng đi làm.  
Vợ chồng GiGi và cháu ngoại cùng chị Bạch Tuyết.

Sau đó GiGi lập gia đình, năm sau sinh được 1 cháu trai khá kháu khỉnh, cuộc sống ổn định, hạnh phúc.  Tôi ở với con lo nuôi cháu ngoại được 6 tuổi, thấy mọ người tự lo liệu được cho mình tôi an tâm.  Lúc này tôi đã về hưu, có nhiều thì giờ để nghĩ đến tâm linh, tôi làm những việc cần làm, đến những nơi nên đến.

Tôi đưa má tôi đến một nơi thanh tịnh, hằng ngày hai mẹ con tập sống, tập làm theo những gì Phật dạy được chút nào hay chút ấy.  Cụ nay đã 99 tuổi, tuy thính giác quá kém, nhưng bà minh mẫn sáng suốt, ai trông thấy cũng khen đẹp lão.  Có người thấy tôi nuôi mẹ rồi so sánh nếu hồi xưa từng tuổi này ở VN ngồi sập gụ, ăn trầu xỉa thuốc, có người hấu cơm nước, sai con cháu chạy te te, bây giờ qua đây thì ngược lại.  Tôi nghĩ mình còn chút phước, từng tuổi này mà còn sức khỏe để lo cho mẹ già trăm tuổi, còn mẹ để lo.  Rồi chạnh nghĩ mai sau con mình có lo cho mình được như vậy khg?!  Tôi cứ mong ra đi khi còn khỏe mạnh, tỉnh táo khg phia62n một ai: “Đa lão đa nhục” người xưa thường nói.

Ngày xưa má tôi rất uy quyền trong GĐ, ở tuổi 16-17 tôi còn bị má đánh đòn, do tính cứng đầu của tôi, bây giờ thấy bà yếu đuối, chuyện gì cũng nhờ đến người khác, mai sau rồi mình cũng vậy, nghỉ đến vô thường mà khg khỏi chạnh lòng.  Tấm lịch thư pháp treo trong phòng ra vô tôi thường đọc 3 câu cuối:
“Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương,
Sống an vui danh lợi mãi coi thường,
Tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến”
Đó là kim chỉ nam cho tôi sống.

Từ ngày xa quê hương, tâm hồn tôi trở nên khô khan đến nỗi một bức thư viết cũng không ra hồn, vậy mà hôm nay khg biết phép lạ nào khiến tôi có cảm hứng viết về những kỷ niệm này.  Tôi nghĩ đùa có lẽ mình sắp ra đi nên viết lách để tâm sự với con cháu, để sau này nó biết được chút ít về cuộc sống GĐ và quê hương, nên tôi viết rất thật, khg hư cấu, khg thi vị hóa vấn đề, tôi cũng khg ước mơ viết cho một ai đọc để khen chê, chỉ muốn ghi lại hoàn cảnh, và xã hội mình đã và đang sống cũng như bao nhiêu người khác.

Xin cám ơn những nơi chốn, những người đã liên quan cuộc sống của tôi, cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang cho chúng tôi có cơ hội sống đúng nghĩa con người, xin cám ơn đời.

Thay lời kết tôi viết ra đây mấy câu thơ trong bài thơ tôi làm nhân ngày kỷ niệm 30 năm quốc hận để tặng nhau:
“Ba mươi năm có là bao,
Bóng câu qua cửa tuổi già đến mau
Bây giờ ta lại gặp nhau
Hoa răm, tóc đã nhuốm màu phong sương
Còn gì để tặng cho nhau
Còn chăng là những xót đau ngậm ngùi”

Vào thu 2016

Nguyễn Thị Bạch Tuyết.



No comments: