Friday, February 10, 2017

NGÀY TẾT ĐÂU RỒI (Lê Thị Mỹ Linh)




Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,
Dù bận rộn công việc làm, vừa lo cho chồng là một khoa học gia lúc nào cũng với chồng sách và nghiên cứu…(như bài "Tâm Tình Đầu Xuân" kỳ rồi), nhưng chị Mỹ Linh cũng đã dành thì giờ quý báu của chị để tiếp tục cung cấp bài mới cho CVNN.
Theo yêu cầu của Thukỳ và những độc giả ngưỡng mộ, kỳ này chị viết tiếp "Ngày Tết Đâu Rồi?” mô tả đời sống  đầy đủ ở Âu Châu, nhưng trong lòng chị vẫn nhớ về những cái tết năm xưa, là lúc chị có những ngày hạnh phúc bên bố mẹ và gia đình.
Mời quý thầy cô và các anh chị đọc tâm tình của chị để cảm thông nỗi lòng của một người con vẫn mơ hoài về khung trời cũ với bao kỷ niệm êm đềm của ngày Tết truyền thống Việt Nam.
Trân trọng,
Thukỳ.

Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, cầm những tấm thiệp chúc Tết trong tay với lời chúc Tân Xuân Hạnh Phúc, Tài Lộc Dồi Dào, có mai vàng pháo đỏ, rượu nồng....tôi vẫn thường bâng khuâng tự hỏi những ngày Tết của tôi đâu rồi?

Thật ra tôi muốn nói về những ngày Tết xa xưa.   Lâu lắm.... thấm thoát cũng ngót hơn 40 năm rồi. Nơi quê nhà, ngày Tết có ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình tụ họp đông đủ đầm ấm... Sau ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời là không khí Tết trong gia đình bắt đầu nhộn nhịp, đón rước các anh chị đi học từ xa về. Các anh chị tuy còn đi học cũng cố gắng dành dụm chút tiền tiêu để mua quà Tết cho các em, dù mẹ đã mua sắm đầy đủ cho mỗi đứa một vài bộ áo quần và đôi giày mới để ngày mồng một đi chúc Tết bà con và khoe áo mới với bạn bè.

Tôi nhớ mãi hình ảnh Mẹ tôi ngồi cắt từng miếng củ cải, cà rốt, đu đủ, củ kiệu để làm dưa món, rồi bà cố gắng thái thật mỏng những lát gừng và dừa để rim mứt. Ngồi bên cạnh bếp than hồng nóng hực với thau nước đường cát trắng trong như pha lê, mẹ tôi luôn tay tưới lên những lát dừa trắng như giấy. Tôi chăm chú nhìn nước đường đang sôi và bốc mùi thơm trong thau, một ý nghĩ hiện lên trong đầu thật ngây ngô, tôi hỏi mẹ:
  -Tại sao người ta gọi là Tết hở mẹ ?
 Mẹ đang bận rộn với công việc cũng cố gắng trả lời:
   -Vì "La tête " là cái đầu, nên những ngày đầu năm người ta gọi là Tết đó con.

Mẹ biết tôi đang học tiếng Tây nên mẹ nói đùa với tôi như vậy. Nhưng tôi cảm thấy ngồ ngộ và tủm tỉm cười. Tôi nói mẹ trả lời hay quá! Trong lúc chuyện trò với mẹ thật vui vẻ khiến cho thời gian hầu như qua đi nhanh hơn và làm cho mẹ cảm thấy bớt nhọc nhằn.  Nước đường trong thau đã cạn dần, những lát dừa quấn lại với nhau thật đẹp vì đã được bọc một lớp phấn đường cát trắng và đồng thời cũng ló ra những cọng dừa gãy vụn, vàng sém nằm sát dưới đáy thau.
Tôi nũng nịu cười với mẹ:
    -Mẹ cho con cạy nồi nhe mẹ.
Mẹ bảo còn nóng lắm con ơi!  Nhưng mẹ cũng chìu tôi, bà đã mạnh tay cạy lên những miếng vụn dưới đáy nồi và thổi qua loa cho bớt nóng rồi âu yếm đưa cho tôi. Tôi bỏ vào miệng một lát mứt dừa đầu mùa vàng sém thơm ngon và ngọt ngào như tình mẹ thương con. Nhìn tôi vừa ăn vừa thổi một cách ngon lành, mẹ nói :
    -Con gái yêu của mẹ lớn như thổi, trên gương mặt tươi sáng và rạng rỡ như trăng rằm mười sáu đã có vài mụn nhỏ của tuổi dậy thì, mấy bác bạn của ba mẹ đến chơi đã để ý cho con trai của người ta rồi đó.
Tôi mắc cỡ dúi đầu vào lòng mẹ và nói:
   -Con còn nhỏ lắm mẹ ơi!
Mẹ gật đầu:
   -Ờ, con của mẹ còn ngây thơ lắm, nhưng phải ý tứ, công dung, ngôn hạnh. Phải học ăn, học nói, học gói, học mở để mai kia mốt nọ đi về làm dâu nhà người ta khỏi bị chê cười.
Tết nhứt là dịp thi đua bánh mứt nên mẹ đã khéo tay trổ tài và làm cho con gái bắt chước.
 Hồi nãy giờ cứ mãi theo mẹ học làm bánh mứt mà không nghe tiếng của Ba đâu hết, thì ra Ba đang phơi pháo trước sân vườn. Ông đã kết những phong pháo lại với nhau thật dài rồi đem phơi nắng để chuẩn bị đón giao thừa với tiếng nổ dòn vang.

Trước sân vườn cũng đã đầy những chậu cúc đại đoá, thược dược mà Ba rất ưa thích. Mỗi ngày Ba đi chợ hoa để chọn một cành mai thật lớn và nhiều nụ. Đối với ông, cành mai rất quan trọng trong ngày Tết.  Thủy tiên và mai phải nở đúng vào sáng mồng một Tết, tượng trưng cho sự may mắn, thăng quan, tiến chức, bổng lộc và hạnh phúc. Còn Mẹ thì ngày nào cũng đi chợ về với chiếc xích lô đậu trước cổng nhà. Thấy bóng mẹ về là tôi vui mừng reo lên "Mẹ đã về" rồi chạy lẹ ra phụ mẹ bưng đồ vào nhà. Nào là lá chuối, lá dong, nếp, đậu, thịt để chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Măng khô hầm giò, thịt ngâm nước mắm, rau cải, dưa hành... Ôi! chuẩn bị ăn Tết sao mà công phu quá, từ nhà cửa, áo quần, giày dép, nón mũ, cái gì cũng phải mới để đón rước một năm mới tràn trề hy vọng....
Trước giờ đón giao thừa, nhà cửa đã được dọn dẹp, chưng bày đẹp đẽ...

Năm này đến năm khác, xuân đi xuân đến vẫn còn xuân. Mỗi năm chỉ có 365 ngày, mong đến ngày Tết tôi cảm thấy dài cả cổ. Vì chỉ có ngày Tết mới được xếp bút nghiên, sách vở để vui chơi và thưởng thức tất cả những gì mình ưa thích hoà cùng khí trời mát mẻ, cây lá xanh tươi, và cũng là dịp mà trai gái có thể gặp gỡ để nảy nở tình yêu.
       Một hôm trận gió tình yêu lại
       Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ
       (Huy Cận)
Không có kỷ niệm nào đẹp bằng tuổi thơ và ngày Tết bên mái ấm gia đình. Bên bếp lửa hồng quây quần xúm xít với nồi bánh chưng. 
Trong không khí thiêng liêng của phút giây giao thừa, trên bàn thờ hương hoa thơm ngát, tiếng pháo đì đùng báo hiệu một năm mới đã đến, tình yêu thương của gia đình đã nuôi tôi lớn. 
Mấy chục năm qua, xuân đi xuân đến trên đất khách cũng đầy đủ bánh chưng, bánh tét nhưng thiếu hương vị tình thương  gia đình và nhất là thiếu hình bóng người mẹ hiền yêu mến đã an giấc ngàn thu bên cạnh Ba, nên dường như ngày tết của tôi không còn ý nghĩa gì nữa hết.
Khi Mẹ còn sống cứ mỗi độ Xuân về vì nhớ quá quê hương yêu dấu nên Mẹ thường ngâm nga bài thơ của Chế Lan Viên:
Tôi có chờ đâu,có đợi đâu
Đem chi Xuân đến, gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo Xuân sang

Ai biết hồn tôi say mộng ảo
 ý thu góp lại cản tình Xuân
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn

Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran
Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

Mẹ của con ơi! đây là linh hồn của Mẹ sẽ đi theo con suốt đời, dù ở tuổi nào con cũng là đứa con vô cùng nhỏ dại của Mẹ, mặc dầu bây giờ mẹ không còn nữa để ôm ấp, an ủi con mỗi khi con buồn nhưng ở đâu đó mẹ luôn che chở cho con trong tình thương yêu mẫu tử thiêng liêng, mẹ mỉm cười khi thấy con vui.

Dù là nữ sinh ngoại tộc (xuất giá tùng phu) nhưng con vẫn được thờ kính Ba Mẹ ngay trong căn nhà con đang ở, tứ thân phụ mẫu con đã thờ kính tôn nghiêm.

Con cái của Ba Mẹ ở khắp bốn phương trời và ở đâu cũng có thờ kính Ba Mẹ nhưng con có linh cảm Mẹ chỉ thích ở bên con, con không còn "sợ ma"  như lúc nhỏ nữa vì đã có Mẹ.

Đông đã về, xuân sẽ đến. Kỷ niệm của những mùa xuân xưa, của tuổi thơ, của những người thân yêu chợt đến với tôi. Trong tôi chợt lắng đọng một nỗi nhớ mông lung
Kính dâng Ba Mẹ nhân dịp ngày giỗ năm nay cũng đúng vào ngày thứ Bảy11/2/2017.


Lê Thị Mỹ Linh

No comments: