Bài viết sau đây là tự truyện về gia đình
người chỉ huy phó Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch tại Phan Thiết sau biến cố 30
Tháng Tư. Tác giả bài viết là một cô giáo, người vợ tù, một mình nuôi con. Sau
nhiều năm cơ cực, gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. và đây là bài viết
về nước Mỹ đầu tiên của bà.
*******
Bây giờ ở Mỹ đang
mùa Xuân. Đi đâu tôi cũng gặp hoa muôn màu muôn sắc rực rỡ, chim chóc hót líu
lo, gió mát nhẹ nhàng thổi.
Hôm nay tháng Tư lại về. Tôi thấy lòng mình chùng xuống khi nhớ lại những ngày
sau 30-4-75. Hồi đó, khi còn ở Việt Nam, tôi đã khóc biết bao mỗi khi tháng Tư
về. Bây giờ hình như không còn nước mắt để khóc nữa, nhưng vết thương lòng qua
bao nhiêu năm tháng vẫn chưa lành.
Tôi nhớ Sư Bà Huyền Không ở Phan Thiết đã từng nói với tôi: “Bao nhiêu đau
khổ vây quyện đời con, nhưng dù hoàn cảnh nào, con vẫn là một người vợ hiền, một
người mẹ tốt nghe con”.
Đời tôi, nhờ niềm tin tôn giáo, nhờ Ơn Trên che chở mà tồn tại đến ngày hôm
nay. Thuở nhỏ tôi là con bé yếu đuối, đau ốm liên miên, mấy lần suýt chết đuối
trên sông Hương, mấy ai ngờ có ngày oằn vai “gánh” cả một gia đình
sáu người, rồi cuối cùng vượt đại dương đến Mỹ để sống những ngày cuối đời nơi
đất khách quê người nhưng lại đậm tình đậm nghĩa.
1. Những ngày trước 30-4-75
Lúc đó, gia đình chúng tôi ở Phan Thiết, trong khu trại gia binh. Tình hình chiến
tranh sôi sục, nhất là những ngày đầu Tháng Tư. Mỗi ngày tôi hồi hộp theo dõi
tin tức thời sự qua đài BBC, hãi hùng với tiếng súng ầm ầm từ những cuộc giao
tranh. Ông Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện đã lặng lẽ bỏ đi, để lại cho ông xã tôi,
Chỉ Huy Phó, một mình vừa cứu thương, vừa điều khiển Quân Y Viện. Tôi hoang
mang, lo sợ.
Để rảnh tay lo việc công, anh ấy cho năm mẹ con tôi di chuyển vào Sài Gòn trước
ở tạm nhà người bà con. Tôi hồi hộp trông tin anh từng ngày, từng giờ mà không
biết hỏi ai, chỉ biết cầu nguyện Phật Trời che chở. Tôi cứ băn khoăn lo lắng
không biết rồi vợ chồng còn gặp nhau không. Thôi thì phó mặt cho số phận đẩy
đưa.
Ông xã tôi là người lúc nào cũng hết lòng về công vụ. Hồi mới ra trường, anh đổi
ra làm việc ở Quảng Trị. Gặp trận Hạ Lào, anh ấy mỗi ngày phải thường trực giải
phẫu 24/24 để cứu thương bệnh binh. Lúc đổi về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch,
Phan Thiết, anh vẫn một lòng tận tụy với nhiệm vụ. Anh không mở phòng mạch tư
kiếm thêm tiền, không lươn lẹo ăn bớt thuốc men trong Quân Y Viện. Do đó anh rất
được quân nhân các cấp trong QYV thương yêu quý mến.
Sau khi tôi và các con đi rồi, biết tỉnh Bình Thuận sắp thất thủ, anh ấy lo di
tản các thương binh còn nằm ở Quân Y Viện vào Vũng Tàu. Vì mặt sau của Quân Y
Viện là biển, và lúc bấy giờ các tàu Hải Quân VNCH còn khá nhiều, nên việc di tản
được suôn sẻ. Đến lúc tỉnh Bình Thuận bị lọt vào tay Cộng quân (19-4-75) thì
ông xã tôi mới theo tàu Hải Quân vào Sài Gòn.
Chúng tôi gặp lại nhau. Chỗ ở trọ không tiện chút nào. Người bà con có nuôi hai
con chó. Đêm nào chúng cũng leo lên chỗ chúng tôi nằm (vì giành giường của tụi
nó) gây tiếng động ầm ĩ, chẳng ai ngủ được. Chúng tôi lại đi xin ở nhờ một người
bà con khác. Nhà này có ba tầng. Lúc dọn đến chúng tôi được cho ở tầng ba, còn
hai tầng kia Mỹ mướn. Ngày hôm sau, chúng tôi được biết có một tàu Mỹ sắp đi
Thái Lan. Nếu chúng tôi lanh trí, ngỏ lời xin “quá giang” thì chắc được
chấp thuận rồi. Một phần vì lòng yêu quê hương, không muốn rời bỏ quê cha đất tổ,
một phần vì chưa sống với Việt Cộng và cũng chủ quan anh ấy thuộc ngành y đâu
có tội lỗi gì nên ở lại. Đời mấy ai học được chữ ngờ! Cũng vì không biết chớp lấy
thời cơ đó mà cuộc đời xô đẩy gia đình tôi vào hoàn cảnh oan nghiệt.
2. Thời làm vợ tù
Sau lệnh đầu hàng của vị Tổng Thống ba ngày, chúng tôi trở lại Phan Thiết
và rồi tôi trở thành vợ tù.
Tôi bị rơi vào hoàn cảnh một thân một mình nuôi chồng và bốn con còn nhỏ dại,
chưa được chuẩn bị để thích ứng với tình huống này! Thời trước 1975, cả hai vợ
chồng sống bằng đồng lương ít ỏi của nhà nước. Lương nhà giáo quá khiêm tốn, ai
cũng biết rồi. Còn anh ấy là một Bác Sĩ Quân Y thanh liêm, tận tâm với trách
nhiệm, không mở phòng mạch tư kiếm thêm tiền mà dành hết thời giờ cho công vụ.
Do đó, tôi đã phải tiện tặn hết mức để không mang công mắc nợ. Khi anh đi tù
tôi không còn chút tiền dư bạc để. Do đó tôi rơi vào hoàn cảnh đôi vai gầy guộc,
ốm yếu của tôi gánh hai gánh nặng thân tình, ngang ngửa nhau, không thể bỏ gánh
nào được cả.
Từ khi Việt Cộng chiếm miền Nam, gia đình chúng tôi không còn được ở trong Khu
Gia Binh Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch nữa. Tôi phải xin tá túc nhà ông TTP, cũng
là Sĩ Quan của Quân Y Viện. Khi ông xã tôi vào tù, tôi thấy không thể ở nhà người
ta mãi nên tìm cách ra ở riêng. Dốc hết tư trang ngày cưới, tôi mua một miếng đất
trên động cát thuộc phường Phú Thủy, Phan Thiết. Nơi đó có sẵn một căn nhà lá lợp
tôn, để ngoài giờ đi dạy ở trường cấp 2B (tôi được lưu dụng với đồng lương đủ
cho chục ngày chợ!), tôi “lao động sản xuất” thêm để tự cứu mình và cứu
gia đình.
Các con tôi bị xô vào hoàn cảnh nghèo khó. Nhờ vậy chúng trở nên khôn trước tuổi.
Con chị mới 9 tuổi đã biết đi chợ nấu ăn, giặt đồ, dỗ em. Khi nào em khóc (thằng
út mới 3 tuổi) thì con chị ra chặt mía, róc, chẻ nhỏ rồi đút cho em ăn. Thằng
em trai kế nó, mới 8 tuổi cũng đã biết cùng với mẹ đi xin phân heo, cuốc đất,
tưới nước để trồng khoai lang, khoai mì, biết xắt lát củ khoai phơi khô để dành
thăm nuôi cha nó, biết cất lại một phần khoai để ăn độn với gạo cho đỡ đói, vì
gạo tiêu chuẩn có bao giờ ăn đủ cho 5 người! Hình ảnh đáng thương nhất là con
bé H. L. 5 tuổi ngồi đưa võng cho thằng em 3 tuổi, vừa đưa vừa hát à… ơi nghe
đau lòng đứt ruột! Khi trái chùm ruột chín, con bé tự ý giã muối ớt, đựng chùm
ruột trong chiếc rỗ nhỏ, rồi đem ra đầu hẻm nhà mình mời các bạn nhỏ trong xóm
mua.
Tội nghiệp các con tôi! Các con tôi cũng đói lắm, cũng thèm nhâm nhi chùm ruột
với muối ớt lắm, vậy mà… Có người mẹ nào tim không quặn thắt, ruột không đứt từng
khúc từng đoạn trước những tình cảnh này!
Cuộc sống của 5 mẹ con tôi trong căn nhà lá ấy, không sao kể xiết nỗi thống khổ,
vất vả và đói khát. Tôi nhớ một câu văn của Thạch Lam: “Đói như cào ruột,
đói như chưa từng thấy bao giờ”. Bây giờ thì tôi đã có kinh nghiệm xương
máu cái nghèo, cái đói đây! Nghèo đến nỗi khi đổi tiền, tôi không đủ tiền để đổi
nữa. Học trò hàng xóm tốt bụng đưa tiền nhờ đổi giùm, sau đó tặng cho chút đỉnh
gọi là “để cô mua bánh cho mấy em.”
Ông xã vào tù rồi, phải mất mấy tháng sau, tôi mới được giấy cho đi thăm nuôi.
Đây là lần thăm nuôi đầu tiên. Thời gian thật ngắn, vui thì ít mà xót xa lại
nhiều. Tôi cảm xúc viết vài dòng thơ nói lên nỗi bi ai của tôi sau khi về
nhà:
Khóc hết nước mắt đêm thâu
Sáng nay tươi tỉnh em vào thăm anh.
Chân em thoăn thoắt, nhanh nhanh,
Quản chi xách nặng, thênh thênh đường dài.
Ra đi định nói bao lời,
Đến khi gặp mặt hỡi ơi nghẹn rồi!
Bàn ngăn hai đứa ai ngồi
Lù lù một đống, muốn sôi gan mình.
Nói qua quýt, chuyện loanh quanh….
“Mấy con sức khỏe?” Băn khoăn hai người…
Còi huýt: “Năm phút rồi thôi!”
Bây giờ đôi ngả, đôi nơi chia lìa!
Có dạo đi thăm nuôi ông xã, tôi gởi cho anh ấy mấy đồng để mua đồ ăn thêm. Nhiều
tháng sau, lúc ra thăm trở lại, hỏi anh tiền hôm đó có mua được gì không. Anh
nói vẫn còn nguyên. Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để
nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ “nuốt cái đói khát” của vợ con!
Còn nỗi chua xót, đau đớn nào cho tôi hơn nữa!!!
Ở tù được hai năm rưỡi thì anh ấy được thả về. Thôi thì hết làm thợ mộc, thợ nề,
lại đi bốc, đi vác… khi áo blouse xưa không được dùng đến nữa. Được hơn ba
tháng thì Ủy Ban Nhân Dân Phường gọi anh ấy đến để “động viên” nhắc
nhở “đăng ký” đi kinh tế mới”. Anh ấy không chịu, lấy lý do:
trong trại cải tạo, anh đã được học tập về đường lối, chính sách của nhà nước
là sẽ lưu dụng những thành phần chuyên môn, và anh đang chờ đợi. Không ngờ đó lại
là cái cớ để họ bắt anh vào tù lần thứ hai, bị ghép vào tội chống nhà nước. Lần
sau này anh bị đưa vào trại biệt giam. Mấy tháng sau họ mới cho thăm nuôi. Khi
gặp mặt, tôi thấy anh xanh xao, u buồn. Anh dặn dò: “Lần sau nhớ mua cho
anh cây lược dày để chải chí và thuốc Dep để trị ghẻ.” Điều kỳ cục là trại
này không cho người tù nhận những món như bánh tráng, gạo…, chỉ cho nhận những
thứ ăn chơi như: kẹo, bánh, đường, đậu… Lỡ mang đi, bị buộc mang về. Ra về lòng
tôi vừa xót xa…
Lão trưởng khóm nơi tôi ở nói với tôi: “Chồng cô sẽ ở tù suốt đời vì tội
phản động”. Tôi nghe mà bủn rủn tay chân. Thôi chết rồi, biết làm sao đây! Tiếp
theo phường lại “động viên” tôi, biểu tôi đi kinh tế mới. Tôi
đáp: “Tôi yếu đuối, 4 con còn quá nhỏ, tôi làm được gì nơi đó?” Cũng
may, nếu nghe lời họ, bây giờ mấy mẹ con tôi biết còn sống không?
Suốt mấy năm gian khổ, khi không thể cầm cự nổi nữa (năm 1980) tôi xin thôi việc,
bỏ Phan Thiết về Long Xuyên để ở gần cha mẹ tôi (lúc bấy giờ ông bà đang sống
cùng gia đình người anh của tôi). Ông xã tôi lúc đó còn trong tù, tôi phó mặc
cho Trời, vì tôi không còn sức lực, không còn khả năng đi thăm nuôi nữa.
Trên danh nghĩa, tôi về Long Xuyên để nhờ anh tôi giúp đỡ. Chưa đầy một tháng
thì anh ấy đưa toàn gia đình đi vượt biên hết (sau này tôi mới biết nhiều lần
ông ấy đã đi vượt biên không thoát, nên gợi ý tôi về hòng che mắt công an, phường
khóm.) Cha mẹ tôi lúc đó đã già. Anh tôi đi, ông bà mất chỗ dựa, lại thêm địa
phương làm khó dễ vì nhà có người vượt biên nên bị khủng hoảng tinh thần, lâu dần
sinh bệnh, nhất là mẹ tôi, bà đau ốm liên miên. Cuộc sống ở đây tuy gần cha mẹ
tôi, nhưng lúc nào lòng tôi cũng thấp thỏm lo âu, cứ nơm nớp sợ không biết ngày
nào người ta sẽ đuổi mình ra khỏi nhà, chừng đó biết đi đâu?
Hơn một năm sau, 1981, thình lình ông xã tôi được thả về. Từ đây, anh đi chích
dạo, bán thuốc lá lẻ, bán vé số, làm đủ mọi nghề cho đến ngày nộp đơn đi
H.O.
3. Từ giấy ra trại tới cuộc phỏng vấn
Vì bị tù hai lần, ông xã tôi như một con chim bị đạn, cứ lo sợ không biết
còn bị bắt lại nữa không. Vì thế, lúc nghe người ta kể về việc nộp hồ sơ đi Hoa
Kỳ theo diện H.O., ông xã tôi vô cùng e ngại, lo sợ bị gạt, phải chờ đến khi có
người bạn đi trước gởi thư về khuyên nhủ ông mới mạnh dạn làm thủ tục để ra
đi.
Giấy ra trại là một vấn đề khiến gia đình tôi không yên tâm chút nào, vì trên
giấy ghi rành rành “tội phản động chống chính quyền”! Chúng tôi hỏi
thăm nhiều người, không ai có tờ giấy ra trại ghi như thế cả. Chúng tôi cũng được
biết chính phủ Mỹ chỉ cho những thành phần quân, cán, chính chế độ cũ ở tù 3
năm trở lên mới được đi định cư ở Mỹ, còn những người chống chính quyền thì
không được. Chúng tôi lại hỏi ý kiến bạn bè và được khuyên làm sẵn một tờ tường
trình lý do bị tù lần hai. Vậy là có tờ report chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.
Rồi ngày gia đình tôi vào gặp phái đoàn Mỹ cũng tới. Tôi nhận thấy những gia
đình H.O. được phỏng vấn trước, hầu như đều được giải quyết mau lẹ, không như
gia đình tôi. Những đêm trước khi phỏng vấn, tôi đã cầu nguyện cho mọi việc
suôn sẻ. Vậy mà, khi gặp phái đoàn chúng tôi vẫn run, nhất là khi bà Mỹ nêu câu
hỏi: “Tại sao anh là Bác Sĩ mà phải đi cải tạo cả 5 năm rưỡi?”. Ông
xã tôi khựng lại. Tim tôi đập thình thịch! Lát sau, bình tĩnh lại, tôi nhắc: “Anh,
tờ report.” chừng đó anh mới sực nhớ ra và đáp: “Xin bà đọc tờ
report.” Sau khi đọc xong, họ OK liền. Vậy là thoát nạn. Lúc ấy cả nhà tôi
như vừa chết đi được sống lại.
4. Thời qua Mỹ
Gia đình tôi đến Hoa Kỳ năm 1992. Riêng tôi, qua năm sau mới được đi vì phải
ở lại điều trị bệnh. Lúc mới qua, chồng và các con tôi đều nỗ lực làm việc và học
hành. Con gái, con trai đều đổ ra shop may: Con trai thì ủi đồ và cắt chỉ, con
gái lãnh đồ may. Sau một thời gian, con tôi vào Đại Học, nay thì đã tốt nghiệp
và đi làm. Ông xã tôi, lúc mới qua, tự thấy lớn tuổi rồi, nếu học lại để lấy bằng
thì ai thèm mướn nên cũng đành ra shop may lãnh đóng khuy nút một thời gian,
sau đó vô làm ở một hãng Mỹ chuyên sản xuất nữ trang cho đến ngày nghỉ
hưu.
Riêng tôi, thời gian vất vả trong những tháng năm cũ đã vắt kiệt sức lực của
tôi. Tôi chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong nhà, chứ không bươn chải nổi
như người khác được.
Đến Hoa Kỳ, không ngờ chúng tôi có cơ duyên gặp lại những người bạn Việt Nam
thân quen gần nửa thế kỷ, thật là vui! Có hai ông Bác Sĩ người Mỹ là Colman và
Denatale cùng làm việc với ông xã tôi hồi ở Quảng Trị, trước mùa hè đỏ lửa,
cũng tìm tới tận nhà thăm chúng tôi. Ai dám nói người Mỹ thực dụng, thiếu nghĩa
tình? Vài tháng trước đây, cô con gái của ông Bác Sĩ Krainick từ Ohio cũng gọi
phone qua hỏi thăm và nhắc lại những kỷ niệm xưa của cha mình với ông xã tôi
(Bác Sĩ Krainick ngày xưa dạy ở Đại Học Y Khoa Huế, là thầy của ông xã tôi, bị
Việt Cộng sát hại năm Mậu Thân). Thật là đậm đà tình người!
Đời tôi, những lúc vui buồn đều có bạn bè chia sẻ. Hôm tôi gởi bài viết của
H.L., con gái tôi, kể chuyện thời đi bán vé số ở Long Xuyên bị người ta nhiếc mắng,
chị LT người bạn thân ở Phan Thiết, từ Michigan gọi qua nói trong nước mắt: “Tội
quá! Sao hồi đó em thiếu thốn, khổ cực thê thảm như vậy mà không chịu nói ra.
Em làm chị đang ân hận là đã không giúp em!”. Tôi đã câm lặng bao nhiêu
năm trời để giữ gìn cái danh dự gia đình của tôi: “Đói cho sạch, rách cho
thơm” “Hãy đứng trên đôi chân mình và ngững cao đầu tiến bước.”
Nhìn lại những chặng đường đã qua, tôi tự thấy mình đã tận lực trong vai trò
người mẹ, người vợ của một quân nhân VNCH trước và sau 30-4-75. Đời tôi sống
đơn giản, không đua đòi se sua, không xúi giục chồng làm giàu bằng con đường tắt
cong queo. Đó là nguyên nhân tôi nhận lãnh những cay đắng của cuộc đời, và những
tủi nhục của tình đời. Tuy nhiên, hạnh phúc nào mà không trả giá bằng đau khổ?
Nếm đủ cay, chua, mặn, đắng… chỉ làm cho ta cuối cùng thấy hạnh phúc thêm ngọt
ngào hơn.
Cám ơn cuộc đời đã cho tôi và gia đình tôi nếm trải qua đủ mùi vị. Cám ơn nước
Mỹ đã đưa gia đình tôi qua đây để được sống những ngày an lành, hạnh phúc.
N. K.
No comments:
Post a Comment