Friday, February 16, 2024

CUỘC HÔN NHÂN NGÔ ĐÌNH NHU & TRẦN THỊ LỆ XUÂN (ANDRE NGUYỄN VĂN CHÂU)

 

TÀI LIỆU: 

CUỘC HÔN NHÂN NGÔ ĐÌNH NHU & TRẦN THỊ LỆ XUÂN 

 


 


Trong tâm tình tôn vinh ngày lễ Tình Yêu (Valentine) năm nay,  xin được chia xẻ đến quý bạn gần xa một câu chuyện tình yêu của một đôi trai tài gái sắc nhất vào thời xa xưa đó để chúng ta một lần nữa cảm nhận được những rào cản về gia đình, địa vị xã hội cũng như chênh lệch tuổi tác không bao giờ và cũng không thể nào ngăn cản được hai con tim đến với nhau để hợp thành nhứt thể.  

 

Sự kỳ diệu của tình yêu có thể khiến con người ta từ một kẻ bề ngoài có vẻ bí ẩn, thậm chí trầm tĩnh ít nói để đứng lên dõng dạc tuyên ngôn cho tình yêu bất diệt của mình, để tranh đấu giành quyền tự do yêu đương và nhất là quyền được sống chết với người mình yêu cho dù điều đó có thể làm đau lòng các đấng sinh thành và thân bằng quyến thuộc.  

 

Mặc dù gánh nặng trách nhiệm gia đình, quê hương suốt đời gắn liền với số phận của họ nhưng trong cảnh tuyệt vọng, họ đã đến dược với nhau để chứng minh cho sức mạnh tuyệt vời của Thần Tình Yêu. Dù số phận nghiệt ngã khiến họ âm dương cách trở thì tình yêu của họ dành cho nhau vẫn là bất diệt cho dù trải qua bao năm tháng đời người sống trong cô độc. Họ mãi mãi vẫn là người yêu của nhau vượt không gian và thời gian.

Đôi trai tài gái sắc đó chính là nhân vật chính của câu chuyện sự thật lịch sử sau đây:

 

TÌNH YÊU VÀ CHÍNH TRỊ

 

Đó là vào mùa xuân năm 1943, vào ngày mùng 3 Tết cũng là ngày giỗ Cụ Ngô Đình Khả. Gia tộc Ngô Đình đã tụ tập để họp mặt hàng năm như lời trối của Cụ trước lúc lâm chung. Năm nay vắng mặt Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và bà Ngô Đình Thị Giao. Đặc biệt lần này do Cụ bà Ngô Đình Khả chủ trì buổi họp. Vấn đề được đưa ra bàn luận là Ông Ngô Đình Nhu muốn kết hôn với bà Trần Thị Lệ Xuân.

Bà Ngô Đình Thị Hiệp chưa bao giờ chứng kiến một cuộc đoàn tụ gia đình nào ảm đạm đến thế.  Bầu không khí gia đình hứa hẹn có nhiều giông bão. Cụ Bà Ngô Đình Khả chưa cất tiếng nhưng mọi người trong phòng họp đều biết rằng Cụ bà sẽ rất cứng rắn.

 

Ông Nhu có vẻ không vui. Ông ấy nói, "Con biết điều gì mọi người đang nghĩ về gia đình ông Trần văn Chương. Nhưng con yêu Lệ Xuân, con gái của ông ta, và con muốn kết hôn với cô ấy. 

Cha và tất cả mọi người muốn con đi du học ở Pháp nên con đã đi và con đã học hành rất chăm chỉ. Điều mà mọi người và con không lường trước được là con bị buộc phải thay đổi.  Nhân cách của con đã thay đổi.  Quan điểm của con cũng đã thay đổi. Con không thể chấp nhận cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt. Con muốn kết hôn với người con yêu.”

 

Cụ Bà Ngô Đình Khả gật gù tỏ vẻ tán thành về những gì Ông Nhu nói, nhưng khi Cụ Bà cất tiếng, giọng điệu của Cụ Bà lại gần như là gay gắt, 

“Vậy là con đã thay đổi. Mẹ chỉ có hai sự phản đối đối với cuộc hôn nhân của con đang ước nguyện. Trước hết Mẹ muốn con nghĩ đầu tiên về những gì tốt cho linh hồn của con. Chúng ta là người Công giáo. Chúng ta tin vào Thiên Chúa. Gia đình của họ không tin tưởng vào bất cứ điều gì, ngay cả niềm tin trong Đức Phật.” 

Cụ Bà dừng lại, nhìn xem Ông Nhu có phản ứng gì không, nhưng ông ấy không thốt ra một lời.

Cụ Bà tiếp tục, “Con nói rằng cô ấy đã sẵn sàng theo đạo. Mẹ đã chứng kiến những người cải đạo tốt trong đời mình. Linh mục Thích là một ví dụ.

Trước đó nữa, Mẹ có thể dẫn ra ví dụ của Hoàng tử Hương Thuyên, cha đỡ đầu của anh Diệm của con. Nhưng họ đã cải đạo sang Công giáo vì niềm tin chứ không phải vì tình yêu."

Cụ Bà lại dừng lại, nhường thời gian cho ông Nhu nhìn thấy quan điểm của Bà, sau đó nói tiếp, "Con muốn kết hôn với một người trẻ, một người phụ nữ đạo đức nhưng không phải là người theo đạo Thiên Chúa. Cô ấy sẽ được hoán cải, nhưng vì tình yêu dành cho con, không phải vì lòng tin. Bây giờ con có chắc chắn về đức tin của mình không?

Đức tin của con mạnh mẽ đến mức nào? Liệu nó có đủ mạnh không cho cả hai đứa? Hay nó sẽ héo mòn từng ngày với một người vợ không có nhiều chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc đời cô ấy không?”

 

Ông Khôi, Ông Diệm, Ông Cẩn, Ông Luyện, Bà Hiệp và Bà Hoàng kinh ngạc trước lời nói của Cụ Bà. Cụ Bà chưa bao giờ nói nhiều như vậy. 

Họ nhìn ông Nhu. Mặt ông tái mét. Ông ta dường như sắp khóc.

Cụ Bà cũng nhìn anh. Đôi mắt của Cụ Bà chứa đựng rất nhiều sự dịu dàng hơn lời nói của Cụ. 

Cụ Bà lại tiếp tục nói, "Sự phản đối thứ hai của Mẹ xuất phát từ quan điểm của Mẹ về gia đình cô ấy. 

Tục ngữ cổ có câu: '​Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng". Khi con muốn mua một người vợ, trước tiên con hãy nhìn vào gia đình cô ấy.' Chúng ta không còn mua một người vợ ngày nay nhưng câu tục ngữ xưa vẫn còn nguyên giá trị. Mẹ sẽ không phán xét gia đình cô ấy. Mẹ cũng không nhắc lại tin đồn về mẹ của Lệ Xuân.  Mẹ chỉ muốn con tự hỏi liệu lối sống của mẹ cô ta có không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của cô ấy?

 

Ông Nhu đau đớn kêu lên: “Nhưng con yêu Lệ Xuân và cô ấy cũng yêu con." 

Bấy giờ trong mắt của Cụ Bà lộ ra sự đau đớn.  Cụ Bà trả lời: "Mẹ không nghi ngờ điều đó là đúng."

Ông Nhu quay sang các anh em và cầu xin: “Đời em sẽ hoàn toàn bị hủy hoại nếu em không thể cưới Lệ Xuân. Em sẽ chết nếu không cưới được cô ấy.” 

 

Ông Ngô Đình Khôi hỏi: 

"Có phải em đang dọa tự tử nếu em không được phép lấy cô ấy?” Ông Nhu siết chặt hai nắm tay,

"Em không nghĩ đến việc tự tử.  Em là người theo đạo Thiên Chúa. Nhưng em biết rằng nếu em không thể cưới cô ấy thì trái tim em sẽ tan nát và em sẽ chết."

Lúc này gia đình họ không biết cách xử lý tình huống này như thế nào nữa khi nghe Ông Nhu nói về cảm xúc của mình một cách rất thẳng thắn khiến họ bị sốc.  Đồng thời, họ cũng nhận thấy Ông Nhu yêu sâu đậm và say đắm biết nhường nào.

 

Bà Hiệp đứng dậy nói: “Chúng ta đang bế tắc.  Tôi không nghĩ rằng em Nhu sẽ không bao giờ thay đổi ý định.  Em Nhu yêu cô gái trẻ đó, và cô ấy cũng yêu em ấy. Chúng ta có thể làm gì được ngoại trừ việc chấp thuận cuộc hôn nhân này?"

Biết mình đã phản đối phán quyết của mẹ, bà Hiệp chờ đợi Cụ Bà Ngô Đình Khả sẽ mắng bà. Nhưng trong ánh mắt Bà Cụ chỉ nhìn bà với thái độ không phản đối cũng không tán thành.

Ông Khôi lật đật sợ Cụ Bà nổi giận với em gái nên Ông nói nhanh, "Chúng ta hãy nhìn vào sự khác biệt về tuổi tác. Em Nhu ba mươi bốn tuổi trong khi cô ấy mới mười tám tuổi. Nhu, em có thấy rằng cô ấy còn quá trẻ so với em không?

Ông Nhu cúi đầu, nhưng không trả lời câu hỏi của ông Khôi.

Trong sự im lặng tiếp theo, Ông Cẩn nói: “Tôi không hiểu sao chị Hiệp lại có thể đưa ra kết luận như thế. Chúng ta nên ngăn cản sự điên rồ này. Xin mọi người vui lòng nghĩ tới bà Trần Văn Chương. Chúng ta biết rất ít thành tích của ông Chương, nhưng chúng tôi đã nghe nhiều về bà Chương. Việc kết thông gia với gia đình đó sẽ là một điều sai lầm khủng khiếp.

Ông Diệm lúc này cất tiếng hỏi: “Có phải là chúng ta có nghe nói rằng Lệ Xuân là một cô gái hiện đại và có chút bướng bỉnh, cô ấy khá là cá tính và là một cô gái trẻ đủ điều kiện? Chúng ta không thể đánh giá một cách không công bằng nhân phẩm cô ấy chỉ vì danh tiếng của mẹ cô ấy. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không nên tin tưởng nhiều vào những tin đồn về bà Chương?”

 

Ông Diệm nhìn Cụ Bà với ánh mắt xin lỗi rồi nói tiếp:

“Mẹ của Lê Xuân, Thân Thị Nam Trân, là con gái cố Thượng Thư Thân Trọng Huệ. Mọi người có biết rằng con đã làm tổn thương gia tộc Thân Trọng khi con bỏ tù một trong những cháu trai của Thượng Thư nhưng cuối cùng họ cũng khá tử tế với con. Họ không coi con là kẻ thù. Gia đình Thân Trọng là gia đình danh giá.

Bà ngoại của Lệ Xuân là công chúa Như Phiên, em gái vua Kiến Phước, Hàm Nghi và Đồng Khánh, và là dì của Hoàng đế Khải Định.”

Ông Diệm dừng lại xem mẹ ông có nói gì không, nhưng Cụ Bà vẫn im lặng, Ông tiếp tục,

“Mẹ đã yêu cầu chúng con xem xét gia đình cô ấy, thưa mẹ. Con có thể nói với Mẹ rằng ông Trần Văn Chương, cha cô ấy, là cũng là con trai của cố Thống đốc Trần Văn Thông.

Chúng ta biết rõ gia đình Lệ Xuân cả hai bên dòng họ cha và cả phía bên mẹ cô ta. Con không xem nhẹ sự thật rằng có nhiều tin đồn không hay về bà Chương, nhưng ngay cả khi chúng ta tin vào những tin đồn, nó không có nghĩa là cả gia đình cô ta đều xấu."

 

Ông Cẩn vọt miệng nói:

“Telle mère telle fille » (Mẹ nào con nấy).

Ông Luyện cau mày, “Làm sao anh có thể nói như vậy được ? Thật là bất công! Không những cả anh Diệm cũng như tôi không tin vào những điều vô lý mà người ta đồn thổi về bà Chương.

Nhưng, như Anh Diệm đã nói, dù có tin đồn chứng minh là đúng, chúng ta không thể đổ lỗi cho cô con gái những gì mẹ cô ấy làm."

Ông Cẩn định đáp lại nhưng bà Hiệp đã lắc đầu bất mãn và nhìn chằm chằm ông Cẩn cho nên ông cảm thấy xấu hổ và quay mặt sang chỗ khác.

 

Sau đó Bà Hiệp nói, "Cuộc hôn nhân của tôi dường như đã là một ngoại lệ. Cả hai chị em tôi, Giao và Hoàng, đều gặp khó khăn khi muốn được kết hôn với những người họ yêu thương. Vì những lý do công bằng hay không công bằng, cuộc hôn nhân của họ bị phản đối cho đến khi cha mẹ và anh cả của chúng ta nhượng bộ.

Trong khoảng thời gian đó, suốt nhiều tháng, các chị em tôi phải chịu đựng trong đau khổ.

Mẹ ơi, xin thứ lỗi cho con nói như vậy, nhưng mọi người bên ngoài gia đình của chúng ta cũng nói rằng chúng ta quá khắt khe đòi hỏi, và thậm chí quá kiêu ngạo mỗi khi chúng ta nói chuyện về việc thông gia với các gia đình khác."

 

Bà Ngô Đình Khả không trả lời. Trong mắt Bà Cụ có chút trách móc nhưng Cụ Bà biết bà Hiệp nói đúng. 

Đột nhiên ông Khôi giơ tay ra hiệu để mọi người ngừng nói chuyện. Ông ấy đã có một phán quyết. Ông quay sang ông Nhu và nói: “Tôi muốn làm rõ chuyện này một lần và mãi mãi về sau. Gia đình chúng ta đã hy sinh rất nhiều vì sự nghiệp dân tộc và chúng ta sẽ hy sinh nhiều hơn cho chính nghĩa trong tương lai. Chúng ta sống theo giấc mơ và ước nguyện của cha chúng ta. Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu đã đặt ra của chúng ta. Chúng ta không thể đặt hạnh phúc cá nhân lên trên mục tiêu cao cả.

Ông Khôi lắc đầu không hài lòng rồi nói tiếp:

“Theo những gì tôi được nghe, em Nhu chắc chắn muốn kết hôn với Lệ Xuân. Em Diệm và Luyện cũng như em Hiệp đều không phản đối một cuộc hôn nhân như vậy. Mẹ, em Cẩn và tôi có sự dè dặt nghiêm trọng về chuyện này. Em Hoàng đã không nói một lời nào trong suốt cuộc họp này.

Em Giao thì chưa bao giờ tham dự các buổi họp mặt gia đình và em Thục thì không thể bị thuyết phục để bỏ giáo phận của em ấy trong vài ngày. Chúng ta sẽ quyết định thế nào về vấn đề này? 

Con xin mẹ cho phép con được quyết định việc này.”

 

Bà Ngô Đình Khả gật đầu biết mình đã thua cuộc. Ông Khôi nói: “Tôi sẽ chấp nhận cuộc hôn nhân này”.

Ông Nhu trông như một người sắp chết vừa nhận được một sự ân xá. Ông Nhu mỉm cười và nói: "Ồ, cảm ơn Anh Khôi.”

Ông Khôi không cười. Ông ấy tiếp tục, nhấn mạnh từng lời nói: "Nhưng, em Nhu sẽ không còn được phép liên quan gì nữa với sự nghiệp chung của gia đình này. Em sẽ phải tránh xa chính trị. Em Nhu sẽ không cần phải biết những gì chúng ta dự định, hoặc những gì chúng ta làm. Em và vợ tương lai của em sẽ không cố gắng tìm hiểu kế hoạch và các hoạt động của chúng ta ra sao." 

Ông Nhu rất kinh hãi. Toàn bộ cơ thể ông run lên vì phẫn nộ và thất vọng, Ông Nhu hỏi, "Vậy em có bị đuổi khỏi gia đình này không?"

Ông Khôi nói nhẹ nhàng nhất có thể: “Chắc chắn là không. Chúng tôi yêu em nhiều hơn bao giờ hết. Tôi sẽ đến Hà Nội và cầu hôn Lệ Xuân cho em. Nhưng để bảo vệ hạnh phúc cá nhân của em, điều mà rất quan trọng đối với em, chúng tôi sẽ không làm phiền em với công việc của gia đình ta. Mặt khác, vì chúng ta hoàn toàn không chắc chắn về vai trò chính trị của cha vợ tương lai của em muốn làm gì ở đất nước chúng ta, sẽ là điều an toàn hơn cho em và Lệ Xuân khi cả hai không hề biết gì về kế hoạch của chúng ta.”

Ông Nhu hỏi, giọng khàn khàn: “Quyết định này có phải là không thể hủy bỏ được?” 

Ông Khôi giơ tay lên nói:

“Ai biết được điều gì sẽ xảy ra sau mười năm nữa. Nhưng hiện nay nếu em hỏi liệu nó có đúng không trong tương lai gần thì đúng. Cho đến khi tôi cho phép thì xin vui lòng không tham gia. Em có đồng ý không?

Ông Nhu nhìn mọi người có mặt trong phòng. Tất cả trong số họ đưa mắt nhìn ông và nhìn thấy sự tuyệt vọng trong ánh mắt của ông Nhu, nhưng không ai trong số họ dao động và đến bênh vực ông.  Ông Nhu quay sang Ông Khôi rồi gật đầu. Ông Khôi tiếp tục nhấn mạnh,

"Anh muốn em nói rõ ràng với tất cả chúng tôi rằng em đồng ý." 

Ông Nhu tằng hắng một tiếng lớn, cố gắng nuốt nước mắt xuống cổ họng trong sự đau khổ hiện rỏ trên nét mặt, Ông ấy nói, "Em đồng ý."

Trong giây phút đó, bà Hiệp biết rằng hơn ai hết, ông Nhu, cũng như các anh em trong nhà, đều mong mỏi hoàn thành ước nguyện của phụ thân Ngô Đình Khả. Bị tách rời ra khỏi công cuộc chung của gia đình là một điều đau xót rất lớn cho ông Nhu.

Bà Hiệp không ngờ rằng, chỉ một thời gian sau, vì cái chết của ông Khôi, ông Nhu được Tổng thống Diệm gọi gia nhập trở lại với mục tiêu chung của gia đinh để đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự kiến thiết nền Đệ Nhất VNCH….

 

Nguồn: “A lifetime in the eye of the storm” by Andre Nguyễn Văn Châu.

No comments: