LÃNH ĐỒ MỸ.
Chuyện xóm tôi sau 1975.
Tin con gái bà Hòa từ Mỹ
sắp về thăm gia đình làm xôn xao và vui lây cả xóm. Từ hồi nào tới giờ hàng xóm
đều cảm phục người con biết thương yêu cha mẹ đùm bọc anh em, mỗi
năm đều đặn gởi về mấy thùng đồ nuôi sống cả nhà trong thời buổi cuộc sống khó
khăn sau 1975 cho đến giờ.
Hạnh theo gia đình
chồng đi Mỹ từ 1975. Đây là lần đầu tiên cô về Việt Nam.
Bà Hòa đã sửa soạn đón
con gái thật tưng bừng, mua nệm trải lên giường cho cô nằm để đỡ đau lưng
vì cô sống ở Mỹ quen giường nệm gối êm từ bao năm.
Nhà cửa sơn sửa lại cho
mới đẹp, người ta nói lén với nhau rằng, bà Hòa chứng tỏ cho con gái biết những
đồng tiền nó gởi về bà đã chi tiêu chính đáng.
Bà “kéo” về một tạ gạo
thơm Nàng Hương để đãi con gái và cả nhà cùng ăn mừng dù giá gạo chợ đen mắc
mỏ.
Tất cả những chi phí ấy
bà Hòa đều…vay mượn tiền để mua sắm. Các chủ nợ quen thuộc của bà rất tín nhiệm
bà. Họ từng cho bà mượn nợ chi tiêu trước, lãnh đồ Mỹ về trả nợ sau, sòng phẳng
bấy lâu nay.
Những năm sau 1975, Việt
kiều về nước sớm đã là những “huyền thoại” của lối xóm. Việt kiều như từ hành
tinh khác trở về, như từ thiên đường rớt xuống cõi trần gian đầy khổ ải của
nhân dân miền nam Việt Nam chưa quen với cuộc sống mới của xã hội chủ nghĩa
thời bao cấp này.
Bình tây lai xuất
cảnh sang Pháp sớm nhất ngay sau miền Nam Việt Nam thất thủ và cũng là việt
kiều đầu tiên của xóm tôi khăn áo về làng. Nay mới đến con bà Hòa.
Buổi tối đầu tiên Bình
xuất hiện ở nhà mẹ ruột thật đông vui. Bình ngồi ghế trên bàn vừa uống nước vừa
kể chuyện trong khi quạt máy quay vù vù bên cạnh cho Bình được thoải mái mát
mẻ.
Hàng xóm người lớn và
trẻ con đổ đồng như nhau, khỏi cần phân biệt tuổi tác, đều ngồi trên mảnh chiếu
trải dưới đất, hếch mắt lên nhìn Bình và lắng nghe câu chuyện bên trời tây.
Tôi cũng “bon chen kèn
cựa” với mấy đứa con nít đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào vì bên trong nhà không
còn chỗ chứa.
Trong nhà mấy người trẻ
tuổi ra vẻ hiểu biết hỏi Bình về Paris của Pháp, về nhà thờ Đức Bà, vườn Lục
Xâm Bảo và giòng sông Seine.
Mấy đứa con nít hỏi Bình
về …đồ ăn bên Pháp có những món gì? Nghe tới món bánh mì pate, bánh ga tô,
chúng nó cùng liếm môi thèm nhỏ dãi.
Một bà già thì cụ thể
hơn hỏi tình hình…. giá gạo bên Pháp bao nhiêu một tạ để bà so sánh với giá gạo
ở Việt Nam và bà than thở gạo tổ ở đây mỗi đầu người chỉ mua được 9 ký toàn là
thóc sạn và bông cỏ khổ lắm cháu ơi.
Sợ Bình không biết bà
già giải thích “gạo tổ” là gạo mua ở tổ lương thực. Người dân được cấp sổ lương
thực để mua gạo theo tiêu chuẩn của nhà nước.
Bình nhỏ hơn tôi vài
tuổi. Trước 1975 Bình là khách hàng thường xuyên của quán cà phê nhà tôi. Bình
là chỉ huy nhóm 4 đứa. Gồm Bình lai Tây và ba đứa cô hồn
các đảng khác chuyên phá làng phá xóm. Mỗi lần thấy nhóm 4 đứa trời thần này
bước vào quán là tôi thấy … cả một bầu trời u ám.
Chúng gọi 4 ly đá chanh
, nhưng uống thành…8 ly.
Trên mỗi bàn luôn có sẵn
bình trà lớn và hũ đường cát trắng để khách hàng nêm thêm vào ly chanh đá hay
ly cà phê cho vừa miệng. Chẳng những chúng chia nhau hũ đường trên bàn mà còn
lấy thêm hũ đường từ bàn khác, cho vào mỗi ly thật nhiều đường và để dành đấy
không quậy. Uống hết đá chanh, chúng rót nước trà vào thành ly trà đường ngọt
lịm và ngồi tán dóc trong quán mấy tiếng đồng hồ chưa chịu về, hết bình trà này
chúng sang bàn kia lấy thêm bình trà khác.
Thấy mặt tôi sưng xỉa
chúng càng làm tới và sinh sự:
- Tụi
này cũng là khách hàng và trả tiền đàng hoàng nha. Bán hàng mà cái bản mặt chù
vù thế kia thì chẳng những ế hàng mà còn ế chồng luôn đó.
Và khi chúng rời quán
thì để lại một bãi chiến trường cho tôi thu dọn.
Bình đã có người yêu và
mang cô xuất cảnh đi Pháp theo diện vợ chồng.
Bình lai tây đi rồi thì
nhóm chúng tan hàng.Tôi là người dưng mà cũng….mừng vui khôn xiết ngày Bình
xuất cảnh không thua gì thân nhân nhà Bình, vì từ đây hàng quán nhà
tôi được bình yên.
Hôm Bình trở
về, chững chạc hơn ra. Nhưng “nổ” quá, sau khi ba hoa về những công việc Bình
làm bên tây mà không ai có thể kiểm chứng được, Bình nói về Việt Nam
chuyến này để tính chuyện “đưa” cha mẹ và các em sang Pháp định cư, nhẹ nhàng
và dễ dàng như đưa một gói hành lý lên tàu.
Hôm sau Bình đi chơi
quanh hàng xóm và ghé quán tôi, gọi ly đá chanh như ngày xưa nhưng từ tế hơn
không đổ thêm một đống đường vào ly. Tôi hỏi thăm xã giao vài câu thì Bình “nổ”
tiếp:
- Nay
mai tôi sẽ ra Vũng Tàu coi địa thế đất đai để đầu tư nhà hàng cho mẹ và các em
làm ăn sinh sống.
- Ừ,
tội nghiệp, mẹ và các em Bình vẫn làm bánh cam bán rong vất vả lắm.
Bình không biết là tối
qua tôi đã đứng ngoài cửa sổ…hóng chuyện. Bình mới khoe sẽ “đưa” mẹ và các em
sang Pháp sinh sống mà hôm nay lại khoe sẽ đầu tư nhà hàng cho mẹ và các em.
Vậy tin nào là đúng ? Nói dóc thường hở đầu hở đuôi là thế.
Bình hỏi tôi có bán
thuốc ba số không? Tôi mừng rơn tưởng mình sẽ bán được một gói thuốc 555 cho
khách Việt kiều, thì Bình dõng dạc nói:
- Cho
tôi hai điếu thuốc ba số 5.
Và Bình tự đính chánh:
- Tiền
bạc bao nhiêu không ngại, tôi hút thuốc ít thôi, phải giữ gìn sức
khỏe lo cho gia đình.
………………………………………
Bà Hòa chào đón con gái
về bằng một bữa tiệc linh đình.
Bà và Hạnh đích
thân bưng một mâm cỗ đầy đến biếu nhà cha xứ trước khi bữa tiệc bắt đầu. Cũng
như từ hồi nào tới giờ, mỗi lần lãnh thùng đồ Mỹ về bà Hòa cũng chừa lại vài
món đồ trân trọng biếu cha xứ.
Sau bữa tiệc. Buổi chiều
bà Hòa dẫn cô Hạnh đi chào hỏi vài hàng xóm thân cận gần gũi, nhà nào cũng có
chút kẹo chocolate hay cục xà bông thơm phức.
Mỗi sáng cô Hạnh theo mẹ
đi bộ lên chợ là hàng xóm được nhìn cô ăn diện quần này váy nọ. Bà Hòa kể mỗi
lần đi chợ hết cả trăm ngàn mà Hạnh đều khen rẻ. Việt kiều nhiều tiền lắm của
có khác.
Hàng xóm truyền tai nhau
mỗi “sự kiện” ở nhà bà Hòa, nào cô Hạnh lâu rồi không cầm đũa nên loạng quạng,
cô Hạnh phải ăn cơm bằng thìa và nỉa. Cô Hạnh thèm uống sữa tươi và ăn bánh mì
hamburger, người nhà bủa ra đi tìm quanh đây không nơi nào bán. Cô Hạnh quên
nhiều từ tiếng Việt nên phải nói tiếng Anh chêm vào v..v…
Vậy mà có buổi sáng tôi
gặp cô Hạnh theo mẹ ra chợ nhỏ trong xóm chuyên bán hàng quà vặt.
Cô ăn bún riêu, sành điệu múc thìa mắm tôm cho vào tô bún và dùng
đũa ăn ngon lành có loạng quạng tí nào đâu. Vẫn thích ăn bún riêu mắm tôm thì
chắc gì cô nhớ sữa tươi và bánh mì hamburger của Mỹ quay quắt đến thế?
Cô Hạnh giống mẹ, hào
phóng. Đi chơi trong xóm gặp con nít là cô móc bóp cho chúng tiền. Tiền đô Mỹ
đổi ra tiền Việt được nhiều, tha hồ để cô ban phát cho người nghèo và lũ trẻ.
Suốt ba tuần lễ cô Hạnh
ở Việt Nam bà Hòa nấu hết món nọ đến món kia để con gái ăn cho đỡ nhớ quê
hương. Nghe cô nói ở Mỹ cô chỉ thèm ăn món rau muống luộc chấm nước mắm ớt hay
rau muống xào không với tỏi cũng không có mà thương.
Ở bên này nhà nhà ăn rau
muống ngán quá trời, ở bên ấy người ta ăn gà ăn thịt quanh năm mà chê. Thật là
éo le.
Cô Hạnh nói lần đầu về
Việt Nam cho biết, lần sau cô sẽ đưa chồng con về chơi luôn.
Nghe nói cô Hạnh về cho
cha mẹ nhiều tiền lắm. Ngay khi con gái vừa rời khỏi Việt Nam trở về Mỹ là bà
Hòa thanh toán ngay những nợ nần và thay đổi cái ti vi cũ bằng cái ti vi mới to
hơn, đẹp hơn.
Bà Hòa là một trong số
nhiều người lãnh đồ Mỹ và sống bằng đồ Mỹ ở xóm tôi. Họ tiêu xài rộng rãi thoải
mái.
Hình ảnh mỗi
lần bà Hòa lãnh đồ Mỹ về luôn…đập vào mắt bà con lối xóm. Bà ngồi
chễm chệ trong chiếc xích lô máy, dưới chân bà là thùng đồ to tướng và sau xe
xích lô là đám con buôn rầm rộ phóng xe gắn máy bám theo bà từ phi trường Tân
Sơn Nhất về tới nhà để trả giá mua thùng đồ.
Những nhà lãnh quà từ
thân nhân ở nước ngoài gởi về có nhiều nước, Mỹ, Úc, Pháp, Canada… nhưng nhiều
nhất vẫn là Mỹ. nên người ta cứ gọi chung là “Lãnh đồ Mỹ”
Nhà “Lãnh đồ Mỹ” bỗng
thuộc tầng lớp “nhà giàu” khi xung quanh mọi người vẫn đang vật lộn với đói khổ
của thời bao cấp. Thời đó gói bưu phẩm vài pound cũng bán được vài chỉ vàng.
Thùng đồ hàng không mấy chục pound thì bốn năm cây vàng dễ như chơi. Hàng xóm
phải thèm thuồng và ghen tị.
Sau nhà nước biết
mình…sai sót nên đã đánh thuế mạnh vào những món quà gởi về từ nước ngoài, nên
gói quà bưu phẩm xuống cấp, thùng quà hàng không xuống giá chừng năm bảy chỉ
vàng.
Nhưng dù giá trị thùng
đồ Mỹ lên xuống thế nào thì anh chàng chuyên đi phát giấy báo lãnh đồ luôn
được…”ăn theo”, mỗi lần nhận giấy báo ai cũng “tip” cho anh món tiền tùy theo
lòng hào hiệp của gia chủ.
Nhiều gia đình anh chị
em cãi nhau vì thùng đồ Mỹ lãnh về chia nhau không đều. Người bên Mỹ bỗng trở
thành ..”cấp lãnh đạo” chỉ huy từ xa cho thân nhân bên Việt Nam.
Kẻ nào có tiền là có sức
mạnh có quyền lực trong tay, dù nó trước kia là thằng con ruột hỗn láo hay đứa
con dâu cà chớn mà cả gia đình từng phản đối không muốn rước về..
Gia đình tôi có hai
thằng em trai đi vượt biên, thỉnh thoảng tôi cũng vào phi trường Tân Sơn Nhất
lãnh đồ Mỹ. Là những ngày vui mừng của gia đình tôi .
Khi lãnh đồ, lúc
hải quan đang kiểm hàng, tôi tò mò …liếc nhìn người bên cạnh cũng đang bị kiểm
hàng, bao nhiêu món đồ phơi bày ra là tôi biết ngay “tình nghĩa” của người gởi.
Con gái ruột bao giờ cũng gởi thùng quà với nhiều món giá trị, bán được nhiều
tiền. Quà con trai gởi thường không “sâu sắc” bán không được là bao. Những
thùng quà toàn đồ rổm, đồ trời ơi nhét vào cho đầy thùng là của…con dâu. Nó gởi
lấy lệ, cho chồng vừa lòng, số lượng chứ không cần chất lượng.
Một bà bác họ của tôi đi
lãnh đồ Mỹ do con dâu gởi, mang tiếng thùng đồ to nặng mấy chục ký mà đa phần
là quần áo cũ, lại có ..đôi giày ủng cao cổ cũng đã cũ, chắc mua từ garage sale
độ một vài đồng để thân thương âu yếm ….tặng cô em chồng, cái nồi
cơm điện xài rồi chắc chán nên con dâu gởi tống táng về…kính biếu mẹ chồng. Khi
hải quan kiểm hàng bà mắc cở với tụi hải quan luôn.
Nhưng khi viết thư cho
con trai và con dâu bà vẫn phải nhịn tức mà thân mến cám ơn các con đã gởi đồ
về, để còn hi vọng khi cơ nhỡ vẫn có lúc nhờ vả chúng.
Bà Hòa may mắn có con
gái ở Mỹ, con bà làm chủ tiệm nail lợi tức cao vững vàng thì gia
đình bà bên Việt Nam cũng vững vàng hưởng những món quà từ Mỹ gởi về dài dài.
Còn Bình tây lai sau khi
trở về Pháp không biết có nhớ lời hứa trước mặt mọi người là sẽ lo cho mẹ và
các em không? Có thỉnh thoảng gởi chút quà cho họ không? mà vẫn thấy
các em Bình ngày ngày bưng mâm bánh cam đi bán.
Nguyễn Thị
Thanh Dương.
No comments:
Post a Comment