Saturday, April 13, 2024

NHẠC SĨ NGUYÊN BÍCH VỚI "TÔI ĐÃ KHÓC"

 

NHẠC SĨ NGUYÊN BÍCH

 

VỚI “TÔI ĐÃ KHÓC”

 

 


 

NGUYÊN BÍCH

 

Một vài nét về nhạc sĩ Nguyên Bích

Nguyên Bích tên thật là Nguyễn Văn Bích sinh năm 1944 tại Hà Nội, di cư vào nam năm 1954, sống và lớn lên tại Saigon. Học trung học tại các trường Nguyễn Bá Tòng, Hàn Thuyên, Phan Sào Nam và Chu Văn An. Tốt nghiệp YKĐH Saigon khóa 1963-1970, cũng là cựu Sinh Viên Quân Y tốt nghiệp khóa HD17. Ra trường phục vụ tại SĐ9BB, năm 1975 là Tiểu đoàn phó TĐ9QY. Sau tháng 4/1975 bị đi tù cải tạo, đến 1977 thì được tạm tha, được chỉ định làm BS phòng cấp cứu kiêm BS gây mê BV An Nhơn Tây Củ Chi. Tháng 5/1979 cùng với vợ vượt biên sang được Mã Lai, ở trại tỵ nạn Pulau Tengah, được định cư tại Mỹ tháng 9/1979 tại Houston. Vợ đi làm, chồng đi học, làm residency tại UTMB Galveston , bắt đầu hành nghề lại làm BS gia đình tại Houston từ tháng 7/1988 cho tới nay. Dự định về hưu năm 2023.

Nguyên Bích yêu âm nhạc, là ca viên ca đoàn nhà thờ Công Giáo, hát bè Bass và chơi guitar, piano trong các ca đoàn này. Học căn bản nhạc ly tại trường Nguyễn Bá Tòng, học xướng âm với ông cậu ruột là nhạc sĩ Hùng Lân, học guitar, piano, hòa âm với các ca trưởng, các bạn và từ sách vở. Nguyên Bích bắt đầu sáng tác nhạc khoảng năm 1996 cho đến nay có được khoảng 100 bài nhạc. Nguyên Bích có 47 bài nhạc được thâu CD với các tiếng hát Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Quang Tuấn, Trần Thu Hà, Bích Vân, Thanh Hà, Thái Hiền, Đinh Ngọc, La Sương Sương, Ngọc Huệ, Hằng Nga do các trung tâm băng nhạc Diễm Xưa, Mai Ngọc Khánh, Việt Star Productions, HT productions, Nhạc Việt Collections sản xuất và phát hành. Nguyên Bích có website riêng, xin vào www.nguyen-bich.com để xem và nghe những bài nhạc mới nhất của Nguyên Bích. Địa chỉ liên lạc với Nguyên Bích Bichbinh@gmail.com

 

 

TÔI ĐÃ KHÓC” MỚI ĐƯỢC QUEN

VỚI NHẠC SĨ NGUYÊN BÍCH

 

Gia đình Dư Thị Diễm Buồn gồm có 4 người (chồng, vợ và 2 con)  từ trại tị nạn Galang (Indonesia) được vào Hoa Kỳ đầu mùa Xuân năm 1980, tạm cư ở ngoại ô thành phố Gió Chicago, thuộc tiểu bang Illinois. Thuở đó vùng chúng tôi ở người Việt chưa đông lắm. Chicago nổi tiếng lạnh nhứt nhì nước Mỹ. Mỗi năm gần như sáu tháng lạnh tê tái tâm hồn từ giữa mùa thu cho đến hơn cả tháng chồm qua mùa xuân.

Nhớ lúc chân ướt chân ráo đến xứ người lạ xa mọi thứ... Từ phong tục, tập quán, lời ăn tiếng nói... Ngày chồng đi làm, các con đi học... ngoài trời tuyết rơi lả chả lê thê từ sáng đến chiều, có khi luôn cả đêm… Cơn lạnh giá thấu xương ngoài trời, mặc hai ba lớp áo quần cũng chưa thấy ấm! Chung cư chúng tôi có 12 chỗ cho mỗi gia đình. Mỗi chỗ có 2 phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh, bếp, phòng khách…Thuở đó mỗi tháng chỉ trả 175$. Lương tối thiểu cho một công nhân $3.19/giờ

Chỉ có những người bỏ nhà cửa, trốn chạy khỏi nơi sinh ra và lớn mới thấu hiểu nỗi sầu đau, thống khổ, lạnh buốt cả tâm hồn! Thời gian nơi đây, hoàn cảnh nầy, lo buồn, xao xác tâm hồn đã... khiến niềm đam mê đọc và viết của thuở còn đi học bất chợt quay về. Thế rồi “Tôi Đã Khóc” của DTDB được hiện hữu trên các Văn Đàn, nguyệt san, tuần báo... gần, xa, len lỏi đến những nơi có người Việt lưu vong.

Một hôm chị bạn thân, rất thân hồi còn Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) ở tiểu bang xa gọi điện thoại thăm hỏi gia đình rồi chị, bảo:

- Ê mầy, tao mới đọc được bài thơ của DTDB trên Diễn Đàn...

Tôi vui mừng cảm thấy phấn khởi trong lòng liền miệng ngọt giọng, hỏi chị một lèo:

- Vậy sao, bộ thật hả? Bài thơ tên gì vậy mậy, có được không, đọc nghe có êm tai không hả bồ tèo...?

Nghe tôi hỏi, chị ta cười hô hố như tiếng máy nổ của xe hơi cũ bị khô dầu. Rồi điệu đà lớn họng ra rả đọc bài thơ nhanh như không kịp thở, như đang bị ai rược... nghe chát chúa muốn điếc con ráy:

 

 

TÔI ĐÃ KHÓC

                              

DTDB

 

Tôi đã khóc từ khi rời lòng mẹ                          

Sợ hay mừng đời đã tiếp nhận tôi                      

Và từ đó một hình hài nhỏ bé                        

Lớn khôn dần ngọt sữa mẹ thơm môi                

         

Tôi đã khóc mẹ dãi dầu cơ cực                      

Vì cha còn nặng nợ bước chinh nhân                

Nghĩa hy sinh trong tim người thắm rực           

Dưỡng dục con còn lận đận nuôi chồng            

 

Tôi đã khóc mẹ ra đi vĩnh viễn                          

Bởi giặc về đã cày nát xóm thôn                        

Những đạn pháo vô tình gây tai biến                 

Người đớn đau quằn quại trút linh hồn                        

 

Tôi đã khóc tối ba mươi hôm đó                   

Tháng tư buồn vụn vỡ bảy mươi lăm              

Những con tàu vượt trùng dương sóng gió        

Chở bao người mang thống khổ hờn căm          

 

Tôi đã khóc được tin anh ngã gục                      

Trong trại giam cải tạo tận Miền Trung             

Mười mấy năm, niềm tin không rã mục         

Chí kiên cường khó lay động chuyển rung

         

Tôi đã khóc cảnh quê nhà điêu đứng                 

Mỗi địa danh mang chiến sử oai hùng           

Đã bao đời ông cha ta gầy dựng                    

Nay còn chăng, những hoang phế tàn vong   

 

Tôi đã khóc suốt quãng đời lưu lạc                   

Khóc cho người và khóc cả cho tôi                   

Bao tang tóc, bao lầm than dân tộc                    

Đoạn trường này còn khóc mãi khôn nguôi       

DTDB

Biết tôi là tác giả bài thơ, nhưng khi đọc xong, chị ta còn chì chiệt, rồi ỏng ẹo cười, chọc quê:

-  Bài dở òm hà mầy, vậy mà cũng gởi đăng báo...

Nghe bà bạn già chê ỉ chê ôi bài viết của mình, tôi chợt cảm thấy lòng nao nao buồn! Ngạc nhiên vì trước khi gởi bài đi đã đọc cho phu quân tôi nghe, ông gật đầu bảo là được lắm mà...

Chừng vài tháng sau, tôi nhận được điện thư của nhạc sĩ Nguyên Bích đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Tôi Đã Khóc”.

NS Nguyên Bích rất xa lạ, vì tôi chưa bao giờ nghe tên và cũng không biết ông ở đâu. Nhưng tôi rất vui, bây giờ thì tôi khóc, tôi tật đã khóc với những giọt nước mắt hạnh phúc vì có được nhạc sĩ cảm nhận tâm ý của mình, của một kẻ vượt thoát khỏi quê hương xứ sở đã hơn nửa đời bên đó...

 

Một hôm trời California đẹp nắng, vào Google, tôi gặp bài của một người phỏng vấn nhạc sĩ Nguyên Bích. Lật đật lấy câu có nhắc đến DTDB giữ trong box riêng của mình, để hôm nay có dịp khoe với quý vị.

 

PHỎNG VẤN NHẠC SĨ NGUYÊN BÍCH

DO TRƯỜNG ĐINH THỰC HIỆN

 

Trường Đinh, hỏi (Câu 14):

- Ngoài chủ đề về giòng nhạc tình yêu của Nguyên Bích, anh có viết về quê hương và thánh ca không?

Nhạc sĩ Nguyên Bích, đáp:

          - Thưa anh có. Nhạc viết về quê hương tôi chỉ có vài bài. Bài nhạc tôi yêu thích nhất là bài “Tôi Đã Khóc” phổ thơ Dư Thị Diễm Buồn. Bài thơ mô tả tâm trạng của một người bị mất tất cả, mất đất nước, mất mẹ, mất chồng, mất anh em, bạn bè sau ngày 30 tháng 4. Chị Dư Thị Diễm Buồn rất xúc động với bài nhạc nầy. Chị viết cho tôi: “Tôi không khóc khi viết bài thơ nầy, nhưng tôi thật sự khóc khi nghe bài nhạc của anh” (tài liệu Google)

 

Nỗi vui mừng chưa hết, chợt nhớ đến cái con bạn già “vô duyên không tiền thưởng…” đã chê bài thơ. tôi liền điện thoại gọi cho mụ ta:

- Ê, cái mụ già cà chớn, bài thơ của tao hay thấy bà được phổ nhạc rồi kìa... Vậy mà mầy chê… bộ đầu óc bị lão hóa rồi sao con xí xọn...?

Biết tôi đang nổi nóng, bên kia đầu dây nó cười ha hả:

- Làm gì ào ào vậy, bạn già thân nhau mấy mươi năm rồi, vậy mà chẳng hiểu tánh tốt của bạn mầy gì hết! Mầy hỏi bài có hay không, nếu tao khen thì mầy sẽ tự kiêu, rồi sẽ sanh tật làm phách... rồi không viết nữa... Nên tao không ưa, tao ghét, tao “khịa” mầy chơi đó mà... Nếu bài của mầy không hay làm sao tao thuộc lòng bài thơ mà đọc cho mầy nghe? Thiệt lờ đờ không biết gì cả...

Tôi lắc đầu cười như mếu, lẩm bẩm: “...Đồ con bạn già mắc toi...”

Mười mấy năm sau gia đình tôi không ở Chicago nữa, mà dời về ngoại ô Sacramento (Thủ Phủ của tiểu bang California) vì sức khỏe của chồng và gần các con. Một hôm gần ngày Quốc Hận (30 tháng 4 năm 1975) tôi nhận được video clip bài “Tôi Đã Khóc” do nhạc sĩ Nguyên Bích hát cùng thực hiện video gởi tặng và đi trên youtube

 

TÔI ĐÃ KHÓC

Thơ: Dư Thị Diễm Buồn

Nhạc&ca: Nguyên Bích

 




https://www.youtube.com/watch?v=HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"2HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"ZcMoxdgSIHYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"4HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"&HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"t=HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"140HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"s

         

Kể từ sau đó, cứ mỗi năm vào tháng 4, thì DTDB lấy nhạc phẩm “Tôi Đã Khóc” của nhạc sĩ Nguyên Bích đi trên youtube, gởi lên các Diễn Đàn mời thính giả khắp nơi thưởng thức để không quên Quốc Hận!

 

Với lòng chân thành xin đa tạ và biết ơn nhạc sĩ Nguyên Bích đã cho một người mới viết vì sở thích, vì đam mê như DTDB niềm vui lớn. Nếu không được anh phổ nhạc, thì tôi nghĩ rằng bài thơ “Tôi Đã Khóc” sẽ không được nhiều người biết đến và chiếu cố như vậy... Bởi: “...Tôi đã khóc suốt quãng đời lưu lạc/ Khóc cho người và khóc cả cho tôi/ Bao tang tóc, bao lầm than dân tộc/ Đoạn trường này còn khóc mãi khôn nguôi...”.

 

Trích trong tuyển tập văn&thơ

“Bóng Thời Gian.2” phát hành mùa xuân 2024.

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Email:dtdbuon@hotmail.com

No comments: