Monday, April 22, 2024

CUỘC ĐỜI VÀ BIẾN CỐ NGÀY 30/4/1975 (LÊ QUANG LÃM)

 






CUỘC ĐỜI VÀ BIẾN CỐ

Ngày 30 - 4 -1975

 

Xin kể lại đây với các bạn một câu chuyện có thật, của một nhân vật mà đã 45 năm về trước kể từ sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm. Con người đó hiện vẫn còn sống và bao nhiêu ký ức kỷ niệm vẫn theo anh mãi.

 

Bắt đầu ngày 30 - 4 - 1975 anh đang học ở Trường Thiếu Sinh Vũng Tàu, khi Miền Nam thất thủ có lệnh đầu hàng nhưng ở Ngôi Trường TSQ vẫn sinh hoạt bình thường chỉ sau khi ban giám hiệu nhà trường thông báo các em tự lo lấy, kể từ giờ này chúng tôi không còn trách nhiệm với các em nữa.

 

Một sự đau đớn đến tột cùng khi bị bỏ rơi

nhưng các em không tan hàng, không bỏ chạy quyết định ở lại giữ lấy trường. Sự quyết tâm kháng cự đến viên đạn sau cùng nhưng rồi lực tàn lương kiệt các em mới chấp nhận thương thuyết hạ kỳ.

 

Anh em tan rã mỗi đứa mỗi nơi, thằng về miền trung, thằng xuống miền Tây. Tôi phải mất hết hai ngày mới về tới Sài Gòn, vì đi bộ, khi tôi về tới Sài Gòn tìm về nhà , nhà tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật , quận 3. Khi vừa tới cổng nhà tôi nhìn vô thấy Mẹ tôi đang ngồi khóc. Tôi kêu Mẹ thật to, Mẹ tôi ngước lên nhìn thấy tôi hai tay vịn vào thành cửa như muốn xỉu, tôi chạy mau vào ôm lấy Mẹ. Hai Mẹ con ôm nhau mà nước mắt chảy hai hàng.

 

Tôi còn nhớ Mẹ nói trong tiếng ngất hết hết rồi con ơi. Tôi an ủi Mẹ thôi Mẹ đừng buồn, không phải chỉ gia đình mình đâu cả Miền Nam đã mất, họ cũng như Mẹ con mình thôi.

Rồi hai mẹ con lau nước mắt dọn dẹp lại nhà cửa, ngoài đường những chiếc xe để loa phóng thanh la inh ỏi là miền nam được giải phóng và thêm vào đó là ca khúc của Trịnh Công Sơn nối vòng tay lớn. Nhưng họ đâu hiểu là miền nam sẽ bắt đầu một thời kỳ tối tăm sẽ bao phủ thành phố này.

 

Tôi ở với Mẹ được 3 ngày thì bỗng đâu có một viên cán bộ mặc quân phục tay mang băng đỏ thụt thò trước cổng nhà sau một hồi hắn hỏi đây có phải nhà của Thiếu Tá Lộc Không? Mẹ tôi tiếp chuyện nhưng hắn nói cho hắn vào nhà, khi Mẹ tôi mở cổng cho hắn vào hắn ngồi giữa nhà thò tay lấy quyền sổ ra và nói chúng tôi đại diện ban quản quận 3 xuống đây để gọi đi trình diện.

 

Mẹ tôi ngạc nhiên không biết gọi ai thì hắn nói trong vọng như người ở cận bên biết hết : "Tôi báo cho bà rõ, chồng bà là sĩ quan ngụy đã chết trận 1972 nhưng bà còn người con đang học ở Vũng tàu là TQS do Mỹ ngụy đào tạo , phải ra trình diện với chính quyền".

Khi đó tôi đang đứng kế bên hắn, hắn quay lại nhìn tôi và khẳng giọng : " Mầy phải không? Nếu đúng 7giờ sáng mai phải có mặt để trình diện chính quyền!"

Tôi còn nhớ rõ tôi hỏi: "Thưa ông, tại sao ông biết gia đình tôi là ngụy và rành như thế?"

Hắn trả lời: "Tôi là cán bộ nằm vùng ở bàn cờ đây, khu này nhà ai là ngụy tôi điều biết rõ."

Nói xong bỏ ra về nhưng không quên nhắc nhở chấp hành đi. Lần đầu tiên tôi gặp một cán bộ CS mà ăn nói thô lỗ, hách dịch không một chút cảm tình.

 

Rồi sáng hôm sau tôi nghe lời Mẹ ra quận trình diện, khi tôi đến nơi thì các chú, các anh đã có mặt rất đông. Họ phát mỗi người một tờ giấy, phải làm bản tường trình kê khai lý lịch bản thân ở đơn vị nào, binh chủng gì, cấp bậc sĩ quan hay lính trơn phải khai hết, gần nữa ngày tôi mới về tới nhà. Khi ra về chúng thông báo cho biết khi nào có lệnh tập trung phải có mặt.

Tôi về kể cho Mẹ nghe, Mẹ sợ và buồn lắm.

 

Rồi thời gian trôi qua khi tôi học tập cải tạo 3 tháng, tôi về sống bên Mẹ nhưng kể từ ngày đó tên cán bộ đến nhà thì gia đình tôi luôn gặp rắc rối, cứ cho là gia đình ngụy quân, ngụy quyền.

Cho đến một hôm có một người lạ mang đến hai tờ giấy có ghi rõ gia đình trong diện đi kinh tế mới ở nông trường Dương minh Châu, Mẹ tôi suy sụp và khóc suốt.

Nhưng chuyện gì đến cũng đến, một ngày chúng kê khai tài sản, tịch thu nhà để làm trụ sở uỷ ban phường.

-Hết hết hết thật rồi! là câu nói của Mẹ tôi.

Tôi và Mẹ tôi phải tá túc nhà cậu ruột của Mẹ tôi ở chợ Bà chiểu.

Không còn con đường sống. Một hôm Mẹ gọi tôi lại nói nhỏ: "Con nghe Mẹ nói nè, hai Mẹ con mình xuống miền Tây tìm đường vượt biên, chứ sống như thế này thì làm sao sống nỗi". Tôi im lặng một lúc rồi đồng ý nhưng trong lúc này Mẹ tôi hay đau yếu nhiều, tôi lo lắng lắm nhưng vì Mẹ tôi muốn tìm con đường sống cho hai Mẹ con nên tôi đành chấp nhận.

Hai Mẹ con tạm biệt gia đình ông cậu nhưng không nói đi đâu chỉ nói đi về quê Mẹ ở Mỹ Tho.

 

Nhưng mẹ tôi đã có ý định rồi. Nhờ người quen móc nối xuống tận rạch giá Kiên Giang, tôi còn nhớ khoảng vào tháng giêng -1976, khi vừa đến nơi thì người móc nối bảo Mẹ tôi phải đóng 1 lượng vàng cho hai người đi. Mẹ tôi đồng ý trao cho họ. Họ bảo cứ ở yên một chỗ rồi sẽ cho hay trong vòng 5 ngày.

Nhưng cuộc đời không như tôi và Mẹ tôi nghĩ, họ nhận vàng rồi họ biến mất không tin tức hồi âm.

 

Hai Mẹ con bơ vơ nơi đất lạ quê người nhưng Mẹ không bỏ cuộc tiếp tục dò la tìm mối khác và gặp một người họ cũng muốn đi nên đã hùn nhau bỏ tiền vàng ra đóng tàu tự đi. Khi hoàn tất con tàu chở khoảng 20 người thì chuẩn bị lương thực nước uống và nửa đêm xuất phát tại sóc xài rạch giá, vừa ra cửa biển chạy được một khoảng thì bị phát hiện, lực lượng an ninh CS đã theo dõi và đuổi theo con tàu chúng tôi.

Tôi còn nhớ chú sáu, người mà rủ Mẹ tôi đóng tàu hô lớn: "Anh em cô bác hãy nằm sát xuống, coi chừng nó bắn đó. Tôi kéo hết tốc độ chạy mau." Khi chú vừa nói xong thì một loạt đạn chúng bắn về phía con tàu chúng tôi, chạy được lúc thì chúng đuổi theo kịp.

Thật ra vì tàu chúng tôi chỉ đặt chiếc máy công xuất nhỏ, còn bọn chúng thì chạy bằng tàu chuyên dụng của Hải quân nên không thoát được.

Khi chúng cập vào tàu chúng tôi, nhảy qua súng trên tay lăm lăm miệng cứ chửi thề: "Bọn tao giết hết tụi bây, đồ phản quốc! Bỏ trốn hả".

Chúng dùng dây ni lông trói hết đàn ông lại, còn đàn bà phụ nữ thì bảo để tay lên đầu.

Rồi chúng kéo chiếc tàu chúng tôi về rạch giá.

Chúng nhốt tạm trong một căn phòng mà trước đó chúng đã bắt được thêm 2 tàu nữa.

Chúng tịch thu hết tiền bạc những vật mang trên người chúng tôi.

Một cảnh tượng bi thương, thê thảm đang xuất hiện. Mẹ tôi chỉ khóc và khóc mà thôi không nói nên lời.Tôi đau đớn lắm khi trên gương mặt mọi người hốt hoảng bế tắc.

Rồi sáng hôm sau chúng đưa chúng tôi về trại giam cầu ván ở rạch sỏi, nơi đây chúng giam giữ khoảng trên 2 ngàn người vượt biên. Một khu vực không rộng lắm, chật chội và tồi tệ. Rồi chỉ mấy ngày tiếp theo trại giam này đón nhận khoảng vài trăm người vào tiếp.

Không còn chứa nổi, bọn chúng chuyển bớt đi về trại giam rang làng thứ bảy miệt thứ, trong đó có hai Mẹ con tôi.

Trong thời kỳ đó tội vượt biên chúng cho là tội phản quốc, giam giữ không thời gian giới hạn , không rõ chỉ biết chờ ngày thả thôi.

Lúc này Mẹ tôi bệnh nhiều lắm, vì suy sụp tinh thần và mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo mà Mẹ tôi dấu tôi không cho biết.

 

Thật ra quyết định ra đi là Mẹ tôi muốn tôi có tương lai sau này, chứ không phải vì khó khăn và thực hiện cho Mẹ. Sau này tôi mới hiểu tất cả Mẹ làm là vì tôi.

Hai Mẹ con ở tại trại giam khoảng 6 tháng, Mẹ tôi lúc này bệnh rất nặng, không thuốc men, không được ăn uống đầy đủ nên sức khỏe tinh thần suy kiệt rất nhiều.

Chính tôi đã làm đơn van xin cho Mẹ tôi về để điều trị thuốc thang, nhưng chúng không chấp nhận, chúng cho là thành phần ngụy quân phản quốc, vì khi đi Mẹ tôi có mang theo giấy tờ của tôi và Cha tôi nên khi chúng khám xét tịch thu đã phát hiện nên chúng không cho hai Mẹ con tôi được về sớm.

Rồi một đêm : đau đớn đã đến với tôi. Mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng khi ngoài trời cơn mưa tầm tả.

 

Tôi còn nhớ một tên quản giáo chạy lại gọi tôi, vì khi vô trại giam chúng phân loại nam nữ ở riêng biệt, bất kể là anh em hay cha mẹ.

Quản giáo nói: "Mầy sang phòng mẹ mầy đi, Mẹ mầy chết rồi."

Tôi chết lặng và đau đớn đến tận cùng của cái bất hạnh cuộc đời không thể miêu tả được.

Tôi chạy như bay qua chỗ Mẹ tôi ở trước mặt tôi. Người Mẹ đang nằm đó mắt mở không nhắm lại như muốn gặp tôi lần cuối, xung quanh có các người ở chung phòng giam đang khóc. Một người phụ nữ trạc tuổi Mẹ tôi gọi tôi con ơi (Mẹ con mất rồi ). Tôi ôm Mẹ tôi gào lên khóc và chỉ khóc, sự đau đớn xen lẫn nỗi căm thù như muốn vỡ tung lòng ngực và mắt muốn nổ tung.

Trong lúc này có một giọng nói từ phía sau: "Ai là người thân lên văn phòng ký tên nhận xác".

Tôi quay lại muốn giết ngay tên vừa gọi nhưng mọi người can ngăn lại.

-Thôi bỏ đi con, lo cho Mẹ con nè.

Tôi dừng lại vì lời khuyên của mọi người, tôi lên văn phòng ký tên nhận xác.

Một tên giám thị nói với tôi nếu không có người bên ngoài mang xác về thì phía sau trại giam có khu đất trống mang ra đó mà chôn.

Đưa Mẹ về đâu? Nhà mất không người thân nơi xứ khách quê người. Tôi đau đớn đành mang Mẹ ra bãi đất hoang trong khuôn viên trại giam chôn tạm.

 

Một đám tang chỉ có 6 người cùng tôi chôn cất. Chôn cất xong Mẹ tôi, tôi phải ở thêm 2 tháng nữa mới được trả tự do về đời.

Về đâu tôi chưa biết, khi Mẹ còn nằm đây mồ hoang cỏ dại.

Tôi lang thang ở chợ rạch giá kiếm sống bằng cách sống của kẻ bụi đời, làm đủ mọi việc để kiếm miếng ăn bốc vác và đủ mọi việc cùng đám bạn vừa kết thân được năm ba bữa.

Nhưng cuộc đời không như mọi người nghĩ, sự hơn thua, cạnh tranh địa bàn chửi nhau đánh lộn vì miếng ăn để tồn tại. Tôi không thể làm thế và không chấp nhận sự tranh đoạt của kẻ yếu để dành về phần mình nên bỏ đi không tham dự. Tôi thường xuyên nhịn đói từ một đến hai ngày không có gì ăn.

Buồn quá tôi hỏi thằng bạn cùng trang lứa:"Tụi mầy muốn đi với tao không?"

Hai thằng nhìn tôi: "Đi đâu?"

- Khi tao ở tù, nơi cầu ván rạch sỏi tao thấy có một bến đò khách đông lắm, xuống đó phụ việc chắc kiếm cơm ăn được."

Lúc đầu hai thằng còn lưỡng lự nhưng rồi đồng ý cả ba cùng đi.

Từ rạch giá xuống rạch sỏi chỉ khoảng 3 cây số, ba thằng cùng đi bộ xuống đó.

Nhưng không phải như suy nghĩ của mình nơi đây cũng phe Đảng cạnh tranh nhau vì miếng ăn. Hai ngày trôi qua tôi chỉ được một gói xôi của người chị thương hại cho ăn. Khi tàu vừa cập bến rất đông kẻ hò người hét lao vào tranh giành công việc, tôi cảm thấy buồn và bất lực vì không phải cùng phe với chúng nên không có công việc để làm.

Tôi ra ngồi nơi một gốc cây cạnh bến tàu mà buồn cho số phận sao khốn nạn đến thế.

Mỗi khi như thế tôi nhớ Mẹ rất nhiều nhưng làm sao về với Mẹ. Khi Mẹ không còn.

Mình mồ côi mà, về đâu ?? Trong đầu luôn luôn đau khổ và thù hận.

 

Trong khi mang mang suy nghĩ thì nghe có tiếng hỏi :"Sao cháu buồn vậy?" Tôi ngước nhìn lên thì một ông lão già tuổi khoảng sáu ngoài trong bộ đồ bà ba đen trên đầu quấn chiếc khăn rằn. Tôi trả lời cảm ơn bác vì cháu không có việc làm. Ông nhìn tôi và hỏi: "Mầy ăn gì chưa? Theo tao lên chợ kiếm bún cháo ăn nè", tôi cảm ơn và trả lời: "Dạ cháu không tiền, thôi ông đi đi!".

Ông thét lên: "Tao rủ mà, tao có tiền, theo tao!"

Tôi không thể từ chối vì cơn đói mấy ngày qua đã thúc giục tôi nên gạt mặt cảm mà chấp nhận nhưng tôi không quên hai thằng bạn nó cũng như tôi trong cơn đói.

Tôi nói với ông: "Dạ con còn hai thằng bạn, nó cũng như con, con bỏ lại thấy tội quá!" Ông trả lời: "Thì mầy rủ đi theo, tao bao hết!"

Tôi mừng không tả nổi và kêu hai thằng chạy theo, thời kỳ bao cấp nơi ăn uống chúng cũng kiểm soát gọi là cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh, vào đó ai ăn gì phải mua cái phiếu rồi mới được ăn.

Ông lão bảo tụi bây ăn gì cứ ghi vào đó, ba thằng thèm cơm chỉ cơm là tuyệt vời. Khi các thức ăn bài ra trước mắt ba đứa tụi tôi mừng vô kể và ăn như trong đời chưa ăn một lần nào.

Khi ăn xong ông lão hỏi: "Tao hỏi thiệt nè, ba thằng bây có muốn về chỗ tao sống không?"

Ba thằng nhìn nhau không biết trả lời sao, tôi mạnh miệng hỏi: "Dạ ông, quê ông sống và nghề gì vậy?"

Ông trả lời : chỗ tao làm ruộng với vườn ngoài trồng lúa ra còn có những việc khác như giữ trâu, chăn vịt. Tao thấy tụi bây khổ quá, thôi về sống với tao đi để kiếm cơm ăn tao sẽ trả công đàng hoàng, không thiệt cho tụi bây đâu.

Suy nghĩ hồi lâu tôi hỏi hai thằng bạn có đồng ý theo ông không ?? Thì hai thằng nói với tôi : hai thằng tao còn gia đình mẹ và em tao nữa, không bỏ đi được đâu. Còn mày mồ côi ở đây không có họ hàng thân thuộc, thôi mày theo ổng về sống đi. Nỗi buồn lại tràn về, lại một lần chia tay không gặp lại.

 

Tôi đồng ý theo ông, vì nơi này không thích hợp và tôi không có chỗ đứng nên đành chấp nhận tìm cho mình con đường sống mặc dù chưa biết sẽ ra sao.

Tôi chia tay hai thằng bạn rồi xuống đò xuôi về miệt thứ và cũng nơi đó gần nơi Mẹ tôi nằm.

Đò bắt đầu rời bến tôi mang mang suy nghĩ cuộc đời mình kể từ đây như một chiếc lá trôi giữa dòng sông mà chưa gặp bến bờ.

Thôi đành chấp nhận cho cuộc bể dâu nghiệt ngã của một con người đã rơi xuống tận cùng vực thẩm.

Khi đò ghé bến trên nhà có xuống tiếp ôm lên mấy cuộn dây dàm(dây dàm)

Tiếng địa phương là dây để cuộc trâu bò.

 

Tôi theo ông vì khi hai ông cháu trò chuyện dưới đò, ông nói : tao thứ năm mày gọi tao là ông năm được rồi.

Tôi theo ông lên nhà. Ông giới thiệu với mọi người đây là thằng con nuôi, tôi mới mang nó về từ rạch giá đó. Cho nó sống với mình như người trong nhà.

-Nhưng tiện đây tao cũng nói luôn với mày công việc và tiền công cho mày hiểu, mày sẽ cùng một người giữ trâu cho tao và tao cũng có lãnh thêm mấy bầy trâu nữa khi mùa vụ họ xong họ mướn len cho họ , ( len ) là danh từ mướn và mỗi năm tao trả cho mày 50 giạ lúa tương đương 1 tấn. Kể từ ngày mai mày ra đồng, thôi tắm rửa ăn uống rồi đi ngủ đi.

Thế là công việc rõ ràng và tôi bắt đầu một cuộc sống cách ly hoàn toàn ngoài xã hội.

 

Sáng sớm 5 giờ tôi theo ông năm xuống xuồng chống ra chòi trâu xa giữa đồng, nơi đây là nơi tôi sinh sống, gạo muối mang theo cách mười ngày nữa tháng người nhà mới mang lương thực ra nữa, nói lương thực cho nó hoa mỹ chứ chỉ có gạo và muối thôi, kèm theo đó là dụng cụ đánh bắt cá tự kiếm ăn.

Tôi còn nhớ ngày tháng đó là 16 tháng 2 - 1977 và như thế tôi cứ sống hết tháng này qua năm nọ suốt đến 1990, đúng 13 năm tôi cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài.

 

Rồi một ngày ông năm ra thăm tôi, ông bây giờ đã già lắm rồi. Tôi còn nhớ ông đem theo cho tôi một đôi dép nhựa và vài ba cái quần xà lỏn cho tôi.

Tôi ngạc nhiên vì suốt 13 năm tôi không biết đến đôi dép là gì, chỉ đi chân đất và ít khi mặc áo chỉ trừ khi trời lạnh mới mặc vào.

Xin lỗi thật lòng bản thân tôi lúc đó như một con mãnh thú lạc bầy sống đơn độc mà không có đồng loại xung quanh.Tóc thì ngang vai, da đen bóng thân hình vạm vỡ suốt 13 năm suy nghĩ của tôi cứ sống trong hận thù và nhớ Mẹ. Lầm lì ít nói.

Rồi ông năm kêu lại nói chuyện.Ông nói: "Tao bây giờ già rồi không biết còn sống bao lâu nữa, hôm nay tao muốn mày tự lập. 13 năm qua mày sống với tao đã đủ rồi, tiền công mỗi năm 50 giạ lúa. 13 năm tổng cộng là 650 giạ tao sẽ cho thêm. Kể từ hôm nay mày về, đi cùng tao coi miếng đất nào được mua đế có nơi sinh sống rồi mày còn phải bốc cốt Mẹ mày về cải táng, chớ không lẽ cứ để nằm trong trại giam mãi được sao.

Tôi rất vui và trong lòng thầm cảm ơn ông vì từ nay tôi được sống gần bên Mẹ rồi.

Và tôi đã dùng mồ hôi nước mắt của mình đã có một mảnh đất để vun thân.

Ông năm cho tôi cây lá dựng một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của mình, nhưng tôi chưa cảm thấy mãn nguyện khi chưa làm xong bổn phận đưa Mẹ tôi về ở gần bên tôi.

Và đã quyết định đi cải táng Mẹ về 21 -3 - 1990 ngay ngày thanh minh năm đó. Tôi cảm thấy vui và mãn nguyện mặc dù nỗi hận thù cứ cấu xé lương tâm tôi mãi.

 

Rồi một ngày Mẹ con được đoàn viên mặc dù âm dương cách trở nhưng tôi không thấy điều đó là giới hạn, vì Mẹ tôi ở bên tôi suốt từ khi Mẹ mất không quá hai ba đêm trong giấc ngủ tôi gặp Mẹ về , và cho đến bây giờ mỗi khi gặp chuyện khó khăn thì xuất hiện linh tính Mẹ mách bảo.

Và tôi đã quyết định ở vậy không lập gia đình, vì sự nghiệp tương lai không có, vì hận thù đã làm tôi chai sạn.

Chỉ sống và cảm nhận nỗi đau mọi người

là nỗi đau của mình và san sẻ buồn vui cùng mọi người trong cuộc sống.

Vì cuộc đời này tôi đã nếm trải cái tận cùng nỗi bất hạnh và đau khổ mà con người đã rơi xuống tận cùng vực thẩm.

Nên kiếp người chỉ là một làn khói mỏng bay ngang rồi biến vào không gian tan mất.

Nên hãy yêu thương và hãy gọi tên nhau khi còn có thể ,

::::::://///::::://///:::::::

Bài viết này tuy dài

Mong các bạn thông

Cảm nhé ,

Nhưng đó là Nhật ký

Trường hận mà suốt

45 năm qua mình không

Nói ra cuộc đời mình ,

Cứ chôn sâu vào ký ức cho nó

Ngủ quên.

Vì bao ký ức không được

Vui vẻ và đầy nước mắt của

Cuộc đời khi biến cố mang

Đầy bất hạnh,

Thôi thì cho nó sống lại một

Lần ,rồi mãi mãi để nó ngủ

Yên như đã chết ,

Đây là sự thật trong đời của Lãm ,

Mong các bạn hiểu và thông

Cảm Nhé ,

 

Lê Quang Lãm.

11.7.2021

Copy từ Facebook anh Lê Quang Lãm

No comments: